Những nghệ sĩ hài: Tận hiến đến phút cuối cùng

Thứ Hai, 09/12/2013, 18:45

Thông tin Trung tá Tuấn Dương (nguyên là diễn viên Đoàn kịch Công an nhân dân) qua đời vì căn bệnh ung thư thực quản khiến bạn bè trong giới hết sức sửng sốt. Anh ra đi quá vội vàng, sau một thời gian ngắn ủ bệnh và sau một cơn khó thở khi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Trước lúc ra đi, anh chưa kịp trăng trối điều gì vì nghĩ mình còn “dai sức lắm”. Với cá tính của một người diễn hài, anh còn trêu cô cháu gái: “Lo cái gì, mệnh lớn lắm, Nhâm Thìn cơ mà...!”.

Có lẽ, bây giờ ở một cõi khác, nghệ sĩ Tuấn Dương đang được giải thoát khỏi những đau đớn, nhưng sự ra đi của anh là một nốt lặng buồn để biết rằng, khoảng cách giữa sự sống và cái chết quá mong manh và tất cả chúng ta phải biết trân trọng hơn sức khỏe của chính mình cũng như biết tận hiến cho những ngày sống thật có ý nghĩa.

Nghệ sĩ Tuấn Dương: Lạc quan dù rất đau đớn

Căn bệnh tai quái cướp anh đi ở tuổi 61, độ tuổi hăng hái làm nghề, hăng hái cống hiến.

Anh Tuấn Duy, giảng viên Trường đại học Thương mại, em trai của nghệ sĩ Tuấn Dương cho biết: "Anh Tuấn Dương là nghệ sĩ, anh có những đam mê riêng của mình, hút thuốc lá, uống rượu nhiều và chẳng bao giờ biết đi khám bệnh, vì thế đùng một cái, thấy khó ở trong người mới đi kiểm tra thì mới biết mình bị ung thư thực quản giai đoạn cuối. Vậy mà anh vẫn giấu bạn bè để tiếp tục đi đóng phim. Anh bảo, phải để bạn bè thấy mình khỏe mạnh, vui vẻ thì mới diễn hài được chứ. Ai cũng nhìn mình với tư cách một "con bệnh" thì kỳ lắm. Gần đây, anh đã đóng phim "Trò đời" (chuyển thể từ các tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng đang chiếu trên kênh VTV1 - PV). Trước khi mất, anh đã hoàn thành một chùm phim tết cho Tết Giáp Ngọ 2014.

Tôi hỏi anh, gầy thế này thì anh đóng phim làm sao được, anh lặng lẽ cười mỉm: Gầy thì đóng vai gầy chứ sao! Chỉ khi phải chạy hóa chất rụng hết tóc và sức khỏe thực sự rất yếu thì anh mới ở nhà điều trị. Anh ấy vẫn tỉnh táo đến phút cuối cùng dù khá đau đớn. Ngày cuối cùng anh ra đi quá nhanh, quá nhanh so với tưởng tượng của mọi người, bản thân anh ấy cũng lạc quan lắm, anh vẫn biết bệnh trầm trọng nhưng không nghĩ là mình có thể ra đi nhanh thế, chỉ sau khi lên một cơn khó thở bất ngờ và không thể cấp cứu được…".

Lê Huyền Trang, cháu gái của nghệ sĩ Tuấn Dương chia sẻ trên trang facebook của mình: "Bạn có biết tại sao người ta thường nói: "Có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời"...? 60 năm, một lục thập hoa giáp, con người được sống đúng năm mà Can Chi trùng với năm sinh. 60 năm, là dấu mốc kết thúc một vòng quay, để chuyển sang một vận mới. Hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn... (Mà cuộc đời, đâu biết cái gì tốt hơn, hoặc xấu hơn? Phù du như nhau cả thôi!).

Bác tôi tuổi con Rồng, sinh năm Nhâm Thìn (1952). Khi cả nhà lo lắng cho bệnh tình của ông, ông vẫn cười hào sảng: "Lo cái gì, mệnh lớn lắm, Nhâm Thìn cơ mà...!". Ông vừa bước qua một lục thập hoa giáp của đời mình... Để sang một vòng quay khác. Còn mẹ nghệ sĩ Tuấn Dương, người đã sống ở tuổi 88 thì khóc ngất trước con vì "Lá vàng còn ở trên cây…", bà cứ thế ôm lấy túi thuốc, quần áo của con khóc, rồi hát ru như thể con mình chỉ đang đi vào giấc ngủ.

Lần nào gặp nghệ sĩ Tuấn Dương cũng thấy anh vui vẻ, phấn chấn đến lạ lùng. Dáng người nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, hóm hỉnh như chính những vai diễn của anh trên màn ảnh, những vai nông dân, trưởng thôn, hoặc gã chồng… sợ vợ trong các bộ phim nổi tiếng đã phát sóng như: "Đất và người", "Làng ven đô", "Chuyện đã qua", "Lều chõng", "Lập trình trái tim"… Anh luôn mặc áo "chim cò", luôn có ví đeo trước bụng và luôn khiến mọi người cười ngay cả khi kể một câu chuyện… nghiêm túc.

Những năm 89 - 90 thế kỷ trước, anh nổi lên với vai diễn Xuân “Tóc đỏ” trong vở kịch "Số đỏ", dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Diễn viên Tuấn Dương (phải) trong kịch truyền hình “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”.

Anh từng kể: "Một lần, vừa dạy nhảy xong tôi lang thang đến các lớp kịch để xem thì thấy đoàn kịch đang tập vở "Số đỏ" và chưa tìm được ai vào vai nhân vật Xuân “Tóc đỏ”. Tôi đã thử vai và không ngờ mình lại diễn hợp đến như thế. Sau này, vở kịch đã đi lưu diễn khắp nơi trên cả nước đã nhận được sự tán dương của khán giả. Chúng tôi đã có một thời kỳ sống trong ánh hào quang thực sự của sân khấu.

Tôi vẫn còn nhớ, trong vở kịch có một cảnh, chàng Xuân “Tóc đỏ” bế bà Phó Đoan (do Ngọc Dậu đóng) vào trong phòng, nhưng hồi đó, tôi nhỏ con còn nghệ sĩ Ngọc Dậu thì hơi to béo nên được một vài đêm thì tôi bị… đuối sức và để tuột bà Phó Đoan xuống đất. Ngay lúc đó, chị Ngọc Dậu nhanh ý diễn luôn cảnh ngược lại: chính bà Phó Đoan bế Xuân “Tóc đỏ” vào phòng, vừa bế vừa nói: "Thôi, để tôi bế cậu!". Vậy là khán giả được trận cười no nê. Cũng từ hôm đó, Đoàn quyết định thay đổi cảnh ấy luôn trong kịch bản".

Thành công trong những vai diễn hài, nên ít người biết rằng, anh là người có nhiều năm tháng trong quân ngũ và trước khi về nghỉ hưu là một chiến sĩ công an với cấp hàm trung tá của Đoàn kịch Công an nhân dân.

Khi tôi hỏi về những kỷ niệm của anh với nghề chính của mình, nghệ sĩ Tuấn Dương đã chia sẻ: Tôi về Đoàn kịch Công an nhân dân ngay từ thời kỳ đầu tiên, tham gia cùng đoàn hàng chục vở diễn như "Chiến hạm Amônivin", "Thằng Mẫn tóc nâu", "Đám cưới trong đêm mưa", "Quả báo", "Khoảnh khắc", "Tình xưa", "Đối đầu"… Nhưng diễn kịch chủ yếu cho các đơn vị trong ngành nên nhiều người chỉ quen với một Tuấn Dương hài trên màn ảnh nhỏ không bao giờ mặc quân phục.

Có lần, Đoàn kịch Công an nhân dân đi biểu diễn ở một đơn vị công an tỉnh. Vở diễn được một phần ba thì mới có vai diễn của tôi. Khi tôi ra sân khấu thì ở dưới có mấy anh lính trẻ thốt lên rõ to: "Ô, ông này là… công an à?". Thực tế thì những vai diễn của tôi, đặc biệt là các vai mang tính hài hước không có nhiều đất diễn, vì thường là các vai ngắn. Dù thế, mỗi khi xuất hiện dù với chỉ một câu nói thôi, thì câu nói đó cũng phải gây cười.

Chẳng hạn, khi ban chuyên án đang làm việc thì anh lính (là tôi) phát biểu một câu thật thà đến mức… buồn cười và khiến cho câu chuyện bớt căng thẳng! Bởi vai diễn của mình chỉ xuất hiện rất ngắn nên tôi luôn cố gắng tìm những điểm mạnh của mình trong vai diễn đó, về ngoại hình, cách ăn mặc, hóa trang, kể cả cách đi lại trên sân khấu để khán giả có ấn tượng. Mỗi diễn viên đều có một cách tự rút kinh nghiệm cho mình và bản thân tôi, có lẽ tôi có duyên khi vào những vai hài, cho nên ngay cả cái cười của tôi đôi khi cũng được khán giả nhớ đến".--PageBreak--

Là người mang đến cho khán giả cũng như bè bạn những nụ cười, nhưng ngoài đời, Tuấn Dương là người có nhiều nỗi niềm trắc ẩn. Mãi đến tuổi 56, anh mới tìm được nửa kia của mình, chị Nga, để nương tựa tuổi xế chiều. Chị là người cũng lỡ chuyến đò, gặp anh, chia sẻ cùng anh những lo toan tuổi xế chiều, như đôi bạn già, chăm sóc cho anh tận tâm những ngày bạo bệnh. Nhưng có lẽ, thân phận của người nghệ sĩ đã ám vào anh nỗi cô đơn tiền kiếp. Tôi vẫn nhớ, những buổi chiều muộn, sau những giờ đóng phim, lồng tiếng, anh thường ngồi tụ tập quán bia cỏ cùng bè bạn. Có lúc ánh mắt của anh xa xăm, diệu vợi, khác hẳn với một Tuấn Dương liến láu trên màn ảnh nhỏ.

Khi tôi hỏi về những điều khiến anh còn trăn trở trong mỗi câu chuyện cùng bè bạn, anh đã chia sẻ: "Ai cũng có một khoảng lặng của riêng mình, tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Những người diễn viên thế hệ chúng tôi làm nghề và yêu nghề vô điều kiện nên cứ theo đuổi công việc mà không bao giờ nghĩ quá nhiều đến vật chất hay tuổi tác, nhìn lại, vèo một cái đã chạm đến tuổi già mà mình vẫn chưa có một gia sản gì đáng giá trong tay.

Có lúc tôi cũng chạnh lòng thương cho chính mình nhưng biết sao được, cuộc sống, đó là số phận rồi. Cũng không vì thế mà tiếng cười của mình bớt đi sự thoải mái. Đến nỗi, bạn bè tôi, cuộc nào cũng muốn tôi góp mặt vì tôi là người luôn biết làm bạn mình vui và luôn cười như thể cuộc đời chẳng có gì đáng phải buồn cả. Bởi thế mà bạn bè đôi khi có chuyện gì buồn vẫn nói một câu rất khẩu hiệu: Cười như Tuấn Dương ấy!".

NSƯT Trịnh Mai: Nâng niu từng kỷ niệm

Cách đây 4 năm, ông "Chát xình, chát chát, bùm" ra đi ở tuổi 76, sau hơn 4 tháng chống chọi với căn bệnh ung thư phổi. Sau hơn một tháng điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), bác sĩ khuyên nên đưa ông về nhà để người thân tiện chăm sóc. Trong những ngày cuối đời, "thầy Min Toa - Số đỏ" không hề tỏ ra buồn bã, tuyệt vọng mà ngược lại, luôn hài hước động viên con cháu.

Ông dùng tinh thần lạc quan của mình để an ủi vợ, người phụ nữ đã vì ông mấy chục năm trời, từ khi Trịnh Mai còn là công nhân Xí nghiệp da giày Hà Nội đến khi ông trở thành diễn viên được nhiều người quen mặt nhớ tên. Với Trịnh Mai, sinh lão bệnh tử là chuyện không ai tránh được, cái quan trọng là ông đã hài lòng với những gì mình đã làm trong 76 năm cuộc đời.

NSƯT Trịnh Mai.

Tôi vẫn nhớ những lần gọi điện thoại hẹn gặp NSƯT Trịnh Mai trong căn nhà nằm sâu trong con ngõ nhỏ của phố Hàng Bông. NSƯT Trịnh Mai đón tôi bằng nụ cười hiền quen thuộc của ông - nụ cười tôi đã nhìn thấy rất nhiều lần trên màn ảnh nhỏ.

Nghệ sĩ Trịnh Mai kể lại rằng, ông có duyên "chọc cười" khán giả với những vai diễn nhỏ đầu tiên trong vở "Bức tranh mùa gặt", "Tiền tuyến gọi" trên sân khấu của Đoàn kịch Hà Nội với vóc dáng thấp nhỏ, đôi mắt hấp háy, cái cười… tỉnh bơ. Duyên hài hước trên sân khấu cũng đã theo chân ông sang điện ảnh.

Trong diễn xuất có khi ông chẳng cần "lên nhời", cũng chẳng có cường điệu thái quá trên gương mặt hay trong các động tác… nhưng vẻ nhấm nhẳng toát ra thầm lặng qua cái vẻ "tỉnh bơ" kia cũng khiến khán giả không nhịn được cười, như cán bộ thanh tra trong phim "Dịch cười"; luật sư trong "Chát xình, chát chát, bùm", thầy Min Toa trong phim "Số đỏ"; Quan khâm sai trong phim "Thằng Cuội"; Vua tín dụng trong phim "Không phải chuyện cười"...

Ông "tưng tửng" bước vào phim, "tưng tửng" chọc cười như thể ông đang chuyện trò cùng bạn bè ở một quán cóc nào đó. Khán giả cứ việc cười bò ra, còn ông thì vờ lặng lẽ như thể "vô hồn", để lén cất ngọn lửa cười sẽ lại bùng ra ngay sau đó… Tuy đam mê với nghề diễn nhưng dường như số mệnh đã không cho ông đi đến cuối đời cùng những tiếng cười mang đến cho khán giả.

Từ năm 1998, kể từ khi ông bị mổ chân do vôi hóa, NSƯT Trịnh Mai không còn đóng phim nữa. Từ ngày mổ chân, ông yếu dần đi, cho dù những lời mời đóng phim vẫn được các đạo diễn dành cho ông nhưng rồi ông không có cơ hội quay trở lại chốn phim trường nữa. Cánh cửa nghệ thuật đã khép lại với ông. Tuy nhiên, những kỷ niệm về một thời vang bóng ấy, đã nâng niu giấc mơ tuổi già của ông trong căn nhà nhỏ cùng người vợ từ thuở hàn vi. Tôi nhớ hồi ấy, ông đã lật giở từng kỷ niệm cho tôi xem, đó là những tấm ảnh, những tấm bằng khen, những cuốn kịch bản đã cũ mèm với thời gian.

Và một cuốn sách mà ông trân trọng: "Diễn viên điện ảnh Việt Nam", trong đó có một trang viết về ông. Tôi ngỏ ý mượn ông cuốn sách, ông cứ dặn đi dặn lại: "Nhớ phải trả lại cho tôi đấy!".

Bây giờ thì hai nghệ sĩ hài với những tiếng cười dâng đời đã không còn trên cõi thế. Họ đã ra đi, để lại đằng sau tất cả những vinh quang, buồn vui nghề nghiệp. Dù biết rằng, số phận mỗi người đã được ông trời định đoạt, nhưng trước mỗi chia ly tử biệt, luôn không thể tránh khỏi sự đau buồn. Họ ra đi, nhưng tiếng cười mà họ để lại luôn vang vọng trong mỗi thước phim cuộc đời, để đâu đó trong cõi thế, những khán giả của họ vẫn nhận ra rằng, những nghệ sĩ hài, dù gặp phải những cơn trọng bệnh, nhưng họ đã tận hiến khả năng của mình đến những giây phút cuối…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.