Những nghệ sĩ vượt qua nghịch cảnh

Thứ Năm, 07/06/2018, 16:27
Eli Bowen chỉ có 2 bàn chân, một to một nhỏ dính vào khung xương chậu! Bất chấp cơ thể di dạng, Eli nỗ lực phấn đấu để có một cuộc sống phi thường. Anh muốn trở thành một diễn viên nhào lộn…


Nghệ sĩ đàn guitar không tay

Tony Melendez - nghệ sĩ Nicaragua - chào đời không có 2 cánh tay nên phải chơi đàn guitar bằng ngón chân. Mỗi ngày Tony bỏ ra 7 giờ tập đàn bằng ngón chân. Năm 1987, khi 25 tuổi, Tony Melendez chơi đàn trong cuộc viếng thăm của Giáo hoàng John Paul II đến thành phố Los Angeles (Mỹ). Melendez chu du khắp 40 quốc gia trên thế giới cũng như khắp nước Mỹ để diễn thuyết khích lệ những số phận không may như ông. (Ảnh 1)

Họa sĩ không tay

Trong hình là của họa sĩ người Anh không có 2 cánh tay như người bình thường nhưng có tài vẽ tranh bằng chân phải. Peter Longstaff là một trong nhiều đứa trẻ là nạn nhân của thuốc thalidomide vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 khi người mẹ mang thai dùng thuốc này để chữa chứng buồn nôn vào buổi sáng. Peter nói: “Chân phải của tôi giống như bàn tay phải”. Peter lái chiếc xe hơi được biến đổi để đi lại từ nhà ở đến studio và sân thể thao. Tranh của Peter được triển lãm tại Royal College of Art ở London (Anh) năm 2009.

Nghệ sĩ piano không tay

Nghệ sĩ piano Liu Wei chơi đàn bằng các ngón chân và giành được giải thưởng trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Got Talent của Trung Quốc. Ngày 10-10-2010 chính quyền Bắc Kinh quyết định tài trợ cho nghệ sĩ không tay kỳ tài Liu Wei thực hiện chuyến lưu diễn kéo dài 3 tuần ở La Vegas, Mỹ. 

Liu Wei bị mất 2 cánh tay trước đó nhiều năm trong một tai nạn điện khi chơi trò trốn tìm với bạn bè. Liu Wei kể lúc đầu chơi đàn rất gian nan và chân anh thường xuyên bị vọp bẻ. Anh nói với ban giám khảo trong cuộc thi Got Talent: “Không có quy định nào về việc piano chỉ có thể được chơi bằng tay”. (Ảnh 3)

Người không chân trở thành diễn viên nhào lộn

Eli Bowen chào đời ở bang Ohio, Mỹ, ngày 14-10-1844 và là 1 trong số 10 người con trong gia đình. Trong khi anh chị em phát triển cơ thể bình thường thì Eli Bowen lại chào đời chỉ có 2 bàn chân, một to một nhỏ dính vào khung xương chậu! 

Bất chấp cơ thể di dạng, Eli nỗ lực phấn đấu để có một cuộc sống phi thường. Anh muốn trở thành một diễn viên nhào lộn. Eli sớm học cách sử dụng đôi cánh tay và bàn tay thật khéo léo để bù đắp lại sự mất chân. Eli dùng 2 thanh gỗ dày thay thế cho đôi chân và di chuyển bằng 2 tay. Eli có sức mạnh phi thường, dễ dàng nâng một thứ gì đó nặng hơn 60kg bằng 2 tay. 

Lên 13 tuổi, Eli bắt đầu biểu diễn nhào lộn chuyên nghiệp trên những chuyến tàu hỏa trước khi đi theo đoàn xiếc Barnum& Bailey lưu diễn khắp châu Âu. Từ đó anh nổi tiếng với những màn xiếc nhào lộn và lập nhiều kỳ tích về sức mạnh. Với tiếng tăm của mình, Eli kiếm được trên 100 USD mỗi tuần (một số tiền rất lớn vào thời đó).

Vũ công không chân trở thành ngôi sao chương trình truyền hình Indias Got Talent

Vũ công hiphop không chân đã gây cảm xúc mãnh liệt cho khán giả trong một chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng của Ấn Độ với những bước di chuyển nhanh nhẹn và kỹ năng nhào lộn ấn tượng. Vinod Thakur đã bất ngờ nổi tiếng sau khi tham gia chương trình truyền hình Indias Got Talent mùa 1 năm 2010 của Ấn Độ. 

Chào đời không có chân, Vinod Thakur phải cố gắng tập “bước đi” bằng chính đôi tay của mình tại nhà ở phía đông thành phố Delhi. Chương trình truyền hình đã mang lại cho Vinod Thakur giải thưởng 68.000 bảng Anh, vượt xa con số 85 bảng Anh mà anh kiếm được hằng tháng bằng công việc sửa chữa điện thoại di động. 

Một điều bất ngờ hơn nữa là trước khi tham gia chương trình khoảng 5 tháng, Vinod Thakur mới bắt đầu tự luyện tập nhảy hiphop theo các video tải xuống trong một tiệm cà phê Internet ở địa phương!

Nhà nhiếp ảnh người Mỹ không chân

Khi lên 10 tuổi, Kevin Connolly được gia đình đưa đi chơi ở công viên chủ đề Disney World và cơ thể khuyết tật của bé đã khiến mọi người chú ý. Chào đời không chân, Kevin Connolly luôn bị mọi người nhìn chằm chằm mỗi khi bắt gặp và anh hầu như  đã quen với những ánh mắt như thế. Nhưng sự việc đó đã làm lóe lên trong đầu anh một ý tưởng khá thú vị. 

Trong một chuyến du lịch một mình đến châu Âu, Kevin Connolly cảm thấy một người đàn ông lạ mặt đang nhìm chằm chằm vào mình. Anh liền nhấc camera lên hông và chụp ngay vài bức ảnh về người này. Sau đó, Connolly đã lập lại hành động này đến 32.000 lần nữa trong những cuộc du lịch khác nhau của anh, để từ đó tạo ra một bộ sưu tập phong phú về những con người ở các quốc gia khác nhau trên thế giới. Connolly tải những hình ảnh này lên Internet dưới tiêu đề “The Rolling Exhibition” (tạm dịch là: “Cuộc triển lãm di động”).

Một nhà sản xuất đã làm cho Connolly một chiếc “giày” đặc biệt theo đúng kích thước cơ thể anh - trông giống như một cái bát khổng lồ bằng da bọc bên dưới phần hông của anh - cùng với phần đế bằng cao su để chống trượt. Connolly đã sử dụng bộ phận đặc biệt này để bảo vệ cơ thể anh trong phần lớn những hoạt động của mình. Nhiều người không đợi sự giải thích của Connolly về nguyên nhân bị mất đôi chân mà họ tự nói ra ngay. 

Ví dụ, khi du lịch đến New Zealand, một phụ nữ hỏi có phải anh bị cá mập tấn công hay không. Ở Romania, một số người tưởng Connolly là kẻ ăn xin. Còn trong một quán bar ở bang Montana, miền tây bắc nước Mỹ, có người đàn ông mua cho Connolly một cốc bia như để cảm ơn sự phục vụ trong quân ngũ của anh vì tưởng anh là một cựu binh từ chiến trường Iraq!

An Di (Tổng hợp)
.
.