Những người giữ sạch bờ kênh

Thứ Năm, 17/08/2017, 11:21
Ở đó, có những con người luôn dõi mắt ra phía dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm để giữ gìn cảnh quan trong sạch. Nơi đó, bất chấp nắng mưa, họ lái ca nô, luồn dưới từng dạ cầu thấp lè tè để vớt rác, lục bình. Đó là đội vớt rác trên kênh thuộc Xí nghiệp 3, Công ty Môi trường đô thị TP HCM.


Dầm dãi thời tiết

12 giờ trưa, sau khi thông tin tiền trạm cạnh cầu Bùi Hữu Nghĩa (Q. Bình Thạnh) phát hiện một đống rác to tướng và đám lục bình từ đâu dạt về, lệnh từ trụ sở của đội vớt rác (đặt cạnh nhà thi đấu Rạch Miễu, P. 2, Q. Phú Nhuận) được phát ra, chiếc ca nô mang kí hiệu SG 2951 chở theo hai công nhân nổ máy rời bến. Ở phía sau, ca nô thứ hai mang kí hiệu SG 2953 chở theo chúng tôi bám theo để làm nhiệm vụ.

Giữa ngọ, nắng như nhảy múa làm ai nấy như hoa mắt, hai chiếc ca nô long dong trên dòng kênh xanh, phía bên dưới còn thấy cả những đàn cá đang sinh sôi, nô đùa. Trong tiếng ồn ã của động cơ, ca nô chui dưới dạ cầu Trần Khánh Dư, cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Bông. Cả dòng kênh này hiện có 16 cây cầu.

Công nhân vớt lục bình trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đứng trên bờ kè, một số thanh niên choai choai câu cá, tay xăm hình quái thú đang thả câu, bị ca nô chạy vướng vào. Lập tức đám "cần thủ" hung hăng này văng tục xối xả và nhặt đá ném về phía chúng tôi. Ngồi cạnh tôi, người lái ca nô tên Quang hét lên: "Cúi đầu thấp xuống anh ơi, tụi nó ném đá!".

Chiếc ca nô tăng mã lực, sủi bọt trắng xóa trên dòng kênh để tránh cơn "mưa đá" đang ập đến. Thoát xa ra khu vực nguy hiểm, Quang mới tỏ bày: "Dù chính quyền đã cấm câu cá nhưng nhiều người thiếu ý thức quá anh ạ. Khi làm nhiệm vụ, chẳng may quẹt vào cần câu là họ giở thói hung hăng ra ngay. Tụi em đi làm riết cũng quen nên tránh đi cho lành".

Nếu như các cây cầu đầu tiên ca nô thoải mái chui qua dưới dạ cầu vì gầm cao thì gần đích đến, dạ cầu Bùi Hữu Nghĩa rất thấp, ca nô phải lựa khéo mới chui lọt qua dạ cầu. Nơi ấy tiếp giáp một xóm nhà chồ đầy rác. Hai công nhân phải rất vất vả dùng cây vớt rác chống lên dạ đường Trường Sa để ca nô tiếp cận vào bên trong. Chiếc ca nô luồn lách vào cạnh bờ.

Từ đây, các công nhân dùng cây sào vớt rác dài chừng hai mét để hốt và đưa lên thùng nhặt rác được đặt trên ca nô. Đó là đám bịch ni lông, đồ ăn thức uống còn thừa, lon bia mà một nhóm người nào đó "tiện tay" quăng xuống bờ kè. Gặp đám lục bình dày đặc, các anh lại dùng cây sào đập tan chúng ra từng mảnh nhỏ để hốt cho dễ.

Vừa làm, anh công nhân Tuấn vừa nói: "Gặp nhóm lục bình nhỏ thì mình làm theo cách thủ công nhưng gặp đám lục bình đồ sộ thì phải dùng ca nô có trang bị cầu cạp thì mới phá tan đám “bèo dạt mây trôi” này". Mồ hôi túa ra như tắm trên áo và trên từng khuôn mặt của công nhân. Sau nửa tiếng cày xới thì bờ kênh cạnh đó trong sạch, ca nô tìm cách thoát ra giữa dòng để trở về đội.

Tự dưng, cơn mưa từ đâu chợt đổ xuống giữa trời nắng như thiêu đốt. Nhìn lên hai bên bờ kè là đường Trường Sa và Hoàng Sa, người đi đường thắng xe để tìm chỗ trú ẩn. Chúng tôi thì lọt thỏm giữa dòng kênh dài 9 km, bắt đầu từ cầu số 1 (đường Út Tịch, Q. Tân Bình) và kết thúc tại cầu Thị Nghè (Q.1).

Nước bờ kênh trong cơn mưa xanh hơn nhưng chúng tôi thì ai cũng ướt sũng. Giữa tiếng động cơ, Quang - tên người lái ca nô nhẹ nhàng nói: "Nắng mưa là chuyện của trời, riết rồi cũng quen anh à, không thấy ai bị cảm lạnh hay ho khan gì cả". Từng cơn sóng nhỏ lăn tăn vỗ mạn thuyền. Cách đó không xa, xe ô tô chở rác và cần cẩu đang đợi "lấy hàng".

Ngày hôm sau, có mặt tại điểm hẹn trên kênh Tân Hóa -  Lò Gốm, chúng tôi lại tiếp tục theo chân hai công nhân đi vớt rác bằng ca nô. So với kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì dòng nước trên kênh ở các quận ven đô đen và hôi hơn vì các nơi này đang bị ô nhiễm. Trông thấy một người đàn ông đang ngó tới ngó lui để ném bịch ni lông to tướng xuống dòng kênh, Minh - tên của anh công nhân lái ca nô, chạy hết mã lực để cập bờ (đoạn qua quận Tân Phú).

Nhanh như cắt, Minh đứng phắt dậy trên mạn thuyền và la lớn: "Anh ơi, đừng đổ rác xuống kênh, ô nhiễm lắm! Đổ rác bừa bãi xuống dòng kênh là bị phạt hành chính đó!". Vì quá bất ngờ, người đàn ông trạc ngũ tuần chưa ném kịp bịch rác. Sau vài giây, ông này buông một câu thách thức: "Không đổ xuống đây thì mấy cậu lấy việc đâu mà làm". Nói xong, ông này đi mất.

Chứng kiến đoạn hội thoại vừa qua, chúng tôi thấy vài người dân khựng lại, không ném rác xuống dòng kênh nữa. Ca nô lại nổ máy, giọng Minh ôn tồn: "Ngày nào tụi em cũng gặp cảnh trớ trêu đó. Mình phải chạy ca nô thật nhanh đến ngăn chặn việc làm của họ lại trước khi quá muộn.

Chuyện bị chửi, văng tục, thậm chí bị đòi đánh thì ngày nào cũng xảy ra. Mình làm công việc chung vì cộng đồng, xã hội giao phó, làm đẹp cho mỹ quan đô thị thì có sá gì chuyện sợ hãi phải không anh?". Đối mặt với mấy tay thiếu ý thức đã trở thành như chuyện… cơm ăn, nước uống hằng ngày nên nói xong, Minh lại nhẩn nha câu hát trên sóng nước: "Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…"

Lòng yêu nghề

Ba năm qua, từ ý kiến của các công nhân, đội vớt rác và phân xưởng sửa chữa (thuộc Xí nghiệp 3) đã có sáng kiến làm thêm "te", được ráp vào hai bên thân ca nô trong tư thế dang hai cánh. Khi tàu chạy, rác và bịch ni lông sẽ được tự động gom lại vào túi lưới ở sau thuyền, đỡ công sức của anh em.

Bên cạnh đó, cẩu cạp di động sẽ được gắn vào ca nô để đập tan các đám lục bình lớn, thay cho cảnh "chặt, chém" thủ công như trước đây. Hiện ca nô có ba loại: 14 cv (mã lực), 24 cv và 28 cv. Tùy theo tình hình thủy triều hoặc lục bình lớn nhỏ mà các công nhân sẽ dùng ca nô chuyên dụng cho phù hợp.

Sau giờ vào ca, những người công nhân về bến nghỉ ngơi, đợi lệnh lên đường. Người lái ca nô chở chúng tôi đi thực tế trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hôm đầu tiên là Nguyễn Chí Quang (SN 1991) cũng có bốn năm làm việc tại đội. Em có lẽ là trẻ nhất của đội hiện nay. Vợ em là Chu Thị Thu Trang ở nhà nội trợ, có cậu con trai 4 tuổi nhưng luôn lo hậu phương tốt để chồng yên tâm làm việc. Quang cao to, kiệm lời, hiền như cục bột nhưng nhiều đồng nghiệp nhận xét là khi vào việc thì rất hăng say.

Quang hay đi cặp với anh Lương Mai Tuấn (47 tuổi). Anh Tuấn về đội được hai năm nay, trước ở bộ phận xử lí rác trên bờ. Vợ anh trước đây làm công nhân nhưng nay đã nghỉ việc để nội trợ. Nhà ở huyện Hóc Môn, ngày nào cũng chạy xe gần 20 km để đến chỗ làm. Giọng sôi nổi, anh Tuấn đùa: "Tôi làm công việc cạnh rác, ở cũng gần rác".

Từ sáu giờ sáng, mọi người đã xuống thuyền làm việc nhưng tùy theo con nước. Làm nghề này, thực tế chắt lọc từ những đúc kết tự nhiên sẽ giúp ích cho họ rất nhiều. Từ dạ cầu Công Lý trở về cầu số 1 (Q. Tân Bình), khi nước cạn thì đá nhiều, nước lớn do dạ cầu thấp nên ca nô chui qua rất khó khăn. Do đó, công nhân phải lưu ý triều cường lên xuống mỗi buổi trong ngày để đi nhặt rác có hiệu quả và ca nô không bị trở ngại.

Người lái ca nô chở chúng tôi trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm là Lê Hồng Minh (33 tuổi). Minh cao lớn, trước ở bộ phận xử lí chất thải ở bãi rác Củ Chi, về đội được ba năm nay. Nhà ở tận Hóc Môn đến nay vẫn chưa lập gia đình. Lương tuy không cao nhưng được đảm bảo, mọi người sống trong tình anh em, đồng nghiệp nên cũng vui lắm. Các công nhân đều có chung tâm sự, ngoài vứt rác xuống dòng kênh, nếu người dân vô ý, xả rác bừa bãi trên đường, cống, bờ kè…, gió sẽ thổi bay rác xuống dòng kênh, sẽ gây ô nhiễm dòng kênh.

Hiện xung quanh kênh Tân Hóa - Lò Gốm bị ô nhiễm nên công việc tại đây cũng vất vả hơn. Ngày thường, đội thu nhặt chừng 10 tấn rác mỗi ngày, cao điểm là mùa gần tết nhiều lục bình thì lên tới 15 tấn. Lương trung bình của anh em là 7 triệu đồng mỗi tháng nhưng vì yêu nghề nên họ làm hết việc chứ không hết giờ. Năm ngoái, cá chết hàng loạt nên cả đội phải làm liên tục trong suốt hai ngày. Người nào quá mệt thì lên bờ nghỉ ngơi để anh em khác xuống. Họ luôn làm việc với trách nhiệm cao nhất để đảm bảo cho dòng kênh "xanh - sạch - đẹp".

Ngoài nhiệm vụ thu dọn rác trên kênh, nhiều năm qua, các công nhân của đội vớt rác còn dùng ca nô cứu người bị nguy kịch trên kênh rồi ban giao cho CA. Có hôm đang ngủ, anh em trực thấy la lên tiếng "cứu người", họ tốc mền để phi xuống thuyền, nổ máy, lao về phía có người đang chấp chới. Năm 2016 vừa qua, nhiều lượt công nhân của đội được công nhận là gương điển hành của khối, của thành phố.

Hà Tiên
.
.