Những nguy hiểm về “thuốc lá điện tử”

Thứ Ba, 21/08/2012, 07:30

Thuốc lá điện tử được phát minh bởi các chuyên gia ở Đại học Tổng hợp Oakland, Anh. Nó cho phép người hút giải tỏa được cơn nghiền thuốc lá mà không gây hại cho cơ thể.

Nhìn bề ngoài, điếu thuốc lá điện tử cũng có kích thước gần giống với điếu thuốc lá thông thường. Tuy nhiên, cấu tạo của nó gồm một mạch vi xử lý có nhiệm vụ kích hoạt bộ phận phun hơi nước khi người hút hít vào. Hơi nước này khi chạy qua đầu lọc sẽ được hòa với hỗn hợp tạo mùi cùng với một lượng nicotine thích hợp. Để tạo cảm giác tâm lý, tại đầu điếu thuốc còn có một đèn phát ánh sáng đỏ giống như một đốm lửa lập lòe. Sau khi rít một hơi thuốc, người hút cũng nhả ra một làn khói  giống hệt như khói thuốc thật.

Mức độ nicotine trong đầu lọc thuốc lá điện tử được chia làm 4 loại: cao, trung bình, thấp và không có nicotine. Tùy thuộc vào lượng nicotine mà thuốc lá điện tử được "xếp hạng" nặng nhẹ khác nhau: 18mg là loại nặng (high), 14mg là loại trung bình (medium), 6mg là loại nhẹ (low) và cuối cùng, 0mg là loại cực nhẹ (no). Sau khoảng 300 lần hút (tương đương với 20 điếu thuốc thật), chất nicotine trong đầu lọc sẽ hết và người hút sẽ phải thay bằng một điếu mới.

Hiện tại, chỉ riêng ở Anh, có khoảng 650.000 người hút thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, các khảo sát của những nhà khoa học cho thấy một số thương hiệu xuất xứ từ Trung Quốc có mức độ chất nicotine  rất cao - là chất gây nghiện trong thuốc lá, liên quan trực tiếp đến bệnh ung thư. Ngoài ra còn có chất nitrosamine - một chất được giải phóng ra từ nicotine khi đốt cháy đã được chứng minh là gây ra ung thư ở chuột, chưa kể một số thương hiệu thuốc lá điện tử khác đã được phát hiện có chứa chất diethylene glycol, một chất độc gây tử vong ở liều lượng cao.

Deborah Arnott, phát ngôn viên của nhóm nghiên cứu người Anh cho biết: "Một số thương hiệu thuốc lá điện tử sản xuất tại Trung Quốc không đúng quy định về hàm lượng  nicotine, cũng như các tiêu chuẩn an toàn".

Sau khi những phát hiện về sự nguy hiểm của một số loại thuốc lá điện tử được công bố, Australia, New Zealand, Brazil, Canada và tiểu bang New York, Mỹ đã cấm lưu hành những loại này

V.C. (theo EPA)
.
.