Những núi lửa nguy hiểm nhất có nguy cơ phun trào trở lại

Thứ Ba, 11/05/2010, 21:40
Một trận động đất kết hợp với hoạt động magma đã giết chết hơn 5.000 người trong tháng 5/2006 và đợt phun tro năm 2007 cao đến khoảng 6,4km.

Núi lửa Merapi ở miền trung đảo Java, Indonesia

Khoảng 1.000 năm một lần núi lửa Merapi sẽ phun trào, tạo ra ít nhất 1km2 magma và những cột tro cao từ 20 đến 50km trên bầu trời. Đợt phun trào cuối cùng xảy ra vào khoảng  năm 1006 sau CN làm bao phủ Java một tầng tro và có thể góp phần diệt vong Vương quốc Mataram Hindu từng thống trị khu vực trong 3 thế kỷ.

Merapi là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Indonesia với hơn 25 đợt phun trào trong chỉ riêng thế kỷ XX. Hoạt động của Merapi đe dọa gây nguy hiểm cho ít nhất nửa triệu người dân thành phố Yogyakarta nằm cách đó chỉ 32km về phía nam. Hiện nay cứ 10 đến 15 năm là núi lửa Merapi lại có đợt phun trào lớn.

Núi lửa Nyiragongo ở Goma, Cộng hòa dân chủ Congo

Đợt phun trào năm 2002 làm sinh ra những luồng dung  nham chuyển động vẫn còn chảy cho đến ngày nay. Nyiragongo cũng nằm gần thành phố Goma đông dân. Trong lần phun trào năm 1977, dung nham núi lửa Nyiragongo đã làm ngập 20km2 xung quanh trong vòng 1 giờ và giết chết khoảng 70 người.

Lần phun trào năm 2002, dung nham núi lửa tràn vào trung tâm thành phố Goma phá hủy 40% nhà cửa, giết chết hàng chục người và đẩy nửa triệu người vào cảnh không nhà ở.  Đây là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Phi và cùng với núi lửa Nyamuragira gây ra 2/5 các vụ phun trào ở châu lục này.

Núi lửa Avachinsky ở bán đảo Kamchatka, Nga

Vụ phun trào cuối cùng xảy ra năm 1945, núi lửa đã tuôn ra 2.500m2 magma. Mặc dù không phải là ngọn núi lửa lớn nhất và hoạt động mạnh nhất của bán đảo Kamchatka, nhưng Avachinsky đáng gờm với 16 lần phun trào kể từ năm 1737. Và, cũng giống như những núi lửa khác trong danh sách này, Avachinsky nằm khá gần thành phố Petropavlovsk lớn nhất của bán đảo Kamchatka với số dân 200.000 người.

Avachinsky nổi tiếng với những đợt phun trào bất thình lình kèm theo lở núi và tràn bùn. Lần phun trào năm 1945 của núi lửa cho thấy sức mạnh hủy diệt của nó ở mức 4 trong số 8 VEI (chỉ số độ phun trào núi lửa). Để so sánh: núi lửa Eyjafjallajokull ở Iceland mới đây phun trào với độ 4 VEI!

Núi lửa Santa Maria ở cao nguyên tây Guatemala

Lần phun trào cuối cùng vào năm 1902, núi lửa đã giết chết khoảng 5.000 người ở thành phố lân cận Quetzaltenango, trong khi nhiều người khác về sau bị nhiễm bệnh sốt rét. Mặc dù giới khoa học còn chưa biết chắc chắn về nguyên nhân bùng phát bệnh sốt rét giết người hàng loạt, song có một giả thuyết tin rằng một lượng lớn tro núi lửa đã giết chết rất nhiều chim chóc trong khu vực và từ đó tạo điều kiện cho muỗi ở thành phố sinh sôi nhiều. Sau 20 năm yên ắng, núi lửa Santa Maria bắt đầu phun trào trở lại nhưng với cường độ nhỏ hơn và cuối cùng hình thành nên vòm dung nham xung quanh nó được người Guatemala gọi là Santiaguito.

Mặc dù hoạt động mới đây của Santa Maria không thể sánh với năm 1902, nhưng núi lửa vẫn có nguy cơ đe dọa tính mạng người dân thành phố Quetzaltenango bởi những trận thác bùn.

Núi lửa Taal ở tỉnh Batangas, đảo Luzon, Philippines

Từ năm 1572, người ta ghi nhận đã xảy ra 33 đợt phun trào của Taal, trong đó bao gồm một đợt phun trào mạnh vào năm 1754 kéo dài gần nửa năm! Những đợt phun trào gần đây nhất xảy ra năm 1911 giết chết hơn 1.000 người, và giữa các năm 1965 và 1977 đã gần như phá hủy các ngôi làng và giết chết khoảng 1.000 người.

Do núi lửa nằm quá gần các khu dân cư đông đúc, cho nên nó luôn được giám sát chặt chẽ bởi Viện Núi lửa học và Động đất học Philippines. Vào giữa các ngày 13/6 và 19/7/2009, Viện này đã dò thấy 9 trận rung chuyển núi lửa Taal. Những đợt rung chuyển mạnh này làm thoát ra khí sulfur dioxide nên Taal được Philippines coi là núi lửa "Cảnh báo mức 1". Cảnh báo này ngăn cấm người dân đi lại trong vòng bán kính 6km quanh núi lửa

An Di (tổng hợp)
.
.