Những tai nạn thảm khốc vì vi phạm luật đường sắt

Thứ Ba, 02/05/2017, 18:45
Trong vòng một tháng, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng, làm 6 người chết và 2 người bị thương.


Ngay sau vụ tai nạn làm 6 người thương vong xảy ra vào chiều ngày 24-4, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh Hồ Quốc Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng rà soát ngay tất cả các đường ngang dân sinh, những đường không hợp pháp và kiên quyết xóa bỏ những đường ngang tự phát, không an toàn.

1. Vào lúc 13h45 ngày 24-4, tại Km 1102+100 đoạn giao nhau giữa đường sắt với đường ngang hợp pháp thuộc địa phận thôn Cảnh An 2 (xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) đã xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giữa ô tô với tàu TN1 hành trình Bắc - Nam làm 4 người chết, 2 người bị thương.

Chiếc ô tô BS 78A - 036.52 nát bét trong vụ tai nạn ngày 24-4.

Đoàn tàu TN1 này do đầu máy 697 kéo theo 13 toa tàu lưu thông trên tuyến đường sắt Thống Nhất theo hành trình Hà Nội – TP HCM. Khi tàu đến gần tuyến đường ngang giao cắt với đường sắt nói trên thì tổ lái phát hiện một xe ô tô 7 chỗ mang BS 78A - 036.52 đang băng qua đường sắt liền kéo còi báo động liên hồi, hãm máy khẩn cấp. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tàu TN1 với ô tô quá gần nên không thể tránh được tai nạn.

Sau cú va chạm rất mạnh, chiếc ô tô 7 chỗ bị tàu TN1 húc văng xa hơn 40m, rơi ra khỏi đường tàu, móp méo biến dạng hoàn toàn. Cả đoàn tàu chao đảo, dừng lại khẩn cấp trên đường ray.

"Sau khi xảy ra tai nạn, 15 cán bộ, nhân viên trên tàu cấp tốc chạy nhanh về phía đầu tàu thì thấy 6 người bê bết máu lẫn dầu nhớt bị kẹt trong chiếc ô tô. Anh em chúng tôi cùng người dân dùng xà beng và cây gỗ cạy chiếc ô tô, lần lượt đưa 4 nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu. Riêng tài xế và người ngồi ghế trước gục chết tại chỗ, thi thể biến dạng", ông Đăng Hồng Quân - Trưởng tàu TN1 cho biết.

Hiện trường chiếc ô tô BS 78A - 036.52 bị tàu TN1 húc văng xa hơn 40m.

Cũng theo ông Quân, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, khu vực đường ngang này vắng người qua lại, rất may có chiếc ô tô 4 chỗ và xe khách 16 chỗ tập trung đưa các nạn nhân đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định cấp cứu. Vụ tai nạn khiến 2 người trên ô tô chết tại chỗ, 4 người cấp cứu tại bệnh viện nhưng 2 người không qua khỏi. Tất cả 6 nạn nhân đều ở tỉnh Phú Yên.

Người cầm lái ô tô BS 78A - 036.52 vào thời điểm xảy ra tai nạn với tàu hỏa TN1 là anh Đặng Ngọc Hữu (23 tuổi, ở TP Tuy Hòa). Người đứng tên chủ sở hữu ô tô này là anh Đặng Thành Công (22 tuổi, ở TP Tuy Hòa). Anh Công không có mặt trong xe khi vụ tai nạn xảy ra. Anh Hữu và anh Nguyễn Thanh Tùng (24 tuổi, ở huyện Đông Hòa) chết ngay sau vụ tai nạn xảy ra.

Hai nạn nhân chết sau khi đưa đến bệnh viện cấp cứu là anh Nguyễn Văn Hiên (49 tuổi, ở huyện Đông Hòa) và anh Lâm Tử Tâm (33 tuổi, ở TP. Tuy Hòa). Hai nạn nhân đang điều trị tại bệnh viện là anh Phạm Văn No (37 tuổi) và anh Nguyễn Ngọc Ân (41 tuổi, cũng ở huyện Đông Hòa) đều bị đa chấn thương nhưng vẫn tỉnh táo; chụp CT cho thấy không có vết máu tụ trong não.

Dù đã có đèn tín hiệu cảnh báo và còi, tài xế ô tô vẫn cố cho xe vượt qua đường sắt dẫn đến tai nạn làm 6 người thương vong.

Anh Phạm Văn No, một trong hai nạn nhân thoát chết trong vụ tai nạn kinh hoàng, nhớ lại: "Cả 6 anh em đều quê ở Phú Yên, ngày 24-4 ra Bình Định đi công việc. Sau khi ăn cơm trưa ở thị trấn Tuy Phước, nghỉ ngơi được một lát, vào đầu giờ chiều, mấy anh em đi tiếp. Lúc đó, Hữu cầm lái, Tùng ngồi ghế trước, mấy anh em còn lại chia nhau ngồi phía sau. Đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ nghe một tiếng rầm. Sau đó, cả người lẫn xe bị hất tung khỏi mặt đường và bị kéo lê một khoảng cách hơn 40m. Lúc tỉnh lại, tôi đã thấy mình ở bệnh viện rồi".

2. Theo ông Lê Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phước Thành, đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt này nối quốc lộ 19C dẫn về thôn Cảnh An 2, có cột đèn báo hiệu cảnh báo tự động, không có gác chắn. Cuối đường ở thôn này là khu vực kho của lực lượng quân đội thuộc Quân khu 5 đóng quân. Suốt 10 năm qua, đây là vụ tai nạn đường sắt thảm khốc đầu tiên xảy ra ở địa phương. "Trước khi tàu đến thì còi đã kêu để báo hiệu, đèn tín hiệu cũng nhấp nháy báo động đỏ. Tuy nhiên, tài xế ô tô đã cố chạy qua. Tài xế là người tỉnh khác đến địa phương nên có thể không quen nên mới cố vượt và gặp nạn", ông Đồng nhận định.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân thôn Cảnh An 2, lo lắng: "Đoạn đường sắt này giao cắt với đường ngang chỉ có đèn tín hiệu, còi báo tự động chứ không có gác chắn nên nếu không để ý, nhất là người tham gia giao thông kém ý thức, thì rất dễ xảy ra tai nạn thương tâm. Vì vậy, người dân chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng phải làm barie chắn khi tàu qua để đảm bảo an toàn cho người dân".

Vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng này một lần nữa cho thấy, các quy định của pháp luật về giao thông đường sắt bị vi phạm nghiêm trọng, dẫn đến hậu quả thảm khốc. Người điều khiển ô tô vẫn cố cho xe vượt qua đường sắt dù lúc này đã có đèn tín hiệu cảnh báo và còi. Do tốc độ cao và cự ly gần nên tàu hỏa không thể tránh kịp.

Cũng vì vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn tàu chạy mà mới đây, cơ quan chức năng huyện Vân Canh đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, bị can đối với ông Đinh Văn Hóa (49 tuổi, trú thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước) là nhân viên gác chắn Đội đường sắt Vân Canh (thuộc Công ty CP Đường sắt Phú Khánh) về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt.

Cụ thể, sau khi nhận điện báo có tàu xin đường, ông Hóa mở thông đường sắt nhưng không đóng chắn đường ngang, không bật tín hiệu đèn cảnh báo, không cầm cờ đứng đón và tiễn tàu đi qua, mà lại tiếp tục vào phòng gác chắn điện hỏi lại trực ban thời gian tàu chạy qua, nên đã dẫn đến vụ TNGT đường sắt khiến 2 người tử vong vào ngày 18-3.

Vụ tai nạn xảy ra ngày 18-3 làm 2 người chết.

Sau khi vụ TNGT đường sắt đặc biệt nghiêm trọng này xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng lập tức đến hiện trường kiểm tra và chỉ đạo: "Trong thời gian tới, yêu cầu các ngành liên quan, chính quyền các địa phương có đường sắt đi qua phải rà soát toàn bộ đường ngang dân sinh, những đường ngang không hợp pháp. Ðoạn đường nào cần thiết thì phải làm gác chắn để đảm bảo an toàn cho người dân, những đoạn nào bất hợp lý và không đảm bảo cần xóa bỏ ngay. Yêu cầu các đơn vị liên quan, địa phương tiến hành rà soát ngay trong tuần và báo cáo lại để kịp thời chấn chỉnh, quyết không để xảy ra những vụ việc đau lòng như trên".

3. Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Định có chiều dài 146,3km, hiện có 222 điểm đường bộ và đường sắt giao cắt đồng mức, gồm 23 đường ngang có gác, 10 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động, 11 đường ngang phòng vệ cảnh báo tự động có cần chắn tự động, 22 đường ngang phòng vệ bằng biển báo, 44 đường dân sinh và 112 lối đi.

Trung bình mỗi ngày có hàng chục chuyến tàu khách, tàu hàng chạy qua địa bàn tỉnh, với vận tốc không dưới 50 km/giờ, vậy nên chỉ cần một hành vi vi phạm đảm bảo an toàn tàu chạy là có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trung tá Ngô Đức Hoài - Phó trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an tỉnh Bình Định, cho biết: "Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT đường sắt, lực lượng đã phát hiện, lập biên bản gần 50 trường hợp vi phạm; đồng thời phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức tháo dỡ nhiều trường hợp vi phạm hành lang ATGT đường sắt; kiến nghị khắc phục một số tồn tại như không có gờ giảm tốc hai phía đường bộ đi vào đường sắt, vạch dừng cả hai phía bị mờ, tầm nhìn bị che khuất, mặt đường bộ bị bong tróc tạo ổ gà…".

Luật Đường sắt ra đời, có hiệu lực thi hành từ năm 2005, cùng với rất nhiều thông tư hướng dẫn thi hành, nghị định quy định xử phạt vi phạm. Cụ thể, các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo ATGT đường sắt sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 10 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm như vượt rào chắn đường ngang qua đường sắt khi đèn đỏ đã bật sáng, không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc hướng dẫn của nhân viên gác đường ngang... thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 5 triệu đồng (Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ).

Tuy vậy, những hành vi vi phạm như lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, không tuân thủ khoảng cách an toàn đường sắt, phơi rơm, rạ, nông sản, để các vật phẩm trên đường sắt… vẫn diễn ra khá nhiều ở các địa phương trong tỉnh Bình Định, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Và, "tử thần" có thể gọi tên bất cứ lúc nào nếu chỉ trông đợi vào riêng nỗ lực của ngành đường sắt trong khi chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt và ý thức lái xe, người dân chưa được nâng cao.

Phan Nhuận Phin
.
.