Những vệ sĩ của Lionel Messi

Thứ Bảy, 24/10/2020, 09:49
Người đầu tiên là Daniela Rojo (hay còn gọi là Dani), cựu thủ lĩnh của "Dani the Red", một trong những băng đảng tội phạm nổi tiếng nhất ở Tây Ban Nha. Dani là cái tên khét tiếng thế giới ngầm tại Tây Ban Nha một thời.


Trong đời trộm cướp của mình, gã đã có tổng cộng 500 lần “ghé thăm” các ngân hàng và lấy đi tổng số tiền lên tới 40 triệu bảng Anh. Là một tay giang hồ từng “nổi đình nổi đám” với hàng trăm vụ cướp ngân hàng táo tợn, không ai nghĩ rằng Daniel Rojo có thể từ bỏ những vết nhơ để làm lại cuộc đời, đặc biệt lại bảo vệ cho những siêu sao, người nổi tiếng.

Daniela Rojo, người đầu tiên bảo vệ cho Messi.

Cộm cán với nhiều vụ cướp nhà băng

“Sự nghiệp” của gã bắt đầu khi mới bước sang tuổi 16. Dani giải thích: "Tôi nghiện ma túy. Gia đình thì lại thuộc tầng lớp trung lưu và khá gia giáo. Vì vậy khi bố mẹ tôi phát hiện ra điều này, họ đã đuổi tôi ra khỏi nhà. Không muốn quay về, cách duy nhất tôi có thể làm lúc đó để nuôi sống bản thân và phục vụ các cơn nghiện của mình là cướp bóc.

Ban đầu, Dani cướp các cửa tiệm rồi sau đó là ngân hàng. Dani tự thấy mình rất có “năng khiếu”, với những thủ đoạn thông minh. Gã cướp hầu như mọi ngân hàng trên khắp Tây Ban Nha khiến cảnh sát theo không kịp. Những năm 80 là thời điểm Dani thực sự bước vào thời kỳ hoàng kim. Các băng đảng Nam Mỹ đã dạy gã kỹ thuật sử dụng hầm ngầm cũng như đào tường, khoét vách, bẻ khóa để có thể vô hiệu hóa các cổng an ninh trong ngân hàng dù được bảo vệ nghiêm ngặt đến đâu.

Cuộc tấn công đầu tiên bằng cách sử dụng phương pháp này đã mang lại cho Dani 5 triệu bảng Anh tiền mặt, một con số kỷ lục trong một vụ cướp lúc bấy giờ. "Tôi là người thứ hai ở Tây Ban Nha sở hữu một chiếc xe Porsche", Dani tự hào. Lọt vào tầm ngắm của cảnh sát, gã đã trốn sang Colombia hai năm, sống cùng trùm ma túy khét tiếng Pablo Escobar. 

"Chúng tôi có mọi thứ, cuộc sống như các vị vua nhưng lại phải tha hương". Khi tình hình có vẻ êm xuôi, Dani đánh liều quay trở về nhà và bị bắt không lâu sau đó. Gã bị kết án 20 năm tù giam nhưng với thái độ thành khẩn, chỉ mất 7 năm đã được thả.

Cải tà quy chính

Lần trở lại này, Dani quyết định bắt đầu một cuộc sống mới, nhất là sau khi phát hiện mình mắc ung thư gan. Dani nhận ra rằng đời giang hồ chỉ đem đến cho gã nỗi cô đơn cho dù nhiều lúc xung quanh đầy tiền, xe sang, gái đẹp và  những tay chân chiến hữu thề sống chết có nhau. Gã muốn có cuộc sống gia đình thực sự. Dani đã chuyển sang làm vệ sỹ cho những người nổi tiếng và thường xuyên xuất hiện tại các buổi nói chuyện cũng như trên truyền hình với những chủ đề liên quan đến vấn đề tội phạm.

Năm 2000, sau hàng chục năm dấn thân vào con đường mafia đầy tội lỗi và chết chóc, Dani đã có một sự thay đổi nghề nghiệp táo bạo. Gã cần một công việc "sạch sẽ". Gã đã trở thành vệ sĩ cho nhiều người nổi tiếng ở Tây Ban Nha và đặc biệt là ngôi sao bóng đá Lionel Messi của CLB Barcelona và Argentina. Dani kể: “Cảm giác bảo vệ cho Messi giống như bảo vệ Đức Chúa vậy. Ở Barcelona, người hâm mộ coi Messi có khác nào Chúa đâu”.

Khi người đàn ông vừa bước chân vào một quán bar bên bãi biển Barcelona, những người có mặt ngay lập tức ngoái nhìn. Cao tới 1,9m, khuôn mặt dữ dằn, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được sự hiện diện đầy uy lực của gã. Nhận thấy khuôn mặt e dè của những vị khách khác, Dani vỗ bàn tay vào bộ quần áo đang mặc để chứng minh cho họ thấy rằng gã không hề giấu thứ vũ khí nào trong người, liền sau đó cười lớn và khẳng định: "Nhiều năm nay tôi không còn mang súng bên mình. Tôi không bao giờ thích điều này”.

Sau khi rửa tay gác kiếm, gã giang hồ về vườn vẫn khiến người ta phải nhớ đến bằng cách viết sách kể chuyện cướp ngân hàng, đâm chém, tù tội, ân oán, thanh toán, nghĩa hiệp giang hồ… trong các cuốn như “Confesiones de un gánster de Barcelona” (Tạm dịch: Lời thú tội của một tay xã hội đen tại Barcelona) và tháng 4-2013, Dani cho ra mắt cuốn sách “Gran golpe en la pequena Andorra” (Rắc rối lớn ở Andorra). 

Messi ở câu lạc bộ Barcelona.

Trên Gazzetta dello Sport, Rojo nói gã giải nghệ và chọn công việc lương thiện liên quan tới bóng đá vào năm 1997 và được nhận làm việc ở Barcelona trong vai trò vệ sĩ. Nhưng thực chất, theo điều tra của tờ El Periodic d’Andorra, tên cướp Dani el Rojo khét tiếng đã là người của Barcelona từ năm 1988. Người thu nạp gã giang hồ này không ai khác là ông cai xây dựng Josep Lluis Nunez, cựu Chủ tịch Barcelona - nhân vật hiện đang ngồi tù cùng hàng loạt quan chức kho bạc và tòa án xứ Catalan vì án hối lộ, tham nhũng và gian lận thuế.

Từ năm 1988, ông cai Nunez sử dụng sức mạnh của Dani để… kết thúc những vụ tranh chấp hay bất đồng với các đối thủ trong lĩnh vực xây dựng. Tháng 12/1991, nhận lệnh ông cai Nunez, Dani găm 3 viên đạn vào ngực một ông cai có máu mặt khác tại Andorra, dù nạn nhân được bảo vệ bởi gần chục tay súng trong nhà riêng. Vụ này, Rojo lĩnh án 25 năm tù giam. Nhưng bằng tiền và quyền lực ngầm của ông cai Nunez - Chủ tịch vĩ đại nhất trong lịch sử ở Nou Camp, năm 1997, Dani được tự do. 

Từ thời điểm này, Nunez giao cho Dani nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các ngôi sao Barcelona. Khi Nunez rời Barcelona năm 2000 sau 22 năm gắn bó, Dani vẫn được giữ lại “ăn bổng lộc” ở Nou Camp để lo mảng an ninh ngầm dưới thời các “triều đại” Joan Gaspart, Joan Laporta và Sandro Rosell… 

Năm 2008, sát thủ Dani được các sếp ở Nou Camp giao nhiệm vụ đảm bảo cho Messi tránh mọi rắc rối bên ngoài sân cỏ. Được một tay có nghề và có tiếng trong giới giang hồ Barcelona như Dani bí mật “bảo kê”, Lionel Messi không lo an ninh cho gia đình cũng như gặp phiền toái mỗi khi có nhu cầu ra ngoài… giải trí.

Người mới “hoàn hảo” hơn

Tới đầu năm 2010, theo El Periodic d’Andorra, Messi yêu cầu Barcelona phải “giải tán” Dani vì đã già, đôi khi can thiệp quá sâu vào… nhu cầu giải trí của siêu sao từng 5 lần đoạt quả bóng vàng FIFA. Mặt khác, sự nổi tiếng chốn giang hồ của Dani sẽ bất lợi cho hình ảnh của Messi nếu bị báo chí phát hiện. Nhưng trước khi sa thải tên giang hồ từng 500 lần phá két nhà băng ở Barcelona, Messi hay nói đúng hơn là cha anh, ông Jorge Horacio Messi, đã tìm được cho con trai “một tay” hoàn hảo để đảm bảo an ninh theo đúng yêu cầu. Đó là Hector Speranza.

Bảo vệ hiện thời của Messi, Hector Speranza.

Tại Buenos Aires, Hector Speranza là chuyên gia thể hình kiêm diễn viên kịch nghiệp dư. Những nghề này giúp Speranza có mối quảng giao rộng rãi với giới thể thao và văn nghệ sĩ ở xứ Tango. Nhưng trong thế giới ngầm ở Argentina, thậm chí là cả một số nước Nam Mỹ, Hector Speranza lại là một cái tên đáng nể và được kính trọng gọi là ngài Tito. 

Một trong những khách hàng nổi tiếng nhất của Tito là triệu phú người Argentina, Ricardo Fort (mất tháng 11/2013). Fort vốn có nhiều kẻ thù do mâu thuẫn trong quá trình làm ăn nhưng kể từ khi được ông trùm Tito lên tiếng bảo kê, không kẻ nào dám động vào một sợi lông của Fort.

 Người Argentina phát hiện ra Tito “bảo kê” cho Messi vào tháng 7/2010, khi Tito kè kè bên cạnh Messi trong một trận đấu giao hữu giữa “Messi và những người bạn” và đội “Các ngôi sao thế giới” ở Panama. Theo La Nacion (Argentina), những tay chuyên nghiệp nhất của Tito luôn bí mật theo sát Messi cùng gia đình anh 24/24 để đảm bảo an ninh. Và số tiền mà siêu sao Barca phải chi ra cho Tito lên tới 800.000 euro/năm. 

Một nguồn tin tiết lộ với La Nacion: “Tito rất thân thiết với gia đình Messi, ông ta thậm chí còn nhiều lần tới nhà riêng của Jorge Messi ở Rosario, bởi ngoài vai trò đảm bảo an ninh cho Messi, Tito còn hợp tác làm nhiều dự án kinh doanh với cha của Messi ở Argentina, Uruguay, Colombia và một số quốc gia Nam Mỹ khác”.

Mới đây, ông Jorge Messi bị Cảnh sát Tư pháp Tây Ban Nha (UCO) triệu tập vì nghi án rửa tiền cho ông trùm ma túy Colombia, Andres Barco thông qua các trận đấu vì mục đích từ thiện của con trai ở các nước Nam Mỹ mang tên “Messi và những người bạn”. 

Theo điều tra của UCO, trung bình mỗi trận từ thiện, Jorge Messi dùng số tiền bẩn của trùm ma túy Colombia mua khoảng 50.000 vé loại “row 0” (Người mua vé làm từ thiện, không trực tiếp đến sân). Mỗi thương vụ rửa tiền trót lọt, cha của Messi hưởng từ 10 tới 20% tiền hoa hồng.

Cha con Messi bị cáo buộc trốn thuế.

Tuy nhiên, Jorge Messi phủ nhận hoàn toàn cáo buộc nói trên và UCO cũng chẳng thể phá án vì những vụ rửa tiền kiểu mafia này, được đạo diễn rất tinh vi bởi bàn tay của Tito. Một nguồn tin cho biết trên La Nacion: “Thông qua Tito, Jorge có nhiều cuộc làm ăn với Andres Barco. Messi thậm chí còn trực tiếp gặp Barco một lần khi thi đấu tại Colombia. Nhưng bản thân Messi chỉ biết rằng, ông ta là nhân vật đứng ra tài trợ cho sự kiện từ thiện”. Bảo vệ cho Messi là một băng đảng có tiếng tại Nam Mỹ? An toàn nhưng cũng không ít rắc rối…

Hồ sơ Panama từng tiết lộ, Lionel Messi và bố của anh bị phát hiện sở hữu thêm một công ty bù nhìn ở Panama mang tên Mega Star Enterprises Inc với mục đích không gì khác: trốn thuế. Một tòa án Tây Ban Nha từng ra phán quyết phạt tù 21 tháng đối với Lionel Messi và cha là Jorge Messi vì tội trốn thuế trong giai đoạn 2007-2009. Ngoài ra, Messi còn phải nộp khoản tiền phạt 2,2 triệu đôla và hơn 1,6 triệu đôla đối với ông Jorge.

Tuy nhiên ngôi sao không phải chịu cảnh sống trong tù. Theo luật Tây Ban Nha, bất cứ án tù nào dưới hai năm đều có thể thực thi bằng biện pháp quản chế, đặc biệt khi đối tượng không có tiền án.

Nguyễn Hoàng-T.T
.
.