Niềm vui trễ cổ

Thứ Năm, 28/06/2018, 15:58
Tháng của bóng đá, khi mọi câu chuyện liên quan đến giải vô địch World Cup với môn thể thao vua hiện diện trên bàn ăn, ngóc ngách, quán café. Ngày hôm qua tôi chọn một quán café cũ quen thuộc bởi sự kín đáo, tĩnh lặng bấy lâu nay, nhưng không tìm được những điều vốn có cũng bởi bóng đá.

Tôi chú ý tới một cuộc tranh luận sôi nổi bàn kế bên của vài bác đã lớn tuổi, họ đang khá căng thẳng về câu chuyện về sự hiện diện của những cô gái nóng bỏng bình luận trước và sau mỗi trận đấu cách đây không lâu. Tất nhiên cuộc tranh luận này cũng không đầu không cuối và mọi lý lẽ đều thiếu thuyết phục giống như cộng đồng mạng cũng đã rôm rả bỉ bai những ngày qua.

Một bác chốt lại, vấn đề là khi có sự xuất hiện của các cô gái trẻ nọ, ông đã phải dành thời gian để ngồi xem, nhìn ngắm gương mặt xinh đẹp và lắng nghe những lời bình luận của đàn ông rất mất tập trung. Như vậy là phí thời gian, nếu như chỉ là các chuyên gia bàn luận, ông sẵn sàng bỏ qua mục này để làm việc khác có ích hơn.

Nhiều đài truyền hình trên thế giới cũng sử dụng hình ảnh khách mời nóng bỏng nhưng không yêu cầu họ bình luận sâu về bóng đá.

Trong một khoảng thời gian dài ở Việt Nam, sự góp mặt của các cô gái trẻ đẹp, ăn mặc hở hang một chút trong các sự kiện liên quan đến niềm vui đàn ông như điều kiện cần phải có. Ví dụ triển lãm mô-tô, xe hơi chẳng hạn, màn thuyết trình cứng nhắc với các thông số kỹ thuật, chiều dài, khoảng sáng gầm xe… luôn rất nhàm chán.

Và khi có những sắc đẹp trắng ngần ân cần mở cánh cửa, e ấp ngồi lên đầu xe thì khi ấy mọi cảm xúc được thay đổi chóng vánh. Truyền thông chăm chút chụp ảnh lên bài, người tham dự triển lãm cũng không ngần ngại móc túi rút điện thoại ghi lại dăm ba khoảnh khắc lưu niệm cùng các người đẹp rồi mạnh dạn đưa lên mạng xã hội.

Theo cách gọi của những người tổ chức sự kiện, đây là thủ pháp "bánh mỳ kẹp kem" để tăng sự thu hút của đám đông nhiều nam giới. Điều quan trọng là các cô gái không phải nói gì cả, giá trị của họ là nhan sắc và sự nóng bỏng chứ không phải thuyết trình tư duy, nhận định hay khoe khoang am tường kiến thức. Hoặc trong tình huống khác là lễ hội bia rượu chẳng hạn, lặng im, mỉm cười và cụng ly với thực khách là sức mạnh không thể bàn cãi. Doanh số các nhãn hàng kinh doanh chất có cồn tăng vọt.

Tất nhiên những điều này không xuất hiện trên truyền hình.

Dường như màn bình luận thể thao, cụ thể là bộ môn bóng đá luôn đòi hỏi vô số kiến thức, trí nhớ tốt và cả một tình yêu đích thực với nó để liên kết các câu chuyện với nhau thành một chuỗi thông tin thú vị. Việc nhà đài đẩy các cô gái xinh đẹp, trẻ tuổi đời, sáo rỗng kiến thức với những kiến thức vá víu thì thảm họa truyền thông chỉ là sớm hay muộn, rất buồn là nó bộc lộ ngay từ câu đầu tiên. Họ đã phải sử dụng yếu điểm của mình đó là kỹ năng ngôn ngữ và tư duy thể thao.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu có chia sẻ trên trang Facebook cá nhân mình một góc nhìn tương đối nghiêm ngắn với câu mở đầu "Phụ nữ - không phải để mua vui!".

Anh viết tiếp, người hâm mộ theo dõi World Cup 2018 đều đã chứng kiến những cô gái xinh đẹp ngồi cạnh các chuyên gia bóng đá để luận bàn về các trận đấu trên đài truyền hình. Những cô gái không biết gì về bóng đá, những cô gái thật quyến rũ và tươi mới, trẻ măng.

Thú thật là không biết các cô ấy ngồi đấy làm gì, bởi trong cuộc đời này, làm người quan trọng nhất là mặc vừa áo, chọn đúng chỗ. Chỗ của những cô gái kia không phải là ở nơi bình luận bóng đá, đó là chỗ của những người am tường môn thể thao này, những người rành rẽ về chuyên môn.

Có thể nhận thấy, nhà đài đưa các cô ấy đến bàn tròn bình luận chỉ với một mục đích duy nhất, "cho các khán giả chiêm ngưỡng. Vai trò bình luận chỉ là yếu tố phụ, vì các cô gái biết gì đâu, ngoài những câu vô thưởng vô phạt, thậm chí là ngây ngô. Phụ nữ, không phải là để mua vui. Còn giả các cô ấy muốn thành thứ để người khác mua vui, thì đó là chỗ khác chứ không phải là nơi này.

Vẫn biết nói chuyện thuần phong mỹ tục trong bối cảnh ngày nay sẽ bị mắng là bảo thủ, nhưng tôi tin rằng khi vẫn xem phụ nữ là một thứ giải khuây tầm thường như cách mà truyền hình đã làm, không phải là hành động văn minh. Có lẽ, nhà đài nên đặt các cô ấy vào những chương trình khác phù hợp hơn.

Và đối với quan điểm của tôi, người viết bài này rằng dường như việc sử dụng các hình ảnh nóng bỏng, có tính chất khêu gợi dù tương đối phổ biến trên thế giới, và ngay cả ở nước ta cũng đã được đón nhận ở một khía cạnh vừa phải nào đó, nhưng nếu lạm dụng điều này nó sẽ mang lại những tác dụng ngược bởi rào cản văn hóa là khác nhau.

Minh Trí
.
.