Nợ công và câu chuyện đồng Euro

Thứ Ba, 20/04/2021, 21:16
Liên minh châu Âu (EU) đang vướng vào những khoản nợ khổng lồ trong bối cảnh khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Mỗi nước thành viên sẽ phải tính toán cách thức để chi trả cho những kế hoạch chi tiêu của mình. Điều này trái ngược với các giả định chính trị lâu nay vốn chi phối đồng euro.


Nợ chung, nợ riêng

Hiện nay, mối bận tâm của các chính phủ châu Âu vẫn dồn vào việc triển khai các chương trình vaccine để tìm cách chấm dứt dịch bệnh. Tuy nhiên, ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng y tế này thực sự qua đi, các nhà lãnh đạo EU sẽ buộc phải lưu tâm tới một thách thức lớn: Cần phải làm gì với những khoản nợ quốc gia khổng lồ hiện đang đè nặng lên các nước EU.

Không giống như dịch bệnh hiện nay, cuộc chiến cho tương lai kinh tế của châu Âu sẽ không cướp đi sinh mạng của người dân EU nhưng nó sẽ tác động đến sinh kế và triển vọng kinh tế của họ ít nhất trong vòng 20 đến 30 năm nữa. Vì vậy, mặc dù hiện nay có rất ít nhà lãnh đạo EU sẵn sàng bàn luận về vấn đề này, song họ đều biết rằng những rủi ro hiếm khi nào lại rõ hơn lúc này.

Paolo Gentiloni, người đề xuất chia khoản nợ của các thành viên EU thành nợ tốt và nợ xấu.

Nhìn lại một chút vào bản chất, thì đồng euro là một dự án chính trị được ngụy trang dưới hình thức nhu cầu cấp thiết về kinh tế. Đó là cái giá mà Pháp phải trả cho sự đồng ý tái thống nhất nước Đức vào cuối cuộc Chiến tranh Lạnh: Đức có thể “đánh bại” các nước thành viên khác của EU về sức mạnh kinh tế nhưng lại bị “thuần hóa” về chính trị khi bị tước đi đồng tiền quốc gia của mình. Đồng euro dường như đã đem lại cho Đức mọi lợi thế về uy tín tài chính nhưng không phải không có những bất lợi chính trị.

Tuy nhiên, ngay từ đầu, có 2 tầm nhìn hoàn toàn trái ngược nhau về vấn đề đồng tiền euro nên như thế nào. Một bên là Pháp, coi đồng tiền này như là một phần mở rộng của chính trị và coi ngân hàng trung ương chỉ là một thực thể quan liêu phát hành nhiều tiền như các chính trị gia mong muốn. Còn bên kia là quan điểm của Đức, coi đồng tiền này là kho giá trị có ý nghĩa sống còn, như một biểu hiện của thành tựu kinh tế. Không giống như Pháp, Đức tin rằng chính tiền tệ quyết định chính trị, chứ không phải ngược lại.

Bên nào đúng trong cuộc tranh luận này vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là câu hỏi thực sự ngay từ đầu là liệu đồng euro cuối cùng sẽ giống đồng franc Pháp trước đây thường xuyên bị mất giá, hay giống đồng mark Đức là trụ cột của sự ổn định.

Trong 2 thập niên đầu tiên tồn tại, có vẻ đồng euro giống với đồng mark. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã được thành lập như một thực thể độc lập trong một thỏa thuận phản chiếu Ngân hàng Bundesbank của Đức. Các hiệp ước đã nêu rõ rằng các nước EU phải có trách nhiệm với khoản nợ của mình. Không có nợ chung và vì vậy không có trái phiếu châu Âu, vì mỗi nước phải tự mình vay mượn và trả chi phí vay mượn phù hợp với điều kiện và uy tín tài chính của nước mình. Các nước thành viên cũng có nghĩa vụ phải giới hạn thâm hụt ngân sách công ở mức tối đa 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP của mình và tổng nợ không được vượt quá 60% GDP.

Đồng Euro có thể là đồng tiền chung đối với các nước trong khối nhưng khoản nợ thì không phải như vậy.

Nhớ lại trường hợp của Hy Lạp, nước đã phải đối mặt với tình trạng phá sản cách đây 1 thập niên. Cuối cùng, người Hy Lạp đã được cứu nhưng họ phải trả một cái giá khủng khiếp là tiêu chuẩn sống suy giảm, vì người Đức từ chối thẳng thừng việc xem xét hoặc bảo lãnh hay xóa nợ cho Hy Lạp. Các nhà đầu tư trên khắp thế giới đã nhận ra rằng, trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, mặc dù tất cả các nước trong Khu vực đồng euro (Eurozone) vay mượn bằng đồng euro nhưng không phải tất cả các trái phiếu của họ đều có rủi ro như nhau. Và một bài học được rút ra: Đồng euro có thể là đồng tiền chung đối với các nước trong khối nhưng khoản nợ thì không phải như vậy.

Chuyển nhượng và tái thiết

Trở lại với thực tại, dịch bệnh đã không chỉ làm chệch hướng tất cả các kế hoạch, mà nó đã làm đảo lộn các giả định chính trị chi phối đồng euro và chuyển sự tranh luận sang mô hình đồng euro của Pháp.

Bỏ qua các hiệp ước hiện có, EU đang định hình lại là một cộng đồng nợ và chuyển nhượng, thông qua việc thiết lập cái gọi là Quỹ tái thiết châu Âu, trị giá 750 tỷ euro được phân phối cho các nước thành viên. Hầu hết khoản tiền này được chuyển đến dưới dạng các khoản quyên góp không hoàn lại. Còn lại là các khoản vay. Đáng nói là quỹ tái thiết mới này được tài trợ bằng việc đi vay của chính EU trên các thị trường vốn. Điều này có nghĩa là lần đầu tiên trong lịch sử, số tiền đáng kể sẽ được huy động thông qua trái phiếu EU và được phân phối cho các nước thành viên. Đây là những khoản chuyển tiền được tài trợ bằng nợ trong nội bộ Liên minh. Việc trả khoản nợ này, dự kiến được hoàn tất vào năm 2058, sẽ được chuyển qua ngân sách của EU để cuối cùng tất cả các nước thành viên phải có trách nhiệm trả nợ.

Tỷ phú Mỹ George Soros gợi ý chuyển tất cả nợ chính phủ của các thành viên EU thành “trái phiếu vĩnh viễn” như một giải pháp.

Quỹ tái thiết châu Âu không chỉ để chống lại dịch bệnh, mà còn để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, triển khai quá trình chuyển đổi số và các hình thức hiện đại hóa khác. Việc thành lập gói tái thiết châu Âu này không chỉ bộc lộ mức thay đổi rất nhiều ở EU theo mô hình kiểm soát của Pháp, mà nó còn cho thấy sức sáng tạo chiến lược của những thiết lập nó, cụ thể là người Pháp.

Ở Italy, tỷ lệ nợ giờ đây ở mức khoảng 160% GDP và sự tranh cãi không phải về việc thực hiện một chương trình cải cách kinh tế, mà là về việc ai sẽ nắm quyền khi dòng tiền mới bắt đầu được Brussels rót vào. Ở Pháp, tổng nợ quốc gia hiện vào khoảng 116% GDP, cao hơn khoảng 20% so với thời điểm khi ông Macron trúng cử.

Các mức lãi suất thấp hiện nay và việc thiếu các cơ hội đầu tư khác có nghĩa là lãi suất vay mượn giờ đây có vẻ như đang thấp một cách đáng ngờ. Vì vậy, trong khi khoản nợ của Pháp tăng nhanh thì một nghịch lý là thanh toán lãi hằng năm cho khoản nợ của nước này lại giảm từ khoảng 42 tỷ euro khi ông Macron bước vào Điện Élysée xuống chỉ còn 33 tỷ euro vào năm 2020. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ mang tính tạm thời và vào thời điểm các nền kinh tế phục hồi, mức nợ có thể giảm theo tỷ lệ % GDP, song khoản thanh toán sẽ tăng lên. Dù bằng cách nào, cơ chế trong những năm 1990 cũng không thể phát huy tác dụng vì hoàn toàn không có cơ hội để các khoản nợ như vậy có thể được giảm bớt trong những thập niên tới nếu không có việc đàm phán lại một cách căn bản những hiệp ước đang tồn tại.

Những giải pháp

Đầu năm 2021, khoảng 150 nhà kinh tế hàng đầu đã ký một bản kiến nghị yêu cầu xóa tất cả các khoản nợ. Tỷ phú Mỹ George Soros thì đã gợi ý chuyển tất cả nợ chính phủ thành “trái phiếu vĩnh viễn” không bao giờ được hoàn trả, như một cách tốt hơn để đạt được chính mục tiêu đó. Thủ tướng Italy Mario Draghi đã sử dụng hội nghị  thượng đỉnh các nguyên thủ EU mới đây để đưa ra vấn đề cải cách các khoản nợ của châu Âu và ông Paolo Gentiloni, người chịu trách nhiệm về các vấn đề tài chính trong Ủy ban châu Âu (EC) gần đây đã đưa ra một số ý tưởng gây tò mò là chia các khoản nợ thành nợ tốt và nợ xấu. Nợ tốt là những khoản được huy động để phát triển kinh tế, còn nợ xấu là những khoản nợ không xác định.

Những thách thức tài chính đối với EU chắc chắn sẽ không kết thúc cùng với dịch bệnh.

Thế nhưng, mấu chốt của tất cả những kế hoạch này là cuối cùng cũng dẫn đến việc Đức phải gánh trách nhiệm cho những khoản nợ của nước khác. Đây chính là điều mà các chính trị gia Đức luôn tuyên bố sẽ không xảy ra. Những kế hoạch khác nhau cũng không có tác dụng gì để trả lời câu hỏi về trách nhiệm công khai, vì thực tế những người nộp thuế của châu Âu sẽ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ do các chính trị gia mà họ không lựa chọn gây ra.

Và cũng không có gì ngạc nhiên là Chính phủ Đức vờ như không biết gì về việc này. Mới đây, Berlin đã thông qua tại nghị viện một đạo luật có vẻ trung lập cho phép Đức đóng góp vào quỹ phục hồi EU được đề xuất, trong khi làm ngơ cho rằng điều này không liên quan gì đến việc quản lý đồng euro. Chỉ có điều là chiến thuật này đã thất bại sau khi Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức ban hành lệnh không cho Tổng thống Đức ký luật mới. Tòa án Hiến pháp Đức, nhận thức rõ những tác động đối với sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu, đã thường tránh xóa bỏ các kế hoạch chi tiêu trước đây của EU.

Và, có vẻ như không có gì phải bàn cãi nữa, rằng thời điểm của sự thật, thời điểm mà EU sẽ phải đưa ra một lựa chọn quan trọng, đang đến gần. Cuộc khủng hoảng nợ chỉ có thể kết thúc theo một trong 2 cách: Hoặc thông qua việc thành lập một kho bạc, hệ thống thuế và ngân sách trên toàn châu Âu, “gộp thành của chung” mọi khoản nợ và cắt giảm tối đa khả năng của các chính phủ quốc gia trong việc quyết định các chính sách kinh tế hoặc rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị nặng nề. Những thách thức đối với EU chắc chắn sẽ không kết thúc cùng với dịch bệnh.

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.