Nỗ lực bảo vệ xác ướp - di sản thời cổ đại giữa chiến tranh

Thứ Bảy, 10/06/2017, 10:29
Cuộc nội chiến đẫm máu ở Yemen gây ra hàng ngàn cái chết thương tâm đồng thời gián tiếp phá hủy một di sản cổ đại vô giá của đất nước - đó là bộ sưu tập hiếm hoi các xác ướp còn khá hoàn hảo mà giới khảo cổ học đang cố gắng bảo vệ trong... tuyệt vọng.

Nhà bảo tàng Đại học Sanaa (thủ đô Yemen) là nơi gìn giữ bộ sưu tập xác ướp hàng ngàn năm tuổi, minh chứng cho nền văn minh ít được biết đến của “Arabia Felix (Arabia hạnh phúc)” - tên gọi cổ của Yemen - vào năm 400 trước Công nguyên.

Trong suốt nhiều thập niên, những thi hài cả nam lẫn nữ được ướp hương thơm ngát, trong đó một số vẫn còn răng và tóc thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch và giới khảo cổ tìm đến Yemen. Nhưng ngày nay với tình trạng nguồn điện chập chờn và các cảng bị phong tỏa do nằm dưới sự kiểm soát của phiến quân Houthi, số phận của bộ sưu tập độc đáo này đang bị đe dọa hết sức nghiêm trọng.

Một sinh viên Yemen đang quan sát xác ướp tại Đại học Sanaa.

Giới khảo cổ học Yemen đang nỗ lực bảo tồn 12 xác ướp được phát hiện tình cờ trong những cuộc khai quật thực hiện trong hai thập niên 1980 và 1990. Tình trạng xấu mà số thi hài đang phải hứng chịu là sức nóng, độ ẩm trong khi phương tiện bảo quản hết sức thiếu thốn.

Abdel Rahmane Jarallah, Chủ nhiệm Khoa Khảo cổ học Đại học Sanaa, cho biết: “Những xác ướp này là bằng chứng xác thực về lịch sử quốc gia... và chúng đang bị tác động xấu bởi chiến tranh. Chúng cần được bảo quản trong môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt cũng như được chăm sóc thường xuyên. Cụ thể là các xác ướp phải được tẩy trùng 6 tháng một lần. Một số xác ướp đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy do chúng tôi không được bảo đảm về nguồn điện cung cấp ổn định và hóa chất bảo quản cũng trong tình trạng thiếu thốn.

Chúng tôi đang cố gắng chống lại mùi hôi thối khó chịu bốc lên dữ dội từ xác ướp không được bảo quản tốt. Chúng tôi lo ngại về cả 2 vấn đề - quy trình bảo quản xác ướp và tình trạng sức khỏe của những người chịu trách nhiệm xử lý chúng”.

Phòng trưng bày xác ướp tại Đại học Sanaa.

Từ thành phố cổ Palmyra ở Syria cho đến Sanaa, các điểm khảo cổ và nhà bảo tàng trong khu vực Trung Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi những cuộc xung đột bạo lực mà không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Thành cổ và thủ đô Sanaa của Yemen chính thức được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức UNESCO từ năm 1986 nhưng hiện đang gặp nguy hiểm do cuộc nội chiến bùng nổ năm 2015 tại quốc gia này.

Cuộc xung đột xảy ra do sự đối đầu giữa phiến quân Houthi theo Hồi giáo dòng Shiah (lực lượng chiếm đóng Sanaa năm 2014) kết hợp với các đồng minh thân Iran và chính quyền Tổng thống Abd Rabbuh Mansur Hadi được liên minh 10 quốc gia Arập do Arập Xêút dẫn đầu hỗ trợ. Nằm trên núi đá cao 2.200 mét so với mặt biển, thủ đô Sanaa của Yemen là điểm di sản Hồi giáo cực kỳ quan trọng với hơn 100 nhà thờ cổ và khoảng 6.000 căn nhà được xây dựng trước thế kỷ 11. Cổ thành Sanaa nổi tiếng thế giới với những căn nhà nhiều tầng xây dựng bằng đá núi lửa basalt đầy màu sắc và những cửa sổ được trang trí kính nhiều màu độc đáo.

Một xác ướp được bảo quản cẩn thận ở Đại học Sanaa.

Một trong những khu vực của cổ thành Sanaa bị phá hủy năm 2015 trong vụ không kích dữ dội của liên minh Arập chống phiến quân Houthi. Hậu quả là nhiều căn nhà xây bằng bùn thời Trung Cổ và một pháo đài thời đế quốc Ottoman bị phá hủy. Không những di tích cổ bị hủy hoại mà còn diễn ra nạn cướp phá cổ vật.

Năm 2016, chính quyền Thụy Sĩ đã tịch thu nhiều mẫu vật khảo cổ buôn lậu có nguồn gốc từ Yemen, Syria và Libya. Giới khảo cổ học Yemen kêu gọi các đảng phái chính trị cũng như các tổ chức quốc tế giúp đỡ bảo tồn bộ sưu tập xác ướp quý giá nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực.

Fahmi al-Ariqi, giáo sư Đại học Sanaa, bày tỏ mối lo ngại: “Chúng tôi cần một đội ngũ chuyên gia có nhiệt huyết để bảo tồn 12 xác ướp trong trường đại học cũng như số xác ướp khác tại Bảo tàng Quốc gia Sanaa”. Mặc dù chưa nhận được câu trả lời từ chính quyền và cộng đồng quốc tế song Abdel Rahmane Jarallah vẫn hết sức tự tin vào tương lai: “Nền văn hóa và lịch sử của chúng tôi sẽ không bao giờ biến mất. Đất nước Yemen có rất nhiều điểm khảo cổ và chắc chắn còn rất nhiều xác ướp chưa được khám phá. Chúng tôi tự tin vào điều đó”.

An An (tổng hợp)
.
.