Trao giải Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia:

Nỗ lực hòa bình sẽ thành công?

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:15
Thông báo của Ủy ban Nobel Na Uy hôm 7-10 công bố kết quả xét trao giải Nobel Hòa bình năm 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho quyết tâm theo đuổi tiến trình đàm phán với Lực lượng Cách mạng Colombia (FARC) để đi đến chấm dứt cuộc nội chiến dài nhất trong lịch sử thế giới đương đại- 52 năm.

Tổng thống Colombia tên đầy đủ là Juan Manuel Santos Calderón, sinh ngày 10-8-1951 tại Bogota, Colombia, trong một gia đình chính trị gia. Thời trẻ ông từng học đại học nhưng bỏ học nhập ngũ hải quân và không quân thời gian ngắn rồi sau đó trở lại giảng đường đại học, tốt nghiệp khoa báo chí Đại học Harvard và khoa luật và ngoại giao trường Lậut và Ngoại giao Fletcher.

Ông lấy bằng thạc sĩ kinh tế chuyên ngành quản lý kinh tế công tại Trường Kinh tế London, Anh. Santos tham gia vào hoạt động chính trị từ rất lâu, trải qua một số vị trí Bộ trưởng trong các chính phủ tiền nhiệm. Năm 2005, ông đứng ra thành lập đảng Xã hội Thống nhất Quốc dân (PDU), hiện là chính đảng lớn nhất Colombia. Đây là bàn đạp để Santos tiến những bước dài trên con đường chính trị quốc gia.

Ông giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử tổng thống Colombia năm 2010 để lên lãnh đạo đất nước khi đó đang chìm ngập trong khó khăn về kinh tế và an ninh bất ổn do chiến dịch quân sự chống các lực lượng du kích cánh tả của người tiền nhiệm Alvaro Uribe.

Ngay sau khi Santos lên làm Tổng thống Colombia, tình hình đã có sự chuyển biến tích cực. Tổng thống Venezuela khi đó là Hugo Chavez đã lên tiếng đề nghị làm trung gian hòa giải để chính phủ của Santos và FARC tiến hành cuộc đàm phán để đi đến thỏa thuận hòa bình, chấm dứt chiến tranh.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos phát biểu với báo chí sau khi được tuyên bố đoạt giải Nobel Hòa bình 2016. Bên cạnh là vợ ông, bà Maria Clemencia Rodriguez.

Địa điểm đàm phán được ấn định là tại Thủ đô La Habana của Cuba. Sau khi ông Chavez qua đời tháng 3-2013, trung gian hòa giải được chuyển sang cho Chủ tịch Cuba Raul Castro. Kể từ đó, tiến trình đàm phán tiến triển thuận lợi, đạt được nhiều đột phá, thỏa thuận để từng bước đi đến thỏa thuận toàn diện cuối cùng vào mùa hè năm 2016.

Cuộc nội chiến Colombia khởi phát vào năm 1964 cùng với sự ra đời của FARC, xuất phát từ vụ việc quân đội chính phủ Colombia tấn công đẫm máu vào một khu dân cư biệt lập ở vùng nông thôn giết chết hàng trăm nông dân có vũ trang theo trung thành với Đảng Cộng sản tại nước này. Cuộc đấu tranh của FARC sau đó không chỉ chống lại chính sách đàn áp của quân đội chính phủ Colombia mà còn chống lại việc tập trung đất đai nông nghiệp trong tay một số ít địa chủ giàu có tiếp nối các chính sách cai trị thuộc địa thời thực dân Tây Ban Nha xâm chiếm vùng đất bây giờ là Colombia.

Trải qua hơn nửa thế kỷ chiến tranh, hơn 220.000 người Colombia thuộc cả hai phía đã thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa, không nơi nương tựa. Vì thế, việc ký kết Hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc nội chiến là niềm khát khao không chỉ của các du kích quân FARC mà còn của nhiều người dân Colombia.

Thông báo của Ủy ban Nobel Na Uy hôm 7-10 công bố kết quả xét trao giải Nobel Hòa bình năm 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho quyết tâm theo đuổi tiến trình đàm phán với Lực lượng Cách mạng Colombia (FARC) để đi đến chấm dứt cuộc nội chiến dài nhất trong lịch sử thế giới đương đại- 52 năm.

Ngay sau khi có thông tin về việc trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Colombia Manuel Santos, giới quan sát theo dõi tình hình Colombia đặt ngay câu hỏi: Tại sao cùng chung nỗ lực để đi đến ký thỏa thuận hòa bình mà sao chỉ có ông Santos được trao giải mà các lãnh đạo FARC không có tên? Câu trả lời là, khi Ủy ban Nobel Na Uy xét đối tượng trao giải Hòa bình năm 2016, trong danh sách đồng nhận giải thuộc Colombia có tên Tổng thống Santos và lãnh đạo FARC Rodrigo Londono, còn gọi là Timochenko.

Thời điểm xét trao giải diễn ra trong giai đoạn trước tháng 10-2016, tức là sau khi thỏa thuận hòa bình đã được ký nhưng trước cuộc trưng cầu dân ý về Hiệp định hòa bình. Ngày 2-10, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức, với kết quả 50,2% phiếu không đồng ý Hiệp định hòa bình, còn lại 49,8% đồng ý. Kết quả này khiến cho Hiệp định hòa bình không có giá trị thi hành, buộc hai bên phải tiến hành đàm phán lại một số điều khoản mà đa số người dân không đồng tình.

Ủy ban Nobel Na Uy cho rằng, nỗ lực hòa bình của FARC chưa đạt được kết quả cuối cùng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết, trong đó có việc ân xá cho các thành viên FARC từng gây ra các vụ giết người mà người dân Colombia yêu cầu phải đưa ra xét xử công bằng.

Với việc trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Santos, Ủy ban Nobel Na Uy hy vọng rằng giải thưởng sẽ là liều thuốc khích lệ tất cả các bên ở Colombia tiếp tục theo đuổi đàm phán nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là một Hiệp định hòa bình được thông qua và có hiệu lực thi hành, khi đó cuộc nội chiến 52 năm mới thật sự chấm dứt.

Đối với Tổng thống Santos, giải thưởng Nobel Hòa bình 2016 là một vinh dự lớn, là sự ghi nhận của cộng đồng thế giới đối với những nỗ lực tìm kiếm hòa bình cho đất nước ông. Nhưng ở trong nước, Santos cũng đang đối mặt với những thách thức không nhỏ cho nỗ lực tiếp tục theo đuổi đàm phán hòa bình.

Cựu Tổng thống Alvaro Uribe dẫn đầu thành phần cực đoan phản đối Hiệp định hòa bình.

Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy khoảng một nửa dân chúng không đồng tình với cách giải quyết của chính phủ đã được ghi trong Hiệp định, có nghĩa là những nội dung thỏa thuận đó sẽ phải đàm phán lại để chỉnh sửa lại sao cho phù hợp ý kiến của dân chúng. Nhưng nếu thỏa mãn yêu cầu của bên này thì ắt sẽ không làm hài lòng bên còn lại, vì lợi ích của họ cũng sẽ bị đụng chạm.

Về vấn đề này, lãnh đạo FARC đã nói trong tuyên bố chúc mừng ông Santos hôm 7-10 rằng, FARC quyết tâm theo đuổi đàm phán hòa bình, nhưng sẽ không chấp nhận nhượng bộ thêm nữa vì đã nhượng bộ quá nhiều trong các yêu cầu đặt ra ban đầu khi tiến hành đàm phán với chính phủ Colombia.

Một thách thức gay go nữa cho ông Santos đến từ cựu Tổng thống Alvaro Uribe, người có quan điểm cứng rắn đối với FARC. Trong thời gian còn tại vị, ông Uribe đã chủ trương dùng vũ lực chiến tranh để dập tắt phong trào đấu tranh của FARC, không khoan nhượng bất chấp FARC từng thể hiện thiện chí đàm phán hòa bình.

Giai đoạn ông Uribe làm Tổng thống là khoảng thời gian FARC chịu nhiều tổn thất nhất, hoạt động khó khăn nhất và đã có lúc tưởng như sắp bị giải tán. Chính từ thực tế đó mà ông Uribe có đủ lý lẽ mạnh nhất để quyết tâm không khoan nhượng FARC. Và ông đã nhận được sự ủng hộ của hơn 50% dân chúng Colombia trong vấn đề này.

Ngày 23-11-2016, sau hơn một tháng đàm phán lại, Hiệp định hòa bình chính thức giữa Chính phủ Colombia và FARC đã được ký lại lần thứ hai, với các điều khoản mới mang tính nhượng bộ nhiều hơn từ phía FARC nhằm đáp ứng đòi hỏi của đảng đối lập và phong trào bảo thủ của cựu Tổng thống Uribe.

Ngay sau đó, Hiệp định được Quốc hội chuẩn y, và chính thức có hiệu lực. Nỗ lực kiến tạo hòa bình của Tổng thống Santos cuối cùng đã được hoàn thiện trước ngày ông chính thức nhận Giải thưởng Nobel.

An Châu (tổng hợp)
.
.