Nỗ lực hồi sinh nghệ thuật Iraq

Thứ Sáu, 28/06/2013, 04:35

Trong suốt nhiều thập niên, Baghdad là thủ đô văn hóa của thế giới Arập. Nhưng chiến tranh đã làm thay đổi điều đó và mãi cho đến hôm nay nghệ thuật Iraq mới dần hồi sinh trở lại. Các nghệ sĩ đang đấu tranh với hậu quả của cuộc xung đột nhưng thiếu những người đỡ đầu. Họ nhận định sự hồi sinh của nghệ thuật liên kết chặt chẽ với tương lai của đất nước Iraq.

Ngồi trong khu vườn, Qasim Sabti lớn tiếng quát mắng tên khủng bố "chó má" đã nhiều lần đe dọa sẽ tấn công gallery nghệ thuật Hewar của ông ở trung tâm thành phố Baghdad. Sabti cũng quát mắng thậm tệ những người trong Bộ Văn hóa đã bỏ túi riêng số tiền nhỏ nhoi dành cho phát triển nghệ thuật ở Iraq. Nhưng điều mà Sabti căm giận nhất là "sự xâm lược của bọn vô văn hóa" - đó là bi kịch lớn nhất của Iraq.

Họa sĩ và chủ nhân gallery có quan hệ mật thiết với phương Tây, Sabti thật sự là người có máu mặt trong giới nghệ sĩ tạo hình ở Iraq. Vào buổi chiều, Sabti gặp gỡ các nhà điêu khắc, họa sĩ, nhà thơ và nhà soạn kịch của Baghdad ở sân trong gallery Hewar của ông. Uống trà và hút ống điếu, họ nói chuyện về các đồng nghiệp và các nhà sưu tập sống lưu vong, và chuyện tiền bạc đang gây khốn khổ cho những nghệ sĩ còn ở lại Iraq.

Quân đội Iraq chắc chắn rằng sự tụ họp của những con người này là an toàn. Cũng giống như nhiều vùng lân cận trong thủ đô Iraq, gallery của Sabti nằm trong khu vực được kiểm soát gắt gao nhất. Bất cứ ai muốn thưởng ngoạn nghệ thuật ở Baghdad đều phải bước qua vài chốt kiểm soát và những người lính vũ trang hạng nặng sẽ dò tìm chất nổ trên xe của họ. Nơi sân trong gallery của Sabti, người ta chỉ biết đến cuộc chiến đang diễn ra khi nghe thấy tiếng máy bay trực thăng của quân đội Mỹ vần vũ ầm ầm trên đầu và làm cho cuộc trò chuyện đang râm ran phải dừng lại chốc lát.

Một tác phẩm điệu khắc của Fadaam thể hiện hình ảnh những người vợ góa trong chiến tranh.

Trong suốt thế kỷ XX, Iraq được coi là trung tâm nghệ thuật của thế giới Arập. Dưới thời Saddam Hussein, thành phố Baghdad là trung tâm hoạt động sáng tạo nghệ thuật của thế giới Arập. Saddam Hussein thích tôn vinh mình trong nghệ thuật điêu khắc và hội họa, và những người có tài năng đều được khích lệ. Các lớp học nghệ thuật được miễn phí. Thậm chí màu vẽ và vải vẽ nhập khẩu từ Pháp cũng không mất tiền mua. Nếu trung thành với chế độ, nghệ sĩ sẽ có cuộc sống sung túc và đều đặn nhận được đơn đặt hàng của chính phủ hay một chức giáo sư. Tầng lớp trung lưu khá giả cũng coi việc sưu tập nghệ thuật Iraq là thời trang.

Khi quân đội Mỹ tràn vào Iraq năm 2003, môi trường nghệ thuật vững chắc của Baghdad bị sụp đổ. Các nhà sưu tập bay khỏi đất nước và các họa sĩ, nhà điêu khắc cũng đi theo họ. Tuy nhiên, trong những năm đầu của chiến tranh, Sabti cho rằng, nhiều nghệ sĩ địa phương vẫn có thể sống nhờ vào nghệ thuật của họ. Sabti nói: "Đầu tiên, nhân viên Liên Hiệp Quốc, nhà báo và ngay cả lính Mỹ tìm đến gallery của tôi để mua tranh tượng".

Với giá cả dao động từ 800 USD đến 2.000 USD cho một bức tranh sơn dầu tinh tế, những kẻ ngoại quốc này tìm thấy một chỗ trong con tim để chứa nghệ thuật Iraq. Rồi khủng bố xuất hiện và việc buôn bán trở nên ế ẩm. Sabti nói: "Vào năm 2005, người nước ngoài không còn tự do đi lại được nữa. Kể từ đó việc bán tranh chững lại". "Baghdad có nguy cơ trở thành một thành phố không có bộ mặt", nhà điêu khắc và nhà văn Ahmed Abdullah Fadaam buồn bã nói và ông nhận định những tượng đài công cộng và tác phẩm điêu khắc là hình ảnh của một quốc gia.

Fadaam cảnh báo: "Ở Baghdad, những tác phẩm nghệ thuật cũ bị hủy hoại bởi vì chúng được làm theo đơn đặt hàng của Saddam Hussein. Và không có ai đặt sáng tác những tác phẩm mới. Iraq sẽ trở thành một xã hội không có gương mặt".

Trong gallery của Sabti trưng bày những tác phẩm hội họa từ cổ điển cho đến trừu tượng và... minh họa.

Với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, Fadaam đang cố gắng cứu lấy những gì mà ông có thể. Trong nhiều năm trời, bức tượng "Our Lady of the Marshes" của nhà điêu khắc nổi tiếng Khalid Al-Rahal sừng sững giữa quảng trường trung tâm thành phố Sadr, khu ngoại ô nghèo của Baghdad.

Theo Fadaam, khi người Hồi giáo nắm quyền lực, họ cho tháo gỡ hình ảnh người phụ nữ "bởi vì người ta có thể trông thấy lờ mờ hai đầu núm vú của người đàn bà". Fadaam và một số người cùng chí hướng đã rất khó khăn để thuyết phục những người Iraq khác không nấu chảy bức tượng đồng bởi lẽ nó là tác phẩm của một trong những nghệ sĩ Iraq nổi tiếng nhất của thế kỷ XX. Fadaam nói: "Hiện nay bức tượng nằm phủ bụi trong tầng hầm của Bộ Văn hóa". Fadaam là nghệ sĩ nhạy cảm và thâm trầm. Những tác phẩm phản ánh đời sống Iraq của Fadaam, được Đại học Bắc Carolina (Mỹ) đặt hàng, đã giành được vài giải thưởng quốc tế.

Hiện thời, Fadaam quay sang viết phóng sự cho đài phát thanh và vẽ minh hoạ cho một nhà xuất bản truyện tranh. Chiến tranh tàn khốc đã khiến cho Fadaam không muốn cầm cây đục nữa. "Ngay khi chiến tranh bùng nổ, tôi đã ngưng sáng tác", Fadaam nói - bởi vì ông không muốn bất cứ ai phải đối mặt với sự ác nghiệt của chiến tranh trong một tác phẩm nghệ thuật to như thật. "Có gì là tốt đẹp nếu như tôi thể hiện sự kinh hoàng, sự sợ hãi của chính tôi trong điêu khắc? Rồi tôi chỉ sẽ mang đến cho người xem cùng nỗi tuyệt vọng như tôi mà thôi".

Một bức tượng của Fadaam dán giấy báo thể hiện những đầu đề gây sốc về Iraq.

Fadaam nói nghệ thuật hiện đại Iraq cũng giống như chính người dân Iraq: nạn nhân của chiến tranh. Đời sống hàng ngày cũng trơ trụi nghèo nàn như công việc sáng tác. "Những người còn cầm cọ vẽ sẽ chẳng bán được gì. Ai muốn treo một bức tranh mô tả xác chết bị phân thây ngay trên bàn ăn của mình?". Nhưng các họa sĩ không biết làm gì khác hơn ngoài sự tái tạo hiện thực tàn nhẫn và các nhà điêu khắc chỉ có thể phản ánh sự kinh khủng của chiến tranh. Fadaam muốn nói đến một bộ phận tốt đẹp nhất trong cộng đồng nghệ sĩ của Iraq - những người bị thúc ép phải sáng tác, những người có động lực thúc đẩy.

Fadaam kỳ vọng vào thế hệ những người Iraq mới hiện đang học tập trong trường nghệ thuật. Ông nói: "Có vài tài năng đang học tập ở đó". Chỉ trong vài năm nữa, những tài năng mới này sẽ mang hơi thở mới đến cho nghệ thuật Iraq và đưa Baghdad trở lại vị trí trung tâm văn hóa như thời trước chiến tranh một lần nữa. Fadaam tin tưởng sự hồi sinh của nghệ thuật liên kết chặt chẽ với tương lai của đất nước Iraq. Fadaam kết luận: "Nếu lớp người trẻ tuổi có thể thể hiện tình yêu và hạnh phúc trong tác phẩm của họ thì điều đó không chỉ là tương lai sáng sủa cho nghệ thuật mà còn cho chính người dân Iraq"

An An (tổng hợp)
.
.