Nỗ lực quốc tế bảo vệ di sản văn hóa Syria

Thứ Sáu, 08/08/2014, 17:25

Một nhóm chuyên gia văn hóa và nhà khoa học quốc tế đã thành lập một lực lượng gọi là Đặc nhiệm Văn hóa (HTF) giúp Syria bảo vệ di sản văn hóa trong cuộc nội chiến khốc liệt kéo dài tại quốc gia này. Cuộc nội chiến kéo dài hơn 3 năm qua đã tước đi sinh mạng của hơn 150.000 người, đồng thời đẩy hàng triệu người khác chạy sang các nước láng giềng lánh nạn. Hơn thế, chiến tranh cũng hủy diệt một số di sản nghệ thuật và tượng đài văn hóa quý nhất của Syria.

"Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là chọn lọc cấp độ quan trọng của di sản văn hóa để cứu lấy chúng. Và, đây quả là công việc vô cùng khó khăn pha lẫn buồn rầu chán nản", Brian Daniels thuộc Trung tâm Di sản Văn hóa Penn, Bảo tàng Penn phát biểu.

Daniels mới từ một địa điểm bí mật trên đất Thổ Nhĩ Kỳ - nơi HTF đang âm thầm huấn luyện người Syria những kỹ năng bảo vệ di sản trước sự tàn phá của bom đạn cũng như các mối đe dọa khác - quay về Syria.

HTF được chính quyền tạm thời Syria (SIG) thành lập và hợp tác với nhiều tổ chức lớn trên thế giới như Viện Smithsonia, Viện Hòa bình Mỹ, Trung tâm Di sản văn hóa Penn và Day After Association (DAA) ở Bỉ. HTF nhận được sự ủng hộ từ Quỹ JM Kaplan ở New York. Đây là hành động mới nhất nhằm bảo vệ những kho tàng văn hóa ở các khu vực nằm ngoài vòng kiểm soát của chính quyền Tổng thống Bashar al-Asad.

Thánh đường Hồi giáo Umayyad chụp từ vệ tinh ngày 1/3 vừa qua.

Tháng 5/2014, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cho thành lập một trạm quan sát tại thủ đô Beirut của Liban để giám sát sự phá hủy và đánh cắp cổ vật đồng thời thu thập thông tin chuẩn bị cho công tác phục hồi sau khi chiến tranh chấm dứt. Nhưng, HTF được coi là nỗ lực trực tiếp nhằm hỗ trợ và huấn luyện các chuyên gia cũng như các nhà hoạt động văn hóa bên trong lãnh thổ Syria và được coi là những người dễ bị mất mạng khi cố cứu di sản của đất nước.

Brian Daniels phân tích: "Tình hình ở thành phố Aleppo cực kỳ xấu. Người dân không có điện để sử dụng và thiếu nước sinh hoạt. Chúng tôi gặp gỡ những người đang làm việc trong các nhà bảo tàng và các trung tâm văn hóa khác bị tổn hại do bom đạn - đôi khi bị thiệt hại trực tiếp do những cuộc tấn công bằng súng cối".

Daniels cho biết, sự hỗ trợ tâm lý là cực kỳ quan trọng nhưng cũng thừa nhận rằng sự giúp đỡ của HTF vẫn còn hạn chế. Điều kiện sử dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh và các phương pháp khoa học khác để phân tích hình ảnh là hết sức khó khăn trong tình hình hiện nay. Tuyệt đại đa số các địa điểm di sản của Syria nằm trong vùng lửa đạn.

Nhà bảo tàng Ma'arra ở tỉnh Idlib.

Nạn cướp phá di sản hiện là vấn đề lớn. Mối lo ngại đặc biệt là công tác thu thập bộ sưu tập tranh ghép mảnh Byzantine nổi tiếng thế giới tại Bảo tàng Ma'arra ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria. Bảo tàng Ma’arra hứng chịu nhiều đợt tấn công của nhóm chiến binh vũ trang Hồi giáo ISIS. HTF đã cố vấn cách ổn định bộ sưu tập tranh ghép mảnh, đồng thời hỗ trợ phương pháp bảo tồn khẩn cấp.

Nhiều chiến thuật cứu nạn di sản văn hóa được học hỏi từ Thế chiến II nay được áp dụng. Tuy nhiên, những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy mức độ tổn hại rất nghiêm trọng đối với các khu chợ cổ Hồi giáo ở Aleppo và thánh đường Hồi giáo Umayyad của thành phố 1.000 năm tuổi này.

Bà Susan Wolfinbarger cho biết, cả hai đều được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Susan Wolfinbarger hiện là Giám đốc Dự án các Công nghệ Địa - Không gian và Nhân quyền (GTHR) của Hiệp hội Mỹ Vì sự tiến bộ của Khoa học (AAAS).

Bức tranh ghép mảnh tại Nhà bảo tàng Ma'arra bị hư tổn do đạn bắn.

Syria là miền đất thường xảy ra xung đột. Một trong những cuộc xung đột sớm nhất được ghi nhận diễn ra cách đây hơn 5.000 năm ở Hamoukar, Đông Bắc Syria. Hồi đó, phe tấn công sử dụng ná bắn đạn lửa làm từ đất sét, giết chết người dân và thiêu cháy thành phố. Mặc dù khu vực này may mắn thoát khỏi sự tàn phá của cuộc nội chiến hiện nay, song các chuyên gia cho rằng tình hình an ninh lỏng lẻo cũng khiến cho những địa điểm văn hóa nhạy cảm bị cướp phá và việc xây dựng tràn lan không kiểm soát.

Những hình ảnh vệ tinh chụp được trong thời gian qua cho thấy các tượng đài di sản văn hóa đã có nhiều sự thay đổi. Công nghệ địa - không gian cũng được sử dụng để thu thập bằng chứng về các loại tội phạm liên quan đến thảm họa môi trường như tràn dầu và những vụ vi phạm nhân quyền.

Wolfinbarger cho biết: "Chúng tôi lập báo cáo quá nhiều lần về sự tổn hại hay một cuộc tấn công song không ai lắng nghe". Khi cuộc nội chiến có dấu hiệu tạm dừng thì nhiệm vụ giải cứu di sản văn hóa sẽ diễn ra náo nhiệt và rộng khắp hơn

An Di (tổng hợp)
.
.