Nở rộ du lịch thể thao
- VinaPhone tặng cước data roaming cho cổ động viên Việt Nam sang Trung Quốc
- Thành lập Đoàn cổ động viên Việt Nam cổ vũ tại SEA Games 25
Vài năm gần đây, du lịch thể thao đã, đang được nhiều đơn vị lữ hành lớn quan tâm khai thác. Xu hướng tổ chức các sự kiện thể thao gắn với du lịch ngày càng nở rộ. Những sự kiện thu hút hàng ngàn lượt người tham gia và con số vẫn liên tục tăng cao, thậm chí tăng gần gấp đôi sau mỗi mùa tổ chức đã không còn là chuyện hiếm. Nhưng, liệu du lịch gắn kết với thể thao Việt Nam có thực được phát huy xứng đáng với tiềm năng đang có?
Những ngày này, thông tin Hà Nội đăng cai tổ chức Giải đua xe công thức 1 (Formula One – F1) không chỉ khiến người đam mê thể thao chờ đợi. Bởi, nói như cách của ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam thì đây là cơ hội cho du lịch Việt. Thu hút hàng trăm nghìn người trực tiếp tham gia, hàng triệu lượt người theo dõi qua truyền hình, Giải F1 là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam và thu hút du khách, tăng doanh thu du lịch thông qua các hoạt động dịch vụ đi kèm.
Thuê bao nguyên chuyến bay kết hợp phục vụ du lịch với bóng đá được tổ chức phổ biến hơn trong năm 2018. |
Cũng theo ông Đức, thực chất, du lịch thể thao cũng là một dạng du lịch gắn với sự kiện. Quy mô sự kiện càng lớn, càng hấp dẫn, càng có nhiều người tham gia thì cơ hội quảng bá cũng như tạo doanh thu du lịch thông qua các hình thức cung cấp dịch vụ cho khách càng cao. Với thế giới, du lịch thể thao đã rất phát triển.
Nắm bắt xu thế này, trong dịp Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5 tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch đã tổ chức hội nghị chuyên sâu về du lịch thể thao với hàng trăm đại biểu là các chuyên gia du lịch uy tín của thế giới.
Thông tin thu về cho thấy, các sự kiện thể thao gắn với du lịch mang lại doanh thu du lịch đáng kể cho các quốc gia, thậm chí có nước còn chiếm đến 50% doanh thu du lịch. Tại Việt Nam, các sự kiện thể thao lớn đã, đang ngày càng góp phần quan trọng trong mang về doanh thu cho ngành du lịch.
Ngoài thể thao bãi biển thì bóng đá, điền kinh, các sự kiện thể thao quần chúng lớn là những điểm nhấn quan trọng hàng năm. Các sự kiện này đang được tổ chức với tần suất ngày càng dày hơn, thu hút lượng người tham gia đông đảo hơn.
Thực tế, chỉ riêng với giải chạy đường dài, hiện nay, tại Việt Nam đã có hàng chục giải quy mô lớn được tổ chức rầm rộ, thu hút hàng nghìn người ở trong và ngoài nước tham gia trực tiếp. Thậm chí, quy mô nhiều giải còn tăng cao theo cấp số nhân. Ngoài giải chạy đường dài leo núi Mountain marathon Sa Pa – một trong những điểm nhấn của du lịch thể thao vào mùa thu hàng năm, trong nửa cuối năm 2018, hàng loạt các giải chạy tương tự cũng đã được tổ chức hoặc rục rịch chuyển động.
Các cuộc thi chạy bộ kết hợp quảng bá du lịch đang được triển khai rầm rộ tại nhiều địa phương trên cả nước. |
Tại Hà Nội, một giải Marathon mới đây thu hút 2.500 người cùng chạy vừa kết thúc đã tiếp nối ngay bằng một giải Marathon khác lần thứ 3 được tổ chức với số lượng người chạy tương đương – 2.500 người đến từ 25 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Trước đó, người đam mê chạy bộ chứng kiến cuộc đụng độ của hơn 3.400 vận động viên của 54 quốc gia tham gia giải chạy đường dài leo núi Việt Nam năm 2018. Giải chạy leo núi tại một thành phố thuộc Tây Nguyên vừa kết thúc mùa giải 2018 với trên 2.000 người tham gia cũng đã rục rịch chuẩn bị cho mùa tổ chức tiếp theo – năm 2019.
Tại TP Hồ Chí Minh, những ngày này, một giải chạy đường dài quốc tế do một ngân hàng đứng ra tổ chức cũng đang nóng dần với hàng loạt các kế hoạch đồng thời được rầm rộ triển khai, từ các khâu chuyên môn như đo đạc cự ly đường chạy chính xác đến ký kết phối hợp tổ chức đường chạy chuẩn quốc tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia, tổ chức đội ngũ tình nguyện viên…
Dự kiến giải diễn ra vào đầu tháng 12 với khoảng 8.000 vận động viên trong và ngoài nước cùng tham gia đường chạy xuyên trung tâm TP Hồ Chí Minh, trải dài qua quận 1, quận 2, quận 3, quận 4, quận 6 và Bình Thạnh. Đây cũng là giải chạy bộ được kỳ vọng sẽ góp phần đáng kể trong việc quảng bá điểm đến cho du lịch TP Hồ Chí Minh nói riêng, du lịch Việt nói chung.
Bước chân của các vận động viên chuyên nghiệp, nổi tiếng từ nhiều quốc gia và hình ảnh của họ tại mỗi điểm du lịch nổi tiếng của thành phố sẽ được ghi nhận trong suốt hành trình thi đấu, lan tỏa qua các kênh truyền thông chính thống cũng như mạng xã hội được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá đáng kể cho du lịch Việt.
Chưa kể, ngoài hoạt động thi đấu chính, dịp này, ban tổ chức còn lên kế hoạch thực hiện khá nhiều hoạt động bên lề, hứa hẹn hấp dẫn đông đảo khách tham quan, cổ động viên như triển lãm, biểu diễn ca nhạc, hội thảo chuyên đề và các hoạt động vui chơi giải trí khác. Các dịch vụ ăn theo, từ lưu trú, ẩm thực, mua sắm phục vụ lực lượng vận động viên hùng hậu này là cơ hội để tăng doanh thu du lịch của thành phố.
Ở chiều ngược lại, các sự kiện thể thao lớn của thế giới đã, đang trở thành những “mảnh đất” khá màu mỡ cho các doanh nghiệp lữ hành. Nổi bật gần đây nhất không thể không kể đến các tour du lịch ra nước ngoài “ăn theo” Giải vô địch U23 châu Á tại Thường Châu, Trung Quốc và Đại hội thể thao châu Á – ASIAD 2018.
Cùng với từng bước tiến sâu vào vòng trong của đội tuyển Việt Nam, rất nhiều hãng lữ hành lớn nhất trong nước đã đồng loạt mở tour du lịch đi Trung Quốc, Indonesia xem bóng đá, cổ vũ cho đội nhà. Mặc dù mức giá liên tục tăng, thậm chí tăng gần gấp đôi so với thông thường nhưng nhiều đơn vị vẫn “cháy” tour. Có đơn vị lữ hành đã đóng quầy nhận tour chỉ sau vài giờ phát đi thông tin vì quá tải khách đăng ký.
Trao đổi về xu hướng phát triển du lịch thể thao, ông Nguyễn Công Hoan, đại diện một đơn vị lữ hành du lịch có uy tín cho rằng kết hợp thể thao với du lịch là sản phẩm đã có từ lâu. Thông thường có 3 tình huống. Với du lịch phổ thông kết hợp tham quan một số địa danh gắn với thể thao, du lịch thể thao chỉ mang tính chất làm phong phú thêm nội dung chương trình tour.
Với tour thông thường nhưng trong dịp có sự kiện thể thao nhất định thì thể thao là một trong những nội dung chính. Ví dụ trong các dịp tổ chức giải bóng đá lớn hay Giải đua xe công thức 1, Đại hội thể thao Đông Nam Á…, hoạt động tổ chức mang tính chất thường xuyên, các đơn vị lữ hành sẽ chủ động đưa vào nội dung khi xây dựng tour.
Với các giải thi đấu lớn, đơn vị lữ hành tổ chức các tour riêng, tùy thuộc vào diễn biến của giải và quốc gia tham dự giải. Với tình huống này, đi du lịch là phụ, xem thể thao là chính. Tuy nhiên, hiện nay, ở Việt Nam, thường được quan tâm nhiều nhất vẫn là những sự kiện liên quan đến bóng đá. Các sự kiện bóng đá ở trong khu vực, Việt Nam luôn là một trong những nước có số lượng cổ động viên đông nhất. Khách có nhu cầu tham gia các tour du lịch kết hợp bóng đá nhiều, mặc dù giá tour cao hơn.
Bình thường, có tour chỉ mất khoảng 10 triệu đồng/ khách nhưng thời điểm “nóng”, chẳng hạn như đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam vào chung kết, giá có thể lên đến 20 triệu đồng/ khách. Vì đây là tour đột xuất, giá vé máy bay thường rất cao. Các chương trình này buộc các hãng hàng không phải cho thuê nguyên một chuyến bay, giá thành cao hơn 10%, thậm chí lên đến 200% so với thông thường. Khách tham gia không phải do nhu cầu du lịch mà vì mong muốn kết hợp du lịch với đi cổ vũ cho đội tuyển mà họ ưa thích.
Ưu điểm của các tour này là tổ chức trong thời gian ngắn, mang về doanh thu nhanh nhưng cũng kèm theo nhiều rủi ro, đặc biệt là về mặt tài chính. Mùa ASIAD 2018 tại Indonesia và Giải vô địch U23 tại Thường Châu, Trung Quốc là điển hình. Nếu đợi kết quả của trận đấu trước rồi mới triển khai, doanh nghiệp sẽ không kịp đàm phán với bên cung cấp dịch vụ, đặc biệt là với các hãng hàng không, làm thủ tục xuất nhập cảnh.
Các tour này, đơn vị lữ hành vì phải bao nguyên chuyến bay. Mỗi chuyến bay có khoảng 200 chỗ, nếu không có đủ 200 khách thì sẽ bù lỗ, không chỉ về giá vé máy bay mà còn các dịch vụ đi kèm khác. Có trường hợp, khách đông nhưng thời gian gấp, không kịp làm thủ tục xuất cảnh cũng coi như thất bại.
Vì vậy, muốn tổ chức tour, người điều hành phải hiểu bộ môn thể thao mà họ đưa khách đến, bám sát và dự đoán tình hình, bằng linh cảm của người làm nghề, “đo” mức độ yêu thích của người hâm mộ mới quyết định có nên làm hay không. Đặc biệt, đơn vị phải có một đội ngũ nhân lực thật sự chuyên nghiệp. Bởi, với việc tổ chức một tour cho vài trăm khách chỉ trong vài tiếng đồng hồ, vừa quảng bá tour ra thị trường, vừa thu hút khách, vừa triển khai các khâu đưa đón, nếu không thực sự chuyên nghiệp sẽ không thể thực hiện được.
Đơn vị tổ chức thiếu uy tín và năng lực đàm phán thì khó có thể đề nghị các hãng hàng không tổ chức nguyên chuyến bay đưa thẳng khách đến các nơi diễn ra sự kiện. Chưa kể, trong trường hợp rủi ro, kết quả dự đoán không chính xác, uy tín của doanh nghiệp sẽ ít nhiều thuyết phục hãng hàng không hỗ trợ giảm chuyến. Sự chuyên nghiệp cao sẽ giúp đơn vị lữ hành linh động phối hợp huy động khách khắp mọi miền để cho đầy chuyến bay…
Riêng với các sự kiện thể thao trong nước, ông Nguyễn Công Hoan nhận định, hiện nay, dù số lượng sự kiện đã nhiều hơn nhưng mức độ thu hút khách du lịch quốc tế chưa nhiều. Để du lịch thể thao thực sự phát triển, Việt Nam cần có những sự kiện lớn, đẳng cấp quốc tế, khẳng định được thương hiệu riêng. Làm được điều này, cần phải có sự đồng lòng, quyết tâm đầu tư từ cơ quan quản lý nhà nước. Ngay với các giải thể thao kết hợp du lịch đã, đang được tổ chức trong nước hiện nay cũng đang rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý về du lịch lẫn chính quyền địa phương.
Bởi lẽ, như ban tổ chức của một giải chạy đường dài TP Hồ Chí Minh chia sẻ, nếu không có vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, ban tổ chức khó có thể bố trí đường chạy an toàn xuyên qua nhiều quận huyện mà vẫn đảm bảo an toàn cho vận động viên, vừa đảm bảo an toàn giao thông, vừa kết hợp quảng bá điểm đến hấp dẫn. Tất nhiên, sự kết hợp của cơ quan quản lý không phải là về mặt tài chính mà quan trọng hơn cả là sự phối hợp trong các khâu tổ chức sao cho lợi cả các bên…