Nobel Hòa bình 2018: Giải thưởng cho các nữ nạn nhân của xung đột
- Nobel Hòa bình 2018 vinh danh những người hùng chống nạn bạo lực tình dục
- Giải Nobel Hòa bình: Cơ hội cho cô gái trẻ gốc Việt
“Người đàn ông hàn gắn tâm lý cho phụ nữ”
Đó là tên gọi trìu mến mà người dân Cộng hòa Dân chủ Congo đặt cho bác sĩ Denis Mukwege. Cái tên này xuất phát từ cuốn sách cùng tên của tác giả Colette Braeckman phát hành năm 2012 viết về cuộc đời giản dị nhưng phi thường của bác sĩ Denis Mukwege. Cuốn sách sau đó được chuyển thể thành phim tài liệu năm 2015 và được trao tặng nhiều giải thưởng.
Sinh tháng 3-1955 ở Bukavu, Denis Mukwege là con thứ ba trong gia đình có 9 người con. Sau khi học đại học ngành y khoa ở nước láng giềng Burundi, ông trở về nước làm việc tại Bệnh viện Lemera, thuộc vùng Trung nguyên ở phía nam Kivu. Trong thời gian làm bác sĩ ở đây, ông phát hiện ra nhiều phụ nữ là nạn nhân của tình trạng bạo lực tình dục, không được chăm sóc sau khi sinh con, bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần… Lúc đó, ông muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ song lực bất tòng tâm.
Bác sĩ Denis Mukwege (trái) và nhà hoạt động nhân quyền Nadia Murad - Hai chủ nhân của giải Nobel Hòa bình 2018. (ảnh: AFP). |
Vài năm sau, ông Denis Mukwege sang Pháp học nâng cao chuyên ngành phụ khoa và sản khoa. Nhẽ ra bác sĩ Denis Mukwege có thể ở lại Pháp sau một thời gian dài học tại tỉnh Angers. Tuy nhiên, ông đã quyết định trở lại quê hương để giúp đỡ người dân, vốn rất nghèo khổ sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc. Ông trở lại Bệnh viện Lemera vào năm 1989 với chức danh bác sĩ phụ khoa.
Năm 1996, cuộc chiến Cộng hòa Dân chủ Congo đầu tiên nổ ra đã phá hủy hoàn toàn Bệnh viện Lemera. Trước thực trạng trên, năm 1999, bác sĩ Denis Mukwege thành lập Bệnh viện Panzi để chữa trị cho những phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể trong thời chiến và các nạn nhân bị bạo hành tình dục. Tuy nhiên, quê hương ông lại rơi vào cuộc nội chiến lần thứ hai (1998-2003). Tình trạng lao động cưỡng bức hay cưỡng bức tình dục diễn ra phổ biến ở quốc gia Trung Phi này, trong đó nạn nhân chủ yếu của cưỡng bức tình dục là trẻ em gái và phụ nữ. “Cuộc chiến trên thân xác phụ nữ”, ông Mukwege thốt lên đau đớn.
Ở Bệnh viện Panzi, hằng ngày ông Mukwege phải chứng kiến những phụ nữ bị cưỡng hiếp tập thể, bị bạo hành tình dục, thậm chí họ bị đưa đi phá thai bằng các dụng cụ thô sơ, khiến tử cung bị chấn thương nghiêm trọng. Không thể liệt kê được hết số bệnh nhân đáng thương đó, bác sĩ Mukwege không còn cách nào khác là lên tiếng cảnh báo cho cộng đồng quốc tế biết về tình trạng tồi tệ này ở Cộng hòa dân chủ Congo.
Ngoài đấu tranh bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ, ông còn là người phát ngôn cho hàng triệu người dân bị đe dọa bởi các nhóm vũ trang hoặc các nhóm tội phạm ở Kivu - một vùng giàu coltan (là một quặng kim loại màu đen xỉn, từ đó các nguyên tố niobi và tantali được chiết xuất). Đó cũng chính là lý do ông Denis trở thành cái gai trong mắt bọn tội phạm. Tháng 10-2012, ông thoát khỏi một vụ mưu sát và buộc phải trốn sang châu Âu. Đến đầu năm 2013, khi tình hình yên ổn, ông lại trở về Bukavu tiếp tục công việc của mình.
Bác sĩ Denis Mukwege và các nữ bệnh nhân ở Cộng hòa Dân chủ Congo. (ảnh: Reuters) |
Trong hơn 2 thập kỷ hành nghề, ông đã giúp đỡ hàng chục nghìn nạn nhân vượt lên trên nỗi đau và nỗi kinh hoàng, trở thành một tiếng nói mạnh mẽ chống lại nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế, như Giải thưởng Liên Hiệp Quốc về lĩnh vực nhân quyền năm 2008, Giải thưởng Hòa bình Seoul, giải thưởng Sakharov của Liên minh châu Âu… Năm 2015, ông được đề cử Nobel Hòa bình.
Nói về ông, Tiến sĩ Levi Luhiriri -bác sĩ tại Bệnh viện Panzi hết lời ca ngợi: “Bác sĩ Mukwege là một người thẳng thắn, công minh và trung thực. Ông có khả năng thu hút sự chú ý của mọi người”. Với những phụ nữ bị hãm hiếp, bị lạm dụng, bị tổn thương, bác sĩ Mukwege là một người cha cứu độ. Họ thường gọi ông là “Cha Mukwege”.
Trong lời ca ngợi vinh danh ông Mukwege tại lễ công bố giải Nobel Hòa bình, đại diện Ủy ban Nobel nhấn mạnh, bác sỹ Denis Mukwege là “một biểu tượng hàng đầu, và đoàn kết nhất, cả trong nước và quốc tế cho những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực tình dục trong chiến tranh và xung đột vũ trang”. Ông đã cống hiến phần lớn cuộc đời mình để giúp đỡ các nạn nhân bị hãm hiếp tập thể bởi các nhóm nổi dậy tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Cùng với các đồng nghiệp của mình, bác sỹ Mukwege đã tiến hành chữa trị cho hàng nghìn bệnh nhân, đặc biệt là hàn gắn những chấn động tâm lý từ bên trong. Theo tờ The Globe and Mail, ông Mukwege “gần như chắc chắn là chuyên gia hàng đầu thế giới về chữa trị cho các tổn thương liên quan tới việc bị hãm hiếp”.
Từ nô lệ tình dục tới chủ nhân giải Nobel Hòa bình
Người chia giải Nobel Hòa bình với bác sĩ Denis Mukwege là cô Nadia Murad, 25 tuổi.
Nadia Murad sinh năm 1993 trong một gia đình người Yazidi, một cộng đồng sắc tộc tôn giáo người Kurd ở làng Kocho, tỉnh Sinjar, miền Bắc Iraq. Hằng ngày sau giờ học, Nadia lại đi làm đồng hoặc dọn dẹp nhà cửa đỡ đần cho mẹ. Cha của cô mới mất, để lại mình mẹ chăm lo cho 13 đứa con. “Dù cuộc sống khó khăn, nhưng gia đình tôi vẫn yêu mảnh đất chôn rau cắt rốn này. Chúng tôi không muốn rời xa nơi đây”, Nadia từng chia sẻ.
Phóng viên tờ La Libre chia sẻ nỗi đau với Nadia Murad. (ảnh: Johanna De Tessières). |
Cuộc sống của gia đình Nadia đang diễn ra yên bình thì một ngày tháng 8-2014, các phiến quân IS tràn tới làng Kocho. Chúng tàn sát đàn ông, bắt giữ trẻ em và phụ nữ để biến họ thành phiến quân và nô lệ tình dục. Trong số hàng nghìn phụ nữ Yazidi bị IS bắt giữ có cô gái trẻ Nadia Murad. Trong suốt những ngày tháng bị giam giữ, Nadia Murad không còn nhớ rõ cô bị hãm hiếp bao nhiêu lần. Nadia từng bị ép kết hôn với 2 tay súng. Sự tủi nhục khiến nhiều lúc cô muốn tự tử, song vì thương mẹ và các em, cô không đành lòng và nung nấu ý định bỏ trốn. Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng cô đã bỏ trốn thành công. Cô được một tổ chức hỗ trợ người Yazidi giúp đỡ đưa sang Đức đoàn tụ với người thân.
Thế nhưng, thế giới chỉ biết đến Nadia khi những bài báo viết về hành trình chạy trốn khỏi hang ổ IS của cô đăng trên tờ La Libre của Bỉ. Các phóng viên tờ La Libre đã đến trại tị nạn của người Yazidi ở Đức để phỏng vấn. Được người bạn thân Ziyad Shammo động viên, Nadia đồng ý đứng ra làm chứng với điều kiện không được đưa tên và hình ảnh của cô lên báo. Đó cũng là lần đầu tiên, Nadia kể về những nỗi cùng cực mà cô cũng như hàng nghìn phụ nữ người Yazidi phải gánh chịu trong thời gian làm nô lệ tình dục của IS.
La Libre đã tôn trọng cam kết bảo mật thông tin cá nhân của Nadia Murad cho đến khi cô trở thành một nhân vật truyền thông quốc tế vào tháng 2-2015. Kể từ đó, Nadia Murad trở thành một tiếng nói đại diện cho những phụ nữ và trẻ em gái bị bắt cóc. Cô đã cống hiến hết mình cho điều mà cô gọi là "cuộc chiến của dân tộc", trở thành người phát ngôn nổi tiếng trước cả khi phong trào #MeToo nhằm chống quấy rối và bạo hành tình dục lan tỏa khắp thế giới.
Năm 2016, cô gái 23 tuổi này được chọn làm Đại sứ thiện chí đầu tiên của Liên Hiệp Quốc, đại diện cho những người sống sót sau nạn buôn người. Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tháng 9-2016, câu nói của Nadia đã khiến nhiều đại biểu có mặt hôm đó phải suy nghĩ: “Nếu chặt đầu, nô lệ tình dục và hãm hiếp trẻ em làm các ngài bận tâm, thì khi đó các ngài sẽ làm gì? Các ngài và gia đình đang có cuộc sống đúng nghĩa. Chúng tôi cũng xứng đáng được sống”.
Tiếng nói của Nadia giờ đây có sức ảnh hưởng toàn cầu, giúp đòi công lý cho dân tộc của cô và khiến quốc tế công nhận những hành vi của phiến quân IS là diệt chủng. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc năm 2017 đã cam kết giúp Iraq thu thập những bằng chứng tội ác của IS.
Mới đây, Nadia Murad đã cho ra mắt cuốn sách có tiêu đề “Để tôi là người cuối cùng”, do nhà xuất bản Fayard phát hành. Cuốn sách kể về cuộc sống của Nadia đã thay đổi như thế nào kể từ khi các tay súng IS tấn công vào ngôi làng nhỏ của Kocho.
Với việc được trao giải Nobel Hòa bình 2018, Nadia Murad trở thành người phụ nữ thứ 17 và là người trẻ tuổi thứ hai đoạt giải thưởng danh giá này. Trước đó, cô Malala Yousafzai, người Pakistan, được trao giải thưởng cao quý này ở tuổi 17 vào năm 2014. Ngoài ra, nhà hoạt động Nadia Murad trước đó còn được nhận giải thưởng danh giá về nhân quyền Sakharov do Liên minh châu Âu (EU) trao tặng năm 2016 và giải thưởng về nhân quyền Vaclav Havel của Hội đồng châu Âu.
Từ Baghdad, Tổng thống Iraq Barham Saleh đã gửi lời chúc mừng Nadia Murad, khẳng định cô là niềm tự hào của tất cả người dân Iraq, những người đang ngày đêm chiến đấu với khủng bố. Chia sẻ cảm xúc khi được vinh danh, Nadia Murad khẳng định, Nobel Hòa bình này không chỉ quan trọng với riêng mình cô mà nó quan trọng đối với tất cả phụ nữ ở Iraq cũng như trên thế giới.
Trong tuyên bố chính thức công bố ngày 5-10, Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định, những nỗ lực của bác sĩ Denis Mukwege và cô Nadia Murad đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về nạn bạo lực tình dục trong chiến tranh, tạo tiền đề cho các cuộc điều tra, truy bắt và xét xử thích đáng những kẻ gây ra tội ác này. Tuyên bố của Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh, một thế giới hòa bình chỉ có thể được xây dựng nên nếu phụ nữ và các quyền cơ bản của nữ giới được công nhận và bảo vệ trong chiến tranh.
Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ được tổ chức tại Oslo vào ngày 10-12 tới, cũng chính là kỷ niệm 122 năm ngày mất của Alfred Nobel, "cha đẻ" của giải thưởng Nobel.
Với việc được trao giải Nobel Hòa bình, Nadari Murad là phụ nữ thứ ba được vinh danh trong mùa Nobel năm nay, chấm dứt hai năm liên tiếp không có “bóng hồng” đoạt giải Nobel (2016 và 2017). Theo thống kê, kể từ khi giải Nobel lần đầu tiên được trao vào năm 1901 đến nay, chỉ có 51 phụ nữ trong tổng số 902 người được trao giải, chiếm 5,6%. Giải Nobel Hòa bình có nhiều phụ nữ đoạt giải nhất, 16 người (chiếm 60%). Tiếp đó là giải Nobel Văn học, 14 người. Tính đến thời điểm này, chỉ có 5 bóng hồng nhận giải Nobel Hóa học, 3 người nhận giải Nobel Vật lý và 1 người nhận giải Nobel Kinh tế. |