Nỗi buồn nghệ sĩ trước những dự án sân khấu “treo”

Thứ Ba, 08/10/2019, 21:25
Nhiều dự án sân khấu đã nằm trên giấy cả chục năm qua vẫn đang bỏ ngỏ. Từ đề án chế độ chính sách các nghệ sĩ nhân dân, nghệ nhân dân gian đã sang tuổi 70 và các cụ cao niên đạt danh hiệu Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Hay, đề án về nâng cấp, xây dựng các cơ sở vật chất, hạ tầng cho sân khấu vẫn chưa được thực thi và có nguy cơ chìm vào lãng quên.

Những, tài năng trẻ sân khấu qua một kì hội diễn chuyên nghiệp bị ngó lơ, có thể còn không bằng vẻ ngoài ăn mặc mát mẻ của một cô hoa hậu, hay một nàng người mẫu. Đấy là những vấn đề nhức nhối của thực trạng sân khấu hiện nay.

“Các cụ luôn luôn chờ, sống rất nghèo, rất khổ”

Đấy là lời xót xa của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Lê Tiến Thọ khi ông nói về các NSND, các bậc cao niên lão làng trong hoạt động văn học nghệ thuật nước nhà được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh đang sống những ngày sức tàn, lực kiệt trong sự khốn khó mà những đề án về chính sách, chế độ đãi ngộ còn dang dở, chưa thể thực thi.

Truyện ngắn “Kép Tư Bền” của nhà văn Nguyễn Công Hoan cho đến nay vẫn còn đang thời sự. Truyện kể về người diễn viên hát bội kép Tư Bền một tài năng sân khấu, rạp nào có anh biểu diễn hôm đấy không còn ghế trống. Cho đến một ngày cha anh lâm bệnh, nhà chẳng có ai nên anh nghỉ diễn ở nhà chăm sóc cha. Trong vòng một tháng, tiền thuốc thang chạy chữa cho cha đã làm anh tiêu những đồng xu cuối cùng của một người diễn viên nổi tiếng. 

Vở “Nhân huệ vương Trần Khánh Dư” của Nhà hát Tuồng Việt Nam được trao Huy chương vàng Hội diễn Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2019.

Chỉ sau 2 tháng thuốc thang cho cha, ông chủ kịch trường đến nhà anh ta chơi, cũng là muốn mời anh ta vào vai hài cho vở diễn mới, nhưng khốn nỗi người cha đang lâm bệnh nặng nên anh chẳng thiết tha gì đi mua vui cho người khác xem. Ông chủ kịch trường bảo nếu chỉ cần anh đồng ý chấp thuận đi diễn thì số tiền nợ để mua thuốc cho cha anh coi như được trừ nợ. Lần chần nhưng nghĩ đến khoản tiền vay nợ rồi nhỡ ra, nếu cha có lâm bệnh nặng thêm, tiền đâu để chữa trị, anh đồng ý chấp thuận.

Vậy là chỉ sau nửa tháng từ cái ngày ông chủ kịch trường đến căn nhà tồi tàn của hai cha con anh, hôm đấy anh lên sân khấu. Khán giả thấy tên anh xuất hiện, nô nức kéo nhau đi xem chật rạp. Kép Tư Bền trên sân khấu hỉ hả nói cười, mua vui cho khán giả. Ở dưới khán phòng, mọi người vỗ tay rần rần. “Vinh dự thay, anh kép Tư Bền! Nhưng mà khốn nạn thân anh! Người ta biết đâu rằng hiện giờ này, ở nhà, cha anh đương dở chứng khò khè, chỉ chờ từng phút để thở một hai hơi nữa là hết nợ...”. Khi cánh màn nhung khép lại, cũng là lúc anh hay tin cha đã qua đời.

Người nghệ sĩ sân khấu qua bao đời vẫn vậy, nghèo khổ, chật vật vận lộn với cuộc mưu sinh. Còn nhớ khi xưa nghệ nhân dân gian, người được coi là báu vật sống của nghệ thuật hát xẩm, bà Hà Thị Cầu sống trong một ngôi nhà nhỏ tại xã Yên Phong, Yên Mỗ, tỉnh Ninh Bình. Năm 1954, khi về làng định cư thì gia tài của bà chỉ vẻn vẹn có 2 cái niêu, một dùng để rang và một dùng để nấu. 

Từ nhỏ bà đã hát xẩm nhưng lại không biết làm nghề gì khác nên đời sống rất nghèo khổ. Vì nghèo nên bà đã mất một người con sơ sinh, còn một người nữa phải đem cho. Cuối những năm 1980, nhà bà được cấp ruộng. Năm 1992, gia đình bà xây một căn nhà nhưng không có công trình phụ. Vào đầu những năm 2000, khi phóng viên tìm về tận quê, căn nhà của bà tuềnh toàng, đồ đạc không có gì đáng giá, giá trị nhất là những tấm bằng khen treo kín các vách tường. Bước qua ngưỡng 80, do tuổi cao sức yếu, người bà ốm o, yếu rợt.

Nhóm xẩm Hà Thành, do những nghệ nhân như NSND Xuân Hoạch, NSƯT Văn Ti, NSND Thanh Ngoan... thường có buổi hát xẩm trước cửa khu phố đi bộ chợ Đồng Xuân vào Thứ bảy hằng tuần miễn phí, vốn là để lưu giữ bộ môn nghệ thuật văn hóa cổ truyền này. Mọi người cũng làm tấm biển nhỏ nói về bệnh tình của cụ Cầu, mong khán giả lại nghe hát xẩm, giúp đỡ cho cụ ít nhiều để có tiền bồi bổ thuốc thang.

Cách đây chưa lâu, nghệ sĩ hài Anh Vũ mất đột ngột khi đang lưu diễn ở Mỹ, NSND Hồng Vân phải lên Facebook cá nhân kêu gọi mọi người chung tay quyên góp để gia đình anh có đủ tiền đưa di hài anh từ Mỹ về Việt Nam an táng.

Còn nhớ, NSƯT Nguyễn Chánh Tín, một tài tử điện ảnh lừng danh, từng làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ từ những năm đầu thập niên 80, với “Ván bài lật ngửa”, vai Nguyễn Thành Luân. Vai diễn đã đưa ông trở thành một trong những diễn viên xuất sắc nhất thời bấy giờ và là gương mặt không thể thay thế của điện ảnh Việt. Chẳng ai ngờ rằng, qua những bước thăng trầm của thời gian, hiện nay hai vợ chồng ông phải sống trong căn nhà trọ tồi tàn.

Nghệ nhân ưu tú Minh Đức, ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, được coi là “báu vật  nhân văn sống” của nghệ thuật hát bài chòi, hằng ngày phải đi bán vé số, ve chai để kiếm sống. Thỉnh thoảng, có ai mời đi hát bài chòi, bà mới đi để nhận những đồng thù lao nhỏ. Bà từng tâm sự mong có lớp dạy bài chòi để bà được truyền thụ kiến thức đã có cho các thế hệ sau và cũng có thêm thu nhập, bà không còn phải đi lượm ve chai mỗi ngày.

Nghệ nhân Điểu Klung, người có đóng góp rất lớn vào nghiên cứu, sưu tầm biên dịch sử thi Tây Nguyên. Cả cuộc đời cống hiến say mê cho văn hóa dân gian nhưng cho đến nay ông vẫn sống tạm bợ trong ngôi nhà xuống cấp, đồ đạc không có gì ngoài băng đĩa và những cuốn sách ghi chép lại sử thi truyền miệng của người M’Nông.

NSND Lê Tiến Thọ (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam) bức xúc: “Đối với văn học nghệ thuật, chúng ta có những nghị định, chế độ, chính sách cho các nghệ sĩ cao tuổi, từ 70 tuổi trở lên đạt danh hiệu NSND, các nghệ sĩ đạt Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh mới được. Có hội chỉ có 15, 20 người. Hội cao nhất 58 người. Cho đến bây giờ, đã kí từ lâu rồi mà kinh phí vẫn chưa về, vẫn chậc khấc và các cụ thì luôn chờ, đời sống rất nghèo, rất khổ. Nhiều cụ đã đi rồi”.

Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam lý giải: “Chúng ta nói: muốn văn học nghệ thuật phát triển thì chúng ta phải đầu tư chất xám. Nhưng mà để thực hiện được rất là khó. Cái này phải có sự nhìn nhận tổng thể của cơ quan quản lí nhà nước. Và phải từ trên xuống dưới, rất mong chúng ta đầu tư cho đội ngũ những người làm nghề, cho tác phẩm và cả đối tượng khán giả. Nếu chúng ta không quan tâm đến thì những loại hình văn học nghệ thuật cũng rơi vào cơn khủng hoảng trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay”.

Chú ý phát hiện, trọng dụng những tài năng trẻ

Cứ 3 năm một lần là sân khấu lại rầm rập diễn ra những kì liên hoan sân khấu chuyên nghiệp của từng bộ môn nghệ thuật (tuồng, chèo, cải lương, kịch nói...). Sau mỗi kì liên hoan, những gương mặt tài năng trẻ nhộn nhịp, xúng xính trên sân khấu, tươi cười rạng rỡ đón nhận giải thưởng cho vai diễn mà mình đã ngày đêm khổ luyện. Nhưng rồi, sau đấy cũng chìm dần vào quên lãng.

Một vở chèo bảo tồn phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống

Một diễn viên sân khấu có thâm niên đến 30-40 năm trong nghề chẳng mấy ai được nhắc đến trừ khi vào một ngày đẹp trời, xuất hiện trong một bộ phim truyền hình ăn khách. Hay những nghệ sĩ tự bỏ tiền làm clip để quảng bá hình ảnh còn không thì chẳng ai biết mình là ai(?!).

NSND Lê Tiến Thọ nói về thực trạng đời sống văn hóa nghệ thuật hiện nay, việc đi du lịch ở đâu, mặc quần áo màu gì, yêu ai, thay đổi bạn trai như thế nào của một cô hoa hậu, cô người mẫu, báo chí truyền thông đưa lên rầm rầm trong khi đấy sân khấu có nhiều loại hình nghệ thuật qua một cuộc liên hoan quốc tế hay một kỳ liên hoan trong nước, những nhân vật tài năng trẻ ấy không được nhắc đến. Cũng không có gì để động viên khích lệ bằng tinh thần cho người ấy. 

Ông khao khát: “Khi sân khấu có được kênh thông tin, chúng ta giới thiệu được cái hay, nét đẹp, giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống đến với đối tượng khán giả và không có kênh thông tin thì chúng ta không thể chủ động định hướng được khán giả, không thể đến được với khán giả”.

Đề án “treo”

Cách đây chưa lâu, ca sĩ Mỹ Linh, một diva nhạc Việt bị “ném đá tả tơi” khi cô đăng đàn ủng hộ chuyện xây dựng nhà hát opera đúng nghĩa và đương nhiên cái nhà hát ấy để cho ra trò sẽ ngốn kinh phí khủng.

Nhiều người nghĩ rằng, dân ta nhiều người còn chạy ăn từng bữa thì chuyện xây dựng nhà hát opera để phục vụ một số đối tượng khán giả nhất định là điều xa xỉ. Và sau ồn ào của truyền thông, câu chuyện đề án xây dựng nhà hát kia rơi vào im lặng.

Một lần trong cuộc gặp với GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính (nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) ông bảo cho đến giờ xã hội phát triển, toàn những tòa nhà chọc trời, cao chất ngất ở các thành phố lớn. Khắp nơi trên dải đất hình chữ S những khu resort, khách sạn 5 sao đẳng cấp quốc tế mà mãi cho đến giờ vẫn chưa có cái nhà hát nào vượt được Nhà hát Lớn, thiết kế của người Pháp xây từ cách đây đã tròm trèm cả trăm năm.

Lướt qua Facebook của NSƯT Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà biên kịch Lê Quý Hiền, tiến sĩ nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái... đau đáu với nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Có dịp sang nước bạn là mọi người đi xem sân khấu của nghệ sĩ nước ngoài để thấy có gì khác lạ, và rồi, những người con yêu sân khấu ấy mong sao sân khấu Việt sẽ có không gian đủ rộng, đủ đẹp, đủ những điều kiện để bung tỏa, hấp dẫn, quyến rũ khán giả.

Một lần trò chuyện với đạo diễn lão làng, NSND Doãn Hoàng Giang, ông luôn miệng nói rằng ông ao ước, mong mỏi có một sân khấu hiện đại, nơi đó sẽ có hệ thống chiếu đèn, hệ thống âm thanh, ánh sáng sân khấu của thời đại công nghệ mới. Hiện nay, khoa học kỹ thuật đã phát triển đến tầm cao vậy mà phòng ốc sân khấu vẫn cứ đì đẹt, nguyên xi như ban đầu cách đây hàng chục năm về trước. Tuy nhiều nhà hát có dự án cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn chưa xứng tầm với thời đại.

Với cương vị người đứng đầu Hội Nghệ sĩ sân khấu, NSND Lê Tiến Thọ cho biết: “Đề án nâng cấp, xây dựng hệ thống các nhà hát có từ năm 2008 định hướng đến 2020. Đề án nâng cấp cho lĩnh vực sân khấu 180 nhà hát đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho đến bây giờ vẫn chỉ là đề án.

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 ồ ạt, chúng ta cũng tổ chức và quan tâm nên đã xây dựng các đề án đầu tư cơ sở vật chất, Chính phủ đã có đề án cải tạo, nâng cấp, xây mới mấy trăm vị trí dành quỹ đất cho đơn vị sân khấu, điện ảnh xã hội hoá hoạt động. Nhưng tới giờ vẫn phải... chờ”.  

“Những cơ sở vật chất để biểu diễn hàng loạt tác phẩm được gọi là giá trị nghệ thuật thì lại đang ở dạng cũ và vẫn không vượt được Nhà hát Lớn cách đây cả trăm năm. Cơ sở vật chất chưa đủ tính chuyên nghiệp và chưa đáp ứng được sự sáng tạo chung”. Người đứng đầu Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khẳng định.

Trần Mỹ Hiền
.
.