Nỗi buồn tiểu ngạch!

Thứ Hai, 08/07/2019, 13:02
Từ vài tháng nay, khá nhiều chủ hàng xuất khẩu thủy, hải sản đông lạnh ở một số tỉnh thành phía Nam sang Trung Quốc qua các cửa khẩu tiểu ngạch biên giới phía Bắc đều than trời vì phía Trung Quốc chỉ cho phép nhập theo đường chính ngạch.

Hệ quả là có lúc cả trăm container phải nằm chờ với hy vọng mơ hồ hoặc quay về rồi chấp nhận bán rẻ để cắt lỗ. Số ít may mắn hơn, xin được chứng thư xuất khẩu thì cũng phải thay đổi bao bì, dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu đồng...

Theo các chuyên gia về xuất khẩu thủy, hải sản, lỗi này không phải ở phía Trung Quốc mà do một số doanh nghiệp Việt Nam lâu nay đã quen với cách buôn bán tiểu ngạch, tiền tươi thóc thật, xem thông lệ thương mại quốc tế chẳng liên quan đến mình.

Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, giai đoạn Trung Quốc chưa siết hàng tiểu ngạch.

Chờ đợi và chờ đợi!

Ra khỏi sân bay Cát Bi, Hải Phòng lúc 8 giờ sáng ngày 10-6, tôi cùng anh Thành, giám đốc một công ty xuất khẩu thủy, hải sản có trụ sở tại quận 11, TP Hồ Chí Minh lên chiếc xe 4 chỗ mà Thành đã điện thoại dặn đón ngay khi còn ở Tân Sơn Nhất. Vừa kéo dây an toàn choàng qua người, Thành vừa nói với tài xế: “Đi cửa khẩu Bắc Phong Sinh”.

Nằm ở thôn Bảo Lâm, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, cửa khẩu Bắc Phong Sinh là điểm cuối cùng của tỉnh lộ 340, tiếp giáp với cửa khẩu Lý Hòa, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách nhau bởi con sông Ka Long. Khi chúng tôi đến thì đang là giờ nghỉ trưa của hải quan Trung Quốc nên không khí rất lặng lẽ. Bên cạnh con đường dẫn ra cửa khẩu phía Việt Nam chỉ có vài dãy nhà cấp 4, hầu hết là các tiệm tạp hóa bán thuốc lá, nước suối, nước ngọt, bánh kẹo..., chủ yếu là hàng Trung Quốc.

Ở bãi xe, tôi đếm được 27 chiếc đầu kéo mang biển kiểm soát của các tỉnh phía Nam như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang..., với những container 40 feet, máy nổ rì rì để giữ cho nhiệt độ trong container luôn ổn định. Vài tài xế giăng võng nằm dưới gầm xe trong cái nóng oi nồng mùa hè hoặc ngồi ở quán nước để hưởng chút gió thổi ra từ chiếc quạt máy.

Li Ming, một thanh niên Trung Quốc từ thành phố Đông Hưng, Quảng Tây, sang Bắc Phong Sinh làm “dịch vụ” giúp Thành cho biết: “Từ đầu năm 2017, Trung Quốc áp dụng chế độ tuần làm việc 5 ngày, buổi trưa nghỉ 1 tiếng nên các xe container đến đây vào chiều Thứ sáu thì phải nằm chờ đến sáng Thứ hai”.

12 ngày trước, 4 container phi lê cá basa đông lạnh của Thành đã có mặt ở cửa khẩu Bắc Phong Sinh. Thành nói: “Bình thường thì chỉ sau 1 hoặc 2 ngày là em xuất được nhưng lần này, tài xế gọi về cho biết Trung Quốc không cho nhập hàng tiểu ngạch nữa”.

Do đã vài lần gặp sự cố tương tự nên lúc đầu Thành nghĩ chỉ một vài bữa, mọi sự lại đâu vào đó nên anh vẫn bình thản. Tới chừng 12 ngày trôi qua mà triển vọng càng lúc càng mờ mịt, Thành rủ tôi bay ra: “4 xe container, mỗi ngày em tốn cả triệu tiền dầu chạy máy cấp đông, chưa kể phụ thêm cho tài xế ăn uống”.

2 giờ chiều, vẫn không một dấu hiệu gì chứng tỏ lô hàng của Thành sẽ được thông quan trong lúc bình thường thì giờ này đã có hàng chục xe “cải tiến” kéo tay của những người vận chuyển thuê, bốc hàng từ container xuống, chất lên rồi đưa sang bên kia biên giới, nơi đã có những chiếc container của khách Trung Quốc đợi sẵn.

Theo thông tin từ phía Trung Quốc, hàng thủy, hải sản đông lạnh Việt Nam nếu muốn vào thị trường nước này thì phải có “code” (mã vạch) và nhà xuất khẩu phải nằm trong danh sách được Trung Quốc phê chuẩn. Thành nói: “Về phía Việt Nam, nếu căn cứ quy định của Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (NAFIQAD) thì chỉ cần doanh nghiệp có tên trong danh sách được công nhận đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc là đã có thể xuất được. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại không chấp nhận vì họ muốn hàng phải đi theo đường chính ngạch”.

Dù phải nằm chờ nửa tháng nhưng hệ thống làm lạnh vẫn phải hoạt động để bảo quản hàng trong container.

Li Ming, người giúp Thành làm “dịch vụ” nói tiếp: “Những năm gần đây, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu, các thương lái Trung Quốc gia tăng thu mua thủy, hải sản của Việt Nam - cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch - nên cơ quan chức năng Trung Quốc đã yêu cầu người mua phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa của cơ quan chức năng Việt Nam. Do vậy, nhiều thương lái Trung Quốc thôi không mua nữa hoặc hạn chế mua theo đường tiểu ngạch”.

Anh Tâm, tài xế xe container biển kiểm soát Bạc Liêu 94D - 23... cho biết anh đến Bắc Phong Sinh đã nửa tháng: “Cơm hàng cháo chợ, ăn rồi ngồi chờ. Chẳng biết lúc nào mới xuống tôm đông lạnh được. Gọi cho chủ hàng thì chủ hàng cũng bảo chờ”.

Anh Thắng, tài xế xe container biển kiểm soát Cà Mau 69D - 14..., thở dài: “Nằm chờ nhiều ngày thì chủ hàng cũng bù đắp thêm chút đỉnh nhưng tụi tui chỉ muốn quay về cho nhanh, đi tiếp chuyến nữa kiếm tiền nuôi vợ con. Lái xe thuê, có đi mới có tiền...”.

Xuất khẩu tiểu ngạch – con dao 2 lưỡi!

6 giờ chiều, tôi và Thành đến Móng Cái. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi nhờ quản lý khách sạn liên hệ làm giúp giấy thông hành để có thể qua thành phố Đông Hưng, Trung Quốc, nơi Thành sẽ gặp một người quen, tìm cách tháo gỡ.

Thành nói: “Nếu không xuất được, em phải bảo xe quay về Cần Thơ rồi bán lại lô hàng cho một doanh nghiệp có “code”, được phép xuất khẩu chính ngạch”. Tôi hỏi vậy lỗ nhiều không, Thành lắc đầu ngao ngán: “Khoảng 1 tỉ đồng”.

Thủ tục sang Đông Hưng khá nhanh gọn. Mặc dù là thông hành biên giới nhưng nó có giá trị 1 năm và không hạn chế số lần đi lại. Vừa bước ra khỏi khu vực xuất nhập cảnh, chiếc xe 4 chỗ của bà Lin người Trung Quốc, bạn Thành đã chờ sẵn. Thành nói: “Bà Lin mở một công ty ở Đông Hưng, làm môi giới cho người bán phía Việt Nam và người mua bên Trung Quốc”.

Theo bà Lin, một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy, hải sản Việt Nam đến nay vẫn tin rằng Trung Quốc với dân số trên 1,5 tỉ người, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm rất lớn, nhất là các loại thủy, hải sản trong lúc nguồn cung nội địa lại không đáp ứng đủ. Vì vậy, dù muốn dù không, họ vẫn phải nhập từ Việt Nam nên xuất khẩu tiểu ngạch vẫn còn đất sống.

Niềm tin ấy dẫn đến hiện tượng là hầu hết doanh nghiệp Việt xuất hàng tiểu ngạch - trong đó có công ty của Thành - đều không có nhà máy của riêng mình, mà họ thuê mặt bằng của những nhà máy khác rồi thu mua nguyên liệu từ nhiều nguồn, đưa về chế biến. Do không đủ các yếu tố cần thiết nên họ không được cơ quan chức năng cấp “code”, cũng như chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu tiểu ngạch, họ chỉ biết than trời!

Theo định nghĩa, xuất nhập khẩu tiểu ngạch là một trong những hình thức trao đổi, mua bán hàng hóa giữa người dân sinh sống ở những khu vực mà hai quốc gia có đường biên giới liền kề nhau, cụ thể như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng, giáp Quảng Tây, Vân Nam, Trung Quốc. Nếu như trước kia, buôn bán tiểu ngạch chỉ gồm nông sản, hàng tiêu dùng trong sinh hoạt thì nay có thêm thủy, hải sản tươi sống, khô, đông lạnh.

Phi lê cá basa đóng thùng xuất khẩu.

Và mặc dù việc buôn bán tiểu ngạch vẫn phải đóng thuế, vẫn phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm... bởi các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trước khi thông quan nhưng nó được cả người bán lẫn người mua ưa chuộng vì thủ tục đơn giản, dễ dàng. Người bán chỉ cần 1 tờ khai tiểu ngạch, đóng phí mậu dịch biên giới (gọi tắt là biên mậu) là có thể xuất được hàng mà chẳng cần đến hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương.

Anh Thành nói: “Có 2 nguy cơ trong việc buôn bán tiểu ngạch. Một là người mua sau khi đặt cọc tiền rồi lúc nhận được hàng, họ “bùng” luôn. Lúc ấy có muốn thưa kiện cũng chẳng biết thưa ở chỗ nào. Hai là khi hàng đến cửa khẩu thì người mua giở quẻ, chê ỏng chê eo rồi yêu cầu hạ giá! Nếu không đồng ý bán thì chỉ có nước là chở về, còn bán thì lỗ. Vì thế, dân buôn tiểu ngạch thường chỉ giao dịch với những đối tác làm ăn uy tín, có sự tin tưởng lẫn nhau...”.

Ngược với tiểu ngạch, buôn bán chính ngạch bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục như doanh nghiệp xuất khẩu phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, có “code” và phải được nước nhập khẩu công nhận. Bên cạnh đó, buôn bán chính ngạch có hợp đồng ngoại thương cụ thể, ràng buộc giữa người bán và người mua theo thông lệ quốc tế nên nếu bên mua “bùng”, hoặc cố tình chậm trễ trong việc nhận hàng để “dìm” giá, bên bán hoàn toàn có thể kiện họ ra tòa đòi bồi thường.

Bà Lin nói: “Về mặt nào đó, buôn bán tiểu ngạch là con dao 2 lưỡi. Ở tầm vĩ mô, Trung Quốc có thể tăng - giảm mức phí biên mậu hoặc tạm ngừng nhập khẩu tùy theo từng thời điểm, từng mùa vụ mà doanh nghiệp Việt Nam không thể nào biết trước. Còn ở tầm vi mô, giữa cá nhân và cá nhân, xuất khẩu tiểu ngạch thu được tiền ngay tuy nhiên vì không có hợp đồng ngoại thương nên thỏa thuận thì giá này nhưng lúc nhận hàng lại giá khác hoặc người mua viện cớ kém chất lượng để từ chối nhận hàng. Đang lúc “ở cũng dở mà về cũng chẳng xong” thì nhân vật thứ 3 xuất hiện hỏi mua, dĩ nhiên là với giá thấp...”.

Chính ngạch là con đường tất yếu

8 giờ tối, trong bữa ăn tại một nhà hàng ở thành phố Đông Hưng, Thành và bà Lin trò chuyện với nhau, thỉnh thoảng mới gắp một miếng, có lẽ để tôi khỏi ngại. Bỗng chốc, tôi trở thành khán giả “xem phim không phụ đề” vì 2 người nói bằng tiếng Trung. Khoảng 8 rưỡi, một cuộc điện thoại gọi cho Thành. Nghe xong, anh sa sầm nét mặt. Quay sang tôi, Thành rầu rĩ: “A Ming cho biết không thông quan được”.

Suốt nửa tiếng sau đó, Thành liên tục gọi về Việt Nam. Qua những gì Thành nói, tôi biết anh đang đàm phán để mượn “code” và chứng nhận xuất xứ hàng hóa của một số công ty xuất khẩu thủy, hải sản ở Cần Thơ, Bạc Liêu. Gọi là “mượn” nhưng Thành phải trả tiền cho họ dựa trên số lượng phi lê cá basa sẽ xuất. Nếu “mượn” được thì ngay trong sáng mai, một mặt Thành phải quay lại cửa khẩu Bắc Phong Sinh, thuê người bốc hết hàng trên 4 container xuống, xé hết bao bì ra.

Mặt khác, anh phải gọi cho một cơ sở ở Móng Cái, đặt làm gấp bao bì mới, trên đó in “code” của công ty đã cho anh “mượn” đồng thời Thành phải lập hợp đồng ngoại thương với bà Lin, xem như lô hàng phi lê cá basa xuất bán cho công ty bà Lin rồi bà Lin bán lại cho đối tác của Thành ở tỉnh Chiết Giang.

Tôi hỏi: “Sao cậu không xoay mặt trong của thùng các tông ra ngoài rồi in “code” và các thông số khác lên. Mua thùng mới chi cho tốn tiền?”. Thành lắc đầu: “Không được anh à. Trung Quốc họ kiểm tra kỹ lắm! Làm vậy họ nói mình gian lận thương mại. Nếu may mắn mọi việc xong xuôi, em cũng mất đứt 600 triệu tiền thay bao bì và các chi phí khác, chưa kể tiền “mượn” code”.

10 giờ tối, trong khách sạn Jin Hui ở Đông Hưng, vẫn là những cuộc điện thoại đến, đi tới tấp. Tôi biết chuyện “mượn code” không xong vì gần 11 giờ khuya, Thành gọi cho Nghĩa, tài xế container: “Nghĩa nói anh em sáng mai về sớm. Đến thành phố Hạ Long, Nghĩa nhắn số điện thoại 0913..., sẽ có người đưa tiền cho anh em chi tiêu dọc đường. Chiều mai tôi bay về. Hẹn gặp ở Cần Thơ”.

Cho đến nay, buôn bán chính ngạch với Trung Quốc vẫn là con đường tối ưu cho các doanh nghiệp Việt Nam, kể cả nông sản lẫn thủy, hải sản. Ngoài việc nâng cao vị thế của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế, buôn bán chính gạch còn thúc đẩy doanh nghiệp Việt quan tâm hơn trong việc đầu tư nhà xưởng, quản lý chất lượng sản phẩm cả ở đầu vào lẫn đầu ra, tránh được nhiều rủi ro trong mua bán, chưa kể chính sách thông quan đối với hàng chính ngạch cũng dễ dàng hơn, nhất là khi doanh nghiệp đã có trong tay tấm giấy chứng nhận sản phẩm mà Thành nói đùa là “giấy thông hành” vì hiện tại, Trung Quốc không còn là một thị trường dễ tính...

Vũ Cao
.
.