Nối dài sức sống cho tác phẩm mỹ thuật

Thứ Ba, 19/03/2019, 10:46
Bảo tồn các tác phẩm hội họa quý là một công việc đã được các chuyên gia phục chế trên thế giới tiến hành từ lâu. Ở nước ta, các tác phẩm mỹ thuật được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp và rất cần bảo quản, phục chế để gìn giữ vẻ đẹp cho tác phẩm.

Dù rằng những năm gần đây công tác bảo quản phục chế đã được quan tâm và có những bước tiến đáng kể, tuy nhiên phía sau công việc này vẫn còn biết bao những khoảng trống cần được lấp đầy.

 “Bắt bệnh” cho tác phẩm

Một trong số những nơi lưu giữ được nhiều những tác phẩm hội họa nổi tiếng của các danh họa Việt Nam ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm như: “Bình văn” (màu dầu, 1905) của Lê Huy Miến; “Ra đồng” (1937) của Nguyễn Phan Chánh; “Ông Nghè vinh quy” (sơn mài, 1943) của Nguyễn Khang; “Thiếu nữ gội đầu” (khắc gỗ, 1943) và “Hai thiếu nữ trước bình phong” (lụa, 1944) của Tô Ngọc Vân… đang được trưng bày và bảo quản tại đây.

Ông Nguyễn Anh Minh (bên phải) - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bàn giao tác phẩm “Vịnh Hạ Long" cho đại diện Bảo tàng Kayson Phomvihan (Lào). Ảnh: Đặng Thủy

Theo ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng hiện đang lưu giữ gần 20.000 hiện vật và tác phẩm mỹ thuật có giá trị. Tuy nhiên, chính những tác phẩm được bảo quản trong điều kiện tương đối nghiêm ngặt này cũng vẫn phải đối mặt với nguy cơ của sự hư hỏng.

Một trong những nguyên nhân khiến bức tranh bị hư hỏng là điều kiện khí hậu khắc nhiệt lúc nóng lúc lạnh, khi ẩm, khi hanh tạo nên sự biến đổi đột ngột cho tranh. Chưa kể thời chiến tranh trước đây, điều kiện bảo quản tác phẩm không đảm bảo đã ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng tác phẩm.

Và một nguyên nhân mà giới chuyên môn khá lưu tâm đó là chất liệu mà họa sĩ sử dụng. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, cuộc sống của một số họa sĩ còn chưa dư dật thì việc sử  dụng các chất liệu vẽ như màu, sơn, toan… không được như mong muốn cũng là điều dễ hiểu. Đây cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm.

Tác phẩm “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn - một trong số những di sản quốc gia của Việt Nam đã được “hồi sinh” nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia phục chế người Australia.

Chuyên gia phục chế người Australia - bà Caroline Fry khi sang Việt Nam để phục chế bức tranh sơn dầu “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn từng chia sẻ rằng, khi đến Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bà đã khá lo lắng cho những bức tranh ở đây, đặc biệt là tranh lụa vì nhiều bức đã bị hư hỏng nặng. “Nếu trưng bày nhiều mà không được chăm sóc đúng mức, tranh lụa rất dễ hỏng, mà đã hỏng là hỏng luôn, rất khó có thể phục chế” – Bà Caroline Fry nói.

Những bước chuyển mình

Không phải đến nay, khi nhiều tác phẩm hội họa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bị hư hỏng thì công tác phục chế, bảo tồn mới được Bảo tàng quan tâm. Trước đây khi mới đi vào hoạt động, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng từng có bộ phận chuyên trách công việc này, đó là xưởng tu sửa phục chế, sau đó xưởng sát nhập thành một tổ thuộc Phòng Kiểm kê – Bảo quản.

Cũng đã có rất nhiều tác phẩm chất liệu sơn mài được các cán bộ phục chế của bảo tàng phục chế rất tốt như: bức “Xôviết Nghệ Tĩnh” (năm 1958) của nhóm tác giả Nguyễn Đức Nùng, Nguyễn Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Văn Tỵ; hay bức “Bắt cá đêm trăng” và “Ông Nghè vinh quy” của họa sĩ Nguyễn Khang. Tuy nhiên vì sơn mài là thể loại tranh truyền thống của Việt Nam nên việc phục chế thuận lợi, còn với các chất liệu khác như sơn dầu, giấy... thì vẫn là thách thức với những người làm công tác bảo quản, phục chế của Việt Nam thời điểm đó.

Họa sĩ Nguyễn Văn Thuật đang tu sửa tác phẩm “Vịnh Hạ Long” tại Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật.

Năm 2006, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam  thành lập Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật trên cơ sở Tổ trang trí phục chế. Đây là một trong những nỗ lực nhằm tăng cường công tác bảo quản phục chế, kéo dài tuổi thọ cho những bức tranh đang bị xuống cấp tại bảo tàng.

Cùng với việc thành lập Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, nhiều hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này cũng đã được Bảo tàng triển khai trước đó. Sau thành công của việc phục chế bức tranh “Em Thúy” (tổ chức Asialink tài trợ năm 2004), Bảo tàng cũng đã được Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ tu sửa 2 bức sơn mài “Hội chùa” của Lê Quốc Lộc và “Nam Bắc một nhà” của Nguyễn Văn Tỵ (năm 2005) .

Đáng chú ý là dự án hợp tác với Trường Đại học Mỹ thuật Dresden (Đức). Dự án này được khởi động từ năm 2005 với những cuộc khảo sát đánh giá tình trạng xuống cấp các tác phẩm mỹ thuật tại bảo tàng; tu sửa bức tranh sơn dầu “Tan ca mời chị em đi họp để thi thợ giỏi” của họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung; đào tạo ngắn ngày cho cán bộ bảo tàng về bảo quản tu sửa tranh sơn dầu… Tuy nhiên sau một thời gian chững lại, đến năm 2011 dự án mới được khởi động tiếp với nhiều hoạt động hợp tác, trao đổi, hội thảo… đặc biệt là việc phục chế lại hai bức sơn dầu “Mẹ con” của họa sĩ Lê Thị Kim Bạch và “Rượu cần” của họa sĩ Kà Kha Sam.

Chuyên gia người Đức, bà Monika Schneidereit Gast hướng dẫn các cán bộ làm công tác tu sửa, phục chế tranh giấy.

Là người gắn bó với công việc tu sửa bảo quản đã gần 30 năm, ông Trần Dũng Tiến -  Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật cho biết công tác tu sửa bảo quản tác phẩm của Bảo tàng cũng đã có nhiều thay đổi, phát triển. Đặc biệt qua quá trình làm việc với các chuyên gia nước ngoài, các đợt bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ đã giúp cho các cán bộ phục chế của Bảo tàng có thêm nhiều kinh nghiệm trong hoạt động tu sửa, bảo quản tác phẩm. Và những kinh nghiệm này đã được phát huy khá hiệu quả trong thời gian gần đây.

Theo thống kê, trung bình một năm Trung tâm tu sửa, bảo quản khoảng trên dưới 100 tác phẩm. Tùy thuộc vào mức độ hư hỏng và chất liệu của tác phẩm mà số lượng các tác phẩm được tu sửa cũng thay đổi. Ngoài nhiệm vụ với bảo tàng, Trung tâm cũng đã hỗ trợ công tác phục chế, bảo quản cho một số bảo tàng bạn, trung tâm nghệ thuật, khu di tích và gần đây nhất là giúp đỡ Bảo tàng Kaysone Phomvihane của nước bạn Lào.

Cuối tháng 3 vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ bàn giao 4 tác phẩm cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane. Đây là những tác phẩm đã bị hỏng hóc, xuống cấp nghiêm trọng và đã được các cán bộ phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tu sửa thành công. Có thể nói, việc giúp đỡ nước bạn Lào phục chế, hồi sinh giá trị nguyên gốc cho 4 tác phẩm mỹ thuật cũng đã đánh dấu một bước chuyển mới trong công tác tu sửa, phục chế của các chuyên gia phục chế Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, trong thời gian tới cán bộ của Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật Việt Nam sẽ sang Lào để tiếp tục giúp bạn thực hiện công tác bảo quản, tu sửa và đào tạo cán bộ cho Bảo tàng Kaysone Phomvihane.

Cần đầu tư nhiều hơn

15 năm trước, tại xưởng phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ở Hoàng Cầu, bà Caroline Fry - chuyên gia phục chế người Australia đã chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện xoay quanh công việc phục chế bức tranh “Em Thúy” của họa sĩ Trần Văn Cẩn. Theo bà Caroline Fry công tác phục chế ở Việt Nam còn có nhiều điều phải chú ý. Những người chuyên về phục chế tranh cần phải được đào tạo bài bản để có trình độ nhất định. “Trường Đại học Melbourne, nơi tôi đang làm việc cũng có một khoa riêng đào tạo về phương pháp phục chế tranh. Tôi biết có rất nhiều sinh viên các nước châu Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng theo học nhưng Việt Nam thì chưa có ai”- bà Caroline Fry bày tỏ.

Trăn trở của chuyên gia người Australia ngày nào giờ cũng vẫn là khoảng trống còn bỏ ngỏ trong công tác phục chế của Việt Nam. Theo họa sĩ Trần Khánh Chương – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, công tác tu sửa, bảo quản tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam dù tiến bộ nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn. Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng nên đầu tư cơ sở vật chất trong công tác bảo quản tác phẩm, đặc biệt là phải chú ý đến công tác đào tạo cán bộ phục chế.

Được biết, Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện có 11 người trong đó có 2 kỹ sư hóa, số còn lại đều học ở Đại học Mỹ thuật. Họ đến với công việc phục chế từ niềm đam mê, và bằng những kinh nghiệm học hỏi được trong quá trình làm việc chứ tất cả đều không qua trường lớp đào tạo căn bản về phục chế, tu sửa tranh.

Như họa sĩ Nguyễn Văn Thuật, một trong những thành viên của Trung tâm chia sẻ rằng anh mới đầu quân vào Trung tâm từ năm 2018. Nguyễn Văn Thuật học khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và khi gắn bó với công việc này anh đã phải tìm hiểu, học hỏi nhiều từ sách vở cũng như kinh nghiệm của những người đi trước, đặc biệt là kinh nghiệm trong quá trình sáng tác, tu sửa tác phẩm của chính cá nhân mình.

 “Chúng tôi đã có những kiến nghị đến cơ quan quản lý, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, và các trường mỹ thuật như Đại học Mỹ thuật Hà Nội cũng đã rất rốt ráo xúc tiến thành lập khoa đào tạo tu sửa tác phẩm, nhưng cho đến nay vì nhiều lý do khác nhau mà việc này vẫn chưa thực hiện được. Hi vọng thời gian tới với sự phát triển của văn hóa xã hội cũng như nhu cầu các nhà sưu tập, các bảo tàng, chắc chắn mong muốn này sẽ thành hiện thực” – ông Trần Dũng Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật cho hay.

Trên thế giới có nhiều tổ chức chuyên sâu về lĩnh vực phục chế tác phẩm hội họa với nhiều phương tiện kỹ thuật cao, phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ trong công tác phục chế. Còn ở Việt Nam, việc phục chế tranh vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức bởi đội ngũ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo quản, tu sửa quá ít ỏi, không được đào tạo chuyên nghiệp; cơ sở vật chất và trang thiết bị thiếu thốn… thậm chí khi mua được rồi thì thiết bị đã lạc hậu.

Đó là chưa kể tới việc phục chế bằng kỹ thuật hiện đại đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. Đây là thực tế không chỉ tồn tại ở riêng Việt Nam mà còn là điều mà nhiều nước trên thế giới đã và đang gặp phải. Vậy nên việc tìm các nhà tài trợ, mạnh thường quân hỗ trợ công tác tu sửa là hết sức cần thiết nhưng ở Việt Nam việc này cũng không dễ thực hiện.

Bà Marina Langner, chuyên gia phục chế của Trường Đại học Mỹ thuật Dresden cho rằng phục chế tốt phải đi đôi với bảo quản tốt. Và để làm được cả hai điều này thì quan trọng là xây dựng một trung tâm phục chế chuyên nghiệp. Ông Trần Dũng Tiến nhấn mạnh thêm: Công tác bảo quản sẽ không khó nếu như được trang bị đồng bộ về con người, thiết bị và kèm theo đó là các điều kiện bảo quản trưng bày.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang lưu giữ hàng nghìn tác phẩm hội họa giá trị. Để nối dài sức sống cho các tác phẩm này, rất cần bàn tay tài hoa và nhiệt tâm của những người làm công tác tu sửa bảo quản. Những kết quả đã gặt hái được trong công tác phục chế tác phẩm mỹ thuật thời gian qua chính là cơ sở để Bảo tàng xây dựng và phát triển Trung tâm Bảo quản, Tu sửa tác phẩm Mỹ thuật trở thành Trung tâm Quốc gia về Bảo quản, Tu sửa các tác phẩm mỹ thuật.

Đây cũng là tiền đề để Bảo tàng tiến tới xây dựng dự án đầu tư, đổi mới trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao cho hoạt động bảo quản, tu sửa, phục chế tác phẩm mỹ thuật theo tinh thần của Quyết định số 1253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy hoạch phát triển Mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Hà Thao
.
.