Nỗi đau mang tên da cam
Nhằm tri ân và sẻ chia sâu sắc với những bất hạnh mà nạn nhân da cam phải gánh chịu, ngày 10-7 Báo CAND, Công ty CP Dược phẩm Farcos, Công ty Dược thảo Phúc Vinh, Công ty CP nhượng quyền Thiên Lộc JSC, Hệ thống Long Trường Giang chi nhánh Duy Tân đã trao 230 suất quà trị giá 600 triệu đồng cho 230 gia đình tại huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
Nằm sâu trong con ngõ nhỏ, ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp của gia đình ông Bùi Quang Giang, ở thôn Đạo Tây, xã Đông Quang nóng hầm hập. Bên trái gian nhà là một buồng ngủ, nhưng từ lâu ông Giang đã biến căn phòng này thành chiếc cũi để "nhốt" con trai Bùi Quang Khiêm. Ông ngăn căn phòng ra làm đôi, lấy gỗ và dây thép đan thành cánh cổng để quây cho anh Khiêm một chỗ ăn ở.
Ông giải thích: "Nếu để cháu ở ngoài thì suốt ngày đập phá, chạy nhảy và bỏ đi nên gia đình phải nhốt cháu vào đây". 39 năm qua thì quá nửa đời người anh Khiêm sống trong "chiếc cũi trần gian". Mọi sinh hoạt của anh chỉ gói gọn trong vài mét vuông. Có khách vào nhà, chúng tôi tới gần cũi hỏi thăm, anh Khiêm chỉ đưa mắt nhìn, thỉnh thoảng hềnh hệch cười, ngoài ra không biết gì nữa.
Ông Giang là lính lái xe Trường Sơn, những năm tháng vào sinh ra tử ở cánh rừng bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học cũng không làm ông lung lay ý chí chiến đấu quân thù. Thế mà khi về quê lấy vợ sinh con, bao nhiêu nhuệ khí của anh bộ đội Trường Sơn đã dần bào mòn khi ông phải đối mặt với những đứa con mang hình hài quái dị, lời bàn tán của xóm giếng, cái lo cho miếng cơm manh áo.
Người lính oai hùng năm nào giờ ốm yếu với hàng đống bệnh tật, với nỗi đau đè nặng tâm can và đôi mắt đục ngầu không còn nước mà chắt ra. Suốt 39 năm qua, cuộc đời của người đàn ông này là một chuỗi bi kịch khó gọi tên.
Ông Quang có 5 người con thì cả 5 người đều bị di chứng da cam từ ông truyền sang. Anh Khiêm là con trai cả, ngoài hình hài dị dạng, anh còn bị tâm thần nặng, cả ngày la hét và đập phá. Bốn người con còn lại, người thì không có bộ phận sinh dục, người lại tâm thần, người lại chân tay dị dạng chỉ nằm một chỗ.
Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Giang là lao động chính trong nhà, làm quần quật vẫn không đủ cái ăn cho 5 đứa con bệnh tật. Khuôn mặt khắc khổ, nước da đen nhẻm vì nắng gió, cầm món quà mà Đoàn công tác trao tặng, ông chỉ biết khóc. Nỗi đau nghẹn lại không nói lên lời của ông Giang làm chúng tôi cũng trào nước mắt.
Đại diện Báo CAND và nhà tài trợ trao quà cho gia đình ông Phạm Bá Hường. |
Ông Giang là một trong 13 gia đình nạn nhân da cam nặng nhất của huyện Đông Hưng mà chúng tôi tới thăm và tặng quà. Dắt người con gái bị tâm thần năm nay đã 29 tuổi đi lại quanh sân giữa trưa hè nóng nực, bà Nguyễn Thị Mùi, ở thôn Đông Các, xã Đông Các bật khóc: "Cứ phơi mình ngoài trời suốt ngày thôi cô ạ. Cháu không chịu vào nhà, cứ đi lại quanh sân cả ngày. Trong người cháu như có thứ gì nóng lắm, mặc quần áo vào là giằng xé ra. Cả đêm cháu không ngủ, làm mình cũng thức suốt đêm trông con" - bà Mùi vuốt nước mắt nói. Mới 62 tuổi nhưng bà khắc khổ và già nua hơn đến chục tuổi.
Lưng còng, tay thoái hóa khiến bà vô cùng chật vật khi chăm con gái. Bà kể, sau khi lấy ông Phạm Bá Hường, bà sinh con trai đầu lòng. Vừa nhìn thấy con, bà suýt ngất bởi hình hài dị dạng. Càng nuôi con lớn vợ chồng bà càng đau lòng khi thấy con không bình thường. Ông bà quyết sinh đứa tiếp theo với hy vọng nó lành lặn. Nhưng càng sinh con bao nhiêu, ông bà càng đau đớn bấy nhiều.
"Nhiều lúc cùng cực quá đã nghĩ tới cái chết, nhưng mình chết rồi thì ai nuôi con đây. Mình khổ một thì các con khổ mười" - bà lại khóc. Lần lượt 5 người con của ông bà đều bị di chứng của chất độc da cam. Trong đó, 2 người con bị nặng nhất đã qua đời.
Trong bất hạnh lại có cái may, đó là 2 người con của ông bà chỉ mắc di chứng nhẹ, đã đi xây dựng gia đình. Ông bà đang nuôi cô con gái út là Phạm Thị Doan bị thần kinh. "Khổ lắm cô ạ, cháu chẳng biết gì, vệ sinh cá nhân bừa bãi ra sân, không cho mặc quần, cứ đi lại chẳng chịu ngồi yên lúc nào" - ông Hường chua xót nói.
Đông Hưng là một trong 3 huyện có nạn nhân chất độc da cam và bị di chứng nhiều nhất tỉnh Thái Bình. Trong 230 gia đình nạn nhân mà chúng tôi tới tặng quà, có rất nhiều số phận bi đát, bất hạnh và đang phải gồng mình gánh vác cuộc sống vô vàn khó khăn.
Nhận món quà trên 2,6 triệu đồng mà đoàn công tác trao tặng, bà Bùi Thị Mậu, ở thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang xúc động cho biết: "Ông nhà tôi mất đã 13 năm nay để lại cho tôi 3 đứa con bị di chứng chất độc da cam, đều bị tâm thần, khốn khổ lắm. Nhận món quà này tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm tới mọi người".
600 triệu đồng dành tặng cho 230 gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam huyện Đông Hưng là sự tri ân sâu sắc của Đoàn công tác, đồng thời cũng là món quà nhỏ mong góp phần nào xoa dịu nỗi đau và sự khó khăn mà các gia đình đang phải trải qua.