Nỗi niềm người dân trồng hoa: “Người muốn nhưng trời không cho…”

Thứ Sáu, 30/12/2016, 09:15
Còn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, đón mừng năm mới, năm Đinh Dậu. Nhưng năm nay là một năm buồn bã và gần như thê thảm nhất của người dân trồng mai ở dải đất Bình Định miền Trung, và người trồng đào với quất ở miền Bắc. Nói như người dân trồng đào ở Nhật Tân, trồng quất ở Tứ Liên Hà Nội: “Người muốn nhưng trời không cho, thiên nhiên không ưu đãi thì đành phải chịu. Ai chống được ông trời?”.

Bên lúa, anh bên lúa cánh đồng làng ven đê/ Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều/ Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa/ Hồ Tây đôi bên trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”. Lời bài hát: “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” được Ngọc Khuê sáng tác về một vùng đất phù sa màu mỡ sát với triền đê sông Hồng và đối diện bên kia là vùng Tây Hồ rộng lớn, vùng đất bên này nổi tiếng Nhật Tân, Tứ Liên, Nghi Tàm, nơi trồng hoa của người Tràng An đã bao đời. Nhưng giờ đây đất chật, người đông.

Nói như nhà văn Kim Lân: “Người thì cứ sinh sôi thêm mà đất thì không nở ra được”. Thời buổi tấc đất, tấc vàng. Nghi Tàm bây giờ chẳng còn mấy hoa thơm ngát bốn mùa. Đất Quảng An xưa “tươi xanh thắm ruộng đồng”, nhưng bây giờ lác đác, thi thoảng thấy được vườn đất trồng rau xanh và thêm dăm ba khoanh đất nhỏ trồng cây đào, cây quất. Khu đất trồng hoa nhiều năm nay đã trở thành nhà hàng, khách sạn mọc san sát. Tây Hồ giờ chỉ còn có quất ở Tứ Liên. Đi lên khoảng hơn 1 km theo con đường xuôi đến cầu Nhật Tân, người dân Nhật Tân còn giữ được làng nghề trồng đào.

Còn hơn tháng nữa mới đến Tết mà vườn đào Nhật Tân đã nở rực rỡ.

Đã bước vào ngày cuối cùng của tháng 11 âm lịch, chỉ còn khoảng 3 tuần nữa là đến ngày “ông Công, ông Táo” về chầu giời, vậy mà trời miền Bắc vẫn cứ nóng. Nhiều người e  thời tiết không lạnh mất đi không khí Tết, nhưng người trồng đào, quất lo ngại hơn vì mất mưa, mất lạnh thì mất tết. Con đường đất ở Tứ Liên với những vườn quất nếu mọi năm xanh mướt mát, quả lúc lỉu vàng óng căng mọng, thì năm nay cảnh tượng thật bi đát, cứ đi được dăm mét lại thấy người trồng quất chặt những cây quất khô chết lá chất thành từng đống. Vườn nhà ai cũng bị cây khô, cây chết.

Chị Mai đang đứng tần ngần trước vườn quất của nhà mình bảo: “Tháng 4, tháng 5 vừa rồi quất không đọng lại nụ vì mùa hè năm nay nhiệt độ toàn 40 độ với hơn 40 độ ở ngoài trời thì cái gì chịu được? Chả cái gì chịu được cả! Cây quất đậu được bông hoa thì quả cũng bé. Mà em thấy, vừa mới hôm qua là Noel, giời này mình vẫn mặc áo cộc tay, may sang tháng thời tiết lạnh nhưng nếu có lạnh thì cũng muộn rồi. Cả mấy tháng trời cũng chả thấy mưa xuân, lúc cần thời điểm mưa cho cây mát để quả còn lớn thì trời không mưa. Hỏng nhiều lắm!”.

Anh Hải chồng chị Mai cũng buồn rầu nói: “Chỗ cần ông trời khóc thì ông chả khóc cho, cần ông cho tí nước mắt để quất còn được tưới tắm xanh tốt thì ông lại cho hạn hán. Chỗ người ta không cần ông khóc thì ông lại khóc lũ, khóc lụt. Cả vùng đất Bình Định năm nay ngập trong lũ lụt, vườn mai của cả vùng Quy Nhơn, Quy Hòa úng ngập toàn nước, cây chết hết”.

Chị Mai kể: Cả hai vợ chồng chị trồng được hơn 500 cây quất thì năm nay do nắng nóng, không có mưa nên cây chết đến hơn một nửa. Còn có nhiều gia đình chết đến 70% quất. Nhiều gia đình còn phải đi vay nợ đến hàng trăm triệu để trồng quất mà chả thu được đồng lãi nào. Nhiều năm nay do biến đổi khí hậu, thời tiết khác thường, có gia đình đã 3 năm hoặc thậm chí là 5 năm nay chả thu được đồng lãi nào.

Nhưng tại sao không thu được đồng lãi nào mà người dân Tứ Liên vẫn trồng quất? Vợ chồng chị bảo vì là làng nghề, mà đã là làng nghề thì khó bỏ, khó dứt. Người nông dân quanh năm gắn với đất, sống chết với đất, sống chết với làng nghề. Có làng nghề trồng quất trồng đào từ thời ông bà tổ tiên, rồi tới thời bố mẹ rồi đến đời họ. Từ bé họ đã được gắn bó cả làng, cả xóm trồng quất, nên việc trồng quất không chỉ là kế sinh nhai mà còn là một cách nuôi dưỡng tâm hồn của người dân đất Tứ Liên.

Chị Mai hết đứng lại ngồi, nhìn vào vườn quất nhà mình xót xa: “Để có được cây quất xum xuê, trĩu quả, lộc lá không đơn giản. Đầu tiên mua cây giống,  mình nuôi từ bé xong chiết cành. Một cây quất bé bé cũng mất 2, 3 năm, to hơn thì phải 4, 5 năm. Cây đẹp quả đẹp, bông hoa đẹp thì vẫn bán được, mình muốn nhưng thời tiết không ủng hộ thì đành phải chịu.

Quất chết đầy, chửi nhau, đánh nhau về quất, vỡ nợ vì quất là chuyện quá bình thường rồi. Nhà này không phải sập hẳn vì nhà này không phải 1 vườn mà có mấy vườn. Hỏng chỗ này còn có chỗ khác mình bán nhưng vất vả lắm, không phải ngon ăn, bỗng dưng được cây quất này đâu. Mới lại lấy công làm lại chứ tính ra chẳng lời được đồng nào”.

Anh Hùng có vườn quất ở bên cạnh nhà anh chị Hải Mai “hóng” chuyện đào quất của chúng tôi, âu sầu nói với sang: “Mình bảo kinh tế mấy năm nay đi xuống. Vỡ nợ đầy ra, chơi thì phải có tiền. Hoặc có người ta lên tận vườn đánh quất đi biếu xén thì cũng có nhưng giảm nhiều chứ. Hồi xưa cứ đến vụ thu hoạch có ngày bán sướng tê người, “mình” đi đường này là tắc không đi nổi, cãi chửi nhau về đường. Nhà “tớ” có ngày bán mấy chục cây. Người ta lên tận vườn xem quất rồi đòi đánh vào chậu, viết địa chỉ nằng nặc muốn đi luôn. Tranh nhau người trước người sau, có mà loạn cả lên, chứ bây giờ thì…”.

Nhiều cây quất vùng Tứ Liên bị chết  khô.

Chị Mai tay quét sơn màu nâu mấy chậu sành bằng đất nung để đựng quất kể: “Mình lên đây, tháng 7, tháng 8 phun nhiều thuốc sâu hơn mùa này. Mùa này cũng phun nhưng ít hơn rồi. Còn mùa hè con muội nhiều, mấy ngày là phải phun 1 lần. Con muội bé tí bằng hạt cát có màu đỏ ăn diệp lục của lá. Trồng cây quất thì phải tưới bón phân, gio, xịt thuốc sâu.

Tính trung bình 200, 300 cây quất thì mỗi lần phải phun 15 bình ắc quy thuốc sâu. Một cái bình đựng 18 lít. Độ khoảng 15 bình thì bao nhiêu thuốc sâu. Mà “mình” cứ thử tính 10 ngày 1 lần. Vậy thì 1 năm bao nhiêu bình thuốc sâu? 1 tháng có đến 50 bình, mà 1 năm 12 tháng là bao nhiêu bình? Làng nghề chẳng lẽ bỏ? Không thì làm gì?

Nhiều khi nghĩ thà mình cứ đi làm thuê còn hơn, chứ trồng quất mà thuê người là hết. Thuê người phun thuốc sâu, làm cỏ, chăm tưới tắm thì ở nhà đừng có trồng quất làm gì nữa. Đây chỉ lấy công làm lãi thế thôi mà không ăn thua. Cây quất đẹp thì còn được tí teo, chứ xấu thì thôi khỏi phải bàn. Vỡ nợ là cái chắc. Có nhà mua cả hàng trăm triệu chẳng bán được đồng nào, nhổ vứt đi. Lỗ là chuyện quá bình thường.”

Chia tay anh chị Hải, Mai để sang các vườn quất khác cũng chả khấm khá gì hơn, cứ đi được một đoạn ngắn dăm bẩy mét lại thấy người trồng quất chặt những cây quất chết khô chết héo lên thành từng đống đem vứt.

Ông Hồng và khách bê những chậu quất trồng lên xe chở đi.

Đến vườn đào quất của ông Nguyễn Bá Hồng, so với các vườn quất khác thì vườn của ông có vẻ may mắn, được lộc nhiều hơn. Hóa ra, vốn thức thời, do thời tiết nhiều năm nay khắc nghiệt, thấy người dân Tứ Liên trồng quất vườn chết nhiều, doanh thu lại chả mấy, thậm chí lỗ to nên ông chuyển sang trồng quất vào chậu. Trồng quất vào chậu từ đầu năm để đến Tết thu hoạch luôn cho tiện bán, tiện chăm sóc. Ông bảo: “Chơi quất chậu thì nhà bé 5, 10 mét đều chơi được tất”.

Nói về nghề trồng quất ông kể ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm. Với lại dân mình hay đổi cũ thích mới, nên cứ có gì mới thì hay thích. Nghề trồng quất vào lọ, vào chậu của ông cũng được nhiều năm nay, cũng trải qua dãi dầm nắng mưa, nhiều bận lao đao mới có được thành quả. Quất được trồng vào lọ sẽ bù cho thiệt hại của quất trồng ở ngoài vườn. Ông nói chỉ thương cho người dân vùng Tứ Liên do nắng hạn, trời không mưa quất ngoài vườn chết nhiều quá, ông là người trồng quất mà ra đường làng nhìn quất chết khô chất đống thấy xót lòng.

Chia tay vườn quất để đến với vườn đào, chúng tôi đi men đường làng Tứ Liên đến vùng đất Nhật Tân, nơi nổi tiếng với làng trồng đào. Còn cả tháng nữa mới vào đúng dịp Tết Nguyên đán mà cả vườn đào nhà nào nhà nấy đã nở hồng rực rỡ. Thông thường, vào dịp Noel đến, trời lạnh cắt da, cắt thịt, hay những đợt gió mùa đông bắc. Năm nay từ đầu đông đến giờ chưa có đợt lạnh nào được gọi là rét đậm, đã thế trời còn nắng và nóng.

Trái với vẻ thích thú của chúng tôi trước cả một rừng đào tươi khoe sắc rực rỡ, chị Lan Hương, chủ nhân của vườn 200 gốc đào ở Nhật Tân buồn bã nói: “Ngắm đào đẹp thì thích thật đấy, nhưng hoa đào nở giờ này thì chỉ để ngắm chứ không ai mua. Trời nắng thế này chỉ chết người trồng đào”.

Chị Mai buồn bã trước năm quất bị hạn.

Chị bảo thời tiết có năm nào như năm nay, nắng nóng đến tận giờ này, có lạnh tí ti chả ăn thua gì. Cả vườn đào chăm sóc mãi mới mong đến ngày tết để thu hoạch, nhưng giờ nắng nóng thế này đào bung hoa nở tung hết cả còn gì được nữa. Chị chỉ cho chúng tôi mấy cây đào thế to có thân xù xì hoa đỏ hồng rực rỡ, chị bảo đó là giống đào bích, bông hoa rất lớn màu sắc thắm. Đào bích không nhiều bông như đào hạt, đào phai nhưng màu tươi sắc hơn rất nhiều. Giống đào bích cũng phải chăm sóc công phu, cẩn thận hơn.

Chị kể nghề trồng đào như chơi vé số, không biết trước được kết quả. Người ta chơi vé số thì cứ 7 giờ tối ngóng kết quả xổ số còn người trồng đào thì cứ đến 8 giờ là ngóng dự báo thời tiết. Trồng đào mà cứ như là buôn bạc giả, nơm nớp lo không biết kết quả sẽ như thế nào? Chị ví dụ nghề này cái gì cũng 50/50. Lúc trồng cây cũng 50/50, không biết cây có sống được không? Đến khi cây sống được lại lo 50/50 cây có được thời tiết tốt hay không?

Tiết trời năm nào lạnh quá thì đào không nở vào dịp Tết mà sẽ nở muộn hơn, nóng quá thì không hãm lại được đào nở sớm. Mà ngay cả khi bán được đào ra khỏi vườn rồi lại lo 50/50 là những cây đào thế về đến nhà người ta có sống được không? Nếu sống được thì không sao chứ không sống được người ta cho là xui gọi điện mắng mình là mình cũng mất cả cái Tết. Rồi còn là uy tín, bán lần này lại còn lần khác. Bán năm nay lại còn năm sau, khách quen đến…

Chị bảo giờ người Nhật Tân trồng đào còn bộn bề lo ngại. Nhiều năm nay người dân ở thủ đô đổi sang thú chơi đào rừng, dịp gần Tết hàng xe tải lớn chở về thành phố, bán dọc khắp cả nhiều tuyến phố. Đào Nhật Tân lại có dịp cạnh tranh với đào rừng Sơn La, Mộc Châu, Sa Pa, Hà Giang... Người làng Nhật Tân trồng đào mất bao công sức nhưng nhiều khách hàng có suy nghĩ cứ để đến sát ngày 29, thậm chí 30 Tết mới lên vườn để chọn mua đào cho rẻ mang về chơi.

Chị nói những ngày sát Tết này cành đào to vật vã, đẹp long lanh giá giảm chỉ còn nửa, nhưng nếu ai cũng như những người khách này thì người trồng đào sống bằng gì? Cả năm kì công chăm sóc vườn đào mong đến Tết thu hoạch rồi lại gặp phải năm thiên nhiên khắc nghiệt như năm nay lại thêm con người tính toán thì người dân trồng đào trông vào đâu?

Bỗng dưng, nhìn thấy cả rừng đào nở sớm, đẹp rực rỡ thật đấy nhưng chúng tôi lại mong sao đào đừng nở vào giờ phút này, đừng tưng bừng khoe sắc vội. Hãy chậm lại đào nhé!

Trần Mỹ Hiền
.
.