“Nôn nóng nổi tiếng, một số nhạc sĩ trẻ dễ đánh mất mình”
Không khí tĩnh lặng của làng giải trí Việt như hiện nay có khi lại là cái may. Bởi những người làm nghệ thuật có thời gian để soi lại mình. Khi mà sân khấu ca nhạc đang dần biến thành sân khấu tạp kỹ, ca khúc siêu nhảm xuất hiện với tần suất dày đặc, ca sĩ đánh bóng tên tuổi bằng các vụ ầm ĩ ngoài sàn diễn... thì cũng là lúc cần thiết phải xem lại đâu là mấu chốt của vấn đề tạm gọi là "xuống cấp thẩm mỹ". PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với nhạc sĩ Tôn Thất Lập, Ủy viên Ban chấp hành Hội Âm nhạc Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa nhạc sĩ Tôn Thất Lập, vẫn biết chuyện so sánh bao giờ cũng khập khiễng. Nhưng, xin phép được hỏi nhạc sĩ đâu là điểm khác biệt lớn nhất trong giới viết nhạc thời của nhạc sĩ và của các nhạc sĩ trẻ hiện nay?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Có thể là do điều kiện lúc bấy giờ nên chúng tôi chỉ nghĩ đến sự hoàn hảo của tác phẩm, không nghĩ đến tiền bao giờ. Thời của chúng tôi làm nghệ thuật trước tiên là vì lý tưởng, vì mơ ước về một thế giới tốt đẹp. Chúng tôi học sáng tác, học về âm nhạc là để tạo ra tác phẩm hay. Chẳng hạn, chúng tôi sáng tác về tình yêu là để thỏa mãn mơ ước của chính mình. Chúng tôi viết về khát vọng hòa bình là để thỏa mãn sự dấn thân của tuổi trẻ.
Chúng tôi, những nhạc sĩ nói riêng và nghệ sĩ nói chung chủ yếu sống cho lý tưởng, không mảy may nghĩ đến kinh tế gì cả. Hồi đó, nhiều anh em tự tìm cách học nhạc lý, rồi về sau mới học theo kiểu hàn lâm trong nhạc viện, trường đại học chuyên ngành...
Còn bây giờ, anh em nhạc sĩ trẻ có nhiều điều kiện hơn. Họ được tiếp thu nhiều hơn các xu hướng âm nhạc của thế giới. Mọi thứ rất thuận lợi. Cuộc sống hiện nay cũng đã khác, cái gì cũng thị trường hóa, điều kiện văn hóa cũng thay đổi. Nhiều nhạc sĩ đã sống được nhờ tác phẩm của mình.
PV: Đúng như nhạc sĩ vừa nhận định, nhạc sĩ trẻ hiện nay có những cơ hội rất tốt để phát triển nghề nghiệp cũng như danh tiếng của mình. Tuy nhiên, có vẻ như làm nhạc sĩ trong thời điểm này dễ quá và ai cũng có thể trở thành nhạc sĩ chỉ sau vài bài hát mà người ta hay gọi là nhạc dành cho tuổi teen?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Theo tôi thì ở mỗi hoàn cảnh xã hội, quy định những xu hướng nghệ thuật và thẩm mỹ trong chừng mực nào đó có khác nhau. Giới trẻ hiện nay cũng có nhiều điều kiện khách quan để thưởng thức nghệ thuật. Đặc biệt là từ mạng Internet.
Có cung thì có cầu, nhạc sĩ trẻ hiện nay đa phần đánh đồng sáng tác nghệ thuật với kinh tế và sự nổi tiếng. Nên đôi khi, tác phẩm ra đời từ sự dễ dãi của nhạc sĩ. Nhiều nhạc sĩ trẻ do sự nôn nóng mưu cầu nổi tiếng, nên sẵn sàng chạy theo thị hiếu của đám đông mà đánh mất bản thân mình.
Như ban nãy tôi có trao đổi, nhạc sĩ trẻ hiện tại có nhiều thuận lợi vì họ có điều kiện tiếp xúc nhanh với xu hướng âm nhạc nước ngoài. Nhưng, tiếp xúc khác với tiếp thu. Tiếp thu thì cần phải biết chọn lọc, chứ chăm chăm chạy theo nhạc của người ta thì rất dễ sa đà.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong chương trình Bài hát Việt 2008. |
PV: Vậy có phải chính vì yếu tố "nôn nóng nổi tiếng" của một số nhạc sĩ trẻ, âm nhạc Việt hiện tại có những bài hát ba lăng nhăng đến mức không thể chịu nổi?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Tất nhiên đây cũng là một trong những lý do chính. Hiện tại, có những bài hát rất lai căng về giai điệu và cấu trúc tác phẩm. Họ chạy theo tiết tấu một cách máy móc. Chủ yếu là bắt chước theo kiểu nhạc nước này một chút, nước kia một ít, ca từ thì rất... vô ý nghĩa. Ai mà làm nghệ thuật kiểu đó(!). Cũng có trường hợp là... máy sáng tác thay cho nhạc sĩ một vài bài hát cắt, ghép nào đó, chứ đâu phải do nhạc sĩ tự sáng tác nên.
Trong nhiều cuộc hội thảo âm nhạc, nhiều nhạc sĩ hay phản ứng đề tài tình yêu trong âm nhạc hiện nay. Nhưng, tôi không phản ứng vì chuyện này. Vì tình yêu đẹp lắm chứ, hay lắm và đáng tôn vinh lắm. Có điều, là họ viết như thế nào. Tình yêu trong âm nhạc hiện nay nó... kỳ quá. Một vài nhạc sĩ trẻ khi viết về tình yêu đã đánh mất tình yêu chân thật, biến tình yêu thành thứ để... có thể mua bán được. Điều này hiện nay phản ánh chuyện gì? Rõ ràng, nó phản ánh không đúng lý tưởng thẩm mỹ của xã hội.
PV: Và còn cái xu hướng âm nhạc mà người ta vẫn quen gọi là “dòng nhạc tuổi teen”, với ngôn ngữ rất quái đản. Thậm chí, có ca khúc mà người nghe vừa nghe vừa phải... cãi nhau bởi sự vô lý đến cực điểm của nó. Nhạc sĩ nghĩ gì về "dòng nhạc" này cũng như một vài "dòng nhạc" khác hiện nay?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Trước đây, người ta phân biệt nhạc dành cho thiếu nhi, cho thiếu niên hay còn gọi là tuổi hồng... theo những khuôn mẫu nhất định. Còn hiện tại, đúng như anh nói, người ta đang lồng tất cả vào “nhạc tuổi teen”. Mà cái “nhạc tuổi teen” hiện nay thì nó... nhái nhiều lắm.
Cứ ra ngoài tiệm đĩa nào đó, mua chừng 15 cái album ca nhạc của Hàn Quốc, loại dành cho tuổi teen bên đó. Về mở nghe thì y như rằng sẽ phát hiện ra các ca khúc tuổi teen tại Việt
Nhạc tuổi teen của Hàn Quốc phục vụ cho một số đối tượng nhất định, họ làm là để kinh doanh. Bởi bản chất, đó là một xã hội tiêu thụ. Nhưng đổi lại, họ vẫn phát triển một nền văn hóa gốc vững chắc. Còn ở nước ta thì khác, giới trẻ rất dễ sa đà vào cái chuyện nhạc teen này bởi những nguyên nhân khách quan.
Rồi còn cả chuyện nhạc trẻ và nhạc thị trường. Nhạc trẻ có khuynh hướng trẻ trung, tiết tấu mới lạ, tôi cho rằng nhạc trẻ hiện nay chẳng có vấn đề gì. Tôi thấy nó tốt, không nên bài xích mà cần đầu tư để nhạc sĩ trẻ sáng tác tốt hơn.
Còn nhạc thị trường, là loại nhạc mà người làm ra nó chủ yếu chạy theo kinh tế. Đã làm kinh tế thì yếu tố tiên quyết là phải có lời, chứ ai hơi đâu là lo chuyện thẩm mỹ với nghệ thuật. Chính vì vậy, họ buông hẳn chuyện thẩm mỹ để chỉ chăm chăm vào kiếm lời. Ngay cả khi một doanh nghiệp kinh doanh ngành giải trí hợp tác với đài phát thanh hay truyền hình làm chương trình để phát sóng lại hoặc phát sóng trực tiếp, họ cũng có cách để chi phối sao cho ca sĩ của họ được lên sóng, bài hát họ muốn phổ biến phải được biểu diễn. Bất chấp bài hát hoặc ca sĩ đó trình bày hay hoặc dở. Thực tế thì làm nhạc để kinh doanh cũng tốt thôi, nhưng phải có hạn định nhất định của nó, chứ không thể bỏ tất cả để kiếm lời như hiện nay.
Vì lẽ đó, mảng biên tập âm nhạc trên các phương tiện truyền thông phổ biến phải rất được chú trọng. Cần có những nhạc sĩ đảm nhiệm khâu biên tập âm nhạc này.--PageBreak--
PV: Ngoài lề một chút, thú thật với nhạc sĩ là tôi vẫn không hiểu tại sao hiện nay, nhiều người lại thích làm ca sĩ đến thế. Đôi khi, họ mê làm ca sĩ đến mức tội nghiệp. Ai cũng mong làm ca sĩ, cứ kiếm đủ tiền để dành là ra album ca nhạc. Sau đó, đi làm dành dụm tiền và ra album ca nhạc tiếp. Mặc cho, với chất giọng và trình độ âm nhạc của họ thì mãi mãi chẳng bao giờ có thể trở thành ca sĩ được?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Theo tôi là như thế này. Có hai điểm mà chỉ cần đạt được là ca sĩ sẽ thỏa mãn, chính là: nổi tiếng và làm giàu. Thế nên, một số người bị mụ mị đi vì hai yếu tố trên. Bên cạnh đó, theo họ làm ca sĩ hiện tại quá dễ. Chỉ cần có tiền là làm được.
Có tiền, họ có thể ra album. Có tiền, họ có thể dùng các chiêu thức lăng xê tên tuổi mình. Vậy thôi.
PV: Rồi còn cả chuyện người nghe cũng đang dễ dãi với dòng nhạc hiện nay nữa chứ, phải không thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Mình không trách người nghe được, vì họ có lỗi gì đâu mà trách. Mình chỉ tiếc cho người nghe thôi. Bởi cuộc sống hiện nay dồn dập quá, họ sống nhanh quá, nhanh đến mức nghe nhạc cũng chẳng cần chọn lọc. Có gì nghe nấy. Ngay cả khi họ muốn chọn lọc nhạc để nghe, thì chúng ta cũng có ít tụ điểm đáp ứng sự lựa chọn của họ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí cho riêng mình.
Ngày trước, ngay ở TP HCM cũng có những "biệt khu" dành riêng cho giới nghe nhạc. Như nghe rock thì ở tụ điểm này, nghe tình ca thì ở sàn diễn nọ... Còn hiện tại, sân khấu ca nhạc đang biến dần thành sân khấu tạp kỹ. Vừa xong thể loại nhạc này thì bay sang thể loại nhạc khác, có khi chuyển pha lẫn cả hài kịch, rồi ca cổ, cải lương... rất nhiều thể loại "nằm" chung trên một sân khấu tạo nên sự hỗn độn đáng tiếc.
Và những người không có bản lĩnh thì dễ chạy theo những xu hướng thẩm mỹ không đúng. Đã chạy theo xu hướng thẩm mỹ không đúng mà còn cho đó là mốt thì rất nguy hiểm.
PV: Vậy theo nhạc sĩ thì đâu là lời giải cho xu hướng âm nhạc không thẩm mỹ như hiện nay?
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Nhất thiết phải có sự quản lý và đầu tư. Nếu quản lý tốt thì các tác phẩm âm nhạc thiếu thẩm mỹ chắc chắn không có cơ hội xuất hiện. Băng đĩa ca nhạc, chương trình biểu diễn từ sân khấu cho đến chương trình phát thanh, truyền hình đều có sự quản lý hết chứ. Quản lý chặt, thì sẽ không xảy ra tình trạng lộn xộn trong âm nhạc như hiện nay.
Giải trí luôn luôn là một nhu cầu mới, không thể có chuyện ngăn chặn hay cấm đoán nhu cầu giải trí. Nhưng, giải trí cũng phải có định hướng thẩm mỹ đúng chứ. Đâu phải giải trí là muốn làm gì thì làm.
Còn phải đầu tư cho nhạc sĩ yên tâm sáng tác, sự đầu tư của Nhà nước hẳn hoi. Đầu tư từ vật chất, kinh tế cho đến nhân sự. Đầu tư đúng hướng sẽ cho chúng ta những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Cái đó gọi là "biết xây dựng để chống lại sự phi thẩm mỹ trong âm nhạc". Nói gì thì nói, tôi cho rằng chúng ta vẫn chưa có các biện pháp để định hướng tốt cho xu hướng thẩm mỹ, dẫn đến tình trạng người nghe gặp gì thì thụ hưởng cái đó.
Điều cần thiết nhất là phải có một nền giáo dục âm nhạc từ bậc học nhỏ nhất cho đến bậc đại học. Các cháu từ bậc học mẫu giáo, cấp I, cấp II... lên đến đại học đều phải được học âm nhạc một cách chỉn chu, nghiêm túc. Làm được điều này, thì mới hy vọng chuyện tính thẩm mỹ không mất đi trong âm nhạc, dẫu là thuộc dòng nhạc hoặc thể loại nhạc nào đi chăng nữa.
Cái gốc là một nền giáo dục tốt để có thể mang lại cho mỗi cá nhân một bản lĩnh vững vàng.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ về cuộc trao đổi này