"Nóng" vì "nước giải khát" Dr Thanh!

Thứ Năm, 18/06/2009, 16:05
Những ngày vừa qua, dư luận trong cả nước đã tỏ ra đặc biệt quan tâm trước thông tin lô hàng hóa chất – phần lớn dùng để chế tạo nước giải khát của Công ty Tân Hiệp Phát (THP), bị cơ quan chức năng lập biên bản niêm phong vì quá hạn sử dụng.

Vài nét về công ty Tân Hiệp Phát

Khởi thủy của Tân Hiệp Phát (THP) chỉ là Nhà máy Bia và nước giải khát Bến Thành, đặt ở Q. Bình Thạnh, TP HCM, do ông Trần Quý Thanh làm giám đốc, đi vào hoạt động khoảng đầu thập niên 90 thế kỷ trước. Sau 19 năm, Nhà máy bia Bến Thành trở thành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ THP với các sản phẩm như: Bia chai Bến Thành, bia tươi đóng chai Laser, bia Gold Bến Thành và các loại nước giải khát như trà Barley, trà xanh Không độ, trà Thanh nhiệt Dr Thanh. 

Tuy nhiên, sản phẩm của THP đã từng vài lần bị khách hàng khiếu nại. Ngày 11/3/2009 chị Nguyễn Thị Thu Hằng, cư trú tại đường 3 tháng 2, P.11, Q.10, TP.HCM mua 6 chai trà Barley không độ nhãn hiệu Number One còn hạn sử dụng tại một cửa hàng tạp hóa trên đường Trần Minh Quyền, Q.10. Trong lúc lấy ra cho vào tủ lạnh để dùng dần, chị phát hiện 2 chai Barley có màu đục lờ lờ như nước luộc ốc.

Hai hôm sau, chị Hằng điện thoại đến đường dây nóng của Công ty THP, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương để hỏi trong trường hợp này, THP sẽ giải quyết ra sao. Sau hai lần gọi, THP mới cử nhân viên xuống. Tại nhà riêng của chị, nhân viên THP lập biên bản sự việc, trong đó thừa nhận sản phẩm Barley là của công ty.

Ở phần ghi ý kiến khách hàng, chị Hằng đề nghị phía Công ty THP hỗ trợ 15 triệu đồng để khám bệnh với lý do chị muốn có kết luận y khoa về việc đã sử dụng sản phẩm trà Barley – gần như thay nước uống suốt 2 năm qua, mỗi ngày từ 2 đến 3 chai và gần đây, chị Hằng thấy bàn tay có những triệu chứng giống như  bệnh nấm da.

Khi đi thăm khám tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, bác sĩ cho biết những triệu chứng của chị Hằng có thể do cơ thể dị ứng với những hóa chất độc hại. Tuy nhiên, nhân viên THP đề nghị chị Hằng... thông cảm với nhà sản xuất, rồi xin được thu hồi sản phẩm, đồng thời tặng chị Hằng 1 lốc trà Barley khác, nhưng chị Hằng không đồng ý.

Chiều ngày 24/3, chị Hằng nhận được thư trả lời của Công ty THP: “Việc quý khách yêu cầu phía Công ty TPH hỗ trợ gia đình số tiền trị giá là: 15 triệu đồng không có căn cứ là vi phạm nghiêm trọng Luật Hình sự - tội cưỡng đoạt tài sản công dân, tống tiền”. Lá thư này đã khiến chị Hằng thêm bức xúc bởi lẽ trong khi đang bối rối về tình trạng sức khỏe, thì việc kết luận chị “cưỡng đoạt tài sản, tống tiền” đã làm chị khủng hoảng.

Theo chị Hằng, Công ty THP phải trả lời sản phẩm trà Barley có làm hại đến sức khỏe của người tiêu dùng hay không, đồng thời phải công khai xin lỗi chị trên các phương tiện thông tin đại chúng vì đã “kết tội” chị.

Làm việc với chị Hằng, ông Lê Hồng Minh - Trưởng phòng Quan hệ công chúng Công ty THP thay mặt công ty xin lỗi chị về cách giải quyết chưa chu đáo của các nhân viên đã đến gặp chị những lần trước. Theo ông Minh, những nhân viên trên chỉ đến “gặp cho vui”(?), chứ họ không có chức năng gì trong việc chai trà chất lượng không bình thường.

Sau gần 3 tiếng đồng hồ trao đổi,  chị Hằng không đồng ý với đề nghị của ông Minh, là cho ông mang hai chai  Barley kém chất lượng về Công ty THP để kiểm tra. Bên cạnh đó, ông Minh cũng cho rằng sức khỏe chị Hằng không bị ảnh hưởng do chị chưa uống hai chai này, vì “Nếu uống mà nằm viện ngay thì khác”. Chị Hằng cho biết sẽ mang hai chai trà ấy đến các cơ quan chức năng như Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng, Sở Y tế để xin kiểm tra.

Riêng số tiền 15 triệu đồng khám bệnh, chị Hằng cho biết: “Tôi nghĩ phải đưa ra 1 con số cụ thể để cảnh cáo nhà sản xuất thiếu trách nhiệm với sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng. Con số này cũng đủ sức nặng khuyến cáo dư luận cảnh giác với thực phẩm độc hại. Đã bị thiệt thòi vì sản phẩm kém chất lượng, còn bị đe dọa khi khiếu nại, thì làm sao còn tin được vào đạo đức của nhà sản xuất?”.

Áp phích quảng cáo trà Dr Thanh của Công ty Tân Hiệp Phát.

Một khách hàng tại tỉnh Đồng Nai là anh  Võ Thanh Tâm, ngụ tại 314 Đồng Khởi, TP Biên Hòa. Một hôm trên đường đi làm về, anh ghé uống nước tại một quán cà phê ven đường thuộc huyện  Nhơn Trạch, Đồng Nai. Sau khi uống hết 1/2 chai nước Number One, anh phát hiện trong chai nước có những chất lợn cợn như dấm nuôi.

Lập tức, anh Tâm nhờ chủ quán kiểm tra lại thì phát hiện trong két nước Number One, cũng có một số chai có hiện tượng tương tự.

Để làm rõ vụ việc, anh  mua tiếp 5 chai - trong đó 1 chai bị bạc màu, 2 chai bị lợn cợn, 2 chai bị gợn đen - hạn sử dụng đến ngày 26/92009 rồi đem về nhà và gọi điện thoại đến Công ty THP để phản ánh.

Một tuần sau khi nhận được điện thoại của anh Tâm, chiều ngày 26/12/2008, đại diện Công ty THP là ông Lê Hồng Minh đã đến làm việc với anh Tâm. Trong buổi gặp gỡ này, anh Tâm đặt ra nhiều câu hỏi: “Chai nước bị biến đổi thì các thành phần trong chai biến đổi như thế nào? Chất lượng đã biến đổi có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng hay không? Công ty THP giải quyết ra sao khi khách hàng khiếu nại”.

Tiến hành xem xét sản phẩm, ông Minh kết luận chai nước Number One biến màu là do bảo quản không đúng cách, sản phẩm để ngoài trời, bị mưa, nắng, ánh sáng chiếu trực tiếp vào nên phai màu.

Về trường hợp chai bị lợn cợn, thì theo ông Minh: “Trong quá trình vận chuyển, do một tác động nào đó làm hở nắp và lọt không khí vào gây ra”. Riêng chai nước bị gợn đen, ông Minh không có giải thích cụ thể.  Cuối cùng, phía ông Minh đề nghị anh Tâm “hợp tác” bằng cách giao 2 sản phẩm là chai nước bị lợn cợn và bợn đen để công ty về kiểm tra, cùng lời hứa ghi nhận thắc mắc của khách hàng và sẽ sớm trả lời bằng văn bản. Bên cạnh đó, Công ty THP nói, sẽ có “thư cảm ơn” đến khách hàng, kèm quà tặng là 4 thùng Trà xanh Không độ.

Tuy nhiên, gần 2 tuần kể từ khi gặp mặt khách hàng, phía Công ty THP vẫn “im lặng”, nên ngày 6/1/2009, anh Tâm đã gửi đơn phản ánh về chất lượng các chai nước Number One lên Sở Y tế Đồng Nai, đề nghị làm rõ.--PageBreak--

Và lô hàng hoá chất quá hạn sử dụng

Ngày 4/6/2009, Cục CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ phía Nam (C15B) - Bộ Công an, đã phối hợp với lực lượng Quản lý Thị trường TP HCM tiến hành kiểm tra kho hàng tại địa chỉ 169 đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh – là kho của THP. Tại đây, cơ quan chức năng đã phát hiện 3 container lạnh - loại 20 feet - bên trong chứa 26 tấn hương liệu dạng viên, dạng lỏng, dùng để chế biến nước giải khát.

Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện 207 bao hóa chất dạng bột dùng chế biến thực phẩm và nước giải khát không hóa đơn, chứng từ mà cụ thể là tại container thứ nhất, có 142 thùng hương cam - loại 25kg/thùng, 105 thùng hương dứa do Singapore sản xuất.

Trên mỗi thùng, nhà sản xuất ghi rõ hạn sử dụng đến các năm 2002, 2007, 2008. Container thứ hai chứa 286 thùng hương liệu, 460 bao chất phụ gia, có thời hạn sử dụng đến năm 2002 và 2007. Container thứ ba chứa 2.170 bao hóa chất dạng viên có thời hạn sử dụng đến năm 2007 và 2008. Thế nhưng, hầu hết các thùng sản phẩm đó, đã được dán chồng lên nhãn gốc của nhà sản xuất một nhãn mới bằng tiếng Việt để “gia hạn” thời gian sử dụng.

Thí dụ tại thùng hương cam, nhà sản xuất ghi hạn sử dụng là 6/5/2007 nhưng nó đã biến thành: “Hương cam đục, HSD 25/11/2009”. Sau đó, tại một kho khác của Nhà máy sản xuất THP ở Thuận An, Bình Dương, cơ quan chức năng cũng phát hiện 60 thùng phuy hương liệu nước cốt trái cây,  thời hạn sử dụng là ngày 3/11/2008.

Theo ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty THP, thì “Nhà máy sản xuất bia và nước giải khát của công ty tại 169 Nơ Trang Long đã cho thuê làm kho. Lô hàng mà cơ quan chức năng kiểm tra là do người khác gửi”. Riêng về 60 thùng hương liệu nước cốt trái cây đã quá hạn sử dụng, ông Thanh cho biết: “Đây là lô hàng được nhập khẩu hợp pháp. Nhưng trong quá trình sản xuất, như bất kỳ đơn vị sản xuất kinh doanh nào, khi nhu cầu thị trường giảm, sẽ có nguyên vật liệu chưa sử dụng hết”. 

Tuy nhiên, có một chi tiết đáng lưu ý là vào cuối tháng 2/2009, Sở Y tế Bình Dương đã phát hiện 26, 1 tấn nguyên liệu đã quá hạn sử dụng tại Công ty THP. Sau đó, sở đã xử phạt và buộc THP phải tiêu hủy số nguyên liệu này, trong lúc ngày 3/6, khi kiểm tra kho hàng của THP tại 169 đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh TP HCM, Cơ quan chức năng đã phát hiện 26,5 tấn nguyên liệu cũng đã quá hạn sử dụng. Chưa rõ 2 lô hàng đó có liên quan đến nhau hay không, và lô hàng bị phát hiện ở Bình Dương đã được tiêu hủy hay chưa bởi lẽ khi được hỏi, ông Trần Quý Thanh đã trả lời: “Cấp dưới nó làm. Tôi quản lý cấp cao thôi”.

Thông tin về việc phát hiện các lô hàng hóa chất dùng để chế tạo nước giải khát của Công ty THP đã hết hạn sử dụng, lập tức gây ra tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Hệ thống siêu thị Co-op Mart TP HCM thông báo ngưng kinh doanh sản phẩm của Công ty THP, đồng thời Co-op Mart còn gửi văn bản yêu cầu THP giải trình về những hương liệu quá hạn  trong kho đã bị cơ quan chức năng phát hiện. Tiếp theo, hệ thống siêu thị Big C cũng đã rút toàn bộ sản phẩm của Công ty THP ra khỏi tất cả các siêu thị của mình.

Riêng hệ thống siêu thị CitiMart thì cho rằng thông tin chỉ nêu lên vấn đề phát hiện trong kho của Công ty THP có chứa hương liệu quá hạn sử dụng chứ không khẳng định THP sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất nên chưa thể ngưng kinh doanh sản phẩm của THP trên toàn hệ thống.

Về phía Công ty THP, sau “sự cố” ấy, THP đã phát đi thông cáo khẳng định lô hàng tại địa chỉ Nơ Trang Long là của đối tác thuê mặt bằng, không liên quan đến việc sản xuất của công ty, còn lô hàng ở huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương là hàng nhập khẩu hợp pháp. Tuy nhiên do hương liệu không được người tiêu dùng và thị trường ưa chuộng nên công ty đã ngừng sử dụng từ lâu, khiến nguyên liệu quá hạn và đang trong quá trình thanh lý.

Thông cáo nói rõ: “Chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp cơ quan chức năng xác định việc công ty sử dụng nguyên liệu kém chất lượng” vì biên bản làm việc giữa C15B, Lực lượng Quản lý thị trường và đại diện công ty, không hề có câu chữ nào khẳng định THP đang sử dụng nguyên liệu hết hạn để sản xuất ra các sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng.

Cho đến lúc này, khi cơ quan chức năng chưa đưa ra thông báo chính thức, thì vẫn chưa có bằng chứng để chứng minh rằng các loại nước uống của THP được chế tạo từ những loại hóa chất đã hết hạn sử dụng. Và hệ thống siêu thị Co-op Mart đã cho bán trở lại các sản phẩm này. Tuy nhiên, trước việc các lô hàng ấy bị phát hiện, thì nghi ngờ là quyền của người tiêu dùng bởi lẽ hiện nay, trên thị trường có rất nhiều các loại thực phẩm, gia vị, nước giải khát, sử dụng hương liệu để tạo mùi. Chẳng hạn một số loại nước hoa quả đóng hộp, đóng chai, tuy trên nhãn ghi là nước cam, chanh, táo..., nhưng thực chất chỉ là mùi của những loại quả ấy.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc dùng hương liệu kém chất lượng để chế biến thực phẩm có thể dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hóa, gây dị ứng, ngứa ngáy, lở loét. Thậm chí, một số loại cồn, kim loại nặng trong dung môi hoặc chất độn của hương liệu còn có thể gây ung thư vì chúng là dẫn xuất của các hợp chất benzen mạch vòng, và ở Việt Nam vẫn chưa có những cảnh báo chính thức về tác hại của hương liệu đối với người sử dụng; cũng như chưa có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng hương liệu.

Có những loại hương liệu, chỉ cần pha 1 giọt vào vài chục lít nước, là đủ để bốc mùi thơm lừng. Nếu không bắt quả tang nhà sản xuất pha chế hương liệu kém chất lượng vào sản phẩm, rồi khi sản phẩm đã đóng chai, vô hộp, tung ra thị trường, thì chỉ có thể xét nghiệm để biết hương liệu đó là hương liệu gì, thuộc nhóm hữu cơ hay vô cơ cùng các chỉ tiêu hóa, lý vi sinh, xem có đúng như đăng ký hay không. Còn cái chuyện hương liệu trong sản phẩm chất lượng thế nào, thì khó lắm.

Vì thế, người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào sự “tự giác” của nhà sản xuất mà thôi...

Vũ Cao
.
.