Phim Việt: “Nóng” vô tội vạ

Thứ Ba, 20/01/2015, 07:45
Vài ba năm trở lại đây, cảnh nóng trong phim Việt được nhắc đến thường xuyên và thực chất độ nóng của nó đủ sức nóng đến đâu lại là một vấn đề khác. Hiện tượng cảnh nóng phim Việt đang tràn lan trong các thể loại phim truyền hình, video, phim truyện nhựa, đẩy lên thành hội chứng.
Hội chứng này trong điện ảnh là một căn bệnh được lặp đi lặp lại, có sức lây lan, khó chữa. Điều đặt ra rằng cảnh nóng đó có thật sự cần cho kịch bản phim hay chỉ cốt để câu kéo, khuyến khích người ta đến rạp vì tò mò. Và nếu cứ cái đà này, khán giả đã bắt đầu chán ngán món ăn quá quen thuộc, thì điều gì sẽ tiếp theo?

Phim Việt với hội chứng "cảnh nóng"

Nhiều năm trở lại đây, Internet phát triển, các kênh truyền hình trong nước cũng rầm rộ ra quân điều đó đồng nghĩa với việc phim truyền hình Việt tăng thời lượng phát sóng, phim ngoại tràn lan trên các trang mạng, các rạp chiếu bên cạnh các phim nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc thì phim Việt tăng thời lượng, số lượng phim và suất chiếu, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cảnh nóng phim Việt xuất hiện càng nhiều?!

Một số nhà làm phim Việt chiếu rạp có vẻ cảm thấy yên tâm hơn khi phim dính tới yếu tố cảnh nóng. Hàng loạt phim ra thông báo cấm trẻ em dưới 16 tuổi. Cái sự cấm đoán này lại là liều thuốc kích thích, gây tò mò cho giới trẻ, bởi khảo sát tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc độ tuổi đến rạp xem phim chủ yếu là thanh thiếu niên, hoặc khán giả độ tuổi từ 30 trở xuống, lác đác có một vài người trung tuổi. Gắn mác "Cấm trẻ em dưới 16 tuổi" lúc này lại như một lời quảng cáo, rao hàng đầy hứa hẹn.

Người ta bảo điện ảnh Việt đang bị hội chứng cảnh nóng. Điểm 3 phim Việt ra rạp gần đây nhất. Trong "Tốc độ và đường cong", một cô gái trút bỏ xiêm y được coi là không mặc gì, ống kính máy quay quay đằng sau hắt từ vai xuống eo được gọi là cảnh nóng (Diễm My 9X đóng).
Cảnh nóng trong phim “Đẻ mướn".

Trong "Chung cư ma", cô gái khỏa thân bước vào bồn tắm, ống kính quay một cô gái nằm trong bồn tắm hở đầu, cái vai, một phần ngực (người mẫu Phương Mai diễn).

Trong "Hương Ga" người đàn ông cúi xuống đặt môi lên tóc, mặt, cổ người phụ nữ, rồi từ từ hạ thấp xuống, lúc này ống kính máy quay chiếu về người đàn bà hở một phần ngực cũng đã được coi là một cảnh rất nóng (diễn viên Trương Ngọc Ánh với Kim Lý, Trương Ngọc Ánh với Hiếu Nguyễn).

Một cô gái có khuôn mặt hốt hoảng thảng thốt đau đớn bị một người đàn ông mặc nguyên quần áo nằm đè lên cơ thể trong cảnh bị hãm hiếp (ChiPu thể hiện).

Không chỉ chân dài, da trắng khoe da, hở thịt mà năm nay, ở “Lạc giới”, “Để mai tính” đề tài về phim đồng tính cảnh người đàn ông có những cảnh hớ hênh, khoe thân.
“Mất xác”

Khi xem “Để mai tính 2” hay “Chị Hội” nam diễn viên đang được coi là vua phòng vé Thái Hòa và diễn viên Quang Sự có những pha chỉ mặc quần chip. Đây là cảnh nóng hay chỉ là nóng mắt khán giả?!

Nhân vật tắm trong bồn, tắm vòi hoa sen, bị hãm hiếp, quan hệ yêu đương cảm xúc, hay quan hệ yêu đương trao đổi, rơi khăn tắm là những cảnh thường thấy trong phim chiếu rạp. Ngay cả phim truyền hình, được chiếu vào khung giờ vàng của VTV3 đã khiến khán giả trước màn ảnh nhỏ phải thảng thốt với hai diễn viên trẻ. Cô gái ăn mặc vô cùng mát mẻ được người bạn trai hôn lướt quanh vùng ngực.

Giải thích với hình ảnh gợi dục trên, đạo diễn và diễn viên phân trần rằng diễn cảnh đó để mô tả sự ăn chơi sa đọa của giới trẻ(?!)

Cứ cái đà này, câu kéo vài giây, vài phút cảnh nóng gỡ gạc được chút nào hay chút nấy cho vào phim mặc dù cảnh nóng đó không cần thiết cho nội dung cốt truyện, các nhà làm phim Việt có làm nghèo đi tư duy cảm xúc điện ảnh và tự đào mồ chôn mình?

Cảnh nóng thừa hay thiếu? Vừa hay yếu?

Nhiều năm trở lại đây, để nói về các đoạn được gọi là cảnh nóng trong phim thì ở một số rất ít phim được cho là cảnh nóng hợp lý, nhân vật đẩy lên đến cao trào đỉnh điểm, và cảnh nóng đấy là bắt buộc không thể không có. Người ta gọi đây là cảnh nóng hợp lý, còn lại ở nhiều phim, cảnh nóng vô tội vạ chỉ đơn giản có một đoạn phim quảng cáo để kích thích tính tò mò của khán giả, câu kéo lượng người bỏ tiền vào rạp xem phim.

Có những cảnh nóng khiến người xem gai người. Có những cảnh nóng khiến người ta cười mỉa quay đi và quên ngay sau khi rời khỏi phòng chiếu.

TS-PGS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái đã rất tâm đắc với cảnh nóng trong "Sống trong sợ hãi" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Bà cho rằng cảnh nóng trong phim là vô cùng hợp lý và cần thiết. Nhiều người đồng quan điểm với bà về bộ phim được coi là một trong những phim thành công nhất của đạo diễn này.

Trong "Bi đừng sợ", cảnh nóng gây nhiều tranh cãi, người thích, người không thích nhưng dù thích hay không thì đây là một bộ phim ám ảnh nhiều người. Nếu xét theo một khía cạnh nào đó để làm một bộ phim ám ảnh quả thật chẳng đơn giản chút nào.
“Đời như ý”

Soi điện ảnh Việt qua những chặng đường thì nhiều hình ảnh được xem là cảnh nóng đã xuất hiện rất lâu từ cuối những năm 80, đầu 90 của thế kỷ trước, cả một dàn diễn viên sáng giá cũng đã từng kinh qua như Diễm My, Mộng Vân, Việt Trinh…

Và, cảnh nóng trong những năm trở lại đây có vẻ như khởi sắc hơn với dàn diễn viên trẻ và nhiều người trong số họ đã  từng tham gia với tần suất không chỉ một lần cho điện ảnh như: Ngô Thanh Vân, Trương Ngọc Ánh, Hà Kiều Anh, Diễm My 9X, Vân Trang, Lý Nhã Kỳ…

Không hiểu có phải vì khâu kiểm duyệt có phần khắt khe với những màn có cảnh nhạy cảm mà các nhà làm phim đã tìm trăm phương ngàn kế để đưa cảnh nóng vào phim một cách ngoạn mục. Nhưng họ rất khôn ngoan chỉ đặc tả sự đau khổ, vui sướng, hoan hỉ phấn khích của khuôn mặt, tựu trung là sự biểu cảm của nét mặt diễn viên với độ hở vừa đủ, vẫn là cái kiểu nửa kín nửa hở, chứ ít những màn phô diễn đặc tả chi tiết cận cảnh.

Với tốc độ "sinh trưởng" của phim Việt như hiện nay cảnh được xem là cảnh nóng ngày càng nhiều đã tạo nên hiệu ứng để các diễn đàn bàn luận rôm rả, bởi từ rất lâu cảnh nóng được xem như một vùng cấm địa mà đôi khi các nhà làm phim cũng biết rằng làm cứ làm, sản xuất cứ sản xuất, quay cho thỏa mãn cái tôi cá nhân nhưng rồi qua cửa ải kiểm diệt ngặt nghèo kiểu gì cũng bị gọt giũa, chỉnh sửa, cắt xén.

Tuy nhiên, chưa được gọi là cảnh nóng đã mắt như những cảnh thường thấy trong phim Tây thì phim Việt cũng chập chờn, chấp chới, mon men đi gần đến điểm nóng, vùng nóng. Ngày càng có nhiều những đoạn phim quảng cáo giới thiệu cảnh nóng trong phim Việt khiến người ta đặt vấn đề rằng, liệu cảnh nóng đó có thực sự cần thiết hay không, hay chỉ đơn giản là câu kéo tính tò mò của khán giả, lôi kéo sự chú ý của truyền thông?!
“Scanndal”

Bộ phim "Ngôi nhà trong ngõ hẻm", một lần nữa đả nữ Ngô Thanh Vân lại tiếp tục làm nên chuyện khi có những cảnh giường chiếu nóng bỏng với Trần Bảo Sơn. Phải nói, Ngô Thanh Vân là người rất chịu khó nhập tâm vào những cảnh nóng khi đóng cặp với bạn diễn.

Trước đây, ở "Dòng máu anh hùng" hay "Bẫy rồng", cô cũng có những cảnh quay ân ái mặn nồng với bạn diễn của mình là Jonhny Trí Nguyễn. Ở từng thước phim được xem là cảnh nóng của diễn viên này được người trong nghề đánh giá cao là hình ảnh biểu cảm và có tính thẩm mỹ.

Một cảnh nóng được xem là táo bạo của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong "Mỹ nhân kế" là cảnh Diễm My 9X cùng "sex" với Phạm Anh Khoa. Màn trai gái yêu đương nồng nàn với cảnh quay bắt mắt, hình ảnh và âm thanh diễn giống như thật đến độ chẳng còn nghi ngờ gì, cũng là một hình ảnh thành công đảm bảo về tính trung thực nhưng không bị phô và thô, chênh vênh như những cảnh sex khác thường thấy trong phim Việt.

Trước đấy, trong "Cánh đồng bất tận" của đạo diễn Nguyễn Phan Thanh Bình chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có cảnh Đỗ Hải Yến bị hãm hiếp cũng được coi là hình ảnh với tình tiết hợp lý vào sự logic của bộ phim. Nhưng tất cả những phim trên được coi là táo bạo trong cảnh nóng có sự logic thì cũng chỉ ở mức mô phỏng mà thôi.

Bên cạnh những cảnh nóng hợp logic trong phim thì có không ít cảnh nóng bị khán giả ném đá tả tơi. Một đoạn quảng cáo phim "Mất xác" của đạo diễn Đỗ Thành An hình ảnh một cô gái trong tư thế hoàn toàn khỏa thân nằm hớ hênh trong hồ nước. Hay cũng trong bộ phim này, là sự biểu cảm khuôn mặt của một đôi nam nữ đang hôn nhau được cho là đang “câu" khán giả.

Một đoạn quảng cáo phim "Mùa hè lạnh", Lý Nhã Kỳ nóng bỏng trong cảnh tắm trần. Trước đây bộ phim "Chuông reo là bắn" cũng bị gọi chệch đi "chuông reo là cởi" vì màn cởi đồ khoe thân phi lý của diễn viên.

Không hiếm những đoạn phim quảng cáo làm bỏng mắt khán giả hứa hẹn màn trình diễn đầy hấp dẫn nhưng cảnh ấy có thực sự cần thiết cho phim hay không lại là một vấn đề khác. Thực chất cảnh nóng này chỉ vài phút hoặc vài giây như kiểu "gió đưa thoang thoảng hương nhài".

Vùng cấm địa như bạo lực và sex trong phim là hai vấn đề nhạy cảm nếu tạo hiệu ứng không tốt sẽ như con dao hai lưỡi, hoặc bị cắt bỏ trong khâu kiểm duyệt, hoặc bị khán giả "ném đá" tả tơi. Nếu bị cắt bỏ thì nhà làm sẽ mất một khoản chi phí và thời gian không cần thiết vì đã trót quay rồi nhưng nếu bị “ném đá” thì cũng được coi là thành công vì đối với một bộ phim khen hay chê cũng khiến cho người tò mò chú ý.

Với một số các nhà làm phim bạo dạn hơn, khi thời lượng rất ít xuất hiện cảnh nóng trên phim nên các nhà làm phim cũng tận dụng để cho đã nóng thì thật là nóng. Khi xem đoạn phim quảng cáo của bộ phim "Bước khẽ tới hạnh phúc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, khán giả đã vô cùng bỏng mắt mới màn nude 100% của hai diễn viên chính Ngân Khánh và Ngọc Ngoan, và hồi hộp cảnh giường chiếu liệu có táo bạo quá không?!

Đào Thanh Hưng, một đạo diễn chuyên làm phim cho giới trẻ nhận định: “Tôi nghĩ phim Việt vì kiểm duyệt nên các nhà sản xuất rất e dè trong khai thác đề tài này. Cảnh phim chỉ dừng lại ở sự ôm ấp, hôn nhau, rồi đuổi nhau quanh gốc cây, nằm gối đầu lên đùi nhau, hay cùng lắm là ngã xuống giường rồi máy quay zoom vào đèn là cắt. Hiếm có phim khai thác cảnh giường chiếu vì có quay cũng bị cắt đi. Cảnh nóng loanh quanh cũng chỉ là mấy cảnh như vậy. Chuyện cảm xúc của cảnh nóng sẽ mang đến ấn tượng nhất định cho khán giả. Tìm kiếm vào các chi tiết, cách đặc tả, cách chiếu sáng, động tác máy sẽ làm tăng tính thẩm mỹ cho cảnh nóng”.

Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là: Cảnh đó có cần thiết cho phim hay không? Tâm lý nhân vật có cần phải khai thác cảnh này không?  Hay chỉ để câu khách? Câu trả lời vẫn dành cho nhà sản xuất, đội ngũ chế tác kịch bản và đạo diễn phim.

Mỹ Trân
.
.