Nữ họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc: Nâng niu những ước mơ không lành lặn
- Nữ họa sĩ vẽ chân dung các chính khách bằng ngực
- Nữ họa sĩ cao tuổi nổi tiếng nhất thế giới
- 11 nữ họa sĩ Việt Nam dự triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại Mông Cổ
Cái xưởng nhỏ đơn sơ với những con người chăm chỉ ấy, đã làm ra những con búp bê nhỏ xinh tượng trưng cho 54 dân tộc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam khắp thế giới, nhưng không phải ai cũng biết đến họ.
Trong mấy chục mét vuông đầy vật dụng ấy, họ đã sống và thăng hoa cùng cái đẹp của sự bền bỉ chi tiết trên những con búp bê đủ kích cỡ. Và đứng phía sau họ, có một người phụ nữ, một họa sĩ cũng đã phải nếm trải không ít những đổ vỡ trong cuộc đời, đang chắp cánh những giấc mơ dang dở của đời mình và của cả những mảnh đời không may mắn ấy.
Người phụ nữ của lòng nhân ái
Tôi đến thăm Trung tâm Búp bê Sao Mai, khi nữ họa sĩ Khánh Ngọc vừa nhận được một đơn đặt hàng làm búp bê cho một quỹ văn hóa của Đan Mạch. Những chú búp bê bé xíu, với những họa tiết và màu sắc bắt mắt. Những người thợ thủ công, mỗi người một vẻ, đang miệt mài dán những chi tiết nhỏ nhất trên từng sản phẩm. Đôi tay họ khéo léo, ánh mắt nhìn chăm chú vào sản phẩm như thể đó là một tác phẩm đẹp và kỳ tài nhất. Bà chia sẻ: "Thường thì người nước ngoài người ta rất đúng hẹn chính vì thế, mình phải làm gấp gáp cả ngày đêm để hoàn thành đúng hạn định. Một con búp bê như thế này cũng chỉ lãi ít thôi, nhưng đây là khách nước ngoài nên mình phải giữ uy tín".
Nữ họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Bà đã có một thời gian dài làm việc trong bộ phận thiết kế thời trang của Viện Dệt may Việt Nam.
Thời kỳ gian khó của cuộc sống khiến người phụ nữ ấy có nhiều niềm ấp ủ về thiết kế thời trang cho 54 dân tộc anh em, nhưng vẫn chưa thực hiện được do rất nhiều lý do. Rồi bà lập gia đình, sinh con, gia đình gặp trắc trở nên bà đã xin về hưu sớm do một tai nạn giao thông khiến bà không thể làm việc theo giờ hành chính.
Công nhân đang làm búp bê. |
Ở nhà, sau một thời gian hồi phục sức khỏe, lại có sẵn niềm đam mê, bà bắt đầu ngồi tỉ mẩn cắt may, thiết kế trang phục cho những con búp bê dân tộc xinh xắn. Từ mẫu vẽ, bà hoàn thành sản phẩm và rồi thử làm một số mẫu mang tới các cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch nước ngoài nhờ bán hộ.
Điều không ngờ tới là những mẫu búp bê dân tộc của bà rất được khách du lịch yêu thích mua làm kỷ niệm khi đến Việt Nam. Họ mê say ngắm nhìn những chiếc váy thổ cẩm nhỏ bằng bàn tay xinh xắn khoác lên người những con búp bê cùng những phụ kiện mũ, khăn... với nét đặc sắc riêng của từng dân tộc ít người của Việt Nam.
Từ công việc nhỏ lẻ trong những giờ nhàn rỗi, bà được những người chủ cửa hàng tìm đến đặt hàng nhiều hơn. Họ nói với bà rằng người nước ngoài thực sự thích một món quà không đắt tiền (giá chỉ từ 30 nghìn đồng một sản phẩm) mà lai mang được cả một nền văn hóa Việt đi khắp thế giới.
Khi không thể cáng đáng nổi một mình với những đơn đặt hàng liên tục, năm 2005 doanh nghiệp Búp bê Sao Mai do bà thành lập ra đời và sử dụng toàn bộ lao động là người khuyết tật.
Bà nghĩ đến người khuyết tật bởi vì họ là những người rất có khả năng tập trung cao độ để làm việc, không bị phân tán tư tưởng và đó cũng là những người có hoàn cảnh không may mắn, bà muốn giúp họ hòa nhập cộng đồng, tự cứu mình bằng chính những khả năng của mình chứ không thể trông chờ vào lòng thương cảm. Bằng sự chuyên cần, bằng lòng tin, bằng cả sự miệt mài dạy dỗ từng đường kim mũi chỉ, bà đã làm được việc mà trước đó, nhiều người không thể tin là với đội ngũ lao động ấy sẽ làm ra những con búp bê tinh xảo, khoác trên mình đủ 54 màu sắc của các dân tộc Việt Nam.
Nữ họa sĩ Khánh Ngọc chia sẻ: "Từ rất lâu, tôi luôn trăn trở với nỗi buồn và sự mặc cảm tự ti về thân phận khiếm khuyết của những người khuyết tật, đặc biệt là các bạn trẻ. Các em, các cháu cũng có những khát khao, mơ ước như bạn bè đồng trang lứa, nhưng vì sinh ra không được may mắn nên đã phải chấp nhận cuộc sống thiệt thòi. Tôi nghĩ nếu như tìm được cho họ một công việc nào đó phù hợp thì tốt biết mấy. Như thế, các em, các cháu mới lấy lại được sự lạc quan, niềm tin trong cuộc sống. Khi gần gũi các em, tôi nhận ra dù khuyết tật nhưng các em vẫn khỏe mạnh và có ích. Ví dụ như, các em bị câm điếc bẩm sinh nhưng tay chân vẫn nhanh nhẹn. Hay các em bị liệt ở chân, phải ngồi một chỗ nhưng đôi tay lại vô cùng khéo léo. Để làm ra một con búp bê cần rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, nếu mình giao việc cho các em làm một công đoạn phù hợp thì sẽ rất ổn. Vậy là tôi quyết định nhận các em về làm".
Tuy nhiên, nói thì nói vậy, nhưng cũng đầy những khó khăn. Thời gian đầu bà nhận về 20 người đều là những phụ nữ khuyết tật. Dù bà hoàn toàn hiểu rằng, để hướng dẫn những người lành lặn làm thủ công mỹ nghệ đã khó, thì việc hướng dẫn những người khuyết tật còn khó khăn gấp bội. Bà chia từng công đoạn để phù hợp với từng người.
Ví dụ những em bị câm điếc nhưng chân tay bình thường thì may rất tốt nên bà đã dạy cho các em may trang phục búp bê. Những em bị liệt ngồi một chỗ thì có thể tạo cột búp bê, có những em chỉ chuyên vẽ mặt búp bê...
Công việc ban đầu có vẻ suôn sẻ nhưng những khó khăn dần dần xuất hiện. Nhiều người khuyết tật sau một thời gian làm việc đã nản chí vì thấy công việc quá khó, quá nhiều sự tỉ mẩn, tập trung để tạo ra một sản phẩm.
Bằng chính trải nghiệm, bằng chính ý chí và niềm đam mê của mình, bà đã động viên khích lệ để các em nhận thấy rằng, không ai cứu mình bằng chính bản thân mình. Bản thân mình dù khuyết tật song có thể làm việc, lao động để kiếm tiền nuôi sống bản thân như bao người khác. Sự tận tình của bà đã giúp các em tự tin làm việc, tạo nên những sản phẩm đẹp được khách hàng yêu thích.
Công việc bắt đầu suôn sẻ khi đến năm 2006, hãng búp bê truyền thống của Đan Mạch đã bắt đầu biết đến búp bê thủ công Sao Mai và tìm đến hợp tác đặt hàng gia công 13 vạn con búp bê Đan Mạch với tổng trị giá lên tới 6 tỷ đồng. Bà sung sướng tột cùng.
Sung sướng thứ nhất là có thu nhập để trang trải cho các em, các cháu. Thứ nữa hạnh phúc hơn, là thành quả của bà được ghi nhận, bao nhiêu nỗ lực cố gắng vun đắp của bà đã đến ngày gặt hái. Nhờ đó, sản phẩm và cơ sở sản xuất búp bê của người khuyết tật được nhiều người biết đến, đặc biệt là bạn bè quốc tế. Số lượng búp bê dân tộc của bà được xuất khẩu ra nhiều nước như Mỹ, Pháp, Phần Lan, Đan Mạch...
Bà được mời tham dự các triển lãm ở nước ngoài nhiều hơn và có thêm cơ hội quảng bá về sản phẩm của mình. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm búp bê dân tộc của bà đã được kênh CNN của Mỹ tìm đến ghi hình, phát sóng. Nhờ đó mà các đơn hàng từ nước ngoài đặt hàng càng nhiều lên. Bà song hành với những mẫu mã cũ thì sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới, mẫu mã mới.
Những cô gái, chàng trai người Tày, Nùng, Dao, Thái, H'mông, Ê Đê, Gia Rai... được bà khoác lên mình những bộ trang phục thuộc về họ, trở nên long lanh, quyến rũ như thể họ đang tề tựu về trong ngôi nhà của bà và những người bạn, những người mang trong mình nhiều số phận khác nhau, nhiều nỗi buồn khác nhau, nhưng đã đến nơi đây, chia sẻ cùng nhau những điều ngọt ngào, chia nhau từng giọt hạnh phúc...
Người bà, người mẹ thứ hai...
Năm nay, nữ họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc đã 71 tuổi, dường như cuộc sống và những năm tháng gian khổ của thời gian đã qua không khiến cho gương mặt bà thiếu đi những nụ cười hạnh phúc khi kể về những nhân công mà bà xem như là người thân của mình. Với mục tiêu ban đầu là giúp đỡ, dạy nghề cho những người khuyết tật, giúp họ có thể lao động để kiếm sống và tự lập.
Nhưng hơn 10 năm qua, với những người khuyết tật đã và đang làm việc tại cơ sở sản xuất Búp bê Sao Mai, họa sĩ Khánh Ngọc không chỉ là một bà chủ doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho họ, mà còn giống như người mẹ thứ hai.
Gia đình họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc. |
Đón các em về làm trong cơ sở của mình, bà thuê nhà lo cho các em khoản ăn ở. Không những tận tình chỉ bảo và rèn luyện kỹ lưỡng về tay nghề cho các em trong công việc làm búp bê, bà còn gần gũi chăm sóc, tháo gỡ những khó khăn của các em hằng ngày giống như một người mẹ. Dù bị khuyết tật nhưng các em cũng có tuổi trẻ, có ước mơ, khát khao về tình cảm nam nữ. Gia đình của các em ở xa, không thể kiểm soát và hiểu hết nỗi niềm của con cái hàng ngày nên hầu như cậy nhờ bà là chính.
Thủy quê ở Thái Bình, một người được coi là chị cả trong nhóm, vốn có cuộc sống vô cùng túng quẫn. Được bà cưu mang, rồi cũng lấy chồng có con và sống khá yên ổn với cuộc sống hiện tại của mình. Có những cặp đôi khuyết tật nên duyên với nhau, bà lại thêm một nỗi trăn trở.
Huyền là một cô gái bị câm điếc ở Hòa Bình được bà đưa về làm ở cơ sở của mình. Huyền vẽ rất đẹp nên đảm nhận khâu vẽ búp bê. Làm với bà một thời gian, Huyền kết hôn với một người cùng hoàn cảnh. Ngày Huyền mang thai, bà vui mừng như mình là bà ngoại của đứa trẻ sắp chào đời.
Trong lần đi dự triển lãm búp bê do tổ chức xã hội nước ngoài mời tham dự ở Mỹ, một vị khách nước ngoài xem mẫu búp bê do Huyền vẽ đã nói muốn gặp người vẽ nên sản phẩm này, vì thấy búp bê được vẽ quá biểu cảm, có hồn. Khi biết Huyền đang ở Việt Nam, vị khách đó có nhã ý tặng cho cô một món quà thông qua bà. Bà nghĩ đến đứa con Huyền sắp ra đời và muốn mua một chiếc xe nôi mang về cho cháu. Sau này con của Huyền sinh ra bị tim bẩm sinh.
Cứ mỗi lần Huyền đưa con vào viện khám, bà giống như người thân theo hai mẹ con cô tới viện lo các thủ tục. Khi bác sĩ bảo đứa bé cần phải phẫu thuật mới giữ được tính mạng, bà lo thắt ruột vì kinh tế gia đình Huyền khó khăn. Bà lần mò tìm hiểu thông tin các tổ chức mổ tin miễn phí, thật may mắn năm đó có đoàn bác sĩ mổ tin miễn phí của nước ngoài đến Việt Nam, bà đã kết nối và đứa trẻ được phẫu thuật, sống khỏe mạnh.
Hiến, quê ở Hà Tĩnh cũng bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh. Trong gia đình, Hiến là nỗi lo và gánh nặng trong cuộc sống của người thân. Khi đến với cơ sở Búp bê Sao Mai, Hiến đã thoát khỏi mặc cảm là người khuyết tật vô dụng. Em chăm chỉ, làm ra sản phẩm rất đẹp. Bà Ngọc không ngờ cái tết đầu tiên sau một năm Hiến đi làm lại có ý nghĩa với bà lẫn gia đình Hiến như thế.
Họa sĩ Khánh Ngọc kể: "Ngày mồng 1 tết, tôi nhận được một cú điện thoại chúc tết của người đàn ông xưng là bố của Hiến. Ông chúc tết rồi nghẹn ngào cảm ơn tôi vì đã mang lại cho gia đình ông một niềm hi vọng về tương lai của đứa con gái tật nguyền.
Ông kể từ lâu gia đình chưa bao giờ nghĩ Hiến sẽ tự làm việc để nuôi sống bản thân, huống hồ là mang tiền về biếu tết bố mẹ, mừng tuổi người thân. Nhưng năm nay, Hiến mang về một giỏ quà tết cùng phong bì tiền lương biếu bố mẹ. Gia đình đã rất xúc động mang giỏ quà tết cùng số tiền đó đặt lên bàn thờ gia tiên, báo cáo với họ về lòng hiếu thảo của con gái. Từ bấy giờ, họ thật sự an lòng vì Hiến có thể tự lao động để nuôi sống bản thân thay vì sống phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình như trước đây...".
Cho đến thời điểm hiện tại, có khoảng 150 công nhân khuyết tật được đào tạo và có thể làm thành thạo nhiều công đoạn khác nhau của sản phẩm búp bê. Hiện nay ngoài cơ sở 1 ở Hà Nội, bà còn mở thêm cơ sở 2 ở Thái Bình. Ngoài sản phẩm búp bê dân tộc (54 dân tộc), bà Ngọc còn sáng tạo thêm các búp bê hát ả đào, búp bê mặc trang phục cưới... Song hành với niềm đam mê thiết kế của mình, bà đã truyền cảm hứng cho những người khuyết tật mà trước đó, tưởng chừng không thể nuôi sống được bản thân mình, nói gì đến giúp đỡ gia đình.
Hiện tại một thợ cả tại Trung tâm Búp bê Sao Mai làm việc có thu nhập tầm 7 triệu đồng. Những em mới học việc thì tùy vào sản phẩm lương dao động từ 1,5-3 triệu đồng một tháng. Việc làm này không chỉ tạo thu nhập mà còn đem lại giá trị tinh thần rất lớn cho những người khuyết tật và người thân của họ.
Là người từng trải qua mất mát của cuộc sống, ở tuổi thất thập cổ lai hy, họa sĩ Nguyễn Khánh Ngọc tiếp tục đồng hành cùng các mảnh đời kém may mắn, giúp họ thắp sáng lại những mơ trong cuộc sống, nuôi lại những hy vọng tưởng chừng đã bị quên lãng sau những tháng ngày gian nan.
Ngắm nhìn họ vừa làm việc, vừa cười đùa và làm ra những sản phẩm búp bê nhỏ nhắn, xinh xắn đi khắp thế giới mà cảm thấy ấm áp vô ngần bởi không có điều gì là không thể, chỉ cần chúng ta tin rằng, cuộc sống luôn có phép nhiệm màu cho những người biết tin yêu cuộc sống...