Nụ hôn khả ố

Chủ Nhật, 18/11/2012, 21:25

Tôi vừa viết xong bài, Những nụ hôn đồng bóng thì trong làng giải trí Việt lại xuất hiện một nụ hôn trên cả đồng bóng.
Nụ hôn giữa nam ca sĩ nổi tiếng Đàm Vĩnh Hưng và một tỳ kheo đang tu học tại một Thiền viện ở tỉnh Đồng Nai. Nụ hôn đúng nghĩa là nụ hôn. Sau khi hôn môi tỳ kheo này, Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục hôn tay một nhà sư khác. Nhà sư đang trụ trì một ngôi chùa ở tỉnh Đồng Tháp.

Chắc không cần nói ra, hẳn bạn đọc đã hình dung được chuyện khi những hình ảnh đó được công bố, dư luận đã sôi sục như thế nào. Thị phi đã vận vào những cá nhân mà trong tâm thức của nhiều người, đã hiểu chuyện sắc sắc không không. Điều đó, có đáng không?

1. Trong đêm nhạc gây quỹ chữa bệnh cho ca sĩ trẻ Wanbi Tuấn Anh, được tổ chức tại một phòng trà vào cuối tuần trước. Một đêm nhạc ý nghĩa quy tụ được sự tham gia của rất nhiều ca sĩ nổi tiếng. Ở đêm nhạc này, sau phần trình diễn của mình, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có đấu giá chai rượu của mình với giá khởi điểm là 20 triệu đồng nhằm có thêm điều kiện để giúp đỡ Wanbi Tuấn Anh. Rất bất ngờ, chai rượu được tỳ kheo và nhà sư mua lại với giá 55 triệu đồng.

Giữ đúng lời hứa của mình, Đàm Vĩnh Hưng đã hôn môi tỳ kheo và hôn tay sư thầy. Đương nhiên, những phóng viên tham dự chương trình ấy không thể bỏ lỡ một khoảnh khắc, mà chắc là không thể tái hiện thêm lần nữa như vậy.

Khi những bức ảnh này được các trang báo mạng chuyển tải, ngay lập tức, một cơn sóng phẫn nộ lan tràn. Phải rất lâu rồi, tôi mới quan sát thấy làng giải trí chịu đựng cơn sóng thị phi lớn đến mức ấy. Tuyệt đối, không hề có một lời "nói lại" cho hành động của Đàm Vĩnh Hưng, lẫn tỳ kheo và nhà sư. Chỉ có những lời dè bỉu. Có những dè bỉu mang tính chất miệt thị. Ngay cả tôi, cũng không giữ được bình tĩnh khi bạn bè gửi cho xem những hình ảnh đấy.

Tỳ kheo và nhà sư đi mua rượu, có lẽ là việc không hay. Nhưng, nói như nhà Phật thì có nhiều phương tiện để phát sinh từ tâm. Thông qua việc mua rượu, tỳ kheo và nhà sư muốn chuyển sự từ tâm của mình dành cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh, một chúng sinh đang rất cần tiền để làm phẫu thuật nhằm hy vọng cứu vãn được con mắt còn lại.

Tuy vậy, có điều gì đó vẫn làm tôi lấn cấn. Không ai cấm tỳ kheo hay nhà sư tham gia một chương trình âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc từ thiện. Chắc là vậy, bởi tôi không am tường về những giới luật của nhà Phật. Cũng không có ai cấm tỳ kheo và nhà sư mua rượu để làm từ thiện. Nhưng trong tâm thức của đám đông, rõ ràng họ không chấp nhận điều đó.

Tiền mua rượu trong buổi đấu giá đó của tỳ kheo và nhà sư từ đâu ra? Có thể là tiền riêng, cũng có thể là tiền cúng dường của chúng sinh. Dẫu cho khởi sự của tiền là từ đâu, ít nhiều đều để lại sự phản cảm. Mà tỳ kheo và nhà sư mua rượu để làm gì? Chắc chắn không phải mua để uống, ai lại tu hành mà đi uống rượu. Chắc chắn mua không phải để trưng bày, có thiền viện hay ngôi chùa nào lại trưng bày rượu. Tóm lại, mua chẳng để làm gì cả. Vậy đó, vẫn cứ mua. Có cách hiểu nào khác ngoài chuyện tỳ kheo và nhà sư tự mua dây để buộc mình.

Chai rượu mà tỳ kheo và sư thầy đã mua lại của Đàm Vĩnh Hưng.

2. Với sự phát triển của Internet, sự lan truyền của mạng xã hội Facebook, độ tương tác và chuyển tải thông tin của các trang báo mạng như hiện nay, thì không quá khó để truy tìm gốc tích của tỳ kheo và nhà sư. Hai nhân vật chính trong vụ việc "nụ hôn thị phi".

Hình phạt đã được đưa ra từ các chư tăng dành cho tỳ kheo và nhà sư ấy. Hình phạt là "biệt chúng" 3 tháng, nghĩa là cấm túc trong 3 tháng liền, tỳ kheo và nhà sư không được ra khỏi phòng để tiếp xúc với người bên ngoài. Có thể hiểu, đây là khoảng thời gian để tỳ kheo và nhà sư học cách tự răn mình từ những thị phi do chính mình tạo ra.

Điều đáng buồn hơn, từ thị phi của tỳ kheo và nhà sư, thiền viện nơi tỳ kheo đang tu học và ngôi chùa nơi nhà sư đang trụ trì cũng bị cuốn vào cái vòng luẩn quẩn đó.

Vụng đường tu chăng (?!). Cũng có thể tỳ kheo và nhà sư vụng đường tu. Dẫu vậy, quan trọng hơn chính là sự hồn nhiên thái quá đã để lại nhiều hệ lụy không tốt trong cái nhìn của đám đông.

Có những cuộc vui, mà theo quan điểm của tôi, không phải ai cũng có thể tham dự được. Chọn con đường tu hành hay không tu hành, đó không phải là điều cốt yếu. Cốt yếu nhất là phải có câu trả lời cho câu hỏi, ta là ai, ta đang làm gì. Nếu tỳ kheo và nhà sư có được câu trả lời ấy, họ đã không xuất hiện trong đêm nhạc ủng hộ ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Nếu không xuất hiện trong đêm nhạc ấy, thị phi đã không hiện hữu.

Khói là từ tỳ kheo và nhà sư. Còn lửa là từ Đàm Vĩnh Hưng. Không có lửa thì không có khói.

Đàm Vĩnh Hưng là ca sĩ đầy danh vọng. Anh rất thông minh, khôn khéo. Cá tính nghệ sĩ thể hiện từ Đàm Vĩnh Hưng không phải bàn cãi. Hoạt động lâu năm trong làng giải trí, Đàm Vĩnh Hưng thừa sức hiểu được rằng, cái gì tạo ra một scandal, hành động nào đưa đến một vụ lùm xùm chủ ý hoặc vô ý.

Thật lòng, tôi không thể hiểu được tại sao Đàm Vĩnh Hưng không từ chối nụ hôn với tỳ kheo và nhà sư. Cho là phải giữ lời hứa ư? Giữ lời hứa là một điều cực kỳ quan trọng. Nhưng đôi khi, thất hứa sẽ có lợi hơn cho cả người đưa ra lời hứa lẫn người được nhận lời hứa. Đặc biệt, là trong trường hợp này.

Đàm Vĩnh Hưng luôn ý thức tên tuổi của mình. Những lần nghe Đàm Vĩnh Hưng tranh cãi với ca sĩ này, nghệ sĩ kia… cho phép đưa ra nhận định đó. Vậy thì, Đàm Vĩnh Hưng nghĩ gì khi lấy tên tuổi của mình để vận cái không hay vào hai cá nhân không tên tuổi nhưng rất được trọng nể trong cộng đồng?

Buồn không? Buồn chứ, không chỉ là buồn mà là rất buồn. Nhiều năm liền chuyên mảng bình luận văn hóa, chưa bao giờ tôi có nhiều ngổn ngang khi đưa ra bình luận về vụ việc như thế này - một vụ việc nằm  ngoài sức tưởng tượng. Tại sao những người trong chốn an nhiên lại có thể chủ động để bị cuốn vào cái trò lố lăng của những người khác!

Tôi không có câu trả lời, tôi cũng không muốn đi tìm câu trả lời. Tôi chỉ nghĩ, tỳ kheo và nhà sư không thể hình dung được sự phản ứng của dư luận trong phút buông thả hồn nhiên ấy. Đây không phải là bài học hay kinh nghiệm để tự răn mình. Thôi thì cứ nghĩ, đây là một lần thử thách đầy huyền ảo để thức ngộ những người đã chọn cho mình đời sống thoát tục.

Hình ảnh không hay tại đêm nhạc gây quỹ giúp ca sĩ Wanbi Tuấn Anh.

3. Bản chất của nụ hôn luôn đáng quý. Đó là sự biểu lộ tình cảm của cá nhân dành cho người khác. Nụ hôn có giá trị tinh thần hơn nghìn vạn lời nói, câu chữ. Hành động luôn có giá hơn lời nói là vậy.

Tuy nhiên, cá nhân trước khi quyết định hôn ai đó cũng cần có sự tiết chế. Đời sống, phải biết tiết chế. Còn cái thể loại hôn nhau để được lên báo hoặc để được nhắc đến, tôi không lạm bàn lại thêm lần nữa. Đàm Vĩnh Hưng hôn tỳ kheo và nhà sư, chắc chắn không phải là cái hôn kịch bản. Cũng không phải là cái hôn đậm màu dục tính. Cái hôn ấy được dẫn dắt bởi cảm xúc nhất thời, một cái hôn nhẹ nhàng. Nhưng dẫu có sao đi chăng nữa, cái hôn ấy cũng không được chấp nhận.

Có lẽ, ngay thời điểm này, Đàm Vĩnh Hưng lẫn tỳ kheo và nhà sư đang rất hối hận. Tuy vậy, không một ai trong chúng ta đủ quyền năng để tư duy lại quá khứ nhằm sửa chữa một hành động.

Tỳ kheo viết trong bản sám hối rằng: "Tất cả sự việc về hình ảnh và phát ngôn không đúng với tư cách của vị tu sĩ, con xin nhận hoàn toàn trách nhiệm và khuyết điểm về hành động trên. Chúng con thật sự đã biết lỗi vì một chút tâm từ thiện đã ảnh hưởng xấu đến Giáo hội Tăng già và quý phật tử".

Theo thông tin từ báo chí, thì Thượng tọa trụ trì Thiền viện nơi tỳ kheo đang tu học cho biết: "Trong giới luật nhà Phật nếu người tăng mà hôn người nữ sẽ bị tội tăng tàn, hình phạt là cấm túc biệt chúng. Còn việc người nam hôn nam thì đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể nên cần phải cân nhắc thêm. Ngoài ra, sư thầy bị Đàm Vĩnh Hưng hôn là bị động chứ không phải cố ý. Tuy nhiên, hình ảnh trên đưa ra công chúng đã gây ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng ni phật tử trong nước. Do đó, thiền viện quyết định hình phạt là biệt chúng".

Ngoài ra, tỳ kheo và nhà sư cũng cho biết, tỳ kheo và nhà sư quen biết nhau là bởi cùng có mối quan hệ với một nghệ sĩ khác. Tỳ kheo và nhà sư được mời đến chương trình từ thiện dành cho ca sĩ Wanbi Tuấn Anh với sự thiện tâm. Cả hai cũng đã mang theo một vật bằng ngọc như ý, với ý định tốt đẹp là sẽ quyên góp nhằm đấu giá để giúp Wanbi Tuấn Anh. Số tiền mà tỳ kheo và nhà sư bỏ ra để mua rượu là tiền của một Mạnh Thường Quân, người này nhờ tỳ kheo và nhà sư thực hiện giúp công đoạn lên nhận rượu.

Nghe râm ran trong làng giải trí có tin, Đàm Vĩnh Hưng đã từ chối hôn tỳ kheo lẫn nhà sư. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng buộc phải hôn theo yêu cầu của "chính chủ" để giữ lời hứa trước khi mang chai rượu ra bán đấu giá. Cá nhân được hôn, lại phản bác bảo Đàm Vĩnh Hưng chủ động trong nụ hôn đó.

Thật ra, nói qua nói lại là không cần thiết trong trường hợp này. Bởi bản chất chính là hành động chạm môi, chạm tay… là điều không thể bàn cãi. Hình ảnh rất khó để bị phản bác hoặc lấp liếm.

Trong giới luật của nhà Phật, phá kiến là một trọng tội. Đau lòng thay, tỳ kheo và nhà sư đã vô tình phạm phải điều luật đó. Từ một cá nhân, đám đông dễ đánh đồng với cả những bậc chân tu. Sự nghi ngờ được nảy sinh từ hành động cá nhân.

Không thể trách đám đông, nhưng tôi nghĩ rằng, vơ đũa cả nắm là điều không hay. Thực tế đã chứng minh, không phải bất cứ ai khoác áo cà sa đều thành Phật.

Có điều, thà nhầm lẫn khi tin vào mọi sự tốt đẹp còn hơn là hoài nghi tất cả. Sự hoài nghi chỉ mang lại nỗi đau đớn về mặt tâm linh. Điều này, hoàn toàn không đáng để xảy ra (?!).

Nếu tôi nhận định không nhầm, có thể Đàm Vĩnh Hưng sắp bắt đầu lên tiếng về nụ hôn thị phi này, theo đúng như cá tính của Đàm Vĩnh Hưng. Quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, Đàm Vĩnh Hưng nên im lặng. Không nên nói bất cứ điều gì vào thời điểm này. Không nên  khơi gợi lại thêm lần nữa, Đàm Vĩnh Hưng ạ. Có những thứ nên để trôi qua và quên lãng.

Cá nhân mình không giữ được thị phi cho chính mình. Rất không nên để thị phi lây lan sang cá nhân khác. Dẫu cho, cá nhân đó có chủ động hay không. Nụ hôn, cũng không nên ban phát lung tung rồi quy chuẩn tất cả là tại cá tính nghệ sĩ.

Một chương trình âm nhạc gây quỹ giúp đỡ ca sĩ Wanbi Tuấn Anh. Một chương trình đầy ý nghĩa thể hiện tình cảm tương thân tương ái trong giới nghệ sĩ, chỉ vì phút bất cẩn đầy bản năng mà phai nhạt ít nhiều cảm xúc. Người ta đã không nhắc nhiều đến những gì thu được từ đêm nhạc ấy, người ta chỉ bàn tán về khoảnh khắc giữa Đàm Vĩnh Hưng, sư thầy và tỳ kheo.

Rất đáng tiếc! Tiếc hơn cả, là thị phi đã có một cơ hội để nghiễm nhiên góp mặt trong một thế giới mà rất lâu nay, hoàn toàn không có chỗ cho sự ầm ĩ

Ngô Nguyệt Hữu
.
.