Nữ nghệ sĩ “truyền lửa” cho cây đàn tranh

Thứ Ba, 23/06/2020, 21:35
Đó là mong ước, khát vọng của nghệ sĩ đàn tranh Ngọc Huyền (giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) khi thành lập Câu lạc bộ (CLB) Sông Tranh.

Đây là “địa chỉ đỏ” để bảo tồn, phát triển, lan tỏa bộ môn nghệ thuật truyền thống này đến với công chúng. Cũng từ đây nhiều học viên đã được phát hiện, bồi dưỡng và đang trở thành thế hệ “mầm non đàn tranh” nhiều triển vọng.

Đến với đàn tranh

Sinh ra tại quận Lê Chân (TP. Hải Phòng), trời phú cho Ngọc Huyền đôi tay mềm mại, đôi tai có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt để rồi chị lọt vào “mắt xanh” của đoàn tuyển sinh Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng năm 1982. Phát huy được năng lực, sở trường của mình với cây đàn tranh, 4 năm sau, chị trúng tuyển vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Được học tập tại “cái nôi” của âm nhạc nước nhà, với sự chỉ bảo của các nghệ sĩ đàn tranh hàng đầu lúc bấy giờ như NSND Phương Bảo, NGƯT Bích Vượng càng khiến cô bé đất Cảng tự tin gắn cuộc đời mình với cây đàn truyền thống của dân tộc.

Năm 1993, chị tốt nghiệp thủ khoa Khoa Âm nhạc truyền thống với bản concerto “Quê tôi giải phóng” của giáo sư Quang Hải dưới sự hướng dẫn của NGƯT Bích Vượng. Đây là bản concerto được đánh giá là rất khó, phải là người có kỹ thuật điêu luyện mới có thể biểu diễn thành công.

Nghệ sĩ Ngọc Huyền và câu lạc bộ Sông Tranh biểu diễn trong dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Canada. 

Nhắc về quãng đời sinh viên đầy nhiệt huyết và đam mê, nghệ sĩ Ngọc Huyền bâng khuâng nhớ về những người giảng viên mình mang ơn. Ngoài 2 cô giáo trực tiếp giảng dạy, chị đã được cố Nhà giáo nhân dân Xuân Khải - nguyên Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống, một người thầy lớn của ngành âm nhạc dân tộc nước nhà, dìu dắt, động viên. Chính thầy là người đầu tiên chị gặp khi “chân ướt chân ráo” vào trường và cũng là người có ảnh hưởng lớn khi giữ chị ở lại trường.

Lúc mới vào trường, thầy vừa đánh đàn, vừa giảng giải những tác phẩm mà thầy viết cho đàn tranh. Sau này khi chị có chuyên môn hơn, trong những lúc đang “thai nghén” tác phẩm nào đó, thầy thường nhờ chị đánh hộ bản nhạc và hai thầy trò cùng bàn luận, chỉnh sửa từng nốt nhạc.

Cũng chính vì có thời gian được gần gũi với Nhà giáo nhân dân Xuân Khải nên chị đã thấu hiểu kỹ lưỡng ý tứ mà thầy chuyển tải trong tác phẩm “Xuân quê hương”. Vì thế mà trong lần biểu diễn cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Thủ tướng Canada Justin Trudeau vào cuối năm 2017, chị đã quyết định chọn bản nhạc này.

Được biểu diễn cho nguyên thủ quốc gia, đó là một vinh dự rất lớn nhưng cũng là một thử thách không hề nhỏ. Trước đó, vào năm 1995, khi mới 25 tuổi, chị cũng đã vinh dự được biểu diễn ở một sự kiện quan trọng tại Mỹ. Đó là 2 cuộc biểu diễn mà chị luôn coi là một may mắn lớn mà đàn tranh đã đem lại cho mình.

Bền bỉ truyền lửa

Tên tuổi của Ngọc Huyền được khẳng định chủ yếu trong lĩnh vực đào tạo ở cả trong và ngoài học viện. Có khá nhiều học trò của chị hiện đang phát huy được năng lực ở các đoàn nghệ thuật và những trường đại học có chuyên ngành đàn tranh.

Tiêu biểu, như em Vũ Tô Sa Anh (giảng viên đàn tranh tại Đại học Hạ Long), từng là một trong 10 “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2009”, rồi em Hồng Nhung (diễn viên Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh) giành Giải Nhì cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc, hay em Nguyễn Thanh Huyền (diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương) Giải Nhất cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc...

Thế nhưng, đó là những học viên chuyên nghiệp, còn những học viên không chuyên chị biết họ cũng rất đam mê đàn tranh mà không có cơ hội được vào trường học. Vì thế, ngày 10/10/2017, chị quyết định thành lập CLB đàn tranh Sông Tranh với mong muốn hình ảnh dòng sông mềm mại, thơ mộng với những thiếu nữ chơi đàn rất đỗi dịu dàng, thướt tha làm nên dòng sông Tranh chảy ngàn đời.

Ở đó, những con người đam mê ngày đêm miệt mài cùng nhau bảo tồn và quảng bá cây đàn để tiếng đàn tranh ngày càng được vang xa, ngân xa, để sông tranh nơi bao thế hệ nghệ sĩ chơi đàn được chảy mãi như suối nguồn của sự sống, của hy vọng, của tình yêu. Và cũng như bao dòng sông khác, từ bao đời nay dòng sông Tranh vẫn cuồn cuộn chảy mãi không ngừng, từ thượng nguồn cho tới hạ lưu, hòa quyện vào đại dương mênh mông, một đại dương nghìn trùng sóng nhạc.

Hiện nay, CLB có khoảng 50-60 học viên, phần lớn dành cho học sinh không chuyên, từ các em học sinh 6-7 tuổi đến những người 60-70 tuổi. Tuy vậy, chị cho biết, nhiều học viên không chuyên chơi không thua kém gì các học viên chuyên nghiệp. Đặc biệt, trong cuộc thi Đàn tranh online (do nhóm Đàn tranh Việt Nam - Đàn tranh online tổ chức) lần 2 (tháng 8/2019), CLB đã giành đến 9 giải chính, trong đó có Giải Đặc biệt, Giải Nhất cùng 3 giải phụ.

Là người tham gia CLB từ tháng 1/2019, em Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 2019) đã giành Giải Đặc biệt tại cuộc thi này và được đánh giá là một trong những học viên không chuyên đầy triển vọng. Mẹ của em Nguyễn Minh Ngọc cho biết, bé được cô giáo Ngọc Huyền trực tiếp dạy đàn tranh với các phương pháp giảng dạy bài bản, chuẩn mực và tâm huyết.

Là những học viên chuyên nghiệp đang theo học tại CLB, em Anh Thúy và Diệu My (hiện đều là sinh viên đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) đều có chung đánh giá rằng đây là sân chơi bổ ích dành cho những người yêu mến cây đàn tranh, là nơi để các học viên có thể tham gia học hỏi từ cô giáo và các bạn.

Em Diệu My đã vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn trong Hội nghị Tuyên dương học sinh sinh viên tiêu biểu và học sinh sinh viên xuất sắc các dân tộc thiểu số toàn quốc tại Nghệ An năm 2009. Còn em Anh Thúy nhờ sự giúp đỡ dàn dựng của nghệ sĩ Ngọc Huyền và các bạn trong CLB đã giành Giải Ba cuộc thi “Ngôi sao dân ca” và Giải Nhất TP. Hà Nội trong cuộc thi “Giai điệu tuổi hồng” năm 2018.

Vừa qua, CLB cũng đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, như tham gia các sự kiện: Đại lễ tưởng niệm và Hội thảo Khoa học kỷ niệm 906 năm ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị tổ sư ni tiền bối hữu công tại Học viện Phật giáo Việt Nam; Đại lễ tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Nam Định và cùng với đó là đưa âm nhạc truyền thống đến với các em học sinh trường quốc tế BVIS trong dịp lễ hội xuân 2020.

Đặc biệt, CLB đã tổ chức thường niên được 2 mùa “Tâm tình Sông Tranh” vào đúng ngày sinh nhật của CLB tại phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây là chương trình thu hút được sự tham gia của nhiều học viên trong CLB, được thầy cô, bạn bè và giới chuyên môn đánh giá cao.

Nói về hoạt động của CLB, giảng viên đàn tranh Hồng Hạnh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết, CLB mới thành lập nhưng đã có rất đông thành viên tham gia tập luyện, biểu diễn, có sức lan tỏa rộng rãi tới mọi người mọi lứa tuổi. CLB Sông Tranh là nơi góp phần truyền bá âm nhạc truyền thống nói chung và đàn tranh nói riêng để mọi người thêm hiểu, thêm yêu nhạc cụ và âm nhạc truyền thống.

Còn TS. NSƯT Cồ Huy Hùng, Trưởng Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì cho rằng, những nỗ lực, cố gắng của nghệ sĩ Ngọc Huyền cũng như CLB Sông Tranh là rất đáng ghi nhận. Âm nhạc dân tộc nói riêng cũng như âm nhạc nói chung luôn cần những thầy cô tâm huyết, say nghề, yêu trò như nghệ sĩ Ngọc Huyền.

Có thể nói, với sự phát triển của nhiều dòng nhạc mới, dòng nhạc nước ngoài du nhập vào nước ta thì việc có những CLB đàn dân tộc như Sông Tranh là điều rất đáng trân trọng. Thiết nghĩ, rất cần nhân rộng, lan tỏa những mô hình như vậy trong xã hội hiện nay để tiếng đàn dân tộc sống mãi trong muôn đời sau.

Ngô Khiêm
.
.