Nước Anh lẻ loi

Thứ Sáu, 16/12/2011, 15:05

Kết thúc hội nghị giải cứu đồng euro hôm 9/12, chỉ có 23 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đồng ý thực thi nghiêm túc quy định của Hiệp ước EU cũ (khống chế thâm hụt ngân sách 3% GDP) nhằm kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Anh dẫn đầu 4 nước còn lại trong khối không tham gia thỏa thuận này, khiến cho nước Anh bị các đồng minh châu Âu dè bỉu vì không chịu tham gia thỏa thuận giải cứu đồng euro.

Cuộc họp kín kéo dài suốt 10 tiếng đồng hồ từ đêm 8/12 sang ngày 9/12 đã không giúp các lãnh đạo châu Âu thuyết phục được Thủ tướng Anh David Cameron chịu tham gia thỏa thuận. Rốt cuộc chỉ có 23 quốc gia gồm 17 nước khu vực đồng euro và 6 nước EU ngoài khu vực là Đan Mạch, Ba Lan, Latvia, Lithuania, Romania và Bulgaria tham gia thỏa thuận. 4 quốc gia còn lại, trong đó Anh từ chối thẳng, 3 nước Hungary, Thụy Điển, Cộng hòa Séc thì để ngỏ khả năng sẽ tham gia.

Việc chỉ có nước Anh trực tiếp khẳng định không tham gia thỏa thuận giải cứu đồng euro đang khiến cho châu Âu rơi vào tình trạng chia rẽ: một bên là 26 nước EU với mong muốn sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ đang tạo ra bầu không khí ngột ngạt khắp châu lục; với bên còn lại chỉ duy nhất nước Anh. Có người mỉa mai, bây giờ phải gọi là EU-1 chứ không phải là EU như mọi khi nữa.

Có thể thấy dư luận châu Âu thất vọng như thế nào với quyết định của Thủ tướng Anh Cameron. Hầu như giới bình luận và báo chí đều phê phán ông Cameron và nước Anh, cho rằng đó là một "quyết định tồi", là một "canh bạc tệ hại", thậm chí gọi nước Anh là kẻ thua cuộc lớn nhất tại Brussels, còn Thủ tướng Cameron là "người đơn độc" ở châu Âu. EU vốn đã không thật sự thống nhất, lại không hoàn toàn nhất trí trong các thỏa thuận giải quyết khủng hoảng, với việc nước Anh tiếp tục đứng ngoài càng trở nên yếu thế hơn.

Ngoài ra, sự phủ quyết của Thủ tướng Anh Cameron còn gây trở ngại về mặt pháp lý cho những chính sách mới, những điều chỉnh về thể chế đối với một số cơ quan, hay những hoạt động chung của khối trên nhiều lĩnh vực khác nhau,… Viễn cảnh đó đang buộc 26 nước còn lại trong EU nghĩ đến việc phải cùng nhau xây dựng một hiệp ước chung khác nhằm cụ thể hóa những thỏa thuận mới đạt được, đồng thời để tránh việc phải thông qua lá phiếu của nước Anh. Một số nhà phân tích cho rằng, cứ theo cách này mà làm thì EU sớm muộn gì cũng phải tách ra, tổ chức lại, hoặc là theo thể chế "EU+Anh" hoặc loại Anh hoàn toàn khỏi khối để thành lập một EU mới không có nước Anh.

Thủ tướng Anh David Cameron đơn độc giữa Hội nghị EU.

Giới bình luận chung ở châu Âu đều cho rằng với quyết định tại Brussels, chắc chắn ông Cameron sẽ phải đối mặt với những khó khăn phát sinh trong nước. Thực tế ông Cameron đã phải đối diện với hàng loạt chỉ trích và phản đối trong nước. Các đảng đối lập và tổ chức ủng hộ phe đối lập đã đưa ra nhiều nhận định tiêu cực về quyết định của Thủ tướng Cameron tại Brussels, gọi đó là "một thảm họa cho nước Anh". Cái nhìn chung nhất của giới chính khách cũng như phê bình Chính phủ Anh ở London là với việc từ chối tham gia thỏa thuận chung với các nước EU, nước Anh đã đánh mất cơ hội "xích lại gần hơn" với phần còn lại của châu Âu.

Lời phê phán nghiêm trọng nhất là từ Phó thủ tướng Nick Clegg và thành phần ủng hộ EU trong đảng Dân chủ Tự do. Nhận định của ông Clegg rằng quyết định của Thủ tướng Cameron là "không tốt cho nước Anh" đã châm ngòi cho làn sóng dư luận về khả năng "liên minh cầm quyền có thể tan rã" vì vụ Eurozone.

Thực ra thì việc gì cũng có nguyên do của nó. Trước khi đến Brussels, ông Cameron đã mang theo sứ mệnh không nhẹ nhàng chút nào: phải giữ lập trường cứng rắn do nhóm nghị sĩ chống EU trong đảng Bảo thủ "trao" cho ông. Và ngay sau khi trở về Anh, Thủ tướng Cameron đã phát biểu trên báo chí rằng, việc ông không tham gia thỏa thuận mới tại Brussels là để "bảo vệ nước Anh".

Theo BBC News, đó không chỉ là việc "bảo vệ" thị trường tài chính Anh khỏi bị choáng ngợp bởi quá nhiều chỉ thị, quy định chằng chịt của EU, mà còn là cách tốt nhất có thể giúp nước Anh duy trì tính độc lập của đồng tiền - đồng bảng Anh. Ông Cameron cho rằng: "Nếu tôi không thể bảo vệ đầy đủ cho nước Anh trong hiệp ước mới thì tôi sẽ không chấp nhận nó". Trên quan điểm này, trước khi bước vào hội nghị chính thức, ông Cameron đã có cuộc gặp "tay ba" với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Tại cuộc gặp đó, ông Cameron đã đặt ra yêu cầu là "các quy định trong tương lai của EU sẽ không làm ảnh hưởng đến thị trường tài chính của Anh". Tuy nhiên, sau đó yêu cầu này của ông Cameron đã bị Thủ tướng Angela và Tổng thống Sarkozy bác bỏ. Chính vì thế mà Cameron đã nhất quyết không chấp nhận tham gia hiệp ước mới.

Không phải đến bây giờ mà từ khi tham gia Hiệp ước Maastricht năm 1991, nước Anh đã năm lần bảy lượt tìm mọi cách để bảo vệ nền kinh tế và sự độc lập của đồng bảng Anh. Từ đó, ở nước Anh đã hình thành 2 phái, ủng hộ (pro-euro) và chống euro (euroskeptic). Khi EU bắt đầu đưa đồng euro vào lưu hành, nước Anh lại rộ lên làn sóng tranh cãi kịch liệt xung quanh việc có tham gia đồng tiền chung hay không. Một cuộc trưng cầu dân ý đã được tổ chức, và những người không muốn tham gia Eurozone đã thắng. Cho nên, nói rằng vị thế của ông Cameron ở Anh có thể bị "tổn hại" do không tham gia giải cứu đồng euro là không chính xác. Dù sao thì ở Anh vẫn có rất nhiều người ủng hộ quan điểm của ông, đặc biệt là thành phần "chống EU" không nhỏ trong đảng Bảo thủ. Chính đó là cơ sở để nói rằng, mặc dù "lẻ loi" ở châu Âu, nhưng ở Anh, ông Cameron không hề "lẻ loi"

Quốc Vương (tổng hợp)
.
.