Nước Mỹ trước nhu cầu cấp bách khai thác đất hiếm
Để đối phó với Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường kim loại đất hiếm dành cho những thiết bị kỹ thuật cao, nước Mỹ phải gấp rút phát triển chương trình khai thác nguồn tài nguyên này từ trong nước - theo nhận định của các chuyên gia phân tích thị trường và nhiều nhà lập pháp ở Quốc hội Mỹ.
Jack Lifton, người thành lập công ty nghiên cứu tìm kiếm thị trường đất hiếm Technology Metals Research LLC ở Illinois, nói: "Bước đầu tiên trong dây chuyền cung ứng là khai thác mỏ. Nước Mỹ cần phải phát triển ngay lập tức những gì cần phải phát triển. Nên bắt đầu sản xuất nguyên liệu mà ngưng bàn luận về nó". Gần 10 dự luật được đưa ra Quốc hội để khảo sát các nguồn cung cấp đất hiếm và khuyến khích sản xuất trong nước, mặc dù chưa có một dự luật nào được thông qua. Các nguyên tố đất hiếm nằm dưới cùng bảng phân loại tuần hoàn Mendeleev, nhưng những nguyên liệu ít được biết đến như là cerium, yttrium và praseodymium lại là trung tâm của công nghệ kỹ thuật cao, bao gồm điện thoại di động, các thiết bị kiểm soát ô nhiễm, nghiên cứu mô trong y khoa và thiết bị laser.
Mặc dù chỉ chiếm khoảng 30% trữ lượng thế giới, nhưng Trung Quốc cung cấp cho thị trường toàn cầu hơn 95% nhu cầu đất hiếm và hạn ngạch xuất khẩu chúng giảm đều đều trong những năm gần đây. Địa vị thống trị này gây lo ngại cho nhiều nước trước khi Bắc Kinh đột ngột "tạm ngưng" xuất khẩu đất hiếm đến Nhật Bản. Sau khi xảy ra vụ tàu cá của Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ.
Trong năm 2010, Trung Quốc xuất khẩu 32.000 tấn nguyên liệu đất hiếm, cho dù nhu cầu quốc tế ước tính là đến 55.000 tấn. Với nhu cầu có thể tăng cao hơn nữa trong năm nay, hạn ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống còn 25.000 tấn và giá của nhiều khoáng sản đất hiếm đang tăng vùn vụt. Thực tế này tạo điều kiện bùng nổ khai thác mỏ bất hợp pháp cung cấp cho thị trường đen cũng như những đề xuất tích trữ nguyên liệu chiến lược ở Nhật Bản và Mỹ. Ví dụ ở Mỹ, gần 10 dự luật được đưa ra Quốc hội Mỹ để giải quyết những vấn đề rắc rối về cung và cầu đất hiếm.
Mặc dù các nhà sản xuất Mỹ thúc giục mở rộng khai thác đất hiếm trong nước nhiều hơn, nhưng các nhà phân tích tư nhân cũng cảnh báo rằng người ta đã cố gắng thổi phồng sự thiếu hụt nguồn cung đến mức gây hoảng loạn. Robert Jaffe và Jack Lifton - người sáng lập chính công ty nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho đất hiếm Technology Metals Research LLC, nằm trong số những nhà khoa học tham gia cuộc hội thảo nhóm vào giữa tháng 4 vừa qua tại Viện Kinh doanh Mỹ (AEI) về vấn đề đất hiếm cho biết, đất hiếm chưa đến mức cạn kiệt như người ta nghĩ.
Những nhà lập pháp ở cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề. Hai nghị sĩ Dân chủ Henry Johnson và Edward J. Markey đưa ra một dự luật vào cuối tháng 3 vừa qua kêu gọi có hành động đánh giá kéo dài 3 năm về những nguồn cung cấp đất hiếm được tiến hành bởi Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (GS). Nghị sĩ Cộng hòa Mike Coffman mới đây cũng đưa ra một dự luật kêu gọi đẩy mạnh những chiến dịch khai thác đất hiếm đem lại cho Mỹ một thế mạnh trong kỹ nghệ. Dự luật gọi là "Công nghệ dây chuyền cung ứng đất hiếm và chuyển đổi nguồn" của Mike Coffman, nằm trong số những dự luật khác, hướng đến các cơ quan liên bang để xúc tiến việc cấp giấy phép sản xuất đất hiếm, tìm kiếm những hợp đồng cung cấp dài hạn để kích thích sản xuất trong nước và đề nghị những khoản vay được hỗ trợ cấp liên bang cho các nhà sản xuất nếu họ chứng minh được sự thiếu hụt về tài chính.
Mỏ đất hiếm của công ty Molycorp Minerals ở Mountain Pass, California; Một mẫu quặng đất hiếm. |
Coffman nói khi đưa ra dự luật: "Đất nước chúng ta phải hành động để bảo vệ những lợi ích an ninh với sự quan tâm đến các nguyên tố đất hiếm. Trung Quốc không phải là một đồng minh của Mỹ và cũng không là đối tác thương mại đáng tin cậy về những kim loại có tính chiến lược này". Dự luật của Coffman chắc chắn sẽ mang lại lợi ích cho Molycorp Minerals, nhà cung cấp các nguyên tố đất hiếm lớn nhất hiện nay của Mỹ. Công ty đang hy vọng dự luật sẽ nhanh chóng được thông qua ở Quốc hội.
Sự ồn ào về khoáng sản đất hiếm đã buộc Quốc hội yêu cầu các quan chức của Bộ Quốc phòng đánh giá họ cần bao nhiêu các nguyên tố này và có sự thiếu hụt hay không là vấn đề an ninh quốc gia. Nhiều hệ thống vũ khí hiện đại dựa vào đất hiếm để hoạt động, và giải pháp thay thế là rất khó khăn - theo Belva Martin, quan chức ở Cơ quan Kiểm toán Chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Jack Lifton nói, việc sử dụng đất hiếm trong quân đội là "tương đối nhỏ". Lifton cho rằng: "Nhu cầu đất hiếm quan trọng nhất hiện nay mới là nam châm vĩnh cửu. Ứng dụng số 1 là ngành sản xuất ôtô". Bất chấp tên gọi, "đất hiếm" thật sự không hiếm. Cindy Hurst, nhà phân tích ở Cơ quan Nghiên cứu quân sự đối ngoại của quân đội Mỹ, nói: "Thật ra, các nguyên tố đất hiếm không phải là hiếm. Chúng được tìm thấy ở khắp lớp vỏ trái đất".
Nhưng, theo nhận định của Andy Davis ở Công ty Molycorp Minerals, việc xử lý nguyên liệu đất hiếm thành sản phẩm đưa ra thị trường còn là vấn đề khó khăn. Một lý do mà Trung Quốc thống trị nền công nghiệp này là bởi vì quốc gia này có hơn 6.000 nhà công nghệ về đất hiếm so với chỉ độ 20 chuyên gia ở Molycorp Minerals của Mỹ đang cố gắng cạnh tranh với người khổng lồ châu Á này. Nhưng rào cản lớn nhất mà Mỹ đang đối mặt trong thách thức là sự đi trước của Trung Quốc. Jack Lifton nói: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể sản xuất những nguyên liệu này với mức giá thấp hơn khi được sản xuất ở Trung Quốc"