Nước Mỹ và bài học “Chúa Chổm”

Thứ Bảy, 28/05/2011, 10:20

Thượng tuần tháng 4 vừa qua, Standard & Poor's,  một trong những công ty uy tín trong lĩnh vực đánh giá năng lực tài chính đã lên tiếng hết sức lo ngại về các khoản nợ đáng báo động của Chính phủ Mỹ. Văn phòng ngân sách Quốc hội Mỹ còn dự đoán trong vòng 12 năm tới, số nợ liên bang có thể lên tới 100% GDP.

Bộ Tài chính Mỹ buộc phải tiến hành các biện pháp cứng rắn để tránh nguy cơ vỡ nợ, kể cả việc tạm ngừng chi trả cho các quỹ hưu trí của công chức liên bang, sau khi nợ của chính phủ nước này đã chạm tới giới hạn cho phép là 14.294 tỉ USD vào ngày 16/5.

Như thế nước Mỹ ngập trong nợ nần chỉ sau Nhật Bản và còn vượt cả những "Chúa Chổm" thế giới như Ireland và Bồ Đào Nha!

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 7 thập kỷ của mình, S&P đã đưa ra một cảnh báo như vậy. Những người làm công tác đánh giá trái phiếu tại S&P hoàn toàn có lý do để lo lắng. Chủ nợ lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc đã cảnh báo về tình trạng tài chính Mỹ trong 3 năm gần đây, tận dụng cơ hội này để thúc giục Mỹ sử dụng những "biện pháp có trách nhiệm" để bảo vệ các nhà đầu tư. Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng khiển trách Mỹ về việc thiếu chiến lược tin cậy nhằm bình ổn "món nợ" của nước này.

Việc đóng cửa của chính phủ (một thuật ngữ đồng nghĩa với việc chỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu) sẽ cắt giảm 38 tỉ USD trong chi tiêu liên bang. Song khoản thực giảm sẽ còn nhỏ hơn nhiều và không nhằm nhò gì với con số nợ quốc gia 14,2 nghìn tỉ USD.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện thuộc phe Cộng hòa, Paul Ryan, hiện đang yêu cầu sự cắt giảm được tính bằng đơn vị hàng nghìn tỉ USD và dọa sẽ không nâng hạn mức nợ liên bang cho phép yêu cầu đó được thông qua. Điều này có thể sẽ khiến kho bạc phải ngừng vay mượn khi đã đạt hạn mức trong mùa hè này, dẫn đến một sự hỗn loạn trong các chương trình chính phủ và khởi đầu cho một sự suy thoái mới. Làm thế nào Mỹ có thể thắt chặt được khoản nợ khổng lồ của mình? Liệu các nhà lãnh đạo đất nước có đủ dũng cảm để có thể cắt giảm các quyền lợi về sức khỏe và an ninh xã hội không. Liệu họ có "vá" các lỗ hổng thuế phổ biến như giảm lãi suất cầm cố không?

Tương tự như những vấn đề vĩ mô thuộc về nghệ thuật quản lý nhà nước: chiến tranh và hòa bình, cuộc chiến chống AIDS và biến đổi khí hậu… Những vấn đề như vậy tuy không đem lại thách thức cho thế hệ hôm nay, nhưng để lại hậu quả về lâu dài đối với vị thế của nước Mỹ trên thế giới. Thực tế, lịch sử đã cho thấy quyền lực xây dựng từ những khoản nợ sẽ nhanh chóng tan biến.

Xét đến hai câu chuyện cảnh giác từ Ai Cập. Một thế kỷ rưỡi vừa qua, Ai Cập được coi là một kỳ quan của thế giới mới. Cuộc nội chiến ở Mỹ đã phá hủy việc nhập khẩu cotton từ miền Nam, khiến giá cotton tăng tới 8 lần, làm giàu cho những người trồng bông ở Ai Cập. Người trị vì vương quốc, Phó vương  Ismail Pasha, tự hào rằng Ai Cập, sau này gồm cả Sudan cũng như một phần Libya và Eritrea, về hàng dặm đường ray trên 1 acre đất thổ cư, so với bất kỳ quốc gia nào khác.

Vào năm 1869, người Ai Cập kỷ niệm lễ khánh thành kênh đào Suez, một công trình xây dựng kiệt tác. Những người có danh vọng địa vị từ những miền xa xôi như London, St. Petersburg cũng tụ tập ở đây để chứng kiến lễ thông tàu mà dẫn đầu là thuyền buồm lộng lẫy của Nữ hoàng Pháp. Sự hân hoan ấy còn kéo dài 3 tuần.

Nhưng thậm chí trước khi Nữ hoàng Pháp du thuyền dọc con kênh, việc quân đội miền Nam đầu hàng tại Appomattox đã làm vỡ tan bong bóng Ai Cập. Nội chiến kết thúc, giá cotton giảm, sự phô trương của Phó vương giờ chỉ còn cách duy trì bằng những khoản vay mượn. Từ năm 1867 đến 1875, nợ quốc gia của Ai Cập đã từ 3 triệu bảng đến 100 triệu bảng, trong khi đó, giá cotton liên tục giảm. Khoản nợ trở thành nợ không thể hoàn lại được.

Một bài học rút ra, đó là, nợ nần có thể khiến quốc gia mất tự chủ một cách nhanh chóng. Năm 1875, Phó vương thiếu nợ đã bán cổ phần của Ai Cập trong Công ty Suez cho Anh, nước đã mua lại "viên ngọc về tài chính và địa lý" này với giá 4 triệu bảng! Một năm sau, Ai Cập không có khả năng trả nợ. Đến năm 1878, nước này bị buộc phải chấp nhận một chính phủ mà chức năng chủ yếu là mua vui cho các chủ nợ bằng sự kiện Bộ trưởng Bộ Tài chính là một người Anh. Năm 1882, một sự can thiệp về quân sự đã biến Ai Cập gần như thành một thuộc địa, ngoại trừ cái tên. Trong ngôn ngữ của nghệ thuật quản lý nhà nước, Ai Cập trở thành một nước bị "buông rèm nhiếp chính".

Đối với người Mỹ, thì bài học thứ 2 tế nhị hơn, nhưng thậm chí còn đáng sợ hơn. Giữa thế kỷ XX, nước Anh, cường quốc nắm lợi thế trong cuộc khủng hoảng nợ của Ai Cập, bản thân cũng phải "chịu trận". Nguyên nhân là do khoản vay để chi trả trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Đội ngũ lãnh đạo của nước này vẫn tin rằng sẽ xưng hùng xưng bá, nhưng quyền lực ấy chỉ là ảo tưởng.

Sau Thế chiến II, Anh đã lún sâu trong những khoản nợ từ Mỹ. Lợi dụng những khoản nợ đó mà Tổng thống Eisenhower đã "đòi" vô số quyền lợi chính trị, bao gồm cả việc trả lại kênh đào Suez cho Ai Cập. Đó là vì Mỹ muốn giữ chân lãnh đạo mới của Ai Cập, Đại tá Gamal Abdel Nasser, tránh việc đẩy ông ta về phía Liên Xô. Đồng đôla Mỹ thay thế đồng bảng Anh trở thành ngoại tệ dự trữ trên toàn cầu. Và Mỹ thay thế vị trí cường quốc của Anh.

Sự kiện kênh đào Suez đánh dấu sự kết thúc những tham vọng quyền lực của Anh. Harold Macmillan, Đại pháp quan của Anh, cũng thừa nhận rằng: "Kênh đào Suez là hơi thở cuối cùng của cường quốc đang suy thế", và cũng nói thêm rằng, "có lẽ 200 năm nữa Mỹ sẽ hiểu được cảm giác của chúng tôi thế nào".

Nhưng ngày nay, chỉ 55 năm sau đó, câu hỏi đặt ra với người Mỹ đó là liệu 200 năm ấy đã đến hay chưa. Khoản nợ đáng báo động hơn 14 nghìn tỉ USD, còn chưa tính đến 3 nghìn tỉ USD các bang và chính quyền địa phương đang nợ và hơn 1 nghìn tỉ USD thâm hụt trong hệ thống hưu trí địa phương và của các bang. Cuối cùng thì Fed cũng sẽ bảo lãnh cho các bang, địa phương, khiến kết quả có thể là một khoản nợ quốc gia còn lớn hơn nhiều so với dự toán.

Không chỉ một khoản nợ lớn mới là điều đáng lo ngại. Thật ra thì nợ của Mỹ không thấm tháp gì so với Nhật Bản. Song, trong khi Chính phủ Nhật Bản có thể vay một khoản lớn từ chính dân chúng, thì Chính phủ Mỹ không thể làm điều đó. Hiển nhiên bởi khoản tiết kiệm của dân Mỹ không đủ lớn. Cũng giống như Anh quốc trước đó, Mỹ vẫn tài trợ cho một chính sách đối ngoại tham vọng với những khoản vay từ nước ngoài. Và chủ nợ lớn nhất, dĩ nhiên, chính là một cường quốc đông dân đang lên và không nhất thiết phải đồng tình với những mục đích của Mỹ.

Nước Mỹ với nguy cơ chìm ngập trong nợ.

Cũng không khó tưởng tượng ra một kịch bản mà trong đó, Trung Quốc sử dụng sức mạnh tài chính của mình với Mỹ, cũng giống như Mỹ đã làm như vậy với Anh. Hãy lấy ví dụ về sự đối mặt với vấn đề Đài Loan, khi mà chính quyền Trung Quốc luôn khẳng định, thuộc về Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc tìm cách không cần phát động một cuộc chiến tranh mà thắng thua có thể không nắm chắc. Họ đã tìm đến một thứ vũ khí đặc biệt hơn, đó là tấn công vào hệ thống máy chủ của Mỹ trên mạng. Song lập tức họ lại nhận ra rằng, tấn công mạng như vậy có thể bị coi là một hành động cố tình gây hấn và Nhà Trắng có thể sẽ trả đũa. Cuối cùng, Trung Quốc tìm đến một cách có vẻ hợp pháp và cũng hợp lý hơn: đó là bán trái phiếu kho bạc Mỹ.

Thật khó để Mỹ có thể phản đối một hành động như vậy. Theo luật Mỹ, Trung Quốc có thể tự do mua khoản nợ của Chính phủ Mỹ  tức là mua trái phiếu kho bạc Mỹ và có thể tự do bán nó. Tuy nhiên, việc bán đi có thể đem lại những hậu quả khôn lường cho Mỹ, bởi Chính phủ Trung Quốc sở hữu một số lượng trái phiếu trị giá ước tính 1,2 nghìn tỉ USD, tương đương với 14% tổng số trái phiếu nắm giữ bởi các nhà đầu tư. Nếu Trung Quốc công bố một kế hoạch bán đi cổ phần một cách từ từ, hoặc thậm chí dừng việc mua trái phiếu với nhịp độ hiện giờ, những "người chơi" khác trong thị trường trái phiếu có thể sẽ nghĩ rằng, giá của trái phiếu kho bạc đang xuống. Điều này có thể đem lại một ảnh hưởng tồi tệ ngay lập tức.

Trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thế giới tài chính được coi là một tài sản đầu tư phi mạo hiểm, giống như ngân bản vị hiện đại và là bến đỗ an toàn trong thời buổi khó khăn. Thực chất, sự sụp đổ của Lehman Brothers khiến cho vốn chảy ra khỏi các thị trường nợ tư nhân và vào trái phiếu kho bạc. Cũng tương tự như vậy, sau vụ khủng bố 11/9/2001, trái phiếu phục hồi một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc tạo ra một cuộc khủng hoảng ngược trong đó "phao cứu sinh" thông thường lại khởi nguồn cho một cơn bão, thì một trật tự khác có thể được tạo ra.

Nghĩ về sự việc này theo cách sau: trong gần một thế kỷ qua, các chính phủ là người bảo vệ cuối cùng cho các hệ thống tài chính của họ. Họ bảo đảm các khoản ký thác ngân hàng, cung cấp khoản vay khẩn cấp khi người dân tích trữ tiền mặt, và giải quyết các thảm họa từ bùng nổ tiết kiệm và cho vay những năm 1980 đến cuộc khủng hoảng gần đây, và rõ ràng rằng, Fed đã cứu nhiều ngân hàng, cả trong và ngoài nước - hơn là những gì có thể nhận thấy. Cuộc khủng hoảng trong thị trường trái phiếu chính phủ có thể báo hiệu rằng cường quốc lớn nhất đang gặp rắc rối. Vậy ai sẽ là người giúp đỡ người giải cứu này? Câu trả lời, có lẽ là, không có ai.

Không phải hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng, Trung Quốc có thể sử dụng ảnh hưởng tài chính đe dọa Mỹ. Một số người lập luận rằng bằng cách dìm giá trị của trái phiếu, Trung Quốc sẽ có thể tự hại chính bản thân mình vì nước này nắm giữ hơn 1 nghìn tỉ USD. Nhưng lập luận này thiếu sót ở điểm là, Mỹ sẽ chịu mất mát nghiêm trọng hơn. Và một khi họ tính được việc sự mất mát của đối thủ nghiêm trọng hơn, thì họ hoàn toàn có thể quyết định việc gây hấn sẽ được đền đáp xứng đáng. Không may là, Trung Quốc có thể giáng một đòn vào đầu tư trái phiếu, trong khi Mỹ không có khả năng cứu vãn một Lehman Brothers khác. Bởi vậy, mối đe dọa về "cuộc tấn công tài chính" là hoàn toàn hiện hữu.

Dĩ nhiên lịch sử sẽ không bao giờ lặp lại. Câu chuyện của Phó vương Ismail Pasha những năm 70 thế kỷ XIX có thể đã xa vời như một câu chuyện cổ tích. Bắc Kinh không có ý định cài một Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc vào Washington. Anh quốc những năm 50 thế kỷ trước dễ bị ảnh hưởng hơn Mỹ hiện giờ: nợ chính phủ so với GDP cao gấp 4 lần, và không có "bộ giảm xóc" là một tỷ giá hối đoái linh hoạt. Tuy vậy, lịch sử rõ ràng cũng đưa ra một bài học cảnh giác. Trong thế kỷ vừa qua, Mỹ cũng cho Anh vay những khoản dành cho chính sách ngoại giao, dù không ưa lắm chế độ quân vương. Và Trung Quốc cũng mua các trái phiếu mà số tiền đó được dành cho những hoạt động mạo hiểm như chiến tranh Iraq, dù Trung Quốc phản đối những hoạt động như vậy.

Vẫn còn thời gian để Mỹ có thể hiểu rõ khoản nợ của mình và hạn chế tầm ảnh hưởng của các đối thủ. Tổng thống Obama đã đề xuất cắt giảm 4 nghìn tỉ thâm hụt trong 12 năm tới. Tất cả các bên đều chung quan điểm là thâm thụt ngân sách thực sự là một vấn đề. Và đồng thời tất cả đều nhìn nhận đây là một thách thức lớn đối với Mỹ. Nếu họ có thể tìm ra cách giải quyết, thì những lời cảnh báo của các nhà đánh giá tín dụng có thể đi vào quên lãng được rồi. Cuối cùng thì, vấn đề về nợ hoàn toàn là vấn đề chính trị. Việc không giải quyết có thể đem lại những hậu quả to lớn về chính trị: sự suy thoái của một siêu cường quốc vốn vẫn đảm bảo cho sự an toàn cho hải phận quốc tế, cung cấp ngoại tệ dự trữ cho thế giới. Ngoài ra, việc giải quyết nợ sẽ cần một dũng khí chính trị - dũng khí không chỉ thúc đẩy giải pháp mà còn thương lượng với đối thủ.

Dũng khí, dĩ nhiên, không phải là cái mà những lãnh đạo luôn luôn có. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra về các khoản nợ, chắc chắn sẽ khiến họ sẽ phải lấy hết sức bình sinh của mình. Lawrence Summers, cố vấn kinh tế của Tổng thống Barack Obama, cho tới gần đây đã thẳng thừng mà nói rằng: "Việc nước Mỹ không thực hiện được nghĩa vụ của mình về các khoản nợ cũng giống như cho phép một đứa trẻ tay cầm diêm, ngồi trong một phòng đầy thuốc nổ". Và cho tới giờ, mỗi người Mỹ vẫn không thể nào tưởng tượng được rằng, những nhà hoạch định chính sách mà họ bầu ra lại có thể cho phép một mối nguy hiểm như vậy tồn tại

Hoài Linh (tổng hợp)
.
.