Nước Nga trong mắt du khách Việt mùa World Cup

Thứ Năm, 12/07/2018, 15:05
Phóng viên chuyên đề An ninh Thế giới có cuộc trao đổi ngắn với một số người hâm mộ Việt vừa trở về từ nước Nga, mỗi người đều có ký ức và ấn tượng mạnh về World Cup 2018.

World Cup 2018 tổ chức tại Nga có thể nhìn nhận đã thực sự kéo gần khoảng cách giữa người hâm mộ bóng đá Việt Nam tới giải bóng đá lớn nhất hành tinh. Chưa có thống kê chính thức về lượng fan môn túc cầu có mặt tại Nga mùa giải này, nhưng chắc chắn con số đó không hề nhỏ khi mọi điều kiện thuận lợi đã mở rộng.

Phóng viên chuyên đề An ninh Thế giới có cuộc trao đổi ngắn với một số người hâm mộ Việt vừa trở về từ nước Nga, mỗi người đều có ký ức và ấn tượng mạnh về World Cup 2018.

Phóng viên Trần Nhật Minh: “An ninh thật tuyệt vời!”

Tôi đến nước Nga khá tình cờ nhờ cơ hội mua được vé xem World Cup 2018, hai vợ chồng quyết định lên đường mà không có chút vốn liếng tiếng Nga nào. Lịch trình tự lên, vé máy bay, tàu hỏa, chỗ ở đặt mua qua mạng Internet. Điều khiến tôi lo lắng nhất ban đầu là an ninh, nhưng tất cả đã được xóa nhòa sau 9 ngày trên đất Nga, đi qua 5 thành phố. Nước chủ nhà đã làm quá tốt vấn đề này với một lực lượng an ninh hùng hậu, kiểm soát ở mọi lối vào các điểm đông người.

Anh Trần Nhật Minh.

Người Nga thực sự khiến tôi bất ngờ với khoảnh khắc mà họ giành chiến thắng trước Tây Ban Nha. Khi ấy tôi cùng khoảng 2.000 người khác xem bóng đá tại một quảng trường ngay sát chân nhà thờ thành phố nhỏ Vladimir, cách Moscow khoảng hơn 200km. Trời đổ mưa ngay khi loạt luân lưu kết thúc, cái lạnh 16 độ không thể ngăn người dân nơi đây đổ ra đường, ôm lấy nhau và ca hát như những đứa trẻ.

Tôi nhớ lại những cảm xúc có lẽ cũng tương tự của người Việt khi chứng kiến chiến thắng của đội tuyển U23. Xem trực tiếp một trận bóng ở Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới cùng 35.000 khán giả tại một sân bóng rất mới như Kaliningrad lại là một trải nghiệm tuyệt vời khác. Cổ động viên được chào đón bằng những màn biểu diễn nghệ thuật đậm chất Nga cũng như 2 nước có đội bóng tham gia trận đấu là Bỉ và Anh suốt 3km dẫn vào sân. Trận đấu không quá mang tính quyết định nhưng bầu không khí vẫn thực sự náo nhiệt, nhất là ở khu khán đài dành riêng cho cổ động viên Anh, những người nổi tiếng ồn ào.

Xem bóng đá ở World Cup thì không thể thiếu việc hòa mình vào các Fanzone (năm nay người Nga gọi là FanFest). Khu FanFest khổng lồ đặt ngay trên Đồi chim sẻ (Moscow), nhìn thẳng về Đại học Tổng hợp Lomonosov. Nơi đây, khoảng chục màn hình cực lớn, cùng rất nhiều khu hoạt động chức năng giúp fan không thiếu việc làm giữa các trận bóng. Một nhãn hàng nào đó còn nghĩ ra cuộc thi chụp ảnh chung giữa cổ động viên 2 đội đối thủ.

Rất nhiều khoảnh khắc đẹp từ những khuôn mặt khắp nơi trên thế giới trong bầu không khí ngập tràn bóng đá thực sự là những hình ảnh tuyệt vời. Một ấn tượng khác về World Cup 2018 đó chính là tấm thẻ FanID. Cổ động viên mua vé xem bóng đá sẽ được cấp tấm thẻ này, được sử dụng để nhập cảnh vào Nga không cần visa và sử dụng tất cả các phương tiện công cộng khác ở thành phố, trong ngày có trận đấu cũng như giữa các thành phố. Tấm thẻ tuy nhỏ nhưng là cách để giới thiệu một nước Nga thân thiện đến bạn bè thế giới, chưa kể những lợi ích lớn mà nền kinh tế có thể thu được từ hàng chục triệu du khách tới World Cup mùa hè này.

Doanh nhân Nguyễn Hải Đường: “Một World Cup hoàn hảo”

Tôi chuẩn bị cho chuyến đi World Cup 2018 từ hơn 1 năm trước. Tôi rất may mắn đã được xem 6 trận vòng bảng và sẽ tiếp tục quay lại Nga để xem các trận vòng sau cuối. Còn một niềm vui khác đang đón chờ đó là ban nhạc rock huyền thoại Gun and Rose sẽ biểu diễn tại Nga sau đó.

Anh Nguyễn Hải Đường trong một buổi đến xem World Cup.

Chuyến đi này tôi đã thử trải nghiệm bằng cách đi một mình, để tận hưởng không khí bóng đá cùng những người bạn xa lạ, những người hâm mộ từ khắp thế giới. Với World Cup lần này, tôi đã trải qua rất nhiều cảm xúc bóng đá, từ thời CLB như Công an Hà Nội, Thể Công hay trận chúng ta thắng Thái Lan và gần đây nhất là cảm xúc của U23. Mỗi một thứ có cảm xúc riêng không thể tả được nhưng ở Nga, tôi phải nói là ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng từ khâu tổ chức, an ninh, đến văn hóa của những cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây.

Đến giờ phút này có thể nói nước Nga đã tổ chức World Cup quá hoàn hảo. An ninh tại Nga được siết chặt rất tốt, tôi chứng kiến một vụ móc túi ngoài phố mà chỉ vài chục giây sau tên trộm đã bị bắt bởi lực lượng cảnh sát mật.

Trong góc nhìn khác, cổ động viên các nước rất chuyên nghiệp trong cổ vũ, ngay cả khi đội nhà thua, họ cũng buồn đấy nhưng vẫn ra chúc mừng cổ động viên đội đối thủ. “Đội chúng tôi thua hoàn toàn xứng đáng, chúc đội các bạn vào sâu hơn nữa”... Đặc biệt, tôi gặp hai cha con người Brazil đi tới đây bằng xe đạp, trừ đoạn đường vượt biển. Đây là World Cup lần thứ 8 người cha có mặt, chỉ thua một người Tây Ban Nha đã lập kỷ lục là 10 lần. Họ đã mất thời gian tới 6 tháng cho chuyến hành trình từ quê nhà Brazil tới Nga.

Bình luận viên bóng đá nổi tiếng Trương Anh Ngọc: “Đấy là một nước Nga khác, bạn biết không?”

Người thanh niên tôi mới quen ở Rostov trên sông Don đã nói như thế, tay cầm một cốc bia ngon tuyệt cụng với tôi. Đó là một buổi tối mát rượi ở cái thành phố đã là bối cảnh cho thiên tiểu thuyết bất hủ của văn hào Mikhail Solokhov, mà một bức tượng nhà văn được dựng ngay bên bờ sông Don, mắt đang nhìn xa xăm và trìu mến vào dòng nước trước mặt.

Rất nhiều khoảnh khắc đẹp từ những khuôn mặt khắp nơi trên thế giới hội tụ đến Nga trong bầu không khí ngập tràn bóng đá.

Đối với không ít người ở thành phố là cửa ngõ vào vùng Caucasus này, sự cách biệt với thế giới là một điều mà họ rất không thích. Nhưng đúng là Rostov và không ít thành phố ở Nga đã từng cách biệt khá lâu với thế giới, nhất là thế giới phương Tây, trong nhiều năm, cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ và Liên Xô tan rã.

Cậu thanh niên này cũng mới chỉ gặp được những cổ động viên của các câu lạc bộ lớn ở châu Âu đến đây thi đấu với đội bóng “nhà” FC Rostov ở Champions League và bây giờ, nhờ có World Cup, mới lại được thấy cùng lúc nhiều người nước ngoài đến thế ở thành phố của anh, vốn chỉ được biết đến nhờ “Sông Đông êm đềm” của Solokhov.

Ngoài ra, không còn gì nữa. Không có mấy ai bay từ rất xa đến đây mà không thấy mình có lý do gì chính đáng. Để đi nghỉ mát với biển, họ sẽ đến Sochi. Để shopping hay vì các danh lam thắng cảnh, họ sẽ ở lại Moskva hay Saint Petersburg.

Cái cảm giác được tiếp đãi một cách trọng thị và trìu mến chỉ vì mình là người nước ngoài ở đây khiến tôi ngỡ ngàng. Bởi lẽ, tôi đã nghĩ về nước Nga và người Nga khác hẳn. Tôi đã đọc rất nhiều nguồn báo chí khác nhau viết về nước Nga trong những năm qua và đương nhiên cảm thấy lo lắng trước những nguy cơ có thể sẽ đến với mình trên mảnh đất này. Chẳng hạn về an ninh, về việc thỉnh thoảng có thể bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ chẳng vì lý do gì, về sự không thân thiện và thái độ dè chừng của người Nga.

Không, không hề có chuyện đó, kể cả ở Moskva, từng bị một trang web tư vấn du lịch nổi tiếng xếp vào danh sách những thành phố kém thân thiện nhất thế giới, kể cả ở Rostov này, bị cho là một thành phố buồn tẻ, không có nhiều thứ để xem. Không, tất cả những gì tôi đã trải qua trên những hành trình của mình trong những ngày qua đều không như tôi đã tưởng tượng. Ngược lại, mọi thứ rất suôn sẻ, rất tuyệt, tuyệt đến ngỡ ngàng.

Đôi khi trong đời, trong những cuộc hành trình, có những điều xảy ra khiến ta không khỏi ngỡ ngàng nhưng sau đó ngập tràn hạnh phúc và cảm thấy rằng, có rất nhiều điều đang thay đổi trong nhận thức của mình. Nhưng điều quan trọng hơn cả là chính người Nga đang làm thay đổi nhận thức ấy.

Cậu thanh niên nói rằng, chính World Cup này cũng là dịp người Nga phải cởi mở hơn với thế giới bên ngoài, phải học tiếng Anh nhiều hơn, phải nở nụ cười nhiều hơn nữa. Hơn nửa triệu cổ động viên bóng đá theo chân các đội bóng của họ đến đây và làm cho cuộc sống ở đây thay đổi. “Khi các trận đấu diễn ra ở những nơi xa xôi như Rostov này, đấy là dịp để các khách quý đến đây hiểu ra chúng tôi là ai”, cậu nói.

“Và anh thấy đấy, nước Nga rất khác với những gì báo chí phương Tây đã viết”. Tôi phải thú nhận với cậu là tôi cũng bị ảnh hưởng một chút từ những gì họ viết và trong hành trình này, tôi muốn kiểm chứng những điều ấy, xem có bị thổi phồng hoặc đơn giản là bịa đặt không.

Trên thực tế của hành trình đã qua cho tôi một cái nhìn khác về nước Nga và con người Nga như thế, thân thiện, hiền hòa và khá cởi mở, dù không phải ai cũng có thể nói được tiếng Anh (vài người đã tìm cách nói chuyện với tôi bằng ứng dụng Google Translate). Mới rồi, Vladimir Salnikov, người từng đoạt Huy chương vàng bơi lội ở Thế vận hội mùa hè Moskva 1980 và Seoul 1988 trong màu áo Liên Xô, đã nói rằng, Thế vận hội 1980 chính là một dịp tuyệt vời để thế giới nhìn thấy một bộ mặt rất khác của Liên Xô, trong thời điểm Chiến tranh Lạnh đang chia thế giới làm 2 cực.

Điều tương tự sẽ xảy ra ở World Cup này. “Tôi hy vọng rằng, sau khi đến đây và chứng kiến nước Nga bằng mắt mình, các cổ động viên sẽ tác động lên các chính trị gia của họ và làm thay đổi các định kiến”, ông nói.

World Cup đang làm được điều ấy, làm rất tốt là khác. Dù Nga có vô địch giải đấu này hay không...

Minh Trí
.
.