Nước mắt dưới những nhịp cầu

Thứ Tư, 03/10/2007, 09:35
Đêm 27/9, khi chúng tôi rời xóm Rạch Tra thì đột ngột nghe cả xóm vỡ òa lên tiếng khóc thảm thiết. Các nhà nạn nhân trong xóm đều thắp thêm ngoài vườn đầu ngõ vài ba bóng đèn tròn. Ánh điện vàng vọt chập chờn trong tiếng khóc càng khiến xóm Rạch Tra thêm phần hiu hắt.

Dù có được tìm thấy, những nạn nhân còn lại cũng khó hy vọng sống sót. Tình trạng của những người bị thương đang nằm trong bệnh viện cũng hết sức nguy kịch.

Theo bác sĩ Phạm Việt Triều, Phó trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực, hầu hết nạn nhân nhập viện đều bị “hội chứng bị vùi lấp” với đa chấn thương nguy hiểm cùng với tình trạng mất máu nhiều và kéo dài, rất dễ dẫn đến tử vong.

Số lượng nạn nhân bị thương và tử vong biến động theo từng giờ. 21h ngày 26/7, công bố chính thức còn khoảng 4-12 nạn nhân đang mắc kẹt tại hiện trường, nhưng ngay sáng hôm sau, riêng danh sách số công nhân của xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh đang mất tích đã lên đến 9 người.

Không khí tang thương bao trùm lên cả xã với danh sách thêm 23 người chết và 43 người bị thương rất nặng.

Suốt hai ngày đêm, cạnh cầu tàu dẫn vào công trường, lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh người thân của những người “mất tích” ngồi như hóa đá, dõi mắt xuyên đêm về hướng hiện trường chờ đợi trong vô vọng tin tức của người thân.

Bà Nguyễn Thị Năm ở ấp Mỹ Hưng II, người gầy đét, đã khóc ròng rã 2 ngày 2 đêm mà vẫn chưa thấy tin tức của 3 người con trai. Con trai lớn của bà là Nguyễn Văn Đùng rời nhà ra công trường lúc 6h sáng.

Nghe tin tai nạn, bà giục đứa cháu gái, con của anh Đùng đi khắp các bệnh viện ở Cần Thơ tìm kiếm tin tức nhưng không hề thấy có tên anh. Thay vào đó, cháu mang về hung tin: hai người em ruột của anh Đùng là Nguyễn Văn Tâm và Nguyễn Văn Chờ đều đã được đưa vào cấp cứu. Đến chiều, Tâm chết, còn Nguyễn Văn Chờ chấn thương đầu, gãy tay, đang hôn mê.

Anh Đùng có 5 đứa con dại, anh Tâm có một đứa con tật nguyền, vợ đã mất. Tất cả nỗi đau và cả gánh nặng ấy bây giờ chồng chất lên đôi vai còm cõi của bà cụ đã 68 tuổi, tay yếu mắt mờ.

Nước mắt rơi chưa kịp rớt xuống đất, bà Năm lại thấy cô con gái mình tất tả chạy ra hiện trường gào thét tìm chồng. Chồng chị tên là Đỗ Văn Sáu, cũng đang nằm lại trong đống hoang tàn chưa có tin tức.

Cha mẹ đẻ của anh là ông Đỗ Văn Năm và Nguyễn Thị Út cũng gần như đã khản đặc cả cổ. Bà Út đang nằm thoi thóp chờ tin con trong cái lán dựng tạm cạnh hiện trường.

Vừa khóc khan, ông Năm vừa kể: “Hồi trưa, tui nghe trong đống sắt vụn ấy có tiếng gõ keng keng... quen lắm. Tui nghi thằng Sáu con tui làm hiệu gọi cha mẹ vô cứu nó. Nghe mà không biết làm sao. Giờ không nghe thấy nữa. Chắc thằng Sáu con tui đã chết ở trỏng mà không biết ba má vẫn ngồi đây chờ nó”.

Sau một ngày một đêm thức trắng trong nỗi tuyệt vọng, sáng 27/9, bà Út kiệt sức và ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.

Xóm Rạch Tra, ấp Mỹ Hưng I, xã Mỹ Hòa nằm ngay dưới chân đoạn cầu bị sập vốn là một vùng trọng điểm của giống bưởi Năm Roi nổi tiếng. Nhưng làng quê nghèo vẫn hoàn nghèo. Đầu năm đến nay bưởi bòng rớt giá thê thảm. Thanh niên trai tráng trong xóm bỏ rẫy vườn, thi nhau xin vào làm công nhân xây dựng cầu, xem đó như một cơ hội lớn của cuộc mưu sinh. Đùng một cái, niềm hy vọng hóa thành nỗi tang thương tuyệt vọng.

Chỉ vài trăm mét trên con đường mấp mô sình lầy dẫn vào xóm đã có 6 gia đình phải để tang cho 9 người. Tất cả những người bị nạn đều là thanh niên trai tráng, trụ cột chính của các gia đình.

Vợ chồng ông bà Lưu Hoàng Khanh - Nguyễn Thị An có 3 người con, 2 trai 1 gái thì 2 đứa con trai đã gặp nạn. Lưu Hoàng Phúc 23 tuổi thiệt mạng, người em là Lưu Hoàng Pha 19 tuổi đang hôn mê sâu tại Quân Y viện 121.

Lưu Quốc Vương thẫn thờ trong đám tang của hai người em ruột.

Nhà kế bên, còn thảm thương hơn, có tới 4 người gặp nạn. Người cha Lưu Văn Khâm vẫn hôn mê chưa tỉnh trong Quân Y viện 121, không hề hay biết ở nhà đang tổ chức tang đám hai đứa con trai là Lưu Tấn Mãi, 19 tuổi và Lưu Tấn Điền 17 tuổi. Đứa con lớn Lưu Quốc Vương bị thương nhưng thoát chết hiện vẫn chưa kịp hoàn hồn.

Cách đó dăm chục mét, hai anh em họ Bùi Văn Bé và Bùi Văn Bon cũng đã thiệt mạng, bỏ lại vợ dại con thơ và mảnh vườn hoang ngập nước, cỏ lác tơi bời. Đi thêm đoạn nữa là đám tang của anh Huỳnh Văn Lực với thêm một góa phụ mới về làm vợ vỏn vẹn có 20 ngày!

Hầu như gia đình nào trong cái xóm đìu hiu ngập bùn lầy này cũng có người gặp nạn. Đám tang quá nhiều, các nhà đòn trong khu vực lân cận lo không xuể, chỉ kịp kêu ghe chởå đến chiếc quan tài và tờ tin buồn, việc ma chay diễn ra đành thiếu trống kèn.

Nhiều xã khác trong huyện Bình Minh cũng phải cạn nước mắt chia phần nỗi đau với xã Mỹ Hòa. Vợ và hai con nghe hung tin đã ngã qụy và suy kiệt, thi thể anh Lê Văn Biên ở ấp Đông Lợi, xã Đông Bình được người anh rể Lê Văn Út Em đón về trong im lặng. Kế đằng sau, ông Trương Văn Hiền vừa nấc nghẹn vừa làm thủ tục nhận xác người em con dì Nguyễn Văn Hùng, 28 tuổi có 2 con dại.

Danh sách nạn nhân vẫn còn dài. Lê Hoàng Quốc Việt (28 tuổi) và Lê Hoàng Nam (23 tuổi) là hai anh em ruột. Cả hai đều đã có gia đình, là lao động chính và có con nhỏ. Việt được một cháu, còn Nam được hai.

Tai nạn xảy ra, Việt chết ngay tại chỗ. Nam được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng dập lá lách, tim phòi ra ngoài nhưng còn đập thoi thóp... Khả năng sống sót của anh gần như là không còn...

Vợ Việt lẫn vợ Nam đều không có việc làm. Những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào, cuộc sống của gia đình họ sẽ ra sao, chắc chắn là điều không ai dám nói trước.

Có 9 thi thể được xác nhận là người ở các tỉnh xa gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam và Phú Thọ. Đến hết ngày 27/9, mới chỉ có 3 người trong số đó được người thân vào đón đưa về.

Khi nhận ra đúng con trai, kỹ sư Trần Quang Bình, mới 22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, bà mẹ Lê Thị Hạnh từ Quảng Nam vào đã ngã quỵ vì đau đớn.

Những nạn nhân khác đã được nhận diện nhưng chưa có người thân, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng lo ngay phương tiện và cử người tiễn đưa về đến tận quê nhà.

Những người thiệt mạng đều được đưa về quàn và nhận diện tại Quân Y viện 121 khiến nhà xác bệnh viện trở nên quá tải. Trong khả năng, chỉ có 10 thi thể được đưa vào phòng trữ lạnh. Số còn lại đều phải quàn tạm, mỗi thi thể có một băng keo đánh số và những thông tin khác để về sau bớt khó khăn khi nhận diện.

Đại tá, bác sĩ Trần Thanh Quang, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Những bác sĩ giỏi nhất tại đây đều phải đứng phòng mổ cả chục tiếng đồng hồ liên tục. Bản thân ông cũng đã phải mổ cấp cứu liên tục 4 ca chỉ nội trong chiều 26/9. Dù vậy, có quá nhiều ca nghiêm trọng nên con số nạn nhân tử vong vẫn tiếp tục tăng lên.

Đêm 27/9, khi chúng tôi rời xóm Rạch Tra thì đột ngột nghe cả xóm vỡ òa lên tiếng khóc thảm thiết. Các nhà nạn nhân trong xóm đều thắp thêm ngoài vườn đầu ngõ vài ba bóng đèn tròn. Ánh điện vàng vọt chập chờn trong tiếng khóc càng khiến xóm Rạch Tra thêm phần hiu hắt.

Có lẽ đêm sau nữa, rất nhiều người vợ, người mẹ trong ngõ xóm sình lầy sẽ phải ôm con vò võ với tiếng nấc. Vườn bưởi Năm Roi thiếu người chăm sóc, quả chín vàng không người thu hái rụng lũm bũm xuống lòng rạch, nghe càng thêm tan nát cả cõi lòng...

Ở hiện trường vụ tai nạn, công việc tìm kiếm những người bị kẹt trong đống bêtông sắt thép đổ nát vẫn tiếp tục với nhịp độ khẩn trương. Nhưng kết quả hạn chế...

Tính đến sáng ngày 28/9, vụ sập cầu Cần Thơ đã làm chết 48 người, gần 90 người bị thương, làm thiệt hại gần 40 tỉ đồng, và còn bao thiệt hại khác chưa tính toán được. Cả nước đã và đang chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân

.
.