Nghệ sĩ nghệ thuật truyền thống và con đường mưu sinh: Nước mắt lặn vào trong...

Thứ Ba, 23/06/2015, 17:55
Có lẽ chưa bao giờ sân khấu truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… lại chịu cảnh vắng vẻ, đìu hiu như bây giờ. Trên địa bàn thủ đô các nhà hát vẫn đỏ đèn chờ khách nhưng dường như, những chiếc vé được bán ra trong tuyệt vọng.

Rạp vắng khách, đồng lương nhà nước ít ỏi không đủ nuôi sống bản thân, các diễn viên sân khấu nghệ thuật truyền thống, dù có đam mê và yêu nghề đến mấy, cũng phải tìm mọi kế để mưu sinh trong cơn bão giá. Người thì đi hát phòng trà ca nhạc, các hội nghị, sự kiện, người thì chạy taxi, xe ôm, người thì đi làm MC đám cưới, người bỏ hẳn nghề xướng ca để được an phận đủ đầy hơn... Hầu hết họ phải kiêm thêm một nghề phụ, mà “chân ngoài dài hơn chân trong” để nuôi sống gia đình, có thêm thu nhập để chăm lo con cái học hành, cơm áo đủ ăn đủ mặc…

Chúng ta vẫn thường nói đến việc phát huy giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những nghệ sĩ “có tuổi” đã đành an phận với nghề nghiệp của mình mấy chục năm theo đuổi, song thực sự đang có một bộ phận các nghệ sĩ trẻ đam mê nghệ thuật truyền thống thực sự đang đi trên dây, mà nếu không cho họ một trụ bám để giữ thăng bằng thì rất khó để họ có thể bám trụ để đi hết chặng đường dài ở phía trước…

Đến khu tập thể Nhà hát Chèo Việt Nam ở khu Mai Dịch (Hà Nội) những ngày nắng nóng, mọi thứ trở nên quá chật chội, căn gác bé, cầu thang lem nhem đầy bùn đất, vết bẩn vì quá lâu ngày không được quét sơn lại hoặc chỉnh trang cho sạch đẹp.

Hầu hết mỗi căn phòng của các gia đình diễn viên, hoặc các nhóm diễn viên được ở khu tập thể chỉ rộng chừng 15m2, nên tất cả bếp ga, bếp than tổ ong, chạn bát, rổ rá… đều được để luôn tại hành lang. Đi qua từng ụ bếp được kê sẵn, nếu muốn đi nhanh bạn sẽ phải nghiêng người để không bị va chạm vào một vật dụng nào đó.

Những căn phòng yên ắng, đóng cửa, chỉ có lũ trẻ con được nghỉ hè tranh thủ chơi với nhau ở cầu thang, đứa nào đứa nấy đen nhẻm, mồ hôi nhễ nhại, thấy có khách, các cháu cười tươi đon đả, quên hết mọi cái nắng, cái nóng.

Căn phòng của nghệ sĩ Vũ Văn Đông nằm ở cuối cùng của dãy nhà trên tầng 3. Căn phòng rộng 15m2 được sắp xếp tối giản, đủ kê một chiếc giường, một tivi và dù chật nhưng vẫn có một gác xép nhỏ để đồ đạc và thêm một chỗ ngủ nếu có thêm khách. Căn phòng này dù nhỏ nhưng cũng được chia cho hai hộ gia đình. Cùng chung công trình phụ và bếp.

Anh Đông kể, trước kia có hai nữ diễn viên ở bên cạnh, nhưng họ đã chuyển ra ngoài vì chật chội. Một gia đình diễn viên khác được phân về đây, nhưng họ đã cho anh Đông ở vì anh ấy có điều kiện hơn. Thực tế cho thấy nếu hai gia đình ở cùng căn phòng chỉ 15m2 thì mỗi sáng, mỗi tối chờ nhau để sử dụng nhà vệ sinh và bếp để nấu nướng cũng đã tốn rất nhiều thời gian, chưa nói đến những bất tiện khác trong sinh hoạt.

Diễn viên Vũ Văn Đông.

May mắn vì được các bạn ở chung cho mượn lại phần của họ, vợ chồng anh Đông và hai đứa con một trai một gái có phần thoải mái hơn, nhưng khi có được một chỗ ở lại phải đối mặt với những vấn đề khác. Vợ anh, một diễn viên múa cũng từng làm việc ở Nhà hát Chèo cùng anh, nay đã phải nghỉ để đi ra ngoài làm cho một công ty sự kiện.

Anh chia sẻ: “Hai vợ chồng, nếu làm cùng nhà hát thì thực sự không đủ tiền trang trải cho gia đình. Lương của tôi, đến thời điểm này, sau gần chục năm làm việc  được 3 triệu đồng, mỗi ngày đi tập tính ra được 10 nghìn đồng cho một vở diễn, mỗi đêm đi diễn thì được 200 nghìn, dù ở xa hay gần, vợ tôi cũng được ngần ấy mà phải lo cho hai con ăn học, sinh hoạt ở đất Hà Nội thì không thể đủ. Cô con gái lớn tôi đã gửi về Thái Bình cho bà nội trông nom học hành, hai vợ chồng tôi ở trên này làm việc đủ để nuôi cậu con trai thứ hai bị tự kỷ. Đúng là trời không thương, con trai tôi lại bị căn bệnh mà đến nhà giàu cũng thấy tốn, nói chi đến vợ chồng tôi.

Để trang trải cuộc sống, tôi đi làm thêm MC đám cưới. Có người biết đến mình, ban đầu tôi ái ngại, nhưng rồi dần cũng quen, không đủ tiền để trang trải, lo cho gia đình thì phải vượt qua được những nỗi hổ thẹn, với lại, tôi cũng chỉ làm ngoài giờ, ưu tiên hàng đầu vẫn là công việc tại nhà hát.

Thực ra, tôi yêu nghề lắm, đam mê chèo từ hồi bé, được học đại học và rồi về làm ở Nhà hát Chèo là một niềm hạnh phúc, kể cả đến bây giờ, dù vất vả, tôi vẫn luôn yêu nghề, trọng nghề và mỗi khi đứng trên sân khấu thì hóa thân vào nhân vật một cách trọn vẹn để có thể tỏa sáng. Tôi đã tham gia hàng chục vở chèo, có được những giải thưởng, huy chương vàng.

Song thực sự mà nói, mình yêu nghề nhưng nghề chưa mang lại cho mình một cuộc sống đủ thôi, chứ chưa nói đến dư giả, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, đôi bên gia đình cha mẹ đều làm nông nghiệp, con cái thì bệnh tật. Là người đàn ông cầm trịch trong gia đình, lực bất tòng tâm nên đôi khi lòng tôi nặng trĩu, nước mắt lặn vào trong…”.

Đối diện với dãy nhà của nghệ sĩ Vũ Văn Đông, là căn phòng nhỏ xinh tương tự của vợ chồng nghệ sĩ Toàn - Hiền, họ cùng là diễn viên của Nhà hát Chèo Trung ương. Căn nhà mười mấy mét vuông nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, ngăn nắp. Ở cùng anh có mẹ già và hai con, con gái học lớp 7 và con trai học lớp 5. Hai vợ chồng anh vừa diễn mấy đêm vở chèo mới "Giọt lệ Tố Như" của nhà hát. Mệt mỏi sau nhiều tháng liền tập rồi diễn, chị Hiền đã bị ốm.

Anh Toàn chia sẻ: "Tôi đã công tác được 20 năm ở Nhà hát Chèo, thời xưa, khi đời sống chưa phát triển, công nghệ Internet, truyền hình chưa rầm rộ như bây giờ, chúng tôi cũng sống được với nghề diễn của mình, có nghĩa là còn có khán giả, còn có những hợp đồng biểu diễn, còn có đồng ra đồng vào dù vất vả để nuôi con.

Vợ chồng nghệ sĩ Toàn - Hiền trong vở diễn "Giọt lệ Tố Như".

Thời bây giờ, cảnh đìu hiu trên sân khấu khiến đôi khi chúng tôi phải chạnh lòng nghĩ ngợi và lo toan cho tương lai của nghề. Vé không bán được, đôi khi tặng khán giả còn ngại đến rạp, chủ yếu là các bác già, về hưu chứ, lớp trẻ thực ra cũng không mặn mòi gì với nghệ thuật hát chèo, ngẫm ra thì cũng xót xa lắm. Tôi ngoài việc làm diễn viên, phải làm thêm đủ nghề, từ làm sân khấu, ánh sáng, đạo cụ, hóa trang, cho thuê quần áo, phục trang biểu diễn…

Cái khó bó cái khôn, cứ phải xoay xở đủ thứ để có tiền nuôi con. Hai vợ chồng cùng ở nhà hát, có những thời điểm cùng đi diễn, đi tập, phải để con ở nhà tự trông nhau. May mà rồi chúng nó cũng tự lớn khôn.

Thực sự thì thời buổi này nghề nào cũng có cái khó cả, nhưng ngẫm lại, nghệ thuật truyền thống bao nhiêu năm vẫn thế, chúng tôi yêu nghề, say nghề, nhưng cuộc sống hiện tại thì hai vợ chồng lương 6 triệu bạc để sống là rất khó. Vợ tôi phải đi học thêm một bằng dược để đi bán thuốc Tây thuê những lúc rảnh rỗi. Nhiều bạn khác thì để lo cuộc sống cũng phải tự xoay xở đủ nghề. Mình chẳng ngại gì, nhưng may mà lên sân khấu hóa trang rồi cũng ít người nhận ra, chứ không thì hình tượng trên sân khấu, ở cái vai diễn của mình nó cũng mất thiêng đi.

Gia đình tôi, bố, chị gái, em trai đều là diễn viên chèo (ở Nhà hát Chèo Hà Nội) nên đối với tôi, nghề chèo nó thiêng liêng lắm, nó ăn vào máu từ khi còn trong bụng mẹ, nên xác định không bao giờ bỏ nghề, dù khó khăn cũng phải cố vượt qua. Nhưng đôi khi ngẫm ngợi, bảo nhau, cả đoàn mấy chục con người, tập trong nửa năm trời, kéo nhau đi diễn với đủ thứ hóa trang đạo cụ, xe cộ máy móc trong một ngày một đêm (diễn ở tỉnh xa) nhưng cát-xê không bằng một diễn viên nhạc nhẹ hạng trung biểu diễn một bài hát trong tích tắc trên sân khấu. Mọi sự so sánh là khập khiễng, song cũng phải thấy được sự chênh lệch rõ rệt giữa vòng xoáy thị trường, điều mà không phải ai cũng hiểu để chấp nhận nó”.

Những đứa trẻ ở khu tập thể Nhà hát chèo.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều diễn viên trẻ học các chuyên ngành về nghệ thuật truyền thống đã… bỏ nghề ngay từ khi mới "chân ướt chân ráo" vào nghề, đơn giản bởi vì họ không thể bám trụ được cuộc sống bấp bênh với đồng lương eo hẹp, nhà tập thể đã hết, hầu hết những người theo đuổi nghệ thuật truyền thống lại là những người ở tỉnh xa về Hà Nội lập nghiệp, ăn còn chưa đủ, biết bao giờ họ mới có tiền mua nhà, mua xe?

Nhiều cặp đôi nghệ sĩ cũng không thể bền vững vì họ không thể "đồng cam cộng khổ" để đi đến cuối con đường. Nhiều người đi làm thêm bằng những thứ gần hơn với nghề như đi hát văn, hát chèo cổ ở các hội nghị, hội thảo, nhiều người thì sang hẳn một nghề khác như kinh doanh tự do, chạy taxi, làm MC.

Chị Thu Hiền, diễn viên của nhà hát đã chia sẻ: "Đôi khi đang diễn trên sân khấu, nghĩ đến hóa đơn tiền điện, tiền nước, tiền đóng học cho con đã hoảng hồn, vì chưa biết xoay xở như thế nào. Nói là phải toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật, song, "cơm áo không đùa với khách thơ", nếu không có tiền mua gạo cho con thì người diễn viên không thể thăng hoa trên sân khấu được. Đôi khi có những hoàn cảnh rất thật, là câu chuyện về nỗi khổ phải lăn lộn trong cuộc đời nghệ sĩ, diễn khóc là khóc cho nỗi lòng của mình, cho nghề nghiệp định mệnh của mình.

Chúng tôi sẵn sàng sống chết với nghề, tận hiến cho nghề, nhưng mong sao các cấp lãnh đạo quan tâm đến nghệ thuật truyền thống để đời sống anh em bớt khó khăn. Thật sự là chẳng dám trông xa, chỉ dám nhìn những người sống quanh mình để tự an ủi rằng, mình vẫn còn một công việc để làm, để đam mê, nhưng nhìn xa thì tương lai con cái và đời sống trước mắt cho một môn nghệ thuật truyền thống đang dần bị mất dần ý nghĩa trong đời sống cũng thấy buồn lắm.

Khi được hỏi về một con đường sáng cho tương lai phía trước của Nhà hát Chèo. NSƯT Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam chia sẻ: “Bản thân tôi, để cáng đáng và vận hành một cỗ máy 150 con người trong thời cơ chế thị trường khó khăn thế này đối với tôi là một công việc thực sự vất vả. Dù là nhà hát chèo quốc gia được Nhà nước quan tâm rất nhiều nhưng thực tế là cũng chưa sâu sát, chưa có trọng điểm. Ngoài lương thì nguồn kinh phí Nhà nước cấp cho tập luyện, biểu diễn quá thấp nên không đủ để vực dậy những tài năng say nghề.

Nghề hát không chỉ cần hát mà còn cần giữ một ngoại hình, vóc dáng, phải đẹp, phải phấn son quần áo… phải giữ hình ảnh đẹp trước công chúng, thì với đồng lương là 20 nghìn một ngày tập luyện, 50-100 nghìn một buổi biểu diễn họ không yên tâm để sống được. Chúng tôi không ỉ lại mà đã làm mọi điều để vực dậy cái nghề mà mình đam mê nhưng chỉ bản thân nghệ sĩ cố gắng thôi chưa đủ.

Thiết nghĩ, Nhà nước có lẽ nên đầu tư sâu hơn, trực tiếp hơn cho anh em nghệ sĩ để họ yên tâm làm việc mà không phải thấp thỏm chờ "sô" diễn bên ngoài, thì mới vực dậy được nghệ thuật truyền thống đã có từ ngàn đời của dân tộc ta…”.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.