Nuôi sinh vật ngoại lai: Coi chừng “kế đà đao”

Thứ Tư, 23/04/2014, 07:40

Nhân vật Robinson Crusoe, khi bị lạc một mình trên hoang đảo, đã phải tự học cách đóng chuồng, nuôi dự phòng lấy mấy con dê... Có điều là nếu như Robinson biết rõ mình đóng chuồng nuôi dê để làm gì và kiểm soát được chúng, thì các "phong trào" nuôi, tạm gọi là các sinh vật ngoại lai ở ta thời gian qua, lại chủ yếu dựa vào những lời hứa hẹn bao tiêu sản phẩm rất mơ hồ từ các thương lái nước ngoài, cũng mơ hồ không kém!

Hốt bạc từ nuôi "động vật thời tiền sử"?

Cho đến thời điểm này, câu chuyện về những con gián đất có thể tạm thời khép lại. Cũng may là khá kịp thời. Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh về việc địa phương này xin ý kiến chỉ đạo về mô hình nuôi gián đất.

Văn bản nêu rõ: Trong khi chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi của gián hay hiệu quả của nó thì đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất trên địa bàn, đồng thời kiểm điểm rút kinh nghiệm về trách nhiệm quản lý của các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Như Chuyên đề ANTG đã đề cập, gián là loại côn trùng có thể làm trung gian truyền một số bệnh nguy hiểm như tiêu chảy, dịch tả và là loài gặm nhấm có sức tàn phá không hề nhỏ bởi "khả năng tác chiến" của nó rất đa dạng và số lượng cá thể cực lớn, sinh sôi nảy nở rất nhanh, trung bình mỗi kilôgam trứng gián có khả năng sinh sôi ra 16.000 con gián con. Tính trung bình mỗi kilôgam trứng gián như thế có thể thu được 40 - 50kg gián khô. Nếu chẳng may số gián này không được thu mua đúng thời điểm mà vì một lý do nào đó chúng phát tán ra ngoài môi trường, trở thành trung gian truyền bệnh và gặm nhấm phá hoại, thì hậu quả sẽ thế nào?

Hôm các lực lượng chức năng của tỉnh Bắc Ninh tổ chức tiêu hủy toàn bộ số gián đất, trứng và vật dụng gây nuôi, khét lẹt cả một góc trời... Nghe đâu vẫn còn vài khúc mắc giữa cơ quan quản lý đầu tư của tỉnh này với hộ chăn nuôi gián kia. Thiết nghĩ dại thì đã dại rồi. Tiền mất thì đã mất rồi. Mong sao các bên sớm đi đến sự dàn xếp ổn thỏa, vì lợi ích cộng đồng trên hết. Chỉ có điều, qua câu chuyện của "loài động vật từ thời tiền sử" này, người ta lại một lần nữa đặt vấn đề: Các cơ quan khuyến nông, các nhà khoa học ở đâu mà cứ để người chăn nuôi mãi bị thua thiệt như thế?

Gián đất, chồn nhung đen, chuột hải ly, ốc bươu vàng… Vật nuôi tuy có khác nhau, thời điểm có khác nhau song nếu xét về bản chất vấn đề cũng như diễn biến vụ việc thì lại gần như giống hệt nhau. Bắt nguồn từ thương lái nước ngoài, người ta rỉ tai nhau về tương lai "hốt bạc tỉ" nhờ nuôi con này, con nọ, và rằng có bao nhiêu thì sẽ "bao tiêu" hết. Thế rồi lén lén lút lút nhập về, nhân giống tới tấp… Mà nào có ai biết thương lái nước ngoài kia mồm ngang mũi dọc ra sao? Toàn là người trong nước, hám lợi, mua đi bán lại của nhau mà đội giá lên đến chóng mặt.

Để đến lúc cơ quan hữu trách vào cuộc, thì tiền đã mất rồi. Chưa kể phần khắc phục thiệt hại do loại sinh vật ngoại lai ấy xâm hại ra môi trường thì cho đến nay chưa từng thống kê nổi. Làm giàu thì ai chẳng ham? Nhưng cái chính là mù mờ, thiếu thông tin. Một chút định hướng lại càng không. Nuôi trồng một thứ mà đến chính mình cũng không biết người ta mua nó để làm gì, dùng vào việc gì thì bảo sao không lãnh "quả đắng"?

Khoảng cuối thập niên 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều nơi ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, rộ lên phong trào nuôi chó Nhật. Có thể hình dung thế này: Vàng hồi ấy khoảng trên dưới 400 nghìn đồng/chỉ. Nhưng một con chó Nhật đẹp có thể bán 4 - 5 triệu đồng là chuyện bình thường. Loại trung bình từ 2 - 3 triệu đồng một con. Một con chó Nhật cái tốt, có thể đẻ trung bình 6 đến 8 con chó con mỗi lần. Cá biệt có lứa lên tới 11, 12 con. Chó thuộc dạng đẹp, lông xù trắng muốt không tì vết có thể làm chó giống, bán cả chục triệu đồng.

Con chó có giá trị đổi đời như thế nên hồi ấy có nhiều nhà, nói không ngoa, cưng chó hơn cưng con. Con có thể mắng, chó thì không! Chó mà đẻ, lồng phải kê ra giữa nhà để trông chừng kẻo bị chuột lên cắn. Người đi ngủ, phải mắc màn cho chó trước. Trứng vịt lộn, người có thể nhịn ăn, nhưng chó đẻ thì không thể không, kẻo nó thiếu canxi, con bú không lớn, lứa sau cũng kém. Nhà nuôi chó đực giống, phải có sổ hẹn cẩn thận, kẻo hẹn nhầm, trùng ngày hoặc sát nhau quá thì… hại chó! Chó đực "hành sự" xong là phải có ngay quả trứng để húp sống, bữa ăn phải có thịt bò, phổi lợn tươi…

Nhà có chó cái phải tính trước ngày sa-lo (động đực) để hẹn chó giống. Chó mang đi phối giống tùy theo thỏa thuận trước, hoặc trực tiếp trả bằng tiền, hoặc khi nào chó đẻ đến lúc xuất chuồng, nhà có chó giống sẽ được quyền bắt không một con, bất kể con nào và là người bắt đầu tiên. Chó mà ốm, cả nhà lo sốt vó… Đấy là những câu chuyện thật 100%!

Nhưng rồi cái gì đến cũng sẽ phải đến. Giá chó rớt dần. Từ 4 - 5 triệu đồng một con chó đẹp, xuống 3 triệu, 1 triệu, vài trăm ngàn trong khi những con bình thường đem cho không ai lấy. Là bởi vì chỗ nào cũng chó Nhật cả. Nhà nào không nuôi trước giờ vẫn không nuôi. Nhà nào muốn nuôi hoặc có thể nuôi, thì đều đã có cả rồi. Lúc ấy nhiều nhà mới vỡ lẽ rằng nguồn đưa chó sang Trung Quốc đã dừng mua từ lâu. Còn lại người mình cứ tự đùn giá lên mà mua đi bán lại với nhau cả.

Bây giờ, người ta vẫn nuôi chó Nhật. Và giá cũng không rẻ. Nhưng cái chính là con chó Nhật đã trở về đúng với vị trí của nó: là bạn của người nuôi, làm cảnh, giữ nhà. Cũng còn may, con chó Nhật không đến nỗi quá nguy hại như những loại ngoại lai trên kia bởi với một mức độ mù mờ dày đặc và gần như không có một động thái định hướng, ngăn chặn nào như đã từng, thật không biết hậu quả sẽ đến đâu?

Cảnh giác không thừa!

Câu chuyện con ốc bươu vàng gần đây lại có vẻ "nóng" lên với thông tin ở một số tỉnh phía Nam, đặc biệt là Hậu Giang, nhiều người bỏ cả công cả việc, đổ xô đi bắt ốc bươu vàng đem bán. Sau cơn đại dịch lần trước, ốc bươu vàng đã có thể bán được giá chừng 2.000 đồng/kg, chủ yếu làm thức ăn gia súc, thì gần đây, bỗng nhiên giá ốc lại vọt lên đến 18, 20 nghìn đồng/kg. Nghe đâu, (lại là nghe đâu), ốc do thương lái nước ngoài mua gom? Khác với lần trước mua sống, lần này ốc bươu vàng bắt được muốn bán, phải “sơ chế”…

Đã có cơ quan báo chí vào cuộc điều tra và đưa ra kết quả rằng chẳng phải ốc bươu vàng lần này được thương lái nước ngoài mua gom gì cả, mà chính là lái buôn trong nước thu mua để bán cho… các cửa hàng bún ốc, chả ốc thay cho ốc bươu ta, có vẻ như đang bị khai thác quá mức và dần tuyệt diệt bởi thuốc trừ sâu? Nếu đúng như vậy thì đây rõ ràng là một hình thức gian lận thương mại cũng như vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cần phải được làm rõ. Ốc bươu vàng, ngoài tác hại tàn phá mùa màng một cách "đáng nể" như đã biết, thì còn hơn hẳn ốc bươu ta về khả năng sinh tồn.

Thay vì chết ngay lập tức khi gặp phải thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ như ốc bươu ta, ốc bươu vàng lại có khả năng cô lập và giữ lại liều lượng nhất định những thứ này trong dạ dày (chính là phần vạch vàng có thể nhìn thấy từ mồm, phần đầu của con ốc) và tiếp tục… sống khỏe! Chính vì thế, ăn ốc bươu vàng mà không bỏ phần dạ dày màu vàng của nó ra, thì chẳng khác nào ăn thuốc độc, nhất là với con ốc được bắt từ những cánh đồng vừa phun thuốc.

Và nguy hiểm hơn nữa, đó là một khi để mặc cho tự phát, bán được giá cao, liệu người nông dân có lại một lần nữa ham cái lợi trước mắt mà lén lút nuôi trồng ốc bươu vàng nữa hay không? Rồi lại tốn biết bao nhiêu tiền để tuyên truyền, để dập dịch? Không đùa với câu chuyện "thương lái nước ngoài" nữa được đâu!

Việt Ba
.
.