Nuốt mật cá trắm chữa bệnh: Đùa với tử thần

Thứ Hai, 14/04/2014, 06:45

Cuối tháng 2 vừa rồi, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo người dân không được tự ý sử dụng mật cá trắm để chữa bệnh nếu không muốn tổn hại sức khỏe và tính mạng. Theo khuyến cáo này, mật cá trắm mà nhiều người sử dụng để tiêu diệt các chứng bệnh nan y hay để tăng cường sức khỏe này nọ có độc chất làm người nuốt vào bị ngộ độc nặng. Khuyến cáo này được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, nhiều bệnh viện trong cả nước liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc mật cá trắm mà bệnh nhân khi được đưa đến cấp cứu ở trong tình trạng nguy kịch như suy hô hấp, suy thận nghiêm trọng.

Theo ghi ghận của Cục An toàn thực phẩm, độc tố nằm trong mật cá trắm là chất 5x Cyprinol. Khi xâm nhập vào cơ thể người, tùy liều nặng nhẹ mà độc chất này gây tổn thương, làm viêm gan, thận. Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, túi mật của một con cá trắm nặng 3kg có thể gây tử vong cho người sau 2 ngày nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Đây không phải lần đầu tiên ngành y tế đưa ra khuyến cáo trên. Những năm trước, thông điệp tử thần từ mật cá trắm đã được gióng lên nhiều lần nhưng tiếc rằng thông điệp đó vẫn không đủ sức thức tỉnh nhiều người thiếu hiểu biết.

1. Hơn 10 năm trước, khi tham gia Dự án đưa 500 trí thức trẻ tình nguyện về công tác 2 năm tại 10 tỉnh vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn trong cả nước do Trung ương Đoàn phát động, tôi được biên chế về xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Đây là xã thuần nông, sinh kế của người dân chủ yếu là trồng lúa và nuôi tôm cá nước ngọt. Đàn ông ở Tân Phú cũng như nhiều xã khác của huyện Thới Bình nói riêng và tỉnh Cà Mau nói chung rất hào sảng và nhậu rất dữ. Họ nhậu mọi lúc, mọi nơi và nhờ sản vật trù phú nên mồi nhậu rất "oách" như tôm, cua, rắn, lươn, ếch, chuột... cùng các loài cá nuôi trong ao nhà hay đánh bắt từ các kênh rạch, trong đó có cá trắm cỏ. 

Không như tôm, cua, ếch, chuột..., với mồi nhậu là rắn và cá trắm cỏ, các bợm nhậu bao giờ cũng giữ lại cái mật ưu tiên cho gia chủ, khách quý hay bậc cao niên nhất trong mâm. Chuyện người ta lấy máu - mật rắn hòa vào rượu uống với những tin giúp bổ khỏe thì ai cũng biết. Nhưng nuốt mật cá thì hơi bị lạ và càng lạ hơn khi sau đó tôi biết có không ít mày râu ở vùng đất này sùng tượng mật cá trắm không kém gì mật rắn. Lắm ông lúc ngà ngà xem mật cá trắm như là phương dược siêu đẳng giúp "chim le le" như mình trở thành đại bàng phòng the thứ thiệt.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ lời tự sự ấn tượng của ông Khang, chủ một đìa cá, một người vốn dĩ rất "ái mộ" mật cá trắm. Ông này tâm sự thi thoảng cũng nuốt cái mật cá trắm để trước khỏe gân cốt, sau tinh lực dồi dào. Theo ông Khang, trào lưu nuốt mật cá trắm để chữa bệnh cùng tăng lực được người này truyền cho người kia đã trở nên phổ biến, lúc đầu ông thấy ngồ ngộ nhưng sau thấy ai lúc làm thịt cá trắm cũng dành cái mật để nuốt cho khỏe, cho đẹp nên bắt chước nuốt theo. "Tui mới nuốt có 2 cái hà, mới có ngần đó chưa thấm tháp gì, nghe đâu phải nuốt cỡ chục cái thì mới phát huy tác dụng" - ông Khang kể.

Quanh chuyện các ông, mà chủ yếu là cánh nông dân, người lao động ở các miền quê khắp từ Nam chí Bắc hăng hái nuốt mật cá trắm đã lộ ra nhiều chuyện nực cười. Điều đó được biểu hiện cụ thể qua tâm sự của những người trong cuộc: "Mấy cha nhà giàu ở phố lắm tiền thì chơi sừng tê giác, ăn tay gấu, ăn đông trùng hạ thảo… này nọ, chứ dân quê, làm gì có tiền mà dám rớ mấy thứ toàn tiền triệu đó... Ở quê ngày trước muốn khỏe gân cốt thì soi rắn về hầm sả rồi nhâm nhi với túi mật pha rượu của chính nó. Bây giờ do bị dân xung điện càn dữ quá, con rắn bé xíu xiu còn kiếm hổng có thì lấy đâu mật mãng xà để mà nuốt mà sung... May nhờ có con trắm cỏ".

Có "xuất thân" từ Trung Quốc, cá trắm có thể nặng đến 50kg.

2. Dân nuốt mật cá trắm tin rằng cá trắm là loài cá đặc biệt, chúng được trời ban cho năng lực phi phàm giúp đàn ông trở nên “hoàn hảo” trong mắt của người phụ nữ: "Tùy con lớn nhỏ mà cấu hình cái mật có khác nhau, con nhỏ thì mật cỡ đốt ngón tay út, con lớn thì mật cỡ đầu ngón tay cái hổng chừng… Cách thức nuốt mật nó đơn giản thôi: xẻo lấy cái túi mật bỏ vào rượu ngâm cho nó săn lại rồi bỏ tọt vào miệng. Trường hợp muốn hấp thu nhanh thì dùng dao nhọn rạch một đường nhưng ít ai chơi cái kiểu này bởi mật cá trắm tanh lắm, xông lên óc chịu hổng nổi" - một bợm nhậu kiêm "tín đồ" của mật cá trắm tên Minh, 42 tuổi, nhà ở phường Long Bình, quận 9, thổ lộ.

Những thông tin bên lề quanh chuyện nuốt mật cá trắm của các bợm để được trở thành chiến binh phòng the, cho biết họ nuốt mật cá trắm mọi lúc mọi nơi, thích là nuốt, có ông còn có kiểu suy nghĩ "nuốt càng nhiều càng tốt" bởi "nó chẳng độc hại gì". Và cũng vì tin mật cá trắm giúp tăng cường sức khỏe nên mới có chuyện khi tiếp khách quý, đích thân gia chủ ra ao kéo lưới cá trắm, mổ lấy cái mật tặng bạn để tỏ thịnh tình…

Không chỉ cánh mày râu, nhiều chị em, cụ già, em nhỏ... cũng là "đối tác" chiến lược của mật cá trắm cỏ. Lương y Nguyễn Thái Bình (Hội Đông y TP HCM) cho biết từ nhiều năm qua, chẳng biết lấy cơ sở từ đâu mà người ta truyền cho nhau kinh nghiệm chết người là dùng mật cá trắm chữa bệnh: "Người này nói với người kia, cứ vậy một đồn trăm để rồi hầu như ai quan tâm đến chuyện sức khỏe ở nông thôn biết về cá trắm cỏ cũng đinh ninh mật của loài cá này là thần dược. Có người nuốt mật cá trắm trị hen suyễn, ho kinh niên, suy nhược cơ thể. Lại có người bị đau lưng, đau bụng thay vì đi khám bệnh thì tự ý điều trị bằng cách nuốt mật cá trắm".

Bác sĩ Trương Thế Dũng, Trưởng đoàn Y bác sĩ tình nguyện Niềm Tin, kể cho tôi nghe một trường hợp mà anh từng tiếp xúc liên quan đến một phụ nữ tên T. 40 tuổi vốn bị ám ảnh về chuyện nhan sắc để được đen tóc, trắng da đã tích cực nuốt mật cá trắm để rồi bị viêm cầu thận cấp. Do biến chứng quá nặng vì nuốt cái mật con cá trắm nặng đến hơn 5kg nên khi được đưa đến bệnh viện, dù cứu được mạng sống của bệnh nhân nhưng các bác sĩ đành bó tay trước chứng suy thận. Giờ đây chị T. phải chịu cảnh chạy thận một tuần 2 lần.

Theo bác sĩ Dũng, không chỉ gây suy gan, thận, với người có thể trạng yếu, hay có tiền sử về các bệnh, gan, thận, tim nếu nuốt mật cá trắm thì khả năng và thời gian tử vong do ngộ độc rất nhanh: "Ngành y tuyên truyền rất nhiều về chuyện mật cá trắm không phải vị thuốc nhưng dường như các biện pháp tuyên truyền không mấy hiệu quả khi vẫn có người bị ngộ độc và tử vong do nuốt mật cá trắm để chữa bệnh đầy hơi, đau bao tử...".

Việc sử dụng mật cá trắm và các loài động vật khác đã khiến nhiều người phải trả giá bằng mạng sống.

3. Theo như những khuyến cáo của ngành y tế thì mật cá trắm là túi thuốc độc nhưng vì sao nhiều người vẫn sử dụng?! Với suy nghĩ người ta liều mạng, nuốt mật của loài cá này phải xuất phát từ cơ sở niềm tin nào đó nên PV Chuyên đề ANTG vào cuộc và phát hiện ra rằng cơ sự bắt nguồn từ sự nhầm lẫn chết người của chính người trong cuộc khi không hiểu rõ lời ghi của các danh y trong các y văn y học cổ truyền nên "truyền bá" trật nhịp!

Tiến sĩ sinh học Võ Văn Chi ghi, cá trắm có 2 loài là cá trắm cỏ và cá trắm đen. Cá trắm cỏ là giống du nhập, có xuất thân từ Trung Quốc và có mặt ở Việt Nam từ năm 1937, đến năm 1967 thì các kỹ sư ngư nghiệp đã có thể cho cá trắm cỏ đẻ nhân tạo. Theo tiến sĩ Chi, bộ phận dùng của cá trắm cỏ là thịt (hoản ngư, dùng trị hư lao, sốt rét, ăn uống không tiêu) và mật gọi là Hoản ngư đảm dùng trị đau tắc họng và hóc xương cá.

Với cá trắm đen, đây là loài cá bản địa, thường gặp ở hạ lưu các sông lớn và nuôi ở các ao hồ, đầm ruộng, sông cụt… và là loài được sử dụng làm thuốc phổ biến hơn cá trắm cỏ.

Đông y gọi cá trắm là thanh ngư, khí bình, vị ngon ngọt, không độc với công hiệu chữa được các chứng cước khí, tê thấp, giúp ích cho tim. Mật cá trắm đen được gọi là thanh ngư đảm, giúp chữa được các chứng bệnh đau cổ họng, lên mụn, yết hầu, chữa được người đau mắt có màng mộng và chứng nóng quá hóa lở: "Mật thanh ngư chủ trị những chứng ác sang, hòa nó với vôi mà bôi vào chỗ lở. Người đau cổ họng hoặc sưng đau hòa nó với bột bạch phấn phơi khô chỗ bóng mát dùng một chút thổi vào được là khỏi hay lấy mật cá phơi khô hòa với mật ong ngậm là thông. Người bị hóc xương cá dùng một chút mà ngậm rồi nuốt dần xuống thì xương xuôi ngay".

Trên đây là ghi chép của Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh trong cuốn “Dược tính chỉ nam”. Một số sách cổ mà chúng tôi tiếp cận ghi bên cạnh phần nhục (thịt - PV), xương óc cá trắm (thanh ngư đầu trung chẩm) cũng có tác dụng chữa bệnh (nấu chín ăn giúp thông khí). Thậm chí nước cốt trong mắt cá trắm mà đông y gọi là thanh ngư nhãn tình trấp cũng có tác dụng chữa bệnh. Đông y sĩ Hạnh Lâm - Nguyễn Văn Minh giải thích vì sinh thời cá trắm chỉ thích ăn trai, sò, ốc, hến, vẹm nên có khả năng làm sáng mắt. Khi dùng chỉ cần lấy nước cốt con ngươi mắt cá trắm nhỏ vào mắt thì đi đêm trông vẫn rõ.

"Thanh ngư tục gọi là cá trắm/ Vị ngọt, khí bình, không độc lắm/ Ích khí, chữa luôn đau cước khí/ Đởm đau, mắt mờ, tiểu tiện cấm".

Đấy là ghi chép của Danh y Hải Thượng Lãn Ông trong quyển thượng. Còn trong quyển hạ, cụ nói rõ về giá trị cũng như cách dùng mật thanh ngư (thanh ngư đảm): "Thanh ngư mật cá trắm giang hồ/ Mua lấy đem về và để khô/ Chữa kẻ té cây cùng nhiệt độc/ Vì chưng tính phó thủy ngao du". Danh y Hải Thượng Lãn Ông lưu ý cá trắm chỉ dùng tốt vào tháng Chạp, khi ăn tuyệt đối kiêng tỏi và rau quì, và người đang uống bạch truật cũng kiêng đụng đến. Và với cái mật của nó, các danh y lưu ý muốn dùng làm thuốc phải mang phơi khô trong bóng mát để dành dùng dần.

Theo Đông y, thịt cá trắm có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí hóa thấp.

Vậy đó, đúng là các danh y xưa có sử dụng mật cá trắm để chữa các chứng bí tiểu, đau họng, thanh nhiệt... và chuyện chỉ dừng lại ở đó, không có chuyện tăng lực, chữa đau bao tử, hen suyễn, suy nhược này nọ. Các danh y cũng nói rõ mật cá trắm khi muốn sử dụng phải phơi khô, sử dụng với liều lượng thấp chứ không nuốt tươi và nuốt nguyên cái như nhiều người đã làm.

Tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả cuốn “Từ điển Động vật và Khoáng vật làm thuốc” lưu ý: "Dùng mật cá trắm khi đã phơi khô và dùng với lượng rất hạn chế khi uống chứ không thể sử dụng một cách bừa bãi, dẫn đến những triệu chứng phù nề, khó thở do suy thận cấp, có thể dẫn đến tử vong".

Khép lại câu chuyện mật cá trắm, một lương y nói rằng đúng là ngày trước, các cụ lương y xem mật của loài cá này là vị thuốc dùng chữa trị một số chứng bệnh chứ không phải đụng bệnh gì cũng uống như nhiều người lầm tưởng. Và cũng theo vị lương y trên, thuở xa xưa, do y học kém phát triển nên các thầy thuốc đã phải vận dụng, tận dụng mọi cách, vị thuốc để chữa bệnh cho người dân. Bây giờ, y học phát triển, nhiều chứng bệnh từng một thời là chứng nan y nay đã được Tây y chữa trị hiệu quả, nhanh chóng, ít tốn kém nên không nhất thiết phải áp dụng các bài thuốc xưa, ví như bài thuốc mật cá trắm bởi ngoài độc chất nguy hại, hiện nay do ô nhiễm môi trường nên biết đâu trong mật loài cá này có nhiều loài ký sinh, do vậy ai đó nuốt vào không ngộ độc, tử vong mới lạ!

N - Thành Dũng
.
.