Ồ ạt đưa khách du lịch ra nước ngoài: Mạnh ai nấy làm?

Thứ Bảy, 06/04/2019, 12:31
Bình quân mỗi ngày, Tổng cục Du lịch ký từ 10 - 15 giấy phép hoạt động lữ hành quốc tế nhưng không nắm được năng lực thực tiễn, đội ngũ nhân lực của các doanh nghiệp này như thế nào. Trong khoảng 2.300 công ty lữ hành quốc tế đang hoạt động thì có đến 70-80% hoạt động đưa khách du lịch từ Việt Nam ra nước ngoài (du lịch outbound).

Số lượng người Việt đi du lịch nước ngoài ngày một cao, lên đến 10 triệu lượt  người/năm 2018. Du lịch outbound đang phát triển rất nhanh nhưng thiếu định hướng.

Sự giật mình… muộn màng!

Số lượng người Việt đi du lịch nước ngoài đang tăng lên nhanh chóng, bình quân từ 10% đến 12%/ năm. Riêng năm 2018, Việt Nam có gần 4 triệu lượt người đi du lịch Trung Quốc, hơn 1 triệu lượt người đi du lịch Thái Lan, 400.000 lượt người đi du lịch Nhật Bản, 450.000 lượt người đi du lịch Hàn Quốc (tăng gấp 3 lần so với năm 2015)…

Hàng loạt các quốc gia, vùng lãnh thổ đang đẩy mạnh các chính sách nhằm thu hút người Việt đến du lịch. Visa đi Pháp đã dễ dàng hơn nhờ chủ trương thu hút khách Việt. Hàn Quốc, Nhật Bản... cũng đều có chủ trương, chính sách đẩy mạnh khai thác nguồn khách đến từ Việt Nam.

Tương ứng với sự tăng trưởng này, số lượng các đơn vị lữ hành quốc tế hoạt động outbound đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính hiện nay có khoảng 2.300 công ty lữ hành quốc tế và 70% đến 80% doanh nghiệp này hoạt động du lịch outbound, nhưng chưa có biện pháp quản lý tốt.

Người dân đổ về Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam 2019 tìm kiếm sản phẩm du lịch mới.

Sự kiện 700 khách Việt Nam bị hướng dẫn viên bỏ rơi ở Bangkok, Thái Lan, 52 khách Việt bỏ trốn tại đảo Jeju, Hàn Quốc và mới đây nhất là 152 du khách Việt bỏ trốn tại Đài Loan, du khách Việt gặp nạn tại Ai Cập do khủng bố… cho thấy nhiều vấn đề của du lịch outbound. Nếu không làm tốt, đây là hoạt động sẽ để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Thực tế, các vụ việc liên quan đến du khách Việt ở nước ngoài cho thấy, du lịch outbound không chỉ đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn mang ý nghĩa về giao lưu văn hóa, xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Hệ quả của nhiều vụ việc cho thấy, đó không chỉ là những chính sách từ các quốc gia tác động tiêu cực cho chính ngành du lịch, các đơn vị hoạt động lữ hành outbound hay  làm méo mó hình ảnh đất nước, con người Việt Nam mà còn là câu chuyện quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài.

Đó là chia sẻ và cũng là khẳng định của ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi trao đổi về cơ hội và thách thức của hoạt động du lịch outbound. Đây cũng là lần đầu tiên hoạt động này được Hiệp hội và Ban Kinh tế Trung ương đưa ra bàn thảo chính thức sau nhiều năm gây tranh cãi.

Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Hanoi Redtour cho biết, bình quân hiện nay, đơn vị tăng trưởng 30%/năm về outbound. Du lịch outbound tại Việt Nam nói chung đang phát triển rất nhanh nhưng chưa nhận được sự quan tâm cần thiết về mặt quản lý các đơn vị hoạt động lữ hành cũng như quản lý, bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hình ảnh Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài các sản phẩm du lịch thông thường, hiện nay, du lịch có rất nhiều sản phẩm khác, đặc trưng hơn như du lịch ra nước ngoài chữa bệnh, du lịch ra nước ngoài thẩm mỹ.

Đây là những vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, sức khỏe của người Việt nhưng chưa được quan tâm quản lý cũng như có những biện pháp cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng trong nước. Trong khi đó, du lịch outbound không chỉ có có doanh nghiệp Việt Nam mà rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.

Tình trạng, có nhiều công ty du lịch nước ngoài vào làm chui tại Việt Nam, đưa khách ra nước ngoài, thường tập trung cho các thị trường phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là hệ quả từ sự thiếu quan tâm sát sao đến du lịch outbound thời gian qua. Nếu không kiểm soát chặt, việc này không phải chỉ khó bảo vệ các đơn vị du lịch Việt Nam chân chính mà còn khó bảo vệ người du lịch Việt.

Chưa kể, du lịch outbound đang rất phát triển nhưng nguồn nhân lực thì chưa phát triển tương xứng, đào tạo về du lịch hiện nay. Toàn bộ tài liệu để phục vụ học tập ở trong trường đều không có về du lịch outbound. Với các hướng dẫn viên, trong đào tạo, cấp chứng chỉ cũng mới đề cập đến các vấn đề của Việt Nam, kể cả thi cấp chứng chỉ hướng dẫn viên quốc tế thì nội dung cũng chưa có, chưa đề cập đến điều kiện, kiến thức về outbound như thế nào.

Kiểm soát thị trường du lịch outbound

Ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Tictours Travel Nha Trang đặt vấn đề: Lâu nay chúng ta thường bỏ quên outbound và du lịch outbound đóng góp đáng kể cho du lịch nước nhà. Tại Nha Trang, thị trường Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc mới nở rộ vài năm nay.

Đặc biệt là tháng 12-2017, khi có đường bay thẳng Cam Ranh đến Incheon, Hàn Quốc, xu hướng người Việt ở Nha Trang và vùng phụ cận đi du lịch nước ngoài tăng rất mạnh. Ngược lại, khách Hàn Quốc đến Nha Trang và lượng khách từ Nha Trang đi Hàn Quốc tăng rất nhanh. Mỗi ngày có khoảng 10 chuyến bay đến Incheon.

Dự kiến, đến tháng 7-2019, sẽ có thêm đường bay thẳng từ Cam Ranh đến Bussan, lượng khách hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc còn tăng cao hơn, tác động trực tiếp đến tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đó là còn chưa kể việc du khách trong nước, trước khi ra nước ngoài phải sử dụng dịch vụ tại sân bay và nhiều dịch vụ khác.

Ví dụ ở Nha Trang, trước kia muốn bay ra nước ngoài phải ra tận Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, thậm chí là phải ngủ lại 1 đêm, phải sử dụng dịch vụ khách sạn, dịch vụ đưa đón ra sân bay, có một ngày hoặc nửa ngày đi city tour. Việc sử dụng dịch vụ này chính là đóng góp cho ngành du lịch trong nước. Khách đi du lịch nước ngoài mua vé máy bay của các hãng hàng không Việt Nam nhưng những đóng góp này không được ghi nhận.

Các đoàn khách người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều.

Cũng theo ông Thắng, vì không nhìn nhận vai trò của du lịch outbound nên có thời gian chúng ta nới lỏng về công tác quản lý. Cũng có thể một phần do đội ngũ những người trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực du lịch, còn nhiều hạn chế, người ít, chỉ quản lý về du lịch inbound đã không đủ. Điều này dẫn đến tình trạng có rất nhiều công ty không đủ chức năng, không đủ điều kiện tổ chức các đoàn khách ra nước ngoài vẫn ngang nhiên hoạt động du lịch outbound. Khi sự cố xảy ra, nhiều người mới biết.

“Tại sao chúng ta biết mà không ngăn cản ngay từ đầu để làm giảm bớt hình ảnh xấu xí của người Việt Nam ở nước ngoài. Vai trò của Hiệp hội Du lịch Việt Nam ở đây là rất lớn. Hiệp hội sẽ thay tiếng nói của doanh nghiệp, cùng với cơ quan quản lý nhà nước ổn định, xem xét lại, thậm chí là có những khuyến cáo, giáo dục với doanh nghiệp trong hoạt động của mình, và cùng với các cơ quan quản lý ở các địa phương có thể có những khuyến nghị, nói tiếng nói bảo vệ cho các doanh nghiệp kinh doanh chính đáng, đàng hoàng với lữ hành outbound. Hiệp hội nên có những tác động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ quyền lợi thiết thực cho các doanh nghiệp hoạt động chân chính và người Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài.

Ví dụ, có thời gian, an ninh cửa khẩu kiểm tra thẻ hướng dẫn viên của các đoàn đưa khách du lịch ra nước ngoài, đã có đoàn bị ách lại. Việc này ngăn chặn các công ty không có chức năng làm du lịch outbound và người không có thẻ hướng dẫn viên tham gia vào lĩnh vực  này. Như vậy, rõ ràng chúng ta có những biện pháp để ngăn chặn việc này nhưng không làm”, ông Thắng thẳng thắn bày tỏ.

TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch cũng chỉ ra rằng, mặc dù trước đây, đã có lúc ngành du lịch quan tâm đến hoạt động du lịch outbound nhưng chưa đầy đủ. Ngay từ năm 2000, khi đề xuất các giải thưởng về du lịch Việt Nam, Viện đã có những đề xuất giải thưởng cho doanh nghiệp đón khách inbound, outbound, khách nội địa và đã có lúc tách riêng du lịch outbound.

Luật Du lịch năm 2005 đã có quy định kinh doanh đón khách outbound, cấp giấy phép. Luật Du lịch mới nhất cũng đã tách riêng du lịch outbound, góp phần giải tỏa nhiều ý kiến coi outbound như là loại hình mang tiền đi tiêu, không mang lại lợi ích gì cho đất  nước.

Thực tế, du lịch outbound không chỉ là mang lại đóng góp cho GDP mà còn là ngành “nhập khẩu” đặc biệt. Hàng nhập khẩu ở đây là sự hiểu biết, tình hữu nghị, sự giao lưu văn hóa, giúp con người vươn ra thế giới. Bài học của Nhật Bản là một điển hình. Du lịch outbound đã trở thành chiến lược kinh doanh của Nhật Bản. Trước đây, du lịch Nhật Bản chỉ có outbound.

Việc trở thành cường quốc hàng đầu đưa khách du lịch ra nước ngoài đã giúp Nhật Bản học được rất nhiều kiến thức kinh nghiệm thực tiễn từ  các quốc gia khác và sau này dễ dàng, thuận lợi hơn trong thu hút khách quốc tế đến Nhật Bản. Sau năm 2012, khi nhận thấy tiềm năng du lịch inbound (thu hút khách quốc tế), Nhật Bản mới tập trung đầu tư cho hoạt động này. Các lợi thế và uy tín khi hoạt động outbound đã giúp Nhật nhanh chóng chinh phục các điểm đến, trở thành điển hình của khu vực và thế giới trong phát triển du lịch inbound.

Dù quan tâm muộn nhưng hiện tại, Nhật Bản đã đón 31 triệu lượt khách quốc tế, cao gấp đôi so với Việt Nam và họ đặt mục tiêu thu hút đến 40 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2020. Đây là bài học cho du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, muốn phát triển outbound tốt cần có chính sách phù hợp, tương xứng.

Những điểm đến nổi tiếng thế giới ngày càng hấp dẫn đông đảo du khách Việt.

Bên cạnh cơ chế chính sách cho du lịch outbound, ngành du lịch cũng cần quan tâm hơn về vấn đề ứng xử, xây dựng hình ảnh của khách Việt Nam ở nước ngoài, nâng cao nhận thức của khách du lịch Việt Nam. Đồng thời, có quy định, chế tài đối với người Việt Nam, đơn vị kinh doanh đưa người Việt Nam ra nước ngoài du lịch để giữ hình ảnh Việt Nam qua hoạt động.

Với các đơn vị lữ hành quốc tế, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch outbound nhưng phải có quy định kiểm soát chặt hoạt động du lịch outbound, nhất là các tổ chức, cá nhân không có giấy phép thực hiện đi du lịch nước ngoài, kể cả doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp làm hay tiếp tay cho doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng thừa nhận, trong nhận thức, trong tư duy và ngay trong công tác chỉ đạo quản lý nhà nước nghiêng nặng hơn về inbound. Và hiện nay, trong quản lý, chỉ đạo, tập hợp thông tin số liệu, đề xuất cơ chế chính sách, du lịch outbound vẫn chưa được quan tâm, còn nhìn nhận phiến diện. Trong báo cáo thường niên và giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa có sự quan tâm đến du lịch outbound và thống kê như thế là chưa chính xác.

Hiện nay, thống kê tổng đóng góp GDP của ngành du lịch cho đất nước là hơn 7% nhưng đây mới là tính đến tổng thu chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam và chi tiêu của khách du lịch nội địa. Chi tiêu trong nước của khách du lịch Việt Nam đi nước ngoài lại không được thống kê. Vừa qua, Tổng cục Du lịch giao Trung tâm thông tin du lịch thống kê cho thấy, tỷ lệ đóng góp của du lịch Việt Nam vào GDP là 8,39%, cao hơn các con số mà chúng ta đã công bố vì có nguồn thu về du lịch outbound.

Trong đánh giá, đề xuất chính sách chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn về du lịch outbound. Trong thời gian tới, chắc chắn, vị trí của du lịch outbound cần được đánh giá, nhìn nhận lại để có những điều chỉnh trong công tác đánh giá, quản lý như du lịch outbound như một phận quan trọng của du lịch Việt Nam.

Minh Hải
.
.