Ổ rạ à, ổ rạ ơi...

Chủ Nhật, 14/02/2021, 12:02
Quê tôi vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ có lúa và lúa. Những cánh đồng rộng, dài ôm lấy những ngôi làng xanh thẫm của tre. Năm trước, tính sẽ về trong dịp tết nhưng đêm 30, trời đổ mưa bất thường.

Rồi đại dịch COVID-19 ập đến. Thế là cả một dịp xuân cứ quanh quẩn trên phố, mong muốn về quê đành gác lại. Năm nay, nhân Chủ nhật cuối năm, tôi rủ mấy anh em về thăm. Bố mẹ tôi giờ tuổi đã cao, con cháu điện về hỏi vẫn nói khỏe. Nhưng, tôi biết, bố mẹ nói thế để con cháu đi xa yên tâm làm việc. Cái khỏe của tuổi già có khác gì cây nến đã cháy gần hết ruột bấc. Những chuyến đi vào dịp như thế này, mấy anh em nói vui: “Ta dại ta tìm về nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao” (Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Rời quốc lộ, xe chạy vào đường liên tỉnh. Hai bên đường, những cánh đồng lúa đã vào cuối vụ. Trên cánh đồng chỉ còn vài ba mảnh ruộng chưa kịp gặt, lúa chín vàng sắc nắng. Trên mặt đường, người dân tãi rơm sau khi máy tuốt đã xong phơi trên mặt đường. Rơm tươi, bắt nắng hanh, những sợi rơm màu xanh đã chuyển dần sang ánh vàng của nắng. Mỗi khi xe chạy qua, mùi rơm phơi, cái mùi thơm thơm dìu dịu, hơi ngầy ngậy, lại có chút bùi bùi, ngòn ngọt tỏa vào trong xe.

Ảnh: Nguyễn Đình Lâm.

Ngày ấy, nhà tôi dân vạn chài lên bờ theo chủ trương 3 ngọn cờ hồng: Hợp tác xã nông nghiệp, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng. Vì các gia đình vạn chài thường không có chỗ ở cố định nên các địa phương vận động đưa lên bờ để thuận lợi cho công tác quản lý hành chính. Nhà tôi dân chài, không được chia rơm như các nhà khác để phục vụ cho nuôi trâu bò, chỉ được chia rạ để làm nguyên liệu đun, nấu. Khi những cơn gió heo may tràn về, ấy là khi những chân đồng Cựa Gà, Quai Xanh, Đồng Cao vào vụ gặt. Khi nhận phần rạ được chia, mẹ tôi lại lo gom góp, chọn lựa những thân rạ Tám thơm mang về tỉa sạch các bẹ lá còn bám trên thân để làm “đệm” chuẩn bị cho mùa đông sắp đến.

Thời đó, giống lúa chủ yếu là Quyết tâm, Tám thơm, nếp cái hoa vàng và lúa tẻ. Các giống lúa này dài ngày, thân cao, năng suất thấp chứ không như bây giờ giống lúa năng suất cao, ngắn ngày, thân cũng thấp. Vào mùa thu hoạch, người ta dùng liềm cắt gốc rồi lấy liềm xén phần bông lúa, bó lại chuyển về sân kho hợp tác dùng trục đá kéo có người đẩy sau để cho hạt thóc rời khỏi bông. Rơm sau khi bị kéo đá như thế thường nát, không còn nguyên vẹn. Chủ yếu rơm ấy chia cho các gia đình được giao nuôi trâu, bò để đem phơi khô làm thức ăn cho mùa đông.

Đời sống khó khăn, thuở ấy, vải vóc cũng hiếm, quần áo ai cũng vá chằng vá đụp. Vào đông, nhà nào có được chiếc chăn bông, vỏ vải phin hoa đã là sang nhất làng. Còn chủ yếu, trong các gia đình, khi có gió mùa đông bắc, dưới là trải lớp “đệm” làm bằng thân cây rạ đánh thành các phên, phía trên đắp chiếu để ngủ.

Rạ từ thân cây lúa cắt ra, người ta làm thành các đụn dựng trên ruộng chờ nắng cho khô rồi mang về làm đồ đun. Để có được những tấm “đệm” rạ, mẹ tôi phải chọn những thân cây chưa bị giập, gãy do mưa, gió hay trâu bò quần nát. Rạ mang về, nhặt các thân lá còn bám bẹ, giũ sạch, đem rải đều phơi ngoài sân lấy nắng. Khi thân cây rạ bắt được nắng, có ánh vàng vàng trên các đốt, mẹ ngồi dùng 3-4 thân rạ, bện phía gốc rạ khô, to bằng nẹn tay thành các phên dài khoảng mét tám. Những thân cây rạ được mẹ dóc, tết, bện thành phên đủ độ dài chiếc giường rồi đem cuộn tròn lại để khi gió mùa đông bắc, mẹ mang trải xuống chiếc giường thùng phủ lên chiếc chiếu để ngủ, tránh gió mùa đông bắc.

Ảnh: Đ.N

Giường thùng là loại giường chỉ có 4 tấm gỗ đóng thành hình chữ nhật, 2 thanh vai dài, dọc thân người và 2 thanh ngang, ngắn phía đầu giường. Bên hai vai dài, người ta đóng các thanh gỗ đỡ giát giường. Để có thể dùng được khi trải ổ rạ, thợ mộc đóng các thanh đỡ lệch vai giường. Thường, chiều rộng thanh vai giường được chia làm 4 phần. Thanh gác đỡ giát giường thường chiếm một phần tư của chiều rộng vai. Trên đó người ta cắt mộng đuôi én để giữ cho hai vai giường luôn thẳng đều. Khi đóng thanh đỡ giát, người ta tính làm cho các thanh đỡ giát giường có một mặt, khi trải chiếu gần bằng mặt phẳng của vai giường. Đấy là mặt giường để dùng cho mùa hè. Sang đông, lật ngược giường lại, chiếc giường lúc này có cả một khoảng trũng. Đấy là chỗ để dùng trải các phên rạ đã dóc, tết, bện, đan thành các tấm trải xuống. Lòng giường thường phải trải 4 tấm phên rạ như thế và được xếp lên từ 2 đến 3 lớp. Khi đó trải chiếu lên, các tấm rạ bên dưới thành các tấm đệm rạ để ngủ cho ấm. 

Các đệm rạ này không có mùi thơm thơm của rơm, ngầy ngậy của hạt lúa non, hạt lép bị ép vỡ còn vương lại trên thân. Đệm rạ có mùi hơi ngai ngái của thân cây lúa những ngày bị ngập nước ở các chân ruộng. Vì được phơi nắng nên thân cây lúa cũng thoang thoảng mùi thơm của nắng, của gió. Nhưng, có lẽ, thơm nhất còn lưu lại là hương người từ bàn tay mẹ gửi vào khi dóc, tết, bện các thân rạ thành cái đệm. Ngày đầu tiên nằm lên, mấy anh em tôi thích được lăn trên những tấm phên rạ để nghe tiếng các ống rạ bị ép khí nổ lách tách nho nhỏ phía dưới như ai đó búng nhè nhẹ ngón tay.

Những tấm đệm rạ ấy sau một mùa đông giá lạnh bị lép đi, xẹp xuống và các thân rạ cũng bị nhàu nhĩ, nát do bọn trẻ chúng tôi chơi nhảy trên đó. Các mủn rạ một ít rơi xuống dưới gầm giường, số còn lại bám vào trong các tấm “đệm” ấy. Lúc ấy, các tấm đệm rạ có mùi hơi hôi hôi do hơi chúng tôi quẩn vào. Hết rét, mẹ dỡ các tấm phên rạ, rũ ra sân phơi cho khô rồi đánh đống để làm đồ đun. Bước sang mùa mới, vào dịp tháng 9 hoặc 10 năm sau, khi gió heo may trở về, báo hiệu một mùa đông mới sắp đến, mẹ lại đi gom, lựa các đụn rạ được hợp tác xã chia phần đem về, chọn lấy những thân cây rạ thẳng, chưa bị gẫy hay nát, nhặt các bẹ lúa còn ôm trên thân, phơi nắng cho vàng. Khi nào các ống rạ có màu vàng vàng như mật; có màu nắng đông gửi vào trong thân rạ, mẹ lại ngồi dóc, tết, bện để đan thành những tấm đệm rạ chờ đông tới. Cứ thế, tuổi thơ tôi đã đi qua biết bao mùa đệm rạ ủ ấm qua đông.

Đưa mắt nhìn ra những chân ruộng đã gặt. Các thân rạ khô được người ta vun thành từng đống, đốt làm tro rải ruộng. Bất giác anh bạn ngồi trên xe thở dài: “Lại mùa đốt đồng rồi. Chả bù cho ngày xưa. Ổ rạ ủ ấm tuổi thơ mỗi độ đông về”. Ổ rạ ời, ổ rạ ơi. Ổ rạ của một thời thương nhớ của tôi.

Phạm Thanh Khương
.
.