Ông Trump “hoài nghi” về châu Âu

Thứ Hai, 07/10/2019, 14:51
Tờ The Daily Beast mới đây đã đăng tải nhiều bài viết nhấn mạnh Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi mục tiêu khiến Liên minh châu Âu (EU) dần suy yếu và đi đến tan vỡ.

Theo đó, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương có dấu hiệu gia tăng khi người đứng đầu Nhà Trắng tỏ ra khó chịu với mức chi tiêu quốc phòng quá thấp của EU cùng mức thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. Tâm lý hoài nghi đã khiến Tổng thống Mỹ từng tuyên bố EU hiện nay không khác nào... “một kẻ thù” của Washington...

Ông Donald Trump bày tỏ thái độ hoài nghi với EU hiện nay.

Lo ngại hội nhập

The Daily Beast cho rằng, trong suốt hơn 7 thập kỷ hợp tác từ sau Thế chiến II, châu Âu chưa bao giờ đối mặt với một nước Mỹ công khai chống lại liên minh này đến vậy. Những khoảng thời gian sóng gió giữa Washington và EU chứng kiến nhiều phát biểu cùng các dòng tweet chấn động của Tổng thống Donald Trump.

Đỉnh điểm căng thẳng diễn ra khi ông Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran mà các đồng minh cùng đàm phán, áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch, hay từ bỏ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu (COP 21), khiến các nước vô cùng thất vọng.

Giới quan sát đánh giá, ông Trump đang thể hiện thái độ ngoại giao không mấy thiện cảm với EU và tình trạng này tồi tệ hơn bất cứ người tiền nhiệm nào. Trong khi ông lo ngại về mức chi tiêu quốc phòng tương đối thấp của lục địa này so với Mỹ, kinh tế là lĩnh vực gây thất vọng sâu sắc nhất đối với ông chủ Nhà Trắng khi mức thặng dư hàng hóa của châu Âu so với Mỹ là rất lớn.

Ông Trump chỉ trích khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) “ăn bám” sức mạnh quân sự của Mỹ, kêu gọi các quốc gia thành viên phải chi ít nhất 2% GDP từ năm 2020 nếu không muốn “đường ai nấy đi”.

Trong lĩnh vực kinh tế, Mỹ lo ngại trước sự cứng rắn của các cơ quan EU khi thời gian qua Google - gã khổng lồ tìm kiếm của Mỹ - bị phạt vì trốn thuế ở Pháp, Anh và Italy. Thậm chí, các sản phẩm công nghệ đến từ Mỹ sẽ bị EU áp thuế kỹ thuật số theo đề xuất của Pháp. Để trả đũa, Washington tuyên bố sẽ áp mức thuế mới nhằm vào xe hơi đối với lục địa già, trong khi Tổng thống Trump sẽ “tặng” Paris khoản thuế lớn lên rượu vang. Những động thái “ăn miếng trả miếng” giữa đôi bên làm bùng lên cuộc chiến thuế, khiến gia tăng rạn nứt giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Thực chất, chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm dường như không muốn chứng kiến viễn cảnh châu Âu ngày càng hội nhập. Khi lục địa già muốn xây dựng một thị trường chung, Mỹ lo lắng sẽ bị mất lợi thế trong lĩnh vực tài chính và chính sách kinh tế vĩ mô trước một “pháo đài châu Âu”.

Ông Donald Trump từng công khai gọi EU là kẻ thù, hưởng ứng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, cho rằng tầm nhìn của châu Âu về chủ nghĩa đa phương là sai lệch và sẽ thất bại. Ông thẳng thắn ủng hộ vấn đề Brexit không thỏa thuận, thậm chí kêu gọi có thêm nhiều Brexit khác trong EU. Một kịch bản Brexit “cứng” khiến giới lãnh đạo châu Âu hoang mang khi tạo nên nguy cơ rối loạn nền kinh tế toàn khối.

Trong quan hệ với các trụ cột của EU

Để dần phá vỡ EU, giới quan sát tin rằng Tổng thống Mỹ đang nỗ lực chia rẽ Đức và Pháp - hai quốc gia chính dẫn dắt cả liên minh. Một số nguồn tin tiết lộ, trong nhiều cuộc điện đàm tháng 9, ông Trump đã “tư vấn” cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về viễn cảnh một thỏa thuận thương mại song phương có lợi hơn nếu Pháp rời khối EU.

Sự rạn nứt giữa hai đồng minh càng rõ rệt sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran vốn được EU, đặc biệt là Pháp, cực kỳ coi trọng. Rồi cuộc chiến ngôn từ trên mạng xã hội Twitter bùng nổ khi người đứng đầu Nhà Trắng không ngần ngại đá xoáy vào uy tín thấp của Tổng thống Pháp, cáo buộc Paris gian lận thương mại. 

Rất dễ để nhận ra sự lo lắng của chính quyền Tổng thống Trump trong bối cảnh Pháp đang tìm kiếm sự ủng hộ của Đức để thành lập quân đội EU. Ông Macron cảnh báo châu Âu bị đe dọa sau động thái Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung. Nói như Thủ tướng Đức Angela Merkel, quan điểm của ông Macron hoàn toàn hợp lý bởi lẽ một đội quân chung toàn khối sẽ giúp bảo vệ trước các hiểm họa đến từ... Mỹ.

Đức và Pháp đã ký kết hiệp định mới tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong năm 2019.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định Pháp đang “đi với giặc” khi chính Mỹ đã giúp Pháp đối phó với Đức trong Thế chiến I và II, và giờ ông Macron cần suy nghĩ xem ai mới thực sự là kẻ thù. 

Đối với Đức, cơn giận dữ của ông Trump nhắm đến bà Merkel vì Berlin “bủn xỉn” chi 1% GDP cho quân đội, dù hiện đang là trụ cột EU. Quan hệ Mỹ - Đức xuống dốc khi Tổng thống Trump chỉ trích thặng dư thương mại của Đức so với Mỹ, liên tục yêu cầu Berlin đóng thêm tiền cho NATO.

Một số quan điểm nhận định, ông Trump vốn không ưa bà Merkel vì nữ thủ tướng theo đuổi chủ nghĩa toàn cầu hóa đa phương, trái ngược với chủ nghĩa dân tộc và chiến lược “nước Mỹ trên hết” của ông. Trong khi đó, bà Merkel lại tỏ ra điềm tĩnh khi đã lường trước điều này và cho rằng sẽ rất linh hoạt để điều chỉnh mối quan hệ với ông Trump.

Theo The Daily Beast, mục tiêu chia rẽ EU của Tổng thống Mỹ sẽ rất khó thành công. Châu Âu vẫn rất bình tĩnh, theo đuổi chiến lược “2 không”: không nhượng bộ nhưng cũng không xa cách Washington. Hai trụ cột Đức - Pháp vẫn luôn cố gắng cứng rắn với các chính sách bao vây của Mỹ, đồng thời mềm dẻo khi cần đối thoại.

Quan trọng hơn, Đức và Pháp đã ký kết hiệp định mới tăng cường quan hệ hợp tác song phương trong năm 2019, cho phép tiến hành các chiến dịch chung, hay sẵn sàng trợ giúp nhau trong trường hợp bị tấn công. Sự kiện này được đánh giá sẽ củng cố EU khi hai trụ cột liên kết chặt chẽ với nhau...

Hà My
.
.