Ông chủ quán cà phê với những đam mê chế tạo sản phẩm kỳ dị

Thứ Tư, 30/10/2013, 19:35

Học dang dở chương trình phổ thông nhưng với niềm đam mê kỹ thuật, ông chủ quán càphê Lyly ở phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương đã tự nghiên cứu tài liệu để chế tạo nhiều loại máy móc, thiết bị như một nhà khoa học thực thụ. Tất cả những sản phẩm do anh chế tạo đều độc nhất vô nhị: Xe ôtô lưỡng cư (ôtô có thể chạy trên mặt nước), máy mài cam cò (xe gắn máy), ghế tự động đo thị lực… Mới đây nhất, anh chế tạo thành công một thiết bị chống trộm đa năng báo động qua điện thoại di động.

"Có thích khách!"

Đó là anh Trần Ngọc Trí, 50 tuổi, ngụ tại đường Hoàng Hoa Thám, phường Hiệp Thành, Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Anh tiếp đón chúng tôi tại ngôi nhà xưởng nằm phía sau quán càphê Lyly. Gọi là nhà xưởng vì tại đây có tương đối đầy đủ các loại máy móc cơ khí thiết yếu tiện dụng cho công việc sửa chữa, chế tạo như máy tiện, máy bào, máy hàn, máy cắt… Nếu cộng chung giá trị của các loại máy móc, dụng cụ trong nhà xưởng, có lẽ không dưới 100 triệu đồng. Anh Trí không chế tạo để làm kế sinh nhai mà chỉ để… tự sướng, giải trí. Tuy nhiên, "sự giải trí" của anh đã cho ra đời một số sản phẩm kỳ dị nhất thế gian.

Anh đẩy chiếc xe gắn máy đã lắp thiết bị ra hiên rồi giả định: Chủ nhân dừng xe ven đường vắng rồi đi sâu vào rẫy càphê nhưng bỏ quên chìa khóa ở xe. Tên trộm nhìn dáo dác rồi bật chìa khóa, leo lên xe bấm nút khởi động máy. Tuy nhiên, máy không nổ, nút khởi động biến thành còi báo động kêu ầm ĩ, đồng thời bánh xe kẹt cứng. Cùng lúc đó, chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) của chủ nhân báo nhiều lần "Có thích khách! Có thích khách!". Chủ nhân vừa bấm nút nghe trên ĐTDĐ vừa trở lại nơi chiếc xe của mình. Qua điện thoại, chủ nhân nghe được trọn vẹn lời bàn tán của những kẻ trộm. Qua đó, chủ nhân biết chúng khiêng chiếc xe lên 1 chiếc ôtô và chở đến địa điểm X rất xa để cất giấu.

Chủ nhân không cần đuổi theo bọn trộm mà chỉ việc gọi điện báo Cơ quan Công an gần địa điểm chúng cất giấu chiếc xe. Nhận được tin báo, lực lượng công an đến nơi và bắt quả tang bọn trộm. Sau khi lập biên bản, tạm giữ bọn trộm và hiện vật vụ án, lực lượng công an cần đưa chiếc xe gắn máy về đồn nhưng bánh xe vẫn kẹt cứng. Lực lượng công an gọi điện thoại báo với chủ nhân. Chủ nhân không cần đến hiện trường mà chỉ việc dùng ĐTDĐ gửi mã vào thiết bị gắn bí mật trên xe. Bánh xe không còn kẹt nữa.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyên chở đến địa điểm cất giấu, bọn trộm đã đánh rơi chìa khóa xe. Từ địa điểm cách xa chiếc xe bị cất giấu, chủ nhân dùng ĐTDĐ khởi động chiếc xe gắn máy để công an chạy xe về đồn. Nếu những tên trộm chối cãi hành vi trộm cắp thì những bức ảnh dạng file lưu giữ trong "hộp đen" gắn bí mật trên xe sẽ là bằng chứng tố cáo chúng.

Đó chỉ là một sản phẩm trong chuỗi ứng dụng giải pháp điều khiển, báo động chống trộm qua ĐTDĐ dành cho xe gắn máy của "nhà chế tạo" Trần Ngọc Trí.

Anh cho biết: "Thiết bị này không chỉ ứng dụng cho xe gắn máy mà có thể dùng cho xe ôtô, két sắt, kho tàng, bến bãi, phòng làm việc, hệ thống cung cấp điện năng, phát hiện lâm tặc, điều khiển tín hiệu đèn giao thông, điều khiển hệ thống đèn chiếu sáng đường phố. Thậm chí có thể ứng dụng cho hệ thống khởi động… tên lửa phòng không.

Anh Trí đang lắp ráp một thiết bị báo động.

Anh ví dụ: Người chồng đi công tác nước ngoài nhưng mang theo chiếc chìa khóa xe ôtô. Người vợ cần dùng ôtô, gọi điện báo cho chồng. Từ nước ngoài, người chồng dùng ĐTDĐ mở khóa cửa đồng thời khởi động chiếc ôtô tại nhà cho vợ.

Anh Trí chìa cho chúng tôi xem toàn bộ "hệ thống" thiết bị rồi hào hứng giải thích: "Mỗi ứng dụng là một bộ vi mạch. Vi mạch được các nhà sản xuất trong nước làm sẵn, mình mua về lắp ráp và tạo dáng nhỏ gọn cho chúng. Chi phí sản xuất cho mỗi ứng dụng chỉ khoảng 500.000 đồng. Rẻ hơn rất nhiều so với một số thiết bị báo động ngoại nhập. Tuy nhiên ứng dụng của tôi hoàn toàn không “đụng hàng” với các thiết bị của nước ngoài đang bán khắp thế giới. Thí dụ, thiết bị báo động cho xe gắn máy.

Hiện nay, thiết bị hiện đại nhất của nước ngoài chế tạo, khi có trộm, xe chỉ hú còi và báo tin nhắn qua điện thoại, không khóa bánh xe, chủ nhân không nghe được âm thanh, giọng nói tại hiện trường. Xe hú còi thì kẻ trộm có thể cắt dây diện để vô hiệu hóa. Tin nhắn điện thoại bất tiện ở chỗ, chủ nhân dễ dàng bỏ qua. Chưa kể việc, nó không phân biệt được  người lương thiện, như nhân viên nhà xe chẳng hạn, chạm vào còi vẫn hú. Thiết bị của tôi chỉ báo động khi có người muốn khởi động máy".--PageBreak--

Chế tạo chiếc ôtô lưỡng cư để… ngắm

Suốt 10 năm qua, anh đắm đuối với việc nghiên cứu, chế tạo một chiếc xe lưỡng cư vừa chạy được trên đường bộ vừa chạy được dưới đường thủy. Toàn bộ số tiền tích cóp, thu nhập từ quán càphê nhạc, anh đổ hết vào chiếc xe. Xe đã chế tạo xong nhưng đành phải trùm mền vì hết vốn lắp phần "áo".

Anh cho biết, thiết bị phản thủy lực có khả năng đẩy chiếc ôtô lội nước chạy ổn định trên mặt nước với vận tốc 30 km/giờ. Khi muốn vào cua dưới nước lẫn trên bờ, người điều khiển chỉ việc xoay bánh lái như mọi chiếc ôtô khác. Hệ thống phản thủy lực là một trong những món thiết bị "made by Nguyễn Ngọc Trí"  với tỷ lệ 99%. Con số 1% trong thiết bị này là bạc đạn và kim loại.

Trừ động cơ là chiếc máy ôtô 3 xilanh, bánh xe và một số thiết bị điều khiển điện tử, còn lại các cơ phận khác đều được anh chế tạo thủ công tỉ mỉ rất tinh xảo. Sau 10 năm nghiên cứu, chế tạo, đầu năm 2012, chiếc xe đã được chạy thử nghiệm trong một doanh trại quân đội. Mọi cơ phận đều hoạt động tốt, ổn định. Anh đặt tên cho chiếc xe ôtô lội nước này là KYLYX.

Theo thiết kế, chiếc xe có độ dài: 4,52m; ngang: 1,62m; cao: 1,55m. Tốc độ tối đa trên đường bộ: 120 km/giờ; Tốc độ tối đa dưới đường thủy: 34 km/giờ. Mức tiêu hao nhiên liệu đường bộ: 6 lít/100 km. Mức tiêu hao nhiên liệu dưới đường thủy: 12 lít/100 km.

Công sức 10 năm cộng với chi phí các loại hơn 700 triệu đồng, bây giờ anh phải "trùm chăn" chiếc xe chờ có vốn tiếp tục hoàn chỉnh nốt khâu cuối cùng.

Trần Ngọc Trí có đến 10 anh chị em.  Anh kể, hồi nhỏ anh rất mê phá phách. Mỗi khi có chút ít tiền quà vặt, anh đi tìm mua ngay những thiết bị điện tử cũ để tự chế tạo cho mình những món đồ chơi. Do nhà đông con nên cha mẹ anh rất nghèo. Vì cái nghèo nên anh chỉ học được đến THPT rồi gác ước mơ trở thành kỹ sư chế tạo máy để lao vào kiếm tiền bằng nghề mua bán xe gắn máy cũ. Anh đi rảo khắp các vùng quê lùng mua xe gắn máy cũ, hư đem về tự sửa chữa cho hoàn chỉnh rồi bán lại kiếm lời.

Chiếc ôtô "lưỡng cư".

Thời đó, hầu hết xe gắn máy cũ đều không có cam, cò thay thế. Điều duy nhất người ta có thể làm là mài bằng tay, "độ”, “chế" lại xài tạm vài tháng. Anh quyết định tự chế một chiếc máy mài cam, cò trong khi kiến thức về kỹ thuật chỉ là con số không. Anh mua tài liệu về nghiên cứu từ kiến thức cơ bản nhất. Sau vài tháng hì hụi nghiên cứu, anh cũng chế tạo thành công chiếc máy mài cam, cò có độ chính xác 100%. Có thể nói đó là chiếc máy "cải tạo" những chiếc cam, cò cũ thành những chiếc cam, cò gần như mới. Thời đó, tất cả những tiệm sửa xe gắn máy trên địa bàn Bình Dương đều mang cam, cò đến cho anh mài. Nhờ chiếc máy này, anh trở nên khá giả và có tiền cất nhà.

Khi có nhà, anh lại nảy ra ý định chế tạo một cánh cửa đóng mở bằng sóng vô tuyến. Trong thập niên 80, việc điều khiển máy móc bằng sóng vô tuyến là chuyện xa lạ, chỉ có trong phim ảnh, tiểu thuyết. Anh chỉ mới nói ý tưởng đó ra, bạn bè đã tuyên ngay: "Thằng này khùng!".

Bạn bè của anh cũng có cái lý của họ. Ít học như anh, thì làm sao có thể chế tạo nổi một thứ "khoa học viễn tưởng" như thế. Anh lẳng lặng tìm mua tài liệu liên quan đến thiết bị điện tử về nhà đóng cửa nghiên cứu một mình. Sau một thời gian âm thầm chế tạo, anh có được cánh cửa mở đóng bằng bộ điều khiển từ xa. Dù thiết bị hoạt động rất hoàn hảo nhưng anh không có ý định kinh doanh mà chỉ để sử dụng trong gia đình.

Chưa dừng lại ở đó, năm 1992, một người bạn kinh doanh cửa hàng mắt kính rủ anh đi TP HCM mua máy đo thị lực. Khi đến nơi bán, người bạn suýt bật ngửa vì loại máy này sản xuất tại Nhật, giá lại quá đắt. Thời đó, 8.000 USD tương đương với 10 cây vàng là cả một gia tài. Anh Trí săm soi rồi bảo, loại máy này không phù hợp với chiều cao người Việt. Anh hứa với bạn sẽ chế tạo chiếc máy đo thị lực. Một năm sau, anh hoàn thiện chiếc máy.

Về cơ chế kỹ thuật, ngoài việc phù hợp với dáng người Việt, chiếc máy do anh Trí chế tạo hoạt động tự động hiệu quả hơn so với chiếc máy nhập của Nhật. Về mẫu mã, chiếc máy của anh đẹp, tinh xảo không thua chiếc máy nhập kia. Chiếc máy đó, anh bán cho người bạn giá 1 cây vàng.

Năm 1998, khi đã có chút vốn liếng, anh Trí mua miếng đất khác rộng hơn để mở quán càphê và xây một nhà xưởng chế tạo cơ khí cho riêng mình.

Năm 2002, anh giao toàn bộ việc kinh doanh quán cho vợ để bắt tay vào chế tạo chiếc ôtô lội nước. Suốt 10 năm ròng, vợ bán càphê lãi được bao nhiêu, anh đều tận thu để đầu tư mua vật liệu chế tạo. Khi đứa con trai duy nhất của anh chị vào THPT thì chị kiên quyết không chi tiền cho anh đầu tư nữa vì phải dành tiền ăn học cho con. Anh đành trùm mền chiếc ôtô lội nước và hứa với lòng không tiêu tốn tiền cho việc chế tạo nữa.

Thế nhưng cái máu mê chế tạo cứ âm ỉ trong lòng, anh lại âm thầm nghiên cứu và chế tạo hệ thống điều khiển, báo động từ xa bằng ĐTDĐ và bước đầu anh đã thành công

Nông Huyền Sơn
.
.