“Ông già ozon” và dịch lợn tai xanh

Thứ Hai, 20/09/2010, 08:30
"Ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam, hễ dân cần, dân gọi thì Khải sẽ đến". Đó là lời hứa tại Hà Giang năm 1997 của Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, người được bà con nông dân ở khắp mọi miền đất nước đặt cho cái biệt danh là "ông già ozon" khi ông đến đây để cứu chữa đàn trâu bò bị lở mồm long móng.

Lời hứa ấy, một lần nữa  lại thành sự thật khi ông về huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, giúp bà con dập dịch lợn tai xanh vào dịp đầu tháng 9 vừa qua...

Sáng ngày 31/8/2010, lúc Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải đang bận bịu hướng dẫn cho các học trò theo học chương trình cao học và các nghiên cứu sinh làm  đèn khử khuẩn, khử mùi, khử khói cho các trại lợn, gà, chuồng nuôi nhím, chuồng thỏ, chuột bạch... tại Hà Nội thì bất ngờ chuông điện thoại reo vang.

Cầm lấy ống nghe, đầu dây bên kia vang lên giọng nói của một người đàn ông. Tự giới thiệu mình là Cao Thành Lâm, Trưởng ấp Phú Dũng, xã Phú Bình, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, cùng một người nữa là cán bộ thú y Vũ Tiến Dũng. Ông Lâm cho biết, qua báo chí ông đã nghe nói đến dung dịch Anolyt (nước ozon) - là chất có thể chữa được bệnh tai xanh ở lợn. Vì thế, ông mong Tiến sĩ Khải chỉ dẫn nơi nào có thể cung cấp nước ozon vì đàn lợn trong xã cùng các xã chung quanh đang chết hàng loạt.

Theo cán bộ thú y Vũ Tiến Dũng, bà con nông dân đã tới Bảo Lộc - Lâm Đồng vì nghe nói Công ty Dâu tằm tơ đã dùng loại dung dịch này để trị bệnh nấm kén, rồi ra Phan Thiết, tìm gặp các công ty xuất  khẩu trái thanh long, nhờ người đến các điểm bán hóa chất ở TP HCM, nhưng không đâu có Anolyt. Ông Lâm cho biết: "Tới hồi một người quen đưa tôi xem tờ Báo An ninh thế giới có bài viết về Tiến sĩ nên nhờ vậy, tôi mới biết được số điện thoại của Tiến sĩ, mà liên lạc, mời Tiến sĩ vào giúp cho bà con trong ấp tôi"...

Nghe dứt câu chuyện, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải đề nghị họ lấy giấy ghi cách làm sạch chuồng trại bằng nước muối nhạt, dùng nước muối nhạt ấm cho lợn uống vào buổi tối, tắm cho lợn, nhất là rửa vú lợn mẹ, cho ăn rau muống, lá khoai lang đã rửa sạch và ngâm nước muối, tận dụng nắng và gió để diệt khuẩn trong chuồng. Bên cạnh đó, ông còn đề nghị thả lợn ra vườn hoặc ruộng đang bỏ không chứ đừng nên cô lập. Ông dặn: "Nếu mua được vé máy bay trong ngày mai, tôi sẽ vào ngay, nhưng trong đó phải chuẩn bị các can nhựa sạch và một số bình ắcquy 12 volt".

Theo lời ông,  5 phút sau khi ông đến, sẽ tiến hành dập dịch không chỉ riêng ở một hộ gia đình mà đồng thời cả một khu lớn vì cách ổ dịch 5km vẫn tìm thấy các loại vi khuẩn, virút - chứ không phải là 3km như lời nhiều người vẫn nhầm tưởng.

Cũng cần nói thêm về bệnh lợn tai xanh. Đây là bệnh gây rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn do virus leylystad gây ra. Lợn có thể chết sau 5, 7 ngày vì suy giảm hệ miễn dịch, giống như trường hợp nhiễm HIV ở người. Bệnh lây từ lợn sang lợn nhưng không lây sang người. Kết quả giải mã bộ gien virus cho thấy bệnh lợn tai xanh năm 2010 cùng loại với virus trước. Tuy nhiên, virus đã có sự biến đổi và tạo thành một nhóm khác. Đặc biệt, loại virus gây ra các ổ dịch lợn tai xanh tại miền Bắc năm nay có sự tương đồng với một loại virus ở Trung Quốc năm 2009, đã biến thể, có độc cực cao, gây bệnh hàng loạt, làm chết cả lợn  trưởng thành.

Vậy thì "nước ozon" là gì? Nước ozon - hay chính xác hơn là "dung dịch ozon axit hóa" (acidic ozone water - AOW) được tạo bởi nước có hòa tan một lượng nhỏ axit - ví dụ như acid

chlohydric, cùng với khí ozon được điều chế trong phòng thí nghiệm. Sau khi khử hoạt tính của vi khuẩn khiến vi khuẩn không còn gây tác hại cho vật nuôi  nữa, các chất này phân hủy trong nước và không làm ảnh hưởng đến môi trường. Chẳng những thế, AOW còn có nhiều ưu điểm như giá thành thấp và rất dễ điều chế so với các hóa chất khác cùng mục đích sử dụng. AOW có hiệu quả rất mạnh trên virus H1N1, nó phân hủy các màng tế bào của vi khuẩn E.coli (gây ra một số bệnh đường ruột), phá vỡ cấu trúc sinh sản của vi khuẩn gây mủ xanh - là loại vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng bệnh viện. Thí nghiệm cho thấy các tế bào như tế bào thận ở khỉ, tế bào của các bộ phận trong cơ thể người - kể cả tế bào trứng vẫn sinh sản tốt sau khi đã được xử lý bởi AOW.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết: "Nhân đây tôi cũng xin nói rõ thêm, "nước ozon" là cách gọi dân dã của bà con. Thực chất nếu gọi chính xác là dung dịch Anolyt. Từ trước đến nay, trên thế giới không có nước ozon (O3), chỉ có khí ozon. Việc sục khí ozon vào nước lập tức sẽ tạo ra khí O3 chứ không tạo ra được nước ozon".

“Ông già ozon” hướng dẫn cho bà con huyện Tân Phú tạo nước ozon.

Để tạo dung dịch Anolyt thì phải lấy nước muối loãng (NaCl) có độ sạch 99,7% đi qua buồng điện phân có màng ngăn, tạo thành hai dòng. Dòng thứ nhất chứa nhiều điện tích âm chạy về cực dương gọi là Anolyt. Dòng thứ hai chứa nhiều điện tích dương chạy về cực âm gọi là Catholyt. Trong đó, có 9 loại ion dương và âm và không quá 3% ozon (O3). Dùng dịch này có thể tiêu diệt vi khuẩn, vi trùng, virus, nấm mốc, bào tử mà hoàn toàn không để lại độc hại. Nhưng do tính "giả bền" nên chỉ sau 3 ngày, sự tái hợp của ion âm và dương khiến nó trở lại nước muối nhạt tinh khiết. Ưu điểm nhất của dung dịch này  so với các loại thuốc khác, là không có loại thuốc nào diệt được đồng thời 5 đối tượng gây bệnh như đã kể trên.

Trở lại chuyện "ông già ozon" Nguyễn Văn Khải. Máy bay cất cánh lúc 14 giờ 30 phút ngày 2-9 nhưng "ông già ozon" đã phải đi từ lúc 11 giờ vì sợ tắc đường. Ông kể: "Khi qua cửa kiểm soát an ninh, một cán bộ hỏi tôi: "Bác mang máy và bột gì mà nhiều thế?". Tôi cười: "Máy tạo nước ozon "dương" và muối sạch để dập dịch lợn tai xanh cho nông dân Đồng Nai". Chừng như nhận ra ông, người cán bộ an ninh cũng cười: "Chào bác Tiến sĩ ozon, chúc bác chống dịch tai xanh ở miền Nam thắng lợi như ở Hải Dương. Lần đấy nhà cháu sống cả đàn lợn cũng nhờ bác đấy".

22 giờ 3 phút, tại nhà ông Phạm Giao, tổ 4, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, mặc dù trời đã tối nhưng gần 30 bà con nông dân đã tề tựu với hàng chục chiếc can nhựa, bình ắcquy, máy phun thuốc trừ sâu đã được rửa sạch bằng nước nóng. Bằng những thao tác chính xác, nhanh gọn, chỉ một lát sau những lít nước ozon (Anolyt) đầu tiên đã được Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho ra lò. Được lít nào, bà con nông dân mang đi ngay lít ấy. Ông dặn: "Dùng xơranh nhựa 50 phân khối với tỉ lệ pha 3 phần nước sạch cộng 1 phần nước sạch ấm, cộng 1 phần nước ozon, phun vào mồm, mũi lợn,  rửa vú lợn mẹ. Còn nếu trộn vào cám hoặc rau thì nước pha có thể loãng hơn".

Anh Phạm Chính, em ông Giao luôn mồm tiếc rẻ: "Sợ thầy không vào kịp, con phải bán đổ bán tháo  hơn 40 con lợn, trong đó một nửa là loại 35kg, còn lại là gần 50kg, giá mỗi con 100 nghìn đồng nhưng người mua vẫn còn nợ 600 nghìn đồng. Bây giờ nghĩ lại thấy tiếc quá".--PageBreak--

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết những người đi mua lợn chỉ chọn lợn khỏe vì nếu lợn ốm thì sau khi vận chuyển chừng vài chục cây số, lợn có thể chết. Mà nếu đã chết thì chỉ có nước vứt đi. Đã vậy, có người mua lợn sau khi chất hàng trăm con lên xe, thì liền gọi điện cho thú y ở nơi đến, báo số lượng con, số cân nặng để nhận tiền đền bù từ  20.000 đến 25.000 đồng/1kg trong lúc ở đây, họ mua không quá 3.000 đồng/1kg.

Chị Trương Thị Lương, kể: "Tôi bán 20 con cỡ 30kg/con, tổng cộng 800.000 đồng nhưng vẫn chưa nhận được tiền". Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nói: "Lợn không chết nghĩa là bà con bán được tiền, làm giàu bằng chính công sức của mình. Quan niệm của tôi là: Luôn mong cho bà con mình giàu lên. Bởi vì họ giàu lên thì con cái họ cũng được ăn học đầy đủ, không sa vào cái xấu mà sẽ tham gia vào các hoạt động làm lợi cho xã hội, cho cộng đồng và điều đó tất nhiên sẽ có lợi cho mình. Cứ hình dung thế này: Nếu hàng xóm của mình giàu lên, thì họ sẽ không đốt than tổ ong để đun nấu. Môi trường xung quanh sẽ không bị ô nhiễm và sức khỏe bản thân mình sẽ được hưởng lợi chứ không phải ai khác".

6 giờ sáng hôm sau, tình trạng đàn lợn nhiễm bệnh tai xanh đã cải thiện thấy rõ. Cả đêm, xã không hề chết thêm con lợn nào. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nói: "Nhiều trang trại ở giữa cánh đồng không hề có ai đưa lợn tới, như trang trại của ông Đỗ Đức An ở Phú Bình nằm lọt thỏm giữa 2 hécta vườn cây vẫn có lợn chết, rõ ràng vi khuẩn không phải do người hay lợn lan truyền, mà là tự phát".

Ông Phạm Giao cho biết: "Gia đình nào ít lợn cũng phải mất vài trăm ngàn đồng tiền thuốc mỗi ngày. Chẳng hạn nhà bà Vũ Thị Kim Loan, mất tới 4 triệu tiền thuốc mà bệnh vẫn hoàn bệnh". Đến bất kỳ nhà nào, tôi cũng nhìn thấy vỏ, lọ, chai thuốc vứt lăn lóc. Bà Loan, nói: "Đọc báo, tôi mới biết bác Khải đã giúp dân dập dịch lợn tai xanh thành công bằng nước ozon ở Lâm Đồng, Hà Nội, Tuyên Quang, Kiên Giang, Hòa Bình... nên sự có mặt của bác ở đây, đã khiến bà con chúng tôi tin tưởng lắm"...

7h sáng, người kéo đến nhà ông Giao mỗi lúc một đông. Họ là dân  ở các xã khác, đi chợ nghe đồn có ông già đến cho toa thuốc, lợn đang bỏ ăn, thở khò khè uống vào một lúc khỏe ngay, mà ông lại không lấy tiền nên chẳng mấy chốc, nhà ông Giao trở thành lớp học về nuôi và chăm sóc đàn lợn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nói: Trong chuồng lợn lúc nào cũng tồn tại hàng trăm loại vi khuẩn. Khi các điều kiện lý,  hóa phù hợp thì chúng sẽ phát sinh rất mạnh, gây ra không chỉ bệnh tai xanh mà còn là các bệnh như hô hấp, tả, thương hàn, tụ huyết trùng... Đã thế, lại chưa có loại thuốc nào diệt đồng thời tất cả các loại vi khuẩn, virus nên xác xuất để lợn không chết là rất nhỏ".

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, một khi đàn lợn có con phát bệnh thì tất cả các con khác trong chuồng đều đã bị nhiễm - gọi là đang ủ bệnh. Tiếp theo, lợn rối loạn hô hấp, rối loạn tiêu hóa và rối loạn sinh sản thì lợn sẽ bỏ ăn, khó thở, nằm một chỗ. Nếu lợn sinh con thì con chết và lợn mẹ cũng chết... Tiến sĩ Khải nói tiếp: "Qua thực nghiệm ở nhiều địa phương, trường hợp này dùng nước muối điện có 9 loại ion dương, âm và ozon phun vào mũi, cho lợn uống thì tác dụng nhanh và hiệu quả".

Phun nước ozon lên lợn bị dịch.

Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần phải xem lại thức ăn có đảm bảo chất dinh dưỡng, có bị nấm mốc hay không. Nếu lợn thiếu chất thì có thể cho ăn thêm rau, bột củ mỳ, bột ngô, cám gạo đã ngâm nước muối điện thì nhất định chỉ sau một ngày là hết bệnh tả, hết khò khè.

Giữa trưa, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai phấn khởi cho mọi người biết, rằng những con lợn còn sống, sau khi uống, phun nước ozon, thả ra vườn tắm nắng, ăn rau khoai, mạnh khỏe như chưa hề bị bệnh. Chị Trương Thị Tuyết Trinh ở xã Phú Dung, đội mưa trên quãng đường hơn 4km đến xin nước, cứu sống 21 con lợn con và 5 con lợn nái còn lại. Tiếng lành đồn xa, bà con nuôi lợn ở Gia Kiệm, Định Quán cách hơn 60 km cũng ồ ạt kéo nhau đến xin nước ozon, thậm chí có người có thân nhân ở Bến Tre, cũng xin nước rồi gửi về bằng xe đò. Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, nói: "Không chỉ cho nước, tôi còn hướng dẫn bà con cách làm ra nước ozon để sau này, bà con có thể chủ động sản xuất, dập dịch ngay khi nó vừa có dấu hiệu bùng phát".

Sáng ngày 6-9, đã có thể tổng kết được là từ chiều 2-9, sau khi được "ông già ozon" cho nước, xã Phú Bình, xã Thanh Sơn không có thêm con lợn nào chết vì bệnh tai xanh, cũng như các đàn lợn không có dấu hiệu tái nhiễm. Nhìn người dân tiễn "ông già ozon" ra đến tận bến xe, tôi biết sẽ không bao giờ họ quên ông được.

Hỏi về những dự định sắp tới, ông cười: "Trong năm 2010 này tôi đặt công việc làm sạch không khí là mục tiêu lớn lao nhất. Ở Việt Nam hiện nay không khí vô cùng ô nhiễm. Năm 2009, xử lý rác thải được đưa ra thảo luận ở nhiều nơi nhưng vấn đề làm trong sạch bầu khí thở thì không hề được nói đến vì chúng ta chưa đủ khả năng thực hiện

Vũ Cao
.
.