Ôtô Trung Quốc thách thức những “ông lớn” Nhật Bản khu vực Đông Nam Á

Thứ Ba, 03/01/2017, 16:35
Khoảng 4 thập niên trở lại đây, các hãng ô tô Nhật Bản gần như thống lĩnh thị trường Đông Nam Á với tên tuổi của những “ông lớn” như Toyota, Nissan, Honda, Isuzu, Mazda... Nhưng bây giờ, những “ông lớn” này đang phải đối mặt với một thách thức: Đó là ôtô Trung Quốc giá rẻ đang lăm le chiếm lĩnh 70% thị phần.

Cuối tháng 11 vừa rồi, triển lãm ô tô quốc tế đã được khai mạc tại Bangkok, Thái Lan, với sự tham dự của những hãng sản xuất hàng đầu thế giới. Rất nhiều hãng, kể cả các hãng Nhật Bản như Toyota, Nissan, Honda, Isuzu, Mazda... đã quyết định không chơi nhạc nền tại những gian hàng của họ để bày tỏ sự tôn kính đối với nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej vừa mới băng hà.

Thế nhưng ở gian bên cạnh, Tập đoàn SAIC-CP Motor - một liên doanh giữa Công ty ô tô Thượng Hải, Trung Quốc và SAIC Motor - là hãng chế tạo ô tô lớn nhất Trung Quốc cùng Tập đoàn Charoen Pokphand, Thái Lan, lại cho mở nhạc ầm ĩ khi những clip video xuất hiện trên một màn hình lớn, giới thiệu chiếc ô tô du lịch MG3, được cho là để cạnh tranh với dòng xe Vios của Toyota với giá cả phải chăng.

Chiếc MG3, phần đầu vừa giống Toyota (Nhật) lại vừa giống Peugeot (Pháp).

Bên cạnh đó, Beiqi Foton, thương hiệu xe bán tải lớn nhất Trung Quốc cũng lần đầu tiên xuất hiện tại cuộc triển lãm này, và một nhà máy tại Thái Lan  mỗi năm sẽ cho ra lò 10.000 chiếc, sản lượng chỉ đứng thứ 3, sau hai nhà máy của Beiqi Foton đặt ở Nga và Ấn Độ.

Geng Chao, Chủ tịch Beiqi Foton tại Thái Lan không giấu giếm tham vọng: “Chúng tôi sẽ biến Thái Lan thành một chỗ đứng để chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Tổng đầu tư của Beiqi Foton vào đây đã vượt quá 1 tỉ baht. Để có được mức giá cạnh tranh, chúng tôi mua hơn 55% linh kiện tại Thái Lan thay vì đưa sang từ Trung Quốc”.

Vài ngày sau triển lãm, SAIC Motor khởi công xây dựng một nhà máy lắp ráp ô tô MG3 ở tỉnh Chonburi, phía đông Thái Lan. Với công suất hàng năm 200.000 xe, đây sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất của Trung Quốc bên ngoài lục địa. SAIC không tiết lộ chi phí nhưng một tờ báo Thái Lan ước tính tối thiểu là 30 tỷ baht (842 triệu USD).

Ở Indonesia, SAIC và hãng General Motors, Mỹ, cũng đã hợp tác để xây dựng một nhà máy trị giá 700 triệu USD, và sẽ lần lượt cho ra mỗi năm 150.000 chiếc ô tô hiệu Wuling. Theo các chuyên gia ngành kinh doanh ô tô, với chi phí sản xuất thấp, ô tô Trung Quốc đang là một thách thức rất lớn đối với các hãng ô tô Nhật Bản, chẳng hạn như chiếc MG3, giá rẻ hơn 20% so với chiếc xe cùng tính năng là Toyota Vios nên cũng dễ hiểu vì sao MG3 chiếm 70% doanh số bán hàng của SAIC.

Pongsak Lertrudeewattanawong, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh của SAIC-CP tại Thái Lan cho biết: “Vì là thương hiệu chưa nổi tiếng nhưng với chiến lược giá thành thấp, chất lượng cao, nó sẽ là chìa khóa cho sự thành công của chúng tôi”. Phrayansawan, một giáo viên ở Bangkok, người vừa mua 1 chiếc MG3 nói: “Tôi đã rất ngạc nhiên vì giá cả của nó. Nhìn bề ngoài, nó được thiết kế đẹp mắt nhưng chất lượng thì phải một thời gian sử dụng mới biết được nó như thế nào”.

Không chỉ có những loại ô tô truyền thống chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, Trung Quốc cũng đang đổ tiền vào ô tô điện. Tập đoàn BAIC - một thành viên của Beiqi Foton sẽ bắt đầu tiến hành lắp ráp ô tô điện tại một nhà máy ở Malaysia vào năm tới theo sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trước đó, BAIC đã công bố những chiếc ô tô của họ sẽ có tay lái nằm bên phải, phù hợp với luật giao thông ở Malaysia và Thái Lan.

Nhìn chiếc MG7, người ta nghĩ ngay đến xe Audi (Đức).

Hisuda Ono, một chiến lược gia của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản nhận xét: “SAIC và BAIC có tầm nhìn xa về sự liên kết của mạng lưới đường sá trên toàn châu Á, sẽ dẫn đến nhu cầu về ô tô bán tải và ô tô du lịch tăng cao, chưa kể loại ô tô hạng sang cho tầng lớp trung lưu mới nổi”. Tỷ trọng xuất khẩu ô tô Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á đã và đang phát triển mạnh trong bối cảnh một số quốc gia là đối tác chính của Nga và Brazil trong lĩnh vực thương mại không còn tăng trưởng như trước.

Năm 2016, dự báo 30% ô tô Trung Quốc sẽ được bán ra trên toàn vùng Đông Nam Á và điều này khuyến khích các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đầu tư nhiều hơn. Sản phẩm tại hai nhà máy của SAIC đã tăng thêm 10% và nếu nó chạy hết công suất - mặc dù chỉ tương đương với các nhà máy sản xuất ô tô cỡ nhỏ của Nhật Bản - nhưng các loại ô tô của SAIC rất có thể sẽ chiếm lĩnh 70% thị trường phân khúc giá rẻ.

Trước hiện tượng ấy, ông Sanshiro Fukao, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hamagin, Tokyo, Nhật Bản, nhận xét: “Thành thật mà nói, chất lượng ô tô Trung Quốc khó có thể cạnh tranh với ô tô Nhật, nhưng nó đang thể hiện mối đe dọa với đối thủ Nhật Bản, nhất là về lĩnh vực xe điện. Hiện tại, Thái Lan cùng một số các quốc gia khác ở Đông Nam Á đang có những chiến dịch quảng bá sử dụng xe điện để bảo vệ môi trường và điều này đã cung cấp cho các công ty Trung Quốc một bệ phóng để họ giành chiến thắng”.

Với những “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô ở những quốc gia khác, rút kinh nghiệm về sự thành công của ô tô Nhật Bản hồi thập niên 70 và Hàn Quốc năm 90, các hãng Volkswagen, Ford, Renault, Fiat... đã đề ra chiến lược “phòng thủ chặt chẽ” ở phân khúc ô tô tầm trung bằng các hình thức như giá bán, chất lượng xe, phụ tùng thay thế, bảo hành cùng chế độ hậu mãi nhưng nhìn chung, ngoài mặt phụ tùng, chất lượng và chế độ hậu mãi, còn thì giá cả của ô tô phương Tây vẫn nằm quá tầm với của đa số người dân Đông Nam Á có mức thu nhập trung bình.

Chính vì vậy, “cạnh tranh về giá” là chiến lược hàng đầu của các hãng ô tô Trung Quốc nhưng như ông bà ta đã nói: “Tiền nào của nấy”, “Rẻ chưa chắc đã tốt”. Mặc dù phát triển nhanh nhưng không phải ô tô Trung Quốc không có nhược điểm.

Dhanarajata, kỹ sư cơ khí ô tô ở Bangkok nhận xét: “Nếu như ô tô Nhật Bản phải sau vài năm hoạt động liên tục, động cơ mới có dấu hiệu giảm công suất thì ô tô Trung Quốc không được như vậy. Nhiều chiếc chỉ chạy hơn 1 năm là đã phải bổ máy ra. Chưa kể chất lượng nội thất kém, nước sơn thân xe không bền và hệ thống điện thường hay hỏng hóc...”. Abdul Sarawak, chủ một ga ra sửa chữa ô tô ở Kuala Lumpur, Malaysia, nói: “Ít có các cửa hàng bán đồ phụ tùng ô tô Trung Quốc ở Malaysia nên điều này đã khiến chủ nhân của nó dở khóc dở cười mỗi khi xe trục trặc”.

Một nhược điểm nữa, và đây mới là điều đáng nói: Phần lớn ô tô Trung Quốc đều nhái mẫu mã những loại xe nổi tiếng của những hãng nước ngoài. Như chiếc MG7 chẳng hạn, nhìn qua là biết nó “đạo” ý tưởng thiết kế của ô tô Audi. Ngay cả chiếc ô tô điện đình đám nhất hiện nay là chiếc Telsla Model S cũng bị nhái với tên gọi Youxia X. Do không phải tốn kém tiền bạc đầu tư vào công nghệ, hãng sản xuất Youxia, Trung Quốc bán chiếc xe nhái này chỉ từ 32.000 USD đến 48.000 USD, nghĩa là bằng nửa giá của chiếc Tesla Model S thứ thiệt, hoặc như chiếc ô tô thể thao Porsche Macan của Đức, cũng bị hãng Zotye Trung Quốc nhái thành SR8 với giá bán chỉ bằng 1/3 so với Porsche Macan.

Và không chỉ sao chép hình dáng lưới tản nhiệt, đèn pha, nắp ca pô, thân xe, nội thất của SR8 giống hệt nguyên mẫu. Bảng điều khiển kiểu điện thoại Vertu đã trở thành thương hiệu của hãng Porsche cũng bị Zotye làm nhái. Bên cạnh đó, tay lái, đồng hồ hiển thị các thông số, nhìn... y chang Porsche Macan.

Ô tô tải Trung Quốc nhập về Việt Nam khá nhiều.

Trước vụ việc này, hãng Porsche đã có những hành động pháp lý cứng rắn nhằm ngăn chặn Công ty Zotye Auto Trung Quốc “ăn cắp” bản quyền thiết kế xe Porsche Macan. Tuy nhiên, vụ kiện khó có thể mang lại kết quả bởi lẽ Luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc được xem là khá mong manh trong lúc lâu nay, Zotye Auto đã nổi tiếng vì những vụ sao chép, chẳng hạn như chiếc ô tô T600 “lai giống” giữa chiếc Tiguan và Audi Q5, hoặc chiếc Z200 nhìn chẳng khác nào chiếc Volkswagen Polo.

Và cũng vì Luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc được xem là khá mong manh nên Zotye Auto Trung Quốc vẫn “sống khỏe”. Ferdinand Stern, một kỹ sư thiết kế của hãng Porsche nói: “Đó có thể là lý do khiến nhiều hãng sản xuất ô tô nước ngoài đành đưa mắt ngậm ngùi nhìn những đứa con của họ biến hình thành ô tô Trung Quốc.

Tại Việt Nam, ô tô Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều nhưng chủ yếu là ô tô tải chứ ít thấy ô tô du lịch mà nguyên nhân là tâm lý người Việt nhìn chung đều nghi ngại về mặt chất lượng do đã “nhãn tiền” về xe gắn máy Trung Quốc vào giai đoạn “nhà nhà mua xe, người người sửa xe”. Sau gần 10 năm ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam với những chiến dịch quảng cáo rầm rộ, nhiều thương hiệu ô tô Trung Quốc giá rẻ đã lặng lẽ rút khỏi thị trường.

Tính đến thời điểm này, những cái tên như Chery, BYD, Geely, Lifan hay MG đã không còn thấy bóng dáng đâu nữa. 3 thương hiệu còn lại là Haima, Changan và BAIC thì chỉ sống thoi thóp vì cả năm chẳng bán được chiếc nào. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 1-2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu gần 1.680 ô tô các loại từ Trung Quốc, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 495 ô tô tải nguyên chiếc, gấp 1,9 lần cùng kỳ năm 2014 và chiếm 22,7% lượng ô tô tải nhập khẩu của cả nước.

Anh Thắng, một tài xế xe tải chở hàng tuyến Bắc - Nam, nhà ở huyện Bình Chánh cho biết anh mua chiếc ô tô tải hiệu Dong Feng, Trung Quốc, tải trọng 19,5 tấn với giá 1,1 tỉ đồng trong lúc nếu mua ô tô cùng loại của Nhật thì phải trên 3 tỉ đồng. Anh nói: “Nếu chạy đều đặn thì khoảng 3 năm tôi sẽ lấy lại vốn, còn lời cái xác xe vì nhiều người bạn đã từng sử dụng loại ô tô này cho biết chạy chừng 3, 4 năm là “banh” máy...”.

Được biết từ trước đến nay, đã có hàng trăm ô tô tải nhập khẩu từ Trung Quốc bị Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện không đạt tiêu chuẩn trong quá trình kiểm định, chẳng hạn như động cơ xe không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; thông số kỹ thuật của xe khác với hồ sơ; thậm chí cùng một lô xe nhưng thông số kỹ thuật lại khác nhau..., nên không ít xe trong số đó đã bị buộc phải tái xuất.

Theo hãng tin Reuter, một trong những lý do khiến ô tô Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với các loại ô tô đến từ châu Âu, Mỹ, Nhật Bản hoặc Hàn Quốc là vì họ đã tiết kiệm bằng cách cắt giảm chi phí thử nghiệm an toàn. Thay vì phải thử nghiệm từ 120 đến 150 lần trên những mẫu xe mới như Ford, Mercedes, Toyota, Huyndai, Volswagen... vẫn thường làm thì tập đoàn Geely, Trung Quốc chỉ thử nghiệm từ 15 đến 20 lần. Điều này đã dẫn đến chất lượng và tính mạng của những người ngồi trên xe bị xem nhẹ...

Cao Trí (tổng hợp)
.
.