Phải làm gì khi bị ngộ độc rượu?

Thứ Năm, 02/01/2014, 21:35

Ở nước ta, uống rượu là chuyện thường ngày, nhất là trong những dịp lễ, tết, liên hoan, sinh nhật và thậm chí đám ma cũng uống rượu. Tùy theo túi tiền, người ta uống những chai rượu giá bạc triệu đến những loại rượu "nhà nấu", mỗi lít chỉ hơn chục nghìn đồng nhưng chất lượng chẳng ai biết được ngoại trừ… người sản xuất!

Vì thế, đã xảy ra khá nhiều vụ ngộ độc rượu khiến không ít nạn nhân phải sống đời thực vật, hoặc ngậm cười về nơi chín suối mà mới đây nhất, là vụ ngộ độc rượu nếp 29 Hà Nội, xảy ra tại Quảng Ninh làm 6 người tử vong…

Ngộ độc rượu là gì?

Theo định nghĩa đơn giản, rượu là loại thức uống có cồn (ethylic hoặc ethanol) được sản xuất theo một quy trình nghiêm ngặt và phải đạt tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm. Với những loại rượu này, aldehyde sinh ra trong quá trình oxy hóa rượu được loại bỏ hết nên người uống với một liều lượng vừa phải sẽ không bị nhức đầu, mệt mỏi sau khi tỉnh rượu. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên có người thay vì sử dụng cồn ethylic hoặc ethanol để chế biến rượu, thì họ dùng cồn methanol.

Methanol - hay còn gọi là methyl alcohol - rượu gỗ - cồn công nghiệp - được sản xuất bằng cách chưng cất để phá hủy gỗ, hoặc sự phân hủy rác thải hoặc từ khí tự nhiên... Trong công nghiệp, nó dùng làm dung môi để chế tạo sơn, vécni, chất nổ, pha trộn làm nhiên liệu cho ôtô, xe gắn máy, chất tẩy rửa kính, máy photocopy, chất chống đông lạnh…. Nó là chất độc với cơ thể con người nên vì vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định phải nhuộm màu xanh để phân biệt với những loại cồn thực phẩm khác.

Với những loại rượu methanol, cứ 1 lít mà có 20mg methanol thì người uống có thể bị mù mắt do chảy máu võng mạc. Trên 40mg là tử vong nhưng thực tế từ những vụ ngộ độc đã cho thấy, hàm lượng methanol trong 1 lít rượu thường là 100 đến  300mg. Vì vậy, chỉ cần uống 1 "xị" (250ml) là có thể tiêu đời.

Khi uống nhầm loại rượu có methanol, nó sẽ chuyển hóa thành formaldehyde rồi sau đó oxy hóa thành axit formic. Nồng độ axit formic tăng cao trong máu sẽ ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt, viêm gan nhiễm độc, suy thận cấp. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim.

Điều trị ngộ độc methanol tại bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương.

Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong khoảng 30 phút sau khi uống nhưng cũng có thể muộn, tùy thuộc vào số lượng rượu mà nạn nhân uống, hoặc nạn nhân uống rượu methanol cùng với một loại rượu khác có ethanol. Trong trường hợp này, triệu chứng ngộ độc sẽ xuất hiện chậm hơn - từ 6 đến 48 tiếng.

Ngộ độc rượu methanol có hai giai đoạn. Một là giai đoạn tiềm ẩn, xảy ra khoảng vài giờ đến 30 giờ đầu tiên sau khi uống. Triệu chứng này thường kín đáo, biểu hiện bằng những cơn nhức đầu, mắt nhìn hơi mờ, thần kinh bị ức chế nhẹ, buồn ngủ, đôi khi vô cảm nên nhiều người thường bỏ qua vì nghĩ là mình say.

Đến giai đoạn hai, hiện tượng ngộ độc rõ ràng hơn với các triệu chứng như nhức đầu dữ dội, chóng mặt, bồn chồn, hôn mê, co giật, sợ ánh sáng. Nếu soi đáy mắt sẽ thấy gai thị xung huyết, sau đó phù võng mạc lan rộng dọc theo các mạch máu đến trung tâm đáy mắt, các mạch máu cương tụ, phù gai thị, xuất huyết võng mạc, viêm dạ dày xuất huyết, viêm tụy cấp, nôn, tiêu chảy, nhịp tim nhanh, thở nhanh và sâu. Hầu hết nạn nhân thường tử vong do ngừng thở.

Làm gì khi bị ngộ độc rượu?

Thực tế cho thấy, nhiều vụ ngộ độc rượu có chứa methanol thường xảy ra ở những vùng sâu, vùng xa, đối tượng ngộ độc phần lớn là những người nghèo nên việc nhận biết mình bị ngộ độc rượu còn hạn chế. Thêm vào đó, điều kiện chuyển đến các cơ sở y tế đôi khi lại khó khăn và không phải lúc nào cũng kịp thời, hoặc do người uống rượu, thân nhân cứ nghĩ là say nên không để ý. Đến khi phát hiện ngộ độc nặng thì sự đã rồi.

Ở nước ta, theo thống kê của Bộ Y tế, hằng năm có khoảng trên 1.000 ca ngộ độc rượu và trên 20 người chết, chủ yếu xảy ra ở một số tỉnh phía Nam.

Tháng 10/2008, Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu 31 ca ngộ độc rượu methanol trong đó có 11 trường hợp tử vong. Khi xét nghiệm, Viện Vệ sinh dịch tễ nhận thấy hàm lượng methanol cao trên 300 lần so với quy định (quy định là 0,1 mg/l). Tuy nhiên, con số ngộ độc methanol và tử vong trên thực tế còn cao hơn nhiều so với thống kê vì có những trường hợp, nạn nhân được cho là nhậu say rồi… trúng gió chết!

Khác với say rượu bình thường, người say có hiện tượng đi đứng loạng choạng, nói líu lưỡi, phối hợp vận động chân tay kém, mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn, còn người ngộ độc methanol nhức đầu dữ dội, nôn, chóng mặt, mắt mờ… Vì thế, khi nạn nhân bắt đầu có những triệu chứng rối loạn ý thức, đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng thì nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp bằng cách cho nạn nhân nằm đầu cao, mặt nghiêng về một bên. Nếu chưa kịp chuyển đi bệnh viện hoặc trên đường đến bệnh viện, cứ khoảng 30 phút phải đánh thức nạn nhân dậy một lần. Nếu nạn nhân tỉnh, có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng nhằm tránh hạ đường huyết.

Nếu nạn nhân không tỉnh, thở nhanh và thở sâu, thậm chí có co giật..., thì vẫn để nạn bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao, nghiêng về một bên rồi nhanh chóng gọi xe cấp cứu hoặc đưa ngay tới bệnh viện...

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Phong, Chuyên khoa Hồi sức chống độc, thì "nên nghĩ tới ngộ độc methanol nếu người uống rượu có những biểu hiện đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ hoặc nhìn thấy bóng mây màu trắng. Tuyệt đối không nên giải rượu bằng cách cạo gió hoặc bôi vôi vào lòng bàn tay, bàn chân hoặc cho uống paracetamol rồi để nằm đó chờ dã rượu vì như vậy, sẽ vô tình làm mất đi khoảng "thời gian vàng" trong cấp cứu".

Việc cấp cứu cho những nạn nhân ngộ độc methanol là công việc rất phức tạp và tốn kém bởi lẽ ngoài thuốc chống độc, nạn nhân đôi khi còn cần phải truyền máu và chạy thận nhân tạo nhưng không phải trường hợp nào cũng thành công. Nếu sống sót, nhiều người còn phải chịu những di chứng về mắt, thần kinh.

Ngày 14 và 15/11 vừa qua, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương tiếp nhận hai "thần tửu" là T.V.N., 37 tuổi và L.V.P., 28 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, ngộ độc methanol rất nặng. Theo lời thân nhân, cả hai tham gia một trận nhậu kéo dài gần… 2 ngày rồi sau đó, có dấu hiệu nôn ói, khó thở, mắt mờ, tri giác lơ mơ...

Được người nhà đưa đến cơ sở y tế địa phương để sơ cứu. Nhận định đây là trường hợp ngộ độc rượu, y tế địa phương đã chuyển cả hai lên BV Trưng Vương...

Theo các bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc, anh N. và anh P. được chẩn đoán là ngộ độc methanol, rối loạn toan chuyển hóa, mất tri giác, có biểu hiện suy hô hấp, hôn mê. Để cứu sống họ, các bác sĩ đã tiến hành can thiệp lọc máu và hỗ trợ thở máy, truyền dịch có ethanol nhằm điều hòa và giảm nồng độ methanol trong máu. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, cả hai mới qua được nguy kịch nhưng để ổn định thị giác, thần kinh thì còn phải mất một thời gian dài.

Vẫn theo các bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, thì: "Ngộ độc rượu nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ tử vong có thể lên tới 100%. Nguyên nhân chủ yếu là do methanol pha lẫn trong rượu hoặc làm rượu lậu chưng cất có methanol". Tuy nhiên, việc chẩn đoán ngộ độc rất khó khăn, chủ yếu dựa vào khai thác bệnh sử và đánh giá triệu chứng đặc hiệu trên lâm sàng. Muốn kiểm tra chính xác phải dựa vào phương pháp sắc ký nhưng ít nơi làm được và khó có kết quả trong 24 giờ.

Vì thế, để đề phòng ngộ độc rượu methanol, không nên ham rẻ mà uống những loại rượu không rõ xuất xứ, nhất là những loại rượu trắng, rượu "thuốc" bán rong. Khi có dấu hiệu ngộ độc rượu, không tự ý chữa trị theo phương pháp dân gian mà nên chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất

Vũ Cao
.
.