Phan Ý Ly: Tại sao phụ nữ hay buồn?

Thứ Bảy, 18/09/2010, 06:40
Sinh năm 1981, Thạc sĩ Phan Ý Ly là người nhận học bổng của Chính phủ Anh và tốt nghiệp hạng ưu về Sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người. Cô đã có 10 năm kinh nghiệm trong phát triển cộng đồng, từng làm việc ở các quốc gia và được biết đến với các dự án đầy sáng tạo trong việc phát triển con người tại Việt Nam.

Sự khác biệt

"Tại sao bạn lại cốc vào đầu bạn ấy? Vì bạn làm lớp trưởng ư?". "Tại sao bạn tổ trưởng này lại hung dữ đến vậy khi mắng một bạn yếu thế hơn?". "Bạn thể hiện quyền lực ư? Thật bất công, điều đó thật là vớ vẩn". "Tại sao mỗi sáng đến trường bạn lại khóc. Có phải bạn quên không làm bài? Bạn nhớ bố mẹ chăng? Hay bạn sợ thầy cô?". "Nào, đừng ngại, hãy nói đi, chúng mình cùng giải quyết nhé". Hàng trăm câu hỏi: "Tại sao?"  ở trong đầu cô bé Phan Ý Ly khi mới còn là một cô bé con 6, 7 tuổi.

Ký ức về năm lớp 2, "Phan Ý Ly, em lại nghĩ ra một trò nghịch ngợm gì nữa thế này? Tại sao cô bảo em chấm điểm thi đua cho các bạn trong lớp em lại ngồi vẽ hả Phan Ý Ly?". Cô bé đứng lên dõng dạc: "Thưa cô, em không ngồi chơi, em đã chấm điểm xong rồi". Cô nhíu mày: "Đừng đùa nữa, vậy thì điểm đâu?". Hàng chục bạn quây xung quanh cô bé: "Hãy cho tớ biết, tớ được mấy điểm nào?”, "Cả tớ nữa, tớ cũng muốn biết tớ bao nhiêu điểm?"...

Phan Ý Ly chìa một tờ giấy có những cái hình rất xinh xắn được vẽ nắn nót giơ ra trước các bạn và cô giáo. Ồ! Gì thế này? Một tờ giấy không có số điểm chỉ có tên học sinh và các hình ngộ nghĩnh sắc màu. Hình tròn, hình vuông, hình tam giác. "Thưa cô em không muốn chấm điểm các bạn bằng con số, em muốn chấm bằng hình. Hình tròn có nghĩa là hoàn thành tốt. Hình vuông là cần phải cố gắng hơn. Hình tam giác thể hiện lao động yếu nhất...". Có một bạn gái nào đó đã thốt lên: "Hình tròn màu vàng này xinh quá. Tớ muốn có nhiều hình tròn...".

Sự khác biệt về cách chấm thi đua hay những trò chơi kỳ lạ thể hiện một sự sáng tạo độc đáo của cô bé 7 tuổi ngày đó đã cho thấy một Phan Ý Ly không hề đơn giản, người ta cũng có thể một phần nào tưởng tượng đến bước đường phát triển về công việc của cô sau này.

Không chấp nhận sự đương nhiên, luôn đặt ra câu hỏi tại sao? Vì sao? Và phải giải quyết vấn đề này như thế nào? Bứt phá, mạnh mẽ và chiến đấu để khẳng định, đó là một Phan Ý Ly mảnh mai nhưng đầy tính quyết đoán.

Đôi bàn chân nhỏ nhắn của cô gái ưa xê dịch không chỉ có biết múa những điệu múa Sambalanca cuồng nhiệt, nóng bỏng, mà đến cả xóm lều Kibera, thủ đô Nairobi, nước Kenya - nơi mà đói nghèo, bệnh dịch chết vì HIV/AIDS, ma túy, mại dâm đang là vấn nạn để cùng người dân sở tại tìm cách hạn chế những điều đau khổ đang ngự trị trong cuộc sống tăm tối nơi này. Rồi khi về nước, cô lại đi ra bãi giữa sông Hồng của thủ đô tự tay trao máy quay cho những đứa trẻ cùng khổ, hướng dẫn để chúng tự nói lên tiếng nói của mình.

Hiện nay, Ý Ly là Giám đốc của Life Art, nơi  sử dụng một hệ thống các bài tập, trò chơi, kỹ năng dựa trên sân khấu và các loại hình nghệ thuật căn bản, đảm bảo sự kết nối chặt chẽ giữa cảm xúc, trí óc, cơ thể để giúp mọi người phát triển tiềm năng của mình.

Phan Ý Ly đang hướng dẫn trẻ em ở bãi Giữa sông Hồng làm phim.

Mạnh dạn để phản biện, bạn thấy mình sẽ khác

Phóng viên (PV): Sự lựa chọn của bạn là một ngành khá đặc biệt, tại sao bạn lại chọn "Sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người" chứ không phải là một ngành nào khác?

Phan Ý Ly: Tất cả các mối quan hệ con người cần được mang tính  đối thoại: giữa cha mẹ và con cái, giữa đàn ông với đàn bà, giữa các dân tộc, các nhóm người, các quốc gia... tất cả cần có đối thoại. Trong thực tế, tất cả các cuộc "đối thoại" đều có xu hướng  trở thành "độc thoại", gây ra những mối quan hệ bất bình đẳng. Nhìn vào thực tế này, nguyên lý chính của nghệ thuật trong phát triển là giúp phục hồi các cuộc đối thoại giữa cá nhân và bản thân, giữa con người và con người.

PV: Và điều gì đã thôi thúc bạn hoạt động xã hội một cách hăng say đến thế? Phải chăng là sự ham muốn khẳng định bản thân hay là do nhu cầu bung tỏa của cảm xúc, nội lực dồi dào của chính mình?

Phan Ý Ly: Ồ! Đấy là điều không phải bắt nguồn từ Ly mà cách đây 7 năm, đó là năm 2001, khi Ly 19 tuổi nhận bằng chuyên ngành tâm lý học từ Ấn Độ về nước. Mỗi khi đi ngoài đường, hay ngồi ở hàng Internet, lúc vào cửa hàng ăn uống, hay dự một chương trình thì mình quan sát giới trẻ, và dễ dàng nhận thấy các bạn trẻ sống không có lý tưởng, hoài bão.

Sống hôm nay biết hôm nay, họ chỉ mong được ổn định, một lộ trình từ khi sinh ra bố mẹ vạch sẵn ra rồi thì cứ đi đúng như thế là xong kết thúc cuộc đời mà cũng không hề có ý định tìm hiểu xem liệu lộ trình đấy có phù hợp với mình hay không? Một con người được lập trình sẵn không còn không gian nào cho sự suy nghĩ, tư duy, đặt câu hỏi cho sự phản biện.

PV: Và bạn bất bình với những điều mình quan sát và cảm nhận ở giới trẻ tại thời điểm đấy ư?

Phan Ý Ly: Đúng, tôi khá bức xúc. Tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết, bản năng tự nhiên là sống phấn đấu, khát khao thể hiện để người khác biết mình là ai cho bõ cái sức trẻ. Vậy mà, vì không có lý tưởng nên các bạn đặt cái tôi của bản thân lên vật chất, thích sở hữu quần áo hàng hiệu, xe, điện thoại thời trang...

Rồi tôi cảm thấy mọi người xung quanh mình rơi vào trạng thái trầm cảm. Ai cũng không hạnh phúc, không vui, có cảm  giác mình làm xong cái này thì phải làm tiếp cái kia, phải vào trường nọ, vì bố mẹ mình muốn thế. Và chẳng thấy vui vẻ gì, kể cả ra đi làm mình sẽ phải làm gì? Phải rót nước, bưng trà, mình phải chạy chọt ở đâu, ra sao?! Liệu sẽ được làm việc hay ngồi chơi? Và rồi mất bao nhiêu năm để được lên lương? Luôn luôn băn khoăn cho tương lai. Phấn đấu để đạt được danh hiệu này, danh hiệu kia nhưng đấy cũng không phải là vì thực chất mình  muốn phấn đấu mà chỉ là đáp ứng cơ chế, vỏ bọc thôi. Và khi người ta làm cái điều mà người ta không thực sự mong muốn, thực tâm người ta khao khát thì bao giờ cũng cảm thấy như không phải là mình. Nửa sống nửa chết.

PV: Theo bạn, điều gì đã làm giới trẻ có sự thay đổi lớn ấy?

Phan Ý Ly: Những năm gần đây truyền thông phát triển, mình so sánh thì thấy có sự khác biệt. Khi tôi còn nhỏ, đọc báo thì ấn tượng nhất là gương người tốt việc tốt, hy sinh cứu bạn... làm tôi cảm thấy tự hào là người Việt, nhưng đến khi trên các phương tiện truyền thông đưa những gương tiêu biểu về người Việt thành công trong nhiều lĩnh vực học tập, kinh tế mình lại rất phấn khích, như được tiếp thêm sức mạnh.

Sau đó lại có các diễn đàn ở trên mạng và mọi người cùng tham gia có rất nhiều luận điểm khác nhau, nó cho thấy tư duy của cả thế hệ dân tộc. Những trang báo mạng đấy như một ngôi trường đào tạo người ta học hỏi lẫn nhau. Khi đưa ra ý kiến này thì lập tức có ý kiến phản bác, và người ta học được ý kiến từ cái sự phản bác đấy. Nó như một làn sóng về công tác xã hội, điều đó làm cho cuộc sống sôi nổi hơn rất nhiều.

Ví dụ như trước đây ai đó nói một luận điểm gì đấy thì phải tin vì không tin thì sợ là mình bị loại, nhưng bây giờ các bạn trẻ tự tin mà nói rằng: "Tôi sẽ lên mạng kiểm tra, có thể tìm kiếm thông tin xem điều này có đúng hay không? Hoặc sẽ còn bao nhiêu ý kiến, bao nhiêu trường phái khác nhau". Và như thế vốn kiến thức tăng lên rất nhiều. Khi người ta có mạng Internet rồi thì người ta học từ toàn cầu, kiến thức không chỉ nằm trong sách vở. Thanh niên vốn có bản năng là tìm tòi, khám phá và sáng tạo nên khi họ có môi trường như thế thì họ sẽ phát triển theo cấp số nhân, đương nhiên giới trẻ hiện nay khác rất nhiều so với 10 năm trước đây.

PV: Nói về một khía cạnh khác của đời sống liên quan đến bộ môn tâm lý học mà bạn đang theo đuổi và đã có rất nhiều trải nghiệm thực tiễn. Đó là phụ nữ. Tôi muốn hỏi bạn, người phụ nữ quan trọng điều gì?

Phan Ý Ly: Người phụ nữ phải biết giá trị của mình là gì và khi biết giá trị của mình là gì, mình muốn gì thì phải hành động. (Cười) Nhưng nhà Phật cũng có câu đại ý rằng: "Sự ham muốn là nguồn gốc, hiểm họa gây ra ưu phiền". Khi mình muốn điều gì là ưu phiền ập đến vì lúc đó mình chưa có cái đó nên mình khắc khoải, trông ngóng.

PV: Cuộc sống ngày nay có quá nhiều áp lực, và người ta vượt qua nó hẳn chả dễ dàng gì. Nỗi buồn, sự cô đơn, mệt mỏi, cả sự chán chường nữa... Phụ nữ vẫn thường kêu than như vậy. Ngay kể cả những người được coi là thành đạt, đủ đầy vẫn không là trường hợp ngoại lệ.

Phan Ý Ly: Có nhiều phụ nữ đã chọn con đường cho mình rồi thì sau đó lại ngồi than phiền về nó. Cuộc sống vẫn có nhiều người như vậy. Nhiều lắm, ví dụ như không cho chồng chăm con bởi vì nghĩ anh ấy không có khả năng, anh ấy lúng túng vụng về, nghĩ mình là vợ, là mẹ, và khi người chồng không gắn bó với công việc gia đình bởi vì anh ấy cũng nghĩ rằng anh ấy không có khả năng thì bắt đầu ngồi than phiền.

Tại sao phụ nữ hay buồn khổ miên man, nghĩ chuyện nọ lại sang chuyện kia, thậm chí nghĩ mãi những chuyện chưa từng xảy ra, hoặc buồn vì những điều xảy ra trong tưởng tượng thì đấy là lối suy nghĩ rất phụ nữ, rất cảm tính. Tại sao đàn ông vượt qua nhanh chóng và đi đến quyết định lạnh lùng và tàn nhẫn như theo lời của phụ nữ, bởi vì đàn ông họ rành mạch và rõ ràng, chuyện gì ra chuyện đấy. Phụ nữ nên tách bạch mọi thứ và không nên tự làm khổ mình vì những điều không đáng. Sự suy nghĩ miên man dày vò là do tự mình tạo ra hết.

PV: Loại bỏ nỗi buồn và nước mắt là điều không hề đơn giản với tâm hồn mong manh, nhạy cảm của phái đẹp.

Phan Ý Ly: Nhưng điều đấy có thể tập được. Hãy thử một lần rồi và lần sau bạn có thể sẽ tốt hơn.

PV: Với tư cách là một người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý học, vậy để giải quyết vấn đề này một cách cụ thể ra sao?

Phan Ý Ly: Một câu rất quen thuộc thôi là hãy nghĩ xem thực sự mình muốn gì và làm thế nào để đạt được nó. Hãy có kế hoạch để đạt được điều mình mong ước. 

Nhưng việc nghĩ là mình muốn gì thì phải thực sự thành thật với bản thân bởi vì nhiều người nói tôi muốn chồng tôi giỏi giang, con tôi ngoan ngoãn, và hoàn toàn không nhắc gì đến bản thân mình, nhưng đến khi mệt, không ai chăm thì lại buồn. Trong khi buồn thì có nhu cầu muốn bản thân mình được người khác quan tâm, chăm sóc. Vậy mà đến khi hỏi muốn gì thì lại toàn muốn cho người khác, cho mình thì không thấy đâu. Đấy là thói quen của người phụ nữ Việt Nam. Mình nghĩ cho mình thì mình rất khỏe mạnh mà khi đã khỏe mạnh rồi thì mình sẽ biết cách phục vụ cho người khác như thế nào. Những vấn đề đấy mọi người không chỉ nên nghe mà phải thực hiện.

Vài nét về Phan Ý Ly:

16 tuổi: Học ĐH Mount Carmel College tại Bangalore, Ấn Độ.

19 tuổi: Làm việc cho dự án Xóa đói giảm nghèo của Liên Hiệp Quốc.

23 tuổi: Giành học bổng Chevening và trở thành người Việt Nam đầu tiên học Thạc sĩ chuyên ngành Nghệ thuật trong công tác phát triển cộng đồng tại ĐH Winchester Southampton, Anh.

24 tuổi: Khởi xướng và thực hiện dự án đào tạo mô hình sân khấu diễn đàn cho một tổ chức dân vận từ xóm lều Kibera, thủ đô Nairobi, Kenya. Tham gia Trại Nghệ thuật biểu diễn Mekông lần 1 tại Manila (Philippines). Sáng lập sân khấu Nháp - nhóm sân khấu thể nghiệm độc lập đầu tiên tại Việt Nam được hình thành và quy tụ của lứa tuổi 8X.

25 tuổi: Thắng giải đúp cuộc thi Ngày sáng tạo Việt Nam với chủ đề Sáng tạo vì trẻ em và thanh thiếu niên khó khăn do Bộ GD&ĐT và Ngân hàng thế giới tổ chức.

26 tuổi: Thực hiện dự án phim Cuộc đời tôi - Cách nhìn của tôi, tại bãi giữa sông Hồng, Hà Nội.

27 tuổi: Lần đầu tiên đem mô hình Nghệ thuật trong phát triển cộng đồng vào giảng dạy tại các lớp đại trà ở Hà Nội.

29 tuổi: Giám đốc Life Art, trung tâm đào tạo "Phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo".

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.