Pháp và nỗ lực đại chúng hóa nhạc kịch

Thứ Hai, 15/07/2019, 21:21
Ngày 13-6-2019 vừa qua, vở diễn “Con tàu ma” viết năm 1843, của nhà soạn nhạc kỳ tài Đức Richard Wagner (1813-1883), từ nhà hát Graslin, thành phố Nantes, đã được truyền trực tiếp ra bốn mươi thành phố miền Tây nước Pháp.

Lần này, vở nhạc kịch “Con tàu ma” được Nhà hát Hagen của Đức trình diễn, với sự phối hợp dàn dựng của hai đoàn nhạc kịch Pháp, đoàn Nantes và đoàn Rennes.

Lúc đầu, lãnh đạo nhà hát Graslin dự định chiếu vở diễn qua màn hình lớn ngoài trời, ở những quảng trường hay địa điểm chủ yếu các thành phố miền tây, nhưng cuối cùng, việc đó được tiến hành ở bất cứ nơi nào có địa điểm chung rộng rãi, dù chúng có mái che hay không, như bể hay hồ bơi, nơi giao lưu với khách hàng của các nhà nhiếp ảnh, trung tâm nữ phạm nhân, điểm cải huấn trẻ vị thành niên, khu ký túc xá đại học… 

Nhiều làng xã cũng xin được xem trực tiếp “Con tàu ma” trên màn ảnh nhỏ gia đình… Vở nhạc kịch được thể hiện bằng tiếng Đức, bên trên sân khấu hiện rõ phụ chú tiếng Pháp. Như thế, bất cứ ai ở miền tây Pháp cũng có thể  được thưởng thức vở nhạc kịch kiệt tác của Richard Wagner mà không phải trả tiền.

Đáng chú ý, phương diện tài chính của cuộc truyền hình vì công chúng - có những nơi phát lại buổi truyền hình trực tiếp - không được đề cập. Ở đây, nghệ thuật vì số đông, cho số đông là mệnh lệnh, đúng như tâm niệm hồn cốt của Richard Wagner thuở sinh thời. 

Sự kiện nổi bật nhất trong đời ông là "ân huệ" mà vua Xứ Bavière Louis II (1864-1886), một người hâm mộ ông hết sức cuồng nhiệt, dành cho ông hầu như vô điều kiện. Năm 1861, ông tập trung tâm sức cho việc trình diễn ở Paris vở nhạc kịch Tannhauser của mình, nhưng khán giả đa phần huýt sáo chế giễu, báo chí chê cười thậm tệ…

Năm 1864, vừa lên ngôi, Louis II đã mời thần tượng Wagner của vua về Munich, trả hết nợ nần cho Wagner, tạo điều kiện cho Wagner công diễn các vở nhạc kịch của mình, dưới sự điều phối của Hans von Bulow (1830-1894), nhạc trưởng và tay dương cầm gạo cội, một học trò sáng giá của Wagner và Lizt. 

Oái oăm thay, Cosima Bulow, vợ người học trò, con gái của nhạc sỹ thiên tài người Hung Franz Liszt (1811- 1886), bạn thân của Wagner, đem lòng si mê Wagner, dù kém Wagner tới 24 tuổi. Năm 1865, Cosima sinh một bé gái - mang dòng máu của Wagner. Cả Munich sôi lên vì đủ chuyện xì xầm, ảnh hưởng tới uy tín triều đình. Năm 1866, Wagner đành lòng "rời bỏ" nhà vua - vốn định thoái vị để đi theo.

Richard Wagner là người căm ghét chủ nghĩa tư bản và quân phiệt. Do vậy, quan điểm nghệ thuật của ông được xem là tiến bộ nhất của thời đại. Xin ghi nhận, lý tưởng thẩm mỹ này được định hướng từ tâm niệm của Arthur Schopenhauer (1788-1860), nhà triết học Đức vĩ đại, mà ông tôn làm sư phụ toàn diện. 

Nếu hôm nay, điện ảnh là nghệ thuật tổng hòa của mọi nghệ thuật, thì thời ấy, Schopenhauer nhấn mạnh rằng âm nhạc là nghệ thuật chủ lực, vì không mấy liên quan tới thế giới vật chất; âm nhạc phải là tổng hợp của văn thơ nhạc họa.

Từ đó, Wagner chủ trương, nhạc kịch cần từ bỏ những ước lệ khô cứng, nhạc kịch phải là hoa trái của sự hợp tác giữa nghệ sỹ và nhân dân, cội nguồn của mọi thiên tài, mà gương sáng là những thành tựu chói lọi của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại, nảy sinh từ sự hòa hợp thân thiết giữa nhà thơ và công chúng của mình. Không lạ, Richard Wagner đứng lại vĩnh viễn trong lịch sử nghệ thuật thế giới như một trong những nhạc sỹ quan trọng nhất, với những vở nhạc kịch cuốn hút, đầy chất văn, chất thơ, chất họa, trước đó chưa từng có.

Khán giả miền tây Pháp xem vở nhạc kịch “Con tàu ma” qua màn hình lớn.

“Con tàu ma” là một trong những thành tựu chói lọi theo thời gian. Nó được trình diễn không ngưng nghỉ, ở khắp hành tinh, suốt từ khi ra đời. Lý do của sức thanh xuân của nó có lẽ là tính thời sự của chủ đề tư tưởng. Chuyện của “Con tàu ma” được gợi ý từ nhiều truyền thuyết tây Âu cổ. 

Trước hết là chàng Do Thái bị tội đày lang bạt kể về một người Do Thái, chửi rủa Đức Kitô chịu thống khổ vì nhân loại, nên bị "xử" sống cơ cực nay đây mai đó vĩnh viễn. Gần hơn là chàng Hà Lan buộc phải trôi dạt muôn đời trên biển, tương tự chuyện trên, chỉ khác ở nơi lưu đày, đây là một truyền thuyết dân gian Bắc Âu. 

Từng bị cơ cực trong một chuyến bị bão đe dọa tính mạng ở Đan Mạch, Richard Wagner ngẫm nghĩ nhiều về giai thoại chàng Hà Lan xấu số. Và “Con tàu ma” ra đời.

Chuyện rằng do báng bổ Chúa trời, một thuyền trưởng Hà Lan và thủy thủ đoàn phải lang thang mãi trên các đại dương, cứ bảy năm được ghé bờ một lần, mong tìm được cách chuộc tội. Hay nhất là tìm được một phụ nữ chung tình tuyệt đối. 

Quan tâm tới các kho báu của viên thuyền trưởng bất hạnh, nhà buôn Na Uy Daland hứa sẽ gả con gái Senta cho, và mời đi theo về. Được cha giới thiệu, cô gái ưng thuận tức khắc, vì từ lâu cô từng bị chuyện của chàng thủy thủ kỳ lạ ám ảnh. 

Song cô đã hứa hôn với Erick. Erick lên tiếng trách móc Senta. Viên thuyền trưởng không thể phá hoại hạnh phúc của đồng loại, bèn nói thật bản án kinh khủng của mình và cùng anh em nhảy lên “Con tàu ma” chạy trốn ra biển. Bất ngờ hơn, Senta đã tự hứa sống chết vì "người mới", nên nhảy xuống biển tự vẫn…

“Con tàu ma” như vậy hàm chứa nhiều thông điệp, khiến công chúng hôm nay khó hờ hững. Qua sức hút đông khán giả đến với vở nhạc kịch, cho thấy cần xóa bỏ định kiến lâu nay, nhạc kịch chỉ vừa tầm với những người lắm bạc nhiều tiền, học cao biết rộng.

Thế là năm 2009, ở thành phố Rennes, miền Tây nước Pháp, họ cho truyền hình trực tiếp hai lần vở “Don Giovani” của Mozart (1756-1791). Thành công đáng khích lệ. Năm  2017, đến lượt một kiệt tác hàng đầu nữa, “Carmen” của Meilhac (1831-1897), Halevy (1799-1862) và Bizet (1838-1875). Cũng mấy lần, thành công vang dội… 

Giám đốc Đoàn nhạc kịch Rennes, miền Tây Pháp, đại diện cho các nhà chủ trương "đại chúng hóa nhạc kịch", vui mừng khẳng định: "Chúng tôi vững tin vào sức mạnh kết nối cộng đồng của nhạc kịch, vào khả năng của nó - khơi gợi những xúc động tập thể"…

Đặng Nhân Từ
.
.