Phật Tích và Phật Ngọc

Thứ Năm, 28/05/2009, 20:35
Ngày 16/5 đã diễn ra một sự kiện văn hóa tâm linh lớn đó là lễ đón pho tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới từ chùa Vạn An, tỉnh Đồng Tháp về cung nghênh tại chùa Phật Tích nằm dưới chân núi Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Pho tượng Phật ngọc với tên gọi "Phật ngọc cho hòa bình thế giới" sẽ tọa lạc ở ngôi chùa cổ nhất Việt Nam trong thời gian 7 ngày với ý nghĩa cầu quốc thái dân an và hòa bình thế giới.

Sự tích chùa Phật Tích

Sự kiện văn hóa tâm linh này không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi địa phận của tỉnh Bắc Ninh hay Giáo hội Phật giáo tỉnh Bắc Ninh, mà còn lan tỏa đến tất cả các tăng ni phật tử và nhân dân miền Bắc. Nhiều người đã hành hương về ngôi chùa cổ cách thành phố Hà Nội chưa đầy 30 cây số, để thỏa tâm chiêm bái bức tượng Phật ngọc có một không hai trên thế giới.

Có một điều đặc biệt, ngôi chùa Phật Tích là điểm đầu tiên và cũng là duy nhất của địa phận miền Bắc cung nghênh Phật ngọc. Phải chăng nơi đây chính là đất Phật, là mảnh đất đã gắn với những truyền thuyết dệt thành huyền thoại của Tiên, của Phật. Chẳng vậy mà mảnh đất nơi đây có cái tên kỳ lạ là huyện Tiên Du (các tiên du ngoạn hạ giới), và núi Phật Tích (Phật đến tọa lạc và gắn với những sự tích).

Chuyện kể rằng, sườn núi Lạn Kha (cán búa nát) cũng bắt đầu từ sự tích của người tiều phu đốn củi Vương Chất, một hôm chàng vào rừng gặp hai tiên ông, râu tóc bạc phơ, dáng người khoan thai, khuôn mặt hiền hậu đang chơi cờ. Bàn cờ có sức mê hoặc lạ kỳ, níu chân chàng ở lại trên núi, khi tàn bàn cờ cũng là lúc chàng nhìn vào cán búa thì cán búa đã mục nát.

Một ngày trên tiên giới bằng hàng trăm năm dưới trần gian. Rồi, truyền thuyết về câu chuyện tình yêu nồng nàn, lãng mạn, như một bản tình ca giữa người dưới dương thế kết duyên và giao hòa với thần phật trên trời cũng gắn liền với ngôi chùa Phật Tích. Đó chính là câu chuyện tình cảm động, Từ Thức gặp tiên gắn liền với loài hoa mẫu đơn, để rồi cứ vào ngày mồng 4 tết hằng năm, lễ hội hoa mẫu đơn cùng với nhiều trò chơi dân gian khác được tổ chức tại ngôi chùa cổ sát chân núi diễn ra từ nhiều thế kỷ.

Chẳng biết từ khi nào, người dân xung quanh ngọn núi đã truyền cho nhau nghe một câu chuyện, vào ngày tết, trong một buổi du xuân có nàng tiên nữ Giáng Hương lạc xuống một ngôi chùa dưới hạ giới, ngây ngất trước vẻ đẹp và hương thơm của những cành hoa mẫu đơn được trồng trong khuôn viên nhà chùa, nàng tiên nữ không đừng được đã hái hoa nên bị tiểu phạt vạ.

Lúc đấy, chàng Từ Thức đi qua, nhìn thấy người con gái dung nhan yêu kiều xinh đẹp, dáng vẻ mong manh tha thướt lại bị trói vào thân cây. Thấy lạ, chàng hỏi chuyện, sau khi biết rõ sự tình nên đã cởi tấm áo của mình ra để chuộc nàng. Cảm động trước tấm chân tình của chàng Từ Thức, tiên nữ Giáng Hương đã đưa chàng đi vào cửa hang trên ngọn núi. Tới đây, chàng đã lạc vào động tiên, lúc bấy giờ mới được biết người con gái mình cứu giúp chính là tiên nữ. Sau đấy, hai người nên duyên chồng vợ, tuy nhiên chàng không nguôi ngoai nỗi sầu muộn vì nhớ hạ giới...

Tại sao chùa Phật Tích là nơi dừng chân duy nhất của tượng Phật ngọc trên đất Bắc?

Vùng đất Kinh Bắc, từ lâu đã để lại dấu ấn với những ngôi chùa cổ nổi tiếng linh thiêng với kiến trúc độc đáo  trải dài theo dọc dài đất nước qua hàng thế kỷ như chùa Dâu, chùa Bút Tháp, chùa Dạm, chùa Tiêu... nhưng tại sao bức tượng Phật ngọc lại chỉ dừng chân tọa lạc tại địa chỉ duy nhất ở miền bắc là ngôi chùa cổ Phật Tích?!

Tăng ni đệ tử chùa Phật Tích đang cắt hoa trang trí cho ngày cung nghênh Phật Ngọc.

Đại đức Thích Đức Thiện, Tiến sĩ Phật học trụ trì chùa Phật Tích cho PV Chuyên đề ANTG biết: Vì ngay từ thế kỷ đầu Công nguyên ngôi chùa là nơi đầu tiên diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian Việt cổ. Cũng chính tại nơi đây hình thành trung tâm Phật giáo Dâu - Luy Lâu. Chùa Phật Tích là nơi đầu tiên xuất hiện  đạo Phật ở Việt Nam.

Theo Đại đức Thích Đức Thiện, trải qua bao biến động của thời gian, hiện nay ngôi chùa vẫn còn lưu giữ lại những báu vật tâm linh duy nhất trong hệ thống chùa cổ. Đó là bức tượng Phật A di đà bằng đá xanh, và 10 con linh thú như lân, rồng, voi, ngựa, trâu... có từ thời Lý.

Những con thú có chiều cao trung bình 1,2m, dài 1,5 đến 1,8m, nằm phủ phục cân xứng ở hai bên lối lên bậc tam cấp dẫn vào gian chính của ngôi chùa. Và, chính tại ngôi chùa này, cũng là nơi lưu giữ di cốt của thiền sư Chuyết công Thánh tổ (Thời Lê, năm 1633 thiền sư Chuyết Chuyết sang phương Nam vào kinh đô Đại Việt, ông đã đến chùa Phật Tích để giảng dạo và đã viên tịch tại nơi đây).

Sau này, năm 1993, lần đầu tiên Việt Nam phục nguyên thành công bằng phương pháp ghép các mảnh xương lại, rồi dùng thạch cao phủ ra ngoài. Hiện nay, pho tượng Chuyết Công ngồi thiền mang một vẻ đẹp lấp lánh và khác lạ so với các pho tượng sư tổ ở các ngôi chùa khác trong cả nước.

Cùng với 32 tòa bảo tháp chứa đựng xá lị của các sư từ thế kỷ XVII-XX. Một điều thú vị nữa, là bộ kinh Bát nhã bằng đồng lá hai mặt có từ thời Lê vẫn còn được lưu giữ nghiêm cẩn tại chùa Phật Tích. Nơi đây, những dấu tích cổ cũng được phát lộ như giếng nước cổ có từ thời Lý, mà ở dưới giếng còn có tượng rồng trong miệng đang ngậm ngọc.

Rồi mới đây nhất, năm 2008, phát lộ một chân móng tháp khổng lồ ngay gần bức tượng Phật A di đà. Chân móng tháp cao 4m, dài 9m, và những viên gạch còn nguyên vuông vức. Trên mỗi viên gạch đều có dòng chữ rất rõ: "Lý Gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên chế". Hiện nay chân tháp này đang được quây kín để các nhà khoa học tìm phương án tối ưu.

Lùi về khoảng năm 820, có nhà sư người Ấn Độ Khâu Đà La đã đến núi Tiên Du dựng một ngôi chùa bên chân núi và truyền bá đạo Phật. Sau đó, vào thế kỷ thứ X, mùa đông năm 1041 Vua Lý Thánh Tông (vị vua thứ 3 trong 8 vị vua triều Lý) đến núi Tiên Du thưởng ngoạn và làm viện Từ Thị Thiên Phúc cùng lúc ông đã cho đúc rất nhiều  tượng Phật và chuông cho chùa.

Thời Lý, đạo Phật bằng đồng được coi là “quốc đạo” và phát triển mạnh mẽ. Chùa Phật Tích đã thực sự là đỉnh cao của kiến trúc nghệ thuật thời Lý. Vào thời nhà Trần, ngôi tháp bị đổ lộ ra một bức tượng Phật, thời gian trôi, các lớp sơn bên ngoài cũng bong ra, rơi rụng, bức tượng Phật A di đà hiển hiện lung linh với màu xanh ngọc tuyệt đẹp.

Bức tượng Phật ngồi thiền được coi là bức tượng cuối cùng trong hệ thống tượng Phật có niên đại lâu nhất của nước ta. Nhân dân làng Hỏa Kê từ ngày phát lộ thấy bức tượng Phật vô cùng mừng rỡ coi đó chính là điềm lành nên di chuyển đến sống quanh ngôi chùa dưới chân núi. Và từ đó người ta gọi tên chùa là chùa Phật Tích, núi Phật Tích. --PageBreak--

Ngôi chùa Phật Tích, mang đậm dấu ấn suốt hơn 1.000 năm lịch sử từ thời Lý cho tới nay. Vẻ đẹp cổ kính nguyên sơ của ngôi chùa nằm trong một không gian đầy chất thơ, phía trước là sông Đuống uốn khúc quanh co, phía sau là dãy núi Phật Tích hay còn gọi là núi Nguyệt Hằng (tiên nữ cung trăng) nhấp nhô. Tiếc thay, năm 1947 quân Pháp đã phá hủy toàn bộ ngôi chùa.

Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954 người ta đã bắt đầu dựng lại nhưng quy mô nhỏ hẹp và tới năm 1962, ngôi chùa được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Năm 1986, chùa mới thực sự được dựng lại với gian nhà nhỏ bằng mái cổ vẫn trong một phạm vi khiêm tốn. Năm 1991, ngôi chùa tiếp tục được dựng với quy mô rộng hơn, 7 gian tiền đường, 5 gian Bảo thờ Phật, và 7 gian nhà thờ Thánh Mẫu.

Hiện nay, trong Đại lễ hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ngôi chùa đang được tu bổ lại theo hình thức lối kiến trúc phục dựng ban đầu. Dự kiến đến tháng 6/2009 sẽ hoàn thành xong Tứ trụ, gác chuông, ban thờ Tam bảo trong khuôn viên rộng 2,7 ha. Tuy một đôi nơi còn đang ngổn ngang cát sỏi... nhưng tinh thần hướng về cõi Phật của tất cả các tăng ni, phật tử vẫn vượt lên tất cả khi lễ đón tượng Phật ngọc lớn nhất thế giới.

Ở đây, tất cả đều quán triệt tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng đồng lòng, hợp sức cho ngày đại lễ nên sự trật tự, nề nếp vẫn được duy trì chứ không hề nhộn nhạo như các lễ hội khác.

Linh thú ở chùa Phật Tích.

Có một điều làm cho người dân rưng rưng xúc động, đó là, ngay từ những ngày trước khi diễn ra lễ hội, dự kiến trời sẽ rất nắng vào những ngày đầu nên Ban tổ chức trong Lễ nghênh đón tượng Phật ngọc cùng với các sư thầy trong chùa Phật Tích đã làm bạt che nắng, che mưa cho người dân đến chiêm bái tượng Phật. Diện tích của khu nhà bạt này rộng hơn 1.000m2. Và nhà chùa còn nấu đồ chay miễn phí phục vụ mọi người tới chiêm bái.

Sự từ bi và tinh thần Phật pháp lan tỏa tại nơi đây, điều này đã làm cho công chúng đến chiêm bái pho tượng thấy mình như được khởi tâm hướng thiện.

Nguồn gốc bức tượng Phật Ngọc quý nhất thế giới

Cuộc rước Phật Ngọc cho hòa bình thế giới do Trung tâm Phật giáo Ati Sha (Australia) khởi xướng. Được biết, ý tưởng đưa bức tượng Phật quý nhất thế giới về Việt Nam do hai ông bà Ian Green, phật tử đã tu hành ở Tây Tạng.

Từ năm 2000 có một khối đá quý được tìm thấy tại Canada, ông bà Ian Green đã mua về. Năm 2006, đã chuyển khối đá từ Canada sang Thái Lan để chế tác bức tượng. Cuối năm 2008, bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đã được hoàn tất. Bức tượng được làm bằng ngọc nguyên khối và Việt Nam chính là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du của tượng Phật ngọc vòng quanh thế giới. Bức tượng được chở từ Thái Lan đến Việt Nam qua đường thủy và cập bến ở Đà Nẵng nhân dịp ngày lễ Quan Âm (và Hải quan Đà Nẵng xác nhận bức tượng nặng 3,9 tấn). 

Ông Trần Hồng Minh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Xây dựng và Đầu tư miền Bắc, thành viên phụ trách trong Ban tổ chức Lễ nghênh đón tượng Phật ngọc cho biết: "Vận chuyển pho tượng ngọc đồ sộ từ các chùa trong nước sẽ được chở trên ôtô chuyên dụng, và tượng Phật ngọc được để đứng khi vận chuyển, đồng thời toàn thân phủ kín bằng vải, ngoài ra còn có những khung bằng sắt chung quanh để tránh xây xước. Và cũng phải cần đến sự trợ giúp của cần cẩu cho bức tượng quý hiếm này.

Pho tượng này, đã được các nhà khoa học nghiên cứu đá quý trên thế giới khẳng định chất lượng ngọc quý, tinh xảo hiếm gặp. Pho tượng Phật không tỳ vết nên trên đường vận chuyển cứ đi khoảng từ 30 cây đến 50 cây số, thì xe chở tượng Phật ngọc dừng lại để làm công tác kiểm tra. Dự tính từ xe ôtô để chuyển xuống và mang vào vị trí đặt tượng mất 4 tiếng”.

Cũng theo ông Minh, vì sự kiện văn hóa này không chỉ còn là của riêng ngành Giáo hội Phật giáo mà còn là sự kết hợp giữa các tổ chức, ban, ngành của các cấp, các ngành. Nên lễ đón rước sẽ được tiến hành long trọng và quy củ nhưng cũng chân tình, cởi mở.

Để bảo vệ an toàn tuyệt đối cho việc vận chuyển bức tượng, lực lượng cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Bắc Ninh đã dùng xe dẫn để mở đường. Đoàn đi rước gồm 250 phật tử được tuyển chọn ra nghênh đón tượng Phật đi trên 10 xe hoa, và trên mỗi mui xe đều có tấm hình pho tượng sống động, và những cành hoa tươi thắm được tết thành hình xung quanh bức ảnh. 

Ở đây, không có sự chặt chém của khuất tất buôn bán. Tất cả các dịch vụ như các cửa hàng ăn uống hay nơi trông xe đều được niêm yết giá cả công khai, minh bạch.

Dự kiến, lễ hội sẽ có khoảng 3 vạn người mỗi ngày đến chiêm bái bức tượng quý hiếm, độc đáo này. Lại một lần nữa, những người dân của vùng đất Kinh Bắc tự hào vì mình được sinh ra trên đất Phật, và sự kiện mang ý nghĩa văn hóa khởi tâm hướng thiện, sẽ đến với mọi người dân xa xôi từ khắp các miền của đất nước cùng nô nức đến với lễ hội mang đầy màu sắc tâm linh ý nghĩa này

Trần Mỹ Hiền
.
.