Phát hiện ADN nam tiềm ẩn trong não bộ phụ nữ
Các nhà khoa học ở Trung tâm Nghiên cứu bệnh ung thư Fred Hutchinson - Trung tâm Fved Hutchinson đặt trụ sở tại thành phố Seattle (Mỹ) xét nghiệm hàng chục não bộ phụ nữ và phát hiện thấy tuyệt đại đa số cơ quan này chứa chất liệu gene chỉ tìm thấy nơi nhiễm sắc thể Y.
Chất liệu gene này gần như chắc chắn không tìm thấy trong bộ gene của các bé gái khi chào đời (trừ những trường hợp bất thường). Do đó, cách giải thích có thể chấp nhận được là trong thời gian mang thai, các tế bào từ bào thai nam thoát ra khỏi nhau, tuần hoàn trong cơ thể người mẹ rồi sau đó cư trú trong não của người này. Hiện tượng chất liệu từ nhiễm sắc thể Y được tìm thấy trong cơ thể người phụ nữ được gọi là "vi lưỡng gene" (microchimerism). Phát hiện được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh Alzheimer và ung thư.
Trong công trình nghiên cứu mới của nhóm nhà khoa học ở Trung tâm Fred Hutchinson (Mỹ) được công bố vào tháng 9 vừa qua trên tạp chí Plos One, nữ chuyên gia di truyền học miễn dịch J. Lee Nelson cùng với các đồng nghiệp đã tiến hành xét nghiệm các mẫu não bộ của 59 phụ nữ đã chết và phát hiện 63% trong số đó có chứa chất liệu gene nam tính - một hiện tượng được gọi là cơ chế “vi lưỡng gene”.
Hiện tượng thường xảy ra khi một người dung nạp các tế bào của một cá nhân có gene khác biệt và cơ chế này tương đối phổ biến nơi não bộ. Các tế bào từ phôi thai nữ cũng có thể đi vào cơ thể người mẹ, song do khó dò thấy hơn cho nên các nhà khoa học chỉ tập trung vào phôi thai nam. Thậm chí những phụ nữ chưa từng sinh con trai do sẩy thai cũng có thể dẫn đến hiện tượng “vi lưỡng gene” nam.
Để bắt đầu, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm hiểu xem tại sao các tế bào phôi thai hay chất liệu gene lạ nhận được sự khoan dung của hệ miễn dịch vốn có chức năng loại bỏ những gene ra khỏi cơ thể. Các nhà nghiên cứu cũng muốn biết làm thế nào mà các tế bào như thế tồn tại trong thời gian rất dài ở cơ thể phụ nữ. Ví dụ, đối tượng nữ lớn tuổi nhất trong nghiên cứu mổ xác là 94 tuổi - nghĩa là ADN nam xâm nhập trong thời gian mang thai có thể nằm ở não phụ nữ trong gần một thế kỷ!
Điều quan trọng mà các nhà khoa học muốn biết nữa là chất liệu gene lạ sẽ có hại hay có lợi cho người mẹ - theo Diana Bianchi, nhà di truyền học sinh sản và giáo sư Đại học Y khoa Tufts. Theo những gì mà giới khoa học đã biết về các bệnh tự miễn dịch, ung thư và tổn thương mô, có lẽ câu trả lời là cả hai - tức có lợi lẫn có hại. Về mặt tiêu cực, các nghiên cứu hiện nay cho thấy cơ chế “vi lưỡng gene” liên quan đến các bệnh miễn dịch - như lao da và xơ cứng da (scleroderma) - và trong một số trường hợp là viêm khớp dạng thấp, một rối loạn khiến các khớp bị viêm gây đau đớn dẫn đến suy giảm nặng nề khả năng vận động.
Viêm khớp dạng thấp (cũng giống như scleroderma và lao da) tác động đến phụ nữ nhiều hơn nam giới và nó cũng liên quan đến di truyền. Theo nhà nghiên cứu người Pháp Nathalie Lambert, những phụ nữ bị dạng viêm khớp này thường sở hữu chất liệu gene từ phôi thai. Trong một nghiên cứu khác, những phụ nữ có cơ chế “vi lưỡng gene” thường dễ mắc bệnh ung thư đại tràng hơn.
Còn theo Bianchi, các tế bào phôi thai giúp bảo vệ người mẹ từ lúc còn ở trong tử cung cho đến nhiều năm sau đó. Nữ chuyên gia khoa tim Hina Chaudhry ở Đại học Y khoa Mount Sinai, New York (Mỹ) mới đây tìm thấy bằng chứng cho nhận định của nhà di truyền học Bianchi trong một nghiên cứu về bệnh tim. Thí nghiệm trên chuột mang thai, Hina Chaudhry và các đồng nghiệp có thể theo dõi sự di chuyển của các tế bào phôi thai bên trong cơ thể chuột mẹ. Khi gây bệnh tim cho chuột đang mang thai, nhóm nhà nghiên cứu quan sát thấy các tế bào phôi thai đến "định cư" trên mô bị tổn thương.
Nói khác đi, các tế bào phôi thai ôm lấy trái tim của người mẹ và phân hóa thành các tế bào cơ tim mới! William Chan, nhà khoa học lãnh đạo cuộc nghiên cứu ở Trung tâm Fred Hutchinson, khẳng định trong thời gian tới cần có thêm nhiều cuộc nghiên cứu nữa về ý nghĩa sinh học của ADN nam giới trong não phụ nữ