Phát hiện Voọc quý ở Sơn Trà
"Thức dậy" từ bên bờ... tuyệt chủng
Ngồi ở quán cà phê tại TP Đà Nẵng nghe bàn kế bên xì xầm về chuyện voọc ở vùng bán đảo Sơn Trà, chúng tôi lập tức chú ý lắng nghe. Theo tài liệu của các nhà nghiên cứu những loài linh trưởng quý hiếm như voọc chỉ nói voọc phân bố nhiều ở Quảng Nam (vùng huyện Quế Phước), Thanh Hóa, Kon Tum, Quảng Bình... chứ tại khu vực TP Đà Nẵng thì chưa nghe nói đến. Nghe hết chuyện, chúng tôi lên đường tìm hiểu sự thật.
Bán đảo Sơn Trà nổi tiếng bởi đây là nơi đầu tiên đối đầu với sự xâm lăng của thực dân Pháp. Nằm cách trung tâm TP Đà Nẵng khoảng 20km về hướng bắc, hợp với các vách đá nhô ra của đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà tạo thành một vòng cung bao bọc vùng vịnh Đà Nẵng và cửa ngõ sông Hàn với ngút ngàn những cánh rừng xanh biếc. Do đó, Sơn Trà vừa như một bức bình phong vững chãi, vừa là "lá phổi xanh" của TP Đà Nẵng.
Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nơi có loài voọc chân nâu quý hiếm chỉ cách trung tâm TP Đà Nẵng chừng 3km. Mùa này miền Trung đang ảnh hưởng bởi đợt không khí lạnh lần hai, đường lên Khu Bảo tồn dày sương và nhiều mưa phùn, không khí rất ẩm ướt.
Ông Phan Thế Dũng, Trưởng ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thấy khách lên hỏi về voọc thì hào hứng lắm. Trên tấm bản đồ quản lý rừng của Khu Bảo tồn, vùng rừng có loại voọc chân nâu quý hiếm này được đánh dấu bằng dòng chữ đậm: “Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt”.
Ông Dũng nói, trước đây, nghe nói voọc còn nhiều lắm, đi từng đàn. Nhưng chỉ nghe nói thôi, chứ rừng dày đặc nên cũng không thấy được voọc. Hơn nữa, đặc tính của Voọc chà vá chân nâu chỉ sống trên các tán cây già ở khu vực rừng nguyên sinh có độ cao so với mặt nước biển từ 500 đến 1.000m, nhiệt độ khoảng 14 - 170C.
Ngày voọc chà vá chân xám còn nhiều, thỉnh thoảng vẫn có những tay săn bắn trộm voọc về... làm mồi nhậu chơi. Con nào bị thương thì họ dùng dây trói lại, nhốt trong nhà hay gốc cây ngoài vườn để làm kiểng. Mặc cho cả thế giới đang lo vì voọc chà vá chân xám là loại linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng ở mức nguy cấp (EN) trong Danh mục Đỏ IUCN.
Trước năm 1990, ngay dưới chân Sơn Trà có 3 tay súng nổi danh là thiện xạ. Hễ sáng xách súng đi là chiều về thể nào cũng mang theo vài con vật chết, nhìn chúng giống khỉ. Không biết voọc chà vá chân xám có phải là những con vật "y như khỉ" hay không(?!). Chỉ biết rằng thịt của loài linh trưởng mà mấy tay thợ săn này thường xuyên mang về không ngon, ăn thấy có mùi hôi của lá dập.
Dẫu cho đám nhậu thịt rừng đã làm đủ cách từ nhúng nước sôi cạo lông, đến thui vàng, cắt tiết không cho thịt chạm nước vẫn không làm bay hết mùi lá... Vì thế, bắn được loại "khỉ" này về, dân nhậu ít làm thịt mà chỉ đục lấy óc ăn sống với chanh lẫn ngò gai chấm muối tiêu mà thôi.
Sau năm 1990, cả 3 tay thiện xạ lần lượt bị lực lượng kiểm lâm bắt giữ khi đang săn trộm thì không ai còn dịp nào nhìn thấy những con thú "giống như khỉ" nữa.
Voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà. |
Mãi đến năm 2004, khi đang đi tuần ở Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, ông Dũng lần đầu tiên được thấy voọc chà vá chân nâu là như thế nào. Lý do để anh thấy được là do voọc mắc bẫy dây. Loại bẫy này được làm từ sợi dây cao su, vít vào đầu một cành cây có độ dẻo cao, cạnh đường đi của thú mà đặt bẫy. Thú rừng mắc chân vào bẫy, cành cây vút lên là coi như... tiêu đời. Chắc voọc khát nước, mò xuống đất nên mới gặp nạn.
Ông Dũng nói, đó là con voọc trưởng thành, rất đẹp, hai chân có màu nâu đỏ đặc trưng từ đầu gối xuống tới mắt cá chân cùng các vệt đỏ quanh mắt, nặng khoảng 8kg. Voọc bị mắc bẫy ở tay, đang cố giãy giụa tìm cách thoát thân.
Thông thường, voọc sống quần cư theo đàn và không bao giờ lìa nhau. Chắc khi con voọc này mắc bẫy, đàn voọc đã ở quanh quẩn đâu đó đợi, nhưng khi thấy đoàn kiểm lâm là lẩn nhanh vào vùng rừng sâu.
Con voọc được đoàn kiểm lâm đem về chốt, mời bác sĩ thú y lên chăm sóc, được vài hôm có vẻ khỏe ra, Ban quản lý Khu Bảo tồn bèn chuyển cho Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương để tiếp tục cứu chữa. Thông tin này, mãi đến khi gặp chúng tôi ông Dũng mới công bố.
Một năm sau, văn phòng của Khu Bảo tồn nhận được tin báo của người dân vùng ven rằng, có loài thú lạ đang lẩn trốn trên cây bạch đàn vì bị chó săn đuổi. Cả trạm như phát sốt vì tin này, bởi loài thú lạ đang trốn trên cây đó có thể là voọc.
Ngay lập tức, cả chốt xuống hiện trường theo chỉ dẫn của người báo tin và nhận ra con thú... đúng là voọc thật. Con voọc lần này còn to hơn con trước. Ông Dũng nói, tiếc thay khi anh em mang voọc về chốt, dẫu đã tốn rất nhiều tiền để nhờ các bác sĩ thú y từ TP Đà Nẵng lên chăm sóc nhưng chỉ được thời gian ngắn thì nó chết.
Thương con voọc chết vì lạc bầy, mấy anh trong chốt bàn nhau ướp bộ da của nó làm kỷ niệm. Đến nay, sau 5 năm giữ gìn nhưng da con voọc chà vá chân nâu này đã có những dấu hiệu bị phân hủy. Chỉ có cái mặt là còn gần như nguyên vẹn. Cái mặt rũ xuống, hốc mắt trống trơn, nhìn vào có cảm giác buồn hắt hiu.
Nghe đâu có đoàn nghiên cứu voọc quốc tế khi về làm việc, đặt vấn đề nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu đã lấy làm khó chịu về chuyện ướp da voọc này. Bởi theo họ, động vật quý khi chết phải được chôn, không nên ướp xác vì bất kỳ mục đích gì. Làm như thế, trông sẽ rất phản cảm. Để tuyên truyền hình ảnh của một loài vật quý trên báo chí, họ chỉ dùng những mô hình được làm từ các chất liệu nhân tạo.
Điều mà đoàn nghiên cứu nói cũng có lý, nhưng họ thiên quá nhiều về mặt khoa học, chưa quan tâm đến tình cảm mà anh em trong chốt dành cho voọc.
Khi cơn bão Xangsane năm 2006 gây cho Đà Nẵng những thiệt hại rất lớn về vật chất, Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng bị thiệt hại nghiêm trọng bởi nhiều vạt cây rừng bị bật gốc. Nhưng đổi lại, lần đầu tiên mọi người chứng kiến cảnh nhiều tốp voọc chạy tìm chỗ tránh bão. Voọc chà vá chân nâu đã thật sự xuất hiện, không chỉ là những phỏng đoán nhất thời hoặc là vài cá thể voọc mà là cả đàn.--PageBreak--
Tương lai loài voọc quý sẽ ra sao?
Cái tin Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có voọc chà vá chân nâu đã gây rung động giới nghiên cứu khoa học chuyên tìm hiểu về loài linh trưởng này. Nhiều đoàn nghiên cứu đã đến đây để thống kê số lượng voọc chà vá chân nâu, các đặc tính và sự sinh trưởng của chúng.
Năm 2006, Trường ĐH Khoa học tự Nhiên thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội đã đến Khu Bảo tồn, chấp nhận nằm rừng để nghiên cứu về voọc chà vá chân nâu. Được sự giúp đỡ của “nhà voọc học” - Tiến sĩ Đinh Thị Phương Anh, Trưởng khoa Sinh - Môi Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, người đã bỏ ra nhiều năm ròng để nghiên cứu về loài voọc chà vá chân nâu, đoàn nghiên cứu đã thu được nhiều kết quả rất đáng mừng.
Bằng cách quan sát trực tiếp, đoàn nghiên cứu đã phát hiện ra có khoảng 12 đàn voọc chà vá chân nâu, với số lượng gần 200 con, mỗi đàn có từ 14 đến 17 con. Cá biệt, có đàn lên đến 24 con. Nhưng, đó chưa phải là kết quả điều tra cuối cùng vì đoàn nghiên cứu do chưa đủ điều kiện làm việc đã không thể đánh giá chính xác số lượng voọc chà vá chân nâu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên này.
Chuyên gia sinh học Vũ Ngọc Thành (ĐH Quốc gia Hà Nội) rất đồng ý với kiến nghị cần có một cuộc điều tra sâu hơn, lớn hơn về voọc chà vá chân nâu ở Sơn Trà, vì cuộc khảo sát mới chỉ thực hiện trên một phần diện tích rừng, nơi được cho là tập trung nhiều voọc chà vá chân nâu nhất.
Tuy nhiên, khi có tín hiệu đáng mừng là đàn voọc chà vá chân nâu xuất hiện với số lượng khá nhiều, thì những người có trách nhiệm lại lo chúng phải đối diện với một số nguy cơ. Việc khai thác gỗ, đốt củi lấy than trái phép, săn bắn động vật hoang dã vẫn chưa được kiểm soát tốt. Rồi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, hình thành các khu du lịch sinh thái tại bán đảo Sơn Trà, gần khu vực mà voọc chà vá chân nâu đang sinh sống.
Tiến sĩ Tilo Nadler, chuyên gia linh trưởng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Vườn Quốc gia Cúc Phương tỏ ra quan ngại về việc hình thành các khu du lịch sinh thái ở Sơn Trà.
Vì theo ông, du lịch sinh thái ở Việt Nam hiện nay thiên về hướng du lịch tự nhiên trong rừng sinh thái chứ chưa hoạt động đúng với tiêu chí du lịch sinh thái của quốc tế, nhất là khi bán đảo Sơn Trà được hướng tới như là trọng điểm của ngành du lịch tại TP Đà Nẵng với hàng loạt loại hình dịch vụ du lịch được khuyến khích đầu tư như: du lịch dã ngoại, khu resort cao cấp, du lịch tín ngưỡng, khu biệt thự sườn núi cao cấp, trung tâm ẩm thực biển kết hợp với nhà hàng nổi, câu lạc bộ du thuyền, nhà trưng bày sinh vật biển, vườn thú, sân golf mini, phim trường, đồi casino, vườn thuốc, vật lý trị liệu, du lịch lặn biển, mạo hiểm...
Ngay cả người dân TP Đà Nẵng khi nghe tin voọc quý xuất hiện tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cũng rất lo lắng cho số phận của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này bởi việc xây dựng ồ ạt, dùng mìn phá đá để mở đường giao thông tại đây đang góp phần thu hẹp dần môi trường sống của voọc chà vá chân nâu. Nhiều đàn voọc đã phải di chuyển lên cao và vào sâu trong rừng bởi tiếng ồn, bắt buộc xa môi trường sống quen thuộc, hẳn không thể là điều kiện sống tốt.
Thông tin mới nhất chúng tôi có được là Tổ chức Bảo tồn voọc chà vá quốc tế (DLF) cho rằng cần phải nhanh chóng lập kế hoạch bảo tồn loài voọc chà vá chân nâu, coi đây là một nội dung ưu tiên đặc biệt trong chương trình bảo tồn đa dạng sinh học từ nay đến năm 2020 ở TP Đà Nẵng.
Việc phát triển du lịch để kích thích sự phát triển của nền kinh tế là điều cần thiết. Tuy nhiên, phát triển du lịch đi kèm với đảm bảo môi trường sinh thái, nhất là vẫn có thể bảo vệ được loài linh trưởng quý hiếm voọc chà vá chân nâu mới là điều quan trọng, hoàn toàn không đơn giản. Cần phải có chiến lược sao cho lợi cả đôi đường.
Đến nay, về hướng giữ gìn và phát triển loài voọc quý, một cán bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà cho chúng tôi biết, vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản hoặc động thái nào từ cấp trên để tổ chức thực hiện.
Công bằng mà nhìn nhận, chúng ta có thể xây resort cao cấp, sân golf mini, khu biệt thự sườn đồi, trung tâm ẩm thực, phim trường, đồi casino... ở nhiều nơi khác nhau để kinh doanh. Nhưng loài voọc quý thì không thể chọn địa bàn mà sinh sống.
Trong lúc, cả thế giới nhìn voọc chà vá chân nâu mà tiếc rẻ vì đất nước họ không có, thì chúng ta vô tình đang góp phần đẩy chúng đến gần hơn bờ vực tuyệt chủng bởi... những dự án trên