Phát hiện bất ngờ về tác dụng của lúa gạo

Thứ Ba, 17/07/2007, 16:19
Các nhà nghiên cứu Nhật  Bản mới đây cho biết, họ vừa chế ra một loại thuốc uống ngừa bệnh dịch tả nhờ lai tạo được một giống lúa có dược tính chống dịch tả, căn bệnh hiểm nghèo mà cho đến nay vẫn còn hoành hành tại nhiều quốc gia đang phát triển.

Nhóm chuyên viên người Nhật do Tiến sĩ Hiroshi Kiyono thuộc Đại học đường Tokyo làm trưởng nhóm cho biết, nếu kết quả thử nghiệm cho thấy giống lúa này thật sự có khả năng phòng bệnh, nông dân các nước nghèo trên thế giới rồi đây sẽ có một phương thuốc ngừa dịch tả vừa rẻ tiền mà lại rất hiệu nghiệm.

Thành quả của các nhà khoa học Nhật Bản mở ra viễn cảnh người dân sống ở những vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh sẽ không còn phải chờ chực nhân viên y tế về làng tiến hành công tác tiêm chủng như trước.

Tiến sĩ Hiroshi Kiyono cho biết, trong quá trình áp dụng phương pháp biến đổi di truyền để lai tạo giống lúa, nhóm của ông tìm ra một dòng lúa có chứa tính năng như thuốc ngừa bệnh dịch tả. Để biết dược tính giống lúa hiệu nghiệm được bao lâu, các nhà khoa học Nhật đã nghiền hạt gạo thành bột rồi đóng thành viên tròn hoặc trong những viên thuốc con nhộng và giữ ở nhiệt độ bình thường trong 2 năm.

Ông Hiroshi Kiyono tiết lộ thêm, cho đến nay, chuột là đối tượng đầu tiên đã được cho uống loại thuốc phòng bệnh bằng gạo này và kết quả cho thấy rất hiệu nghiệm. Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ còn cho cả khỉ uống thuốc để xem hiệu quả ra sao.

Ông nói rằng, dịch tả là căn bệnh mà ông đang nhắm tới. Dân chúng các nước giàu ngày nay rất hiếm khi mắc phải căn bệnh này. Chính vì vậy, hầu như chẳng còn nước nào để tâm đến việc bào chế thuốc ngừa dịch tả cho thật hiệu nghiệm.

Hiện nay, trong trường hợp mới bị dịch tả, bệnh nhân thường được uống thuốc nước có pha muối để bù lại lượng nước cơ thể bị mất do tiêu chảy. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, tỉ lệ tử vong có thể lên tới 50%.

Nhận thức được mối đe dọa của bệnh dịch tả tại các nước đang phát triển, Tiến sĩ Robert Zeigler, Giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tại Philippines, đã hoan nghênh thành quả của các khoa học gia Nhật Bản: “Lâu nay, thuốc nước pha muối vẫn được dùng để điều trị tiêu chảy. Nhưng đây là thuốc dành cho người đã bị dịch tả. Do đó, tôi nghĩ nếu như bây giờ có được một phương thuốc ngừa dịch tả ngay tại chỗ thì không còn gì bằng”.

Hiện nay, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hiroshi Kiyono hy vọng có thể áp dụng công nghệ biến đổi gien để tạo ra những dòng lúa chứa dược tính phòng ngừa nhiều chứng bệnh khác, như cảm cúm, ngộ độc thức ăn.

Tiến sĩ Zeigler cho rằng mặc dù lúc đầu, các cơ quan có thể phải đầu tư rất nhiều tiền của cho những công trình nghiên cứu biến đổi gien để tạo ra các giống lúa có khả năng phòng bệnh, rồi lại còn phải làm thành viên thuốc.

Tuy nhiên, về lâu về dài, nhờ không phải tốn những chi phí như tiền chở thuốc chích ngừa về làng, tiền điều hành các chiến dịch y tế thành ra lại hóa rẻ nhờ tiết kiệm được ngân quỹ

Đan Kô (theo New Science)
.
.