Phát hiện mang tính lịch sử: Đã tìm thấy mộ của Tào Tháo

Chủ Nhật, 03/01/2010, 15:55
Việc tìm thấy mộ của Tào Tháo đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên môn, nhất là sử học và khảo cổ, cũng như những người yêu thích lịch sử Trung Quốc. Tuyên bố hôm 27/12 vừa qua của cơ quan chức năng Trung Quốc đã vén bức màn bí ẩn xung quanh con người đầy huyền thoại Tào Tháo - người đã kết thúc vương triều nhà Hán (Đông Hán), tạo dựng nên nhà Ngụy.

Nhân vật tranh cãi trong lịch sử

Tuy sinh ra trong gia đình giàu có, nhưng không có tiếng tăm tại huyện Tiêu, Tào Tháo, tự Mạnh Đức, vừa là nhà quân sự thao lược, vừa là nhà thơ lớn, nhà chính trị nổi tiếng cuối đời Đông Hán. Trong dân gian truyền nhau câu chuyện, bố đẻ Tào Tháo mang họ Hạ, tên gọi Hầu Tung, nhưng vì là con nuôi hoạn quan Tào Đằng, một trong những thái giám có thế lực trong triều đình Đông Hán, nên ông đã đổi sang họ Tào (Tào Tung).

Việc nhiều danh tướng họ Hạ Hầu kéo về tụ nghĩa dưới trướng Tào Tháo cũng có nguyên nhân kể trên. Điều đáng nói là mặc dù sinh ra trong gia đình có bố làm con nuôi của thái giám, nhưng Tào Tháo lại liên thủ với Viên Thiệu giết các hoạn quan dưới triều Hán Hiến Đế.

Đường và cổng vào mộ Tào Tháo.

Ngay từ nhỏ, Tào Tháo tuy lười học, thích săn bắn, nhưng chơi bời phóng túng nên giao du rộng rãi. Khi lớn lên, Tào Tháo được Hứa Tử Tương đánh giá là gian hùng thời loạn, năng thần thời bình và thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Tuy mới ngoài 20 tuổi, nhưng Tào Tháo đã được Tư Mã Phòng, bố đẻ Tư Mã Ý tiến cử làm quan giữ thành Lạc Dương sau khi ông thi đỗ Hiếu liêm. Tào Tháo nổi tiếng thanh liêm và luôn tôn trọng luật pháp với phương châm "luật pháp bất vị thân". Mặc dù nổi tiếng một vùng vì phép trị nước nghiêm minh, nhưng tài trí của Tào Tháo chỉ thực sự bộc lộ sau khi Trương Giác phát động cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng năm 184.

Trải qua bao thăng trầm với Đổng Trác, Lã Bố, Vương Doãn... Tào Tháo lại nổi tiếng với việc giết Lã Bá Sa, ân nhân cứu mạng. Sau liên minh với Viên Thiệu, Viên Thuật, Trương Mạo, Tôn Kiên, Trương Tú... Tào Tháo lại quay ra tiêu diệt những người từng giúp mình có một đội quân hùng mạnh. Tuy phải căng mình chống lại bao mối nguy hiểm rình rập, nhưng Tào Tháo vẫn quyết định nghênh đón Hán Hiến Đế về Hứa Xương, nhờ đó ông "danh chính ngôn thuận" sai khiến các chư hầu, đánh lại những sứ quân khác.

Tào Tháo vẫn sử dụng Trần Lâm cho dù ông là người đã viết bài hịch sỉ nhục 3 đời nhà mình. Ngoài ra, Tào Tháo cũng rất quan tâm tới việc phát triển nông nghiệp bởi việc này có ảnh hưởng lớn tới khả năng cung ứng lương thực cho quân đội. Tào Tháo đã nhân danh Hán Hiến Đế để thực hiện chế độ đồn điền và chính sách này giúp giải quyết được "cái ăn" cho cả dân trong vùng, lẫn quân đội do ông đứng đầu.

Sau thua trận Xích Bích, Tào Tháo buộc phải "chia thiên hạ" với Lưu Bị và Tôn Quyền. Nhưng sau khi dẹp được Mã Siêu, Mã Đằng, Hàn Toại, Trương Lỗ... Tào Tháo được Hán Hiến Đế phong làm Vũ Bình hầu. Sau khi ép Hán Hiến Đế phong làm Ngụy Công (năm 213) và Ngụy Vương (216), Tào Tháo đã lập ra bộ máy điều hành riêng, bước chuẩn bị quan trọng để con trai Tào Phi cai quản nước Ngụy sau này.

Mặc dù mắc chứng đau đầu trong nhiều năm, nhưng Tào Tháo lại giết Hoa Đà, danh y thời đó (vì đa nghi) nên chẳng ai chữa nổi căn bệnh của ông. Sau khi Tào Tháo chết (15-3-220), Tào Phi đã ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, lập nên nhà Ngụy, đóng đô tại Lạc Dương. Sau khi xưng Ngụy Văn Đế, Tào Phi đã truy phong Tào Tháo là Thái tổ Vũ Hoàng Đế, tức Ngụy Vũ Đế.

Những đánh giá khác nhau

Tào Tháo (155-220) có rất nhiều vợ, nhưng chỉ có 6 bà được ghi vào sử sách cùng 25 người con. Trong số những người này có người thành danh trên chính trường (Tào Phi), có người trên văn đàn (Tào Thực). Tuy cả đời chinh chiến, nhưng Tào Tháo vẫn để lại cho hậu thế hơn 20 bài thơ và người đời sau đều đánh giá rất cao những tác phẩm của ông. Qua thơ của Tào Tháo, người ta hiểu được ý chí quật cường, cũng như tinh thần tiến thủ tích cực của ông. Có người nói, thơ Tào Tháo hào sảng, đầy khí phách của một kẻ hùng tài, đầy mưu lược. Có thể nói, Tào Tháo là người giỏi cầm - kỳ - thi - họa.

Trong một thời gian dài, Tào Tháo bị mọi người coi là gian hùng, nhưng quan niệm này đã và đang được xem xét dưới một góc độ khác. Có người nói rằng, nếu không gian hùng trong thời kỳ đó thì Tào Tháo không thể trụ vững và tạo dựng nhà Ngụy để con trai Tào Phi thụ hưởng. Và nếu không gian hùng, Tào Tháo khó lòng thoát chết trong những trận tưởng chừng mất mạng hoặc bị bắt đến nơi. --PageBreak--

Trung Quốc đã viết nhiều cuốn sách, dựng nhiều vở kịch, bộ phim nói về Tào Tháo, nhưng cuốn "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung được coi là hoàn chỉnh nhất. Mặc dù mô tả Tào Tháo là một gian thần ác độc, nhưng La Quán Trung vẫn phải dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất mỗi khi đề cập tới ông. Người đời sau biết về cuộc đời đầy sóng gió của Tào Tháo chủ yếu qua ngòi bút tài tình của La Quán Trung với cuốn "Tam Quốc diễn nghĩa" lưu truyền mãi tới ngày nay.

Cách đây khoảng 30 năm, trên văn đàn Trung Quốc xuất hiện khuynh hướng xem xét lại sự đánh giá đối với các nhân vật trong Tam Quốc. Theo đó, Tào Tháo đã trực tiếp góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển lịch sử Trung Hoa, đồng thời có nhiều công lao trong những cải cách xã hội thời kỳ bấy giờ. Tào Tháo chỉ xưng Vương, chưa bao giờ xưng Đế, nhưng quyền uy của ông không hề thua kém bất cứ vị vua nào. Mọi người đều thừa nhận, Tào Tháo là một chính trị gia xuất sắc, nhà lãnh đạo giỏi, nhà quân sự tài ba.

Nhà nghiên cứu Tào Hồng Toại từng coi Tào Tháo là nhà chính trị kiệt xuất thời phong kiến, xứng đáng được gọi là Anh hùng bởi ông đề cao tài trí, coi trọng năng lực, dũng cảm, mưu trí hơn người. Thi nhân Nguyễn Hiến Lê từng đánh giá thơ của Tào Tháo - dùng binh đã giỏi, thơ văn cũng hay. Học giả Dịch Quân Tả cũng đánh giá cao bài thơ "Đoản ca hành", được sáng tác ngay trong đêm xảy ra trận Xích Bích. Quan điểm nổi tiếng của Tào Tháo là "Ta thà phụ thiên hạ, chứ không để thiên hạ phụ ta". Cho tới nay, trong dân gian vẫn lưu truyền những câu thành ngữ "Đa nghi như Tào Tháo" và "Hễ nhắc Tào Tháo là Tào Tháo đến"...

Cuộc tìm kiếm đầy gian khó

Kể từ khi mất (15-3-220) đến nay đã có rất nhiều người tìm kiếm mộ Tào Tháo với những mục đích khác nhau. Dư luận từng truyền tai nhau chuyện một nhà buôn đồ cổ ở Ấn Độ từng thuê người đào mười mấy ngôi mộ được cho là của Tào Tháo, nhưng ông ta chỉ thu được một số đồ gốm sứ. Nhiều người từng căn cứ vào "thơ mộ Tào Tháo" để tìm mộ của ông, song bất thành. Người đời cũng đã truyền tai nhau nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh việc tìm kiếm mộ Tào Tháo, kể cả những điều khá hoang đường. Chẳng ai tìm được mộ Tào Tháo cho tới khi người phát ngôn của Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam tuyên bố tại cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm 27/12/2009. Theo đó, mộ Tào Tháo đã được tìm thấy tại thôn Tây Cao Huyệt, xã An Phong, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.

Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa tỉnh Hà Nam Tôn Anh Dân khẳng định, mộ Tào Tháo nằm gần với khu di tích của thành phố Lạc Dương, kinh thành của nhà Ngụy trước đây. Mộ Tào Tháo có hình chữ Giáp với tổng diện tích hơn 740m2. Ngôi mộ rộng 9,8m, nơi sâu nhất tới 15m, con đường dẫn vào mộ dài 39,5m. Theo các nhà sử học và khảo cổ học, với diện tích như trên, ngôi mộ được tìm thấy hoàn toàn tương xứng một lăng mộ của Hoàng đế và điều đó phù hợp với nơi an táng của Tào Tháo. Các nhà khảo cổ cũng khẳng định, ngôi mộ được tìm thấy được xây dựng từ thời Ngụy.

Ngoài ra, những di vật được tìm thấy trong mộ đã giúp giới chuyên môn càng vững tâm hơn khi đưa ra kết luận của mình. Người ta tìm thấy hơn 200 di vật bên trong ngôi mộ, trong đó có nhiều đồ vàng, bạc, đồng, gốm, binh khí. Những đồ tìm thấy như áo giáp, kiếm, rùa đá, gối đá... sẽ giúp các nhà sử học và khảo cổ học có thêm tư liệu để nghiên cứu về Tào Tháo. Trong số những di vật được tìm thấy, quan trọng nhất là 7 trong số 59 tấm bia đá được tìm thấy trong mộ bởi chúng có hàng chữ "Ngụy Vũ vương thường dùng cách hổ đại kích" - binh khí của Ngụy vương sử dụng. Những tấm bia đá được tìm thấy không những giúp cơ quan chức năng trong việc thẩm định, mà còn có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, để đưa ra thông báo và kết luận kể trên, cơ quan chức năng đã phải khẩn trương thẩm định sau khi tìm thấy ngôi mộ này. Phó Cục trưởng Tôn Anh Dân cho biết, các nhà sử học và khảo cổ đã khẳng định, 1 trong 3 thi thể (1 nam, 2 nữ) tìm thấy trong ngôi mộ được khai quật là của Tào Tháo. Thi thể này chết ở độ tuổi 60, phù hợp với thời gian Tào Tháo qua đời (65 tuổi). Riêng 2 thi thể phụ nữ (ở độ tuổi hơn 20 và hơn 40), người ta vẫn chưa xác định đó là ai. Nhiều giả thiết đã được đưa ra, tuy nhiên chưa được thẩm định và còn nhiều tranh cãi nên vấn đề này tạm gác lại.

Theo giới truyền thông, kể từ khi tìm thấy ngôi mộ này, cơ quan chức năng đã làm báo cáo lên Cục Di sản Văn hóa quốc gia để áp dụng những biện pháp bảo vệ nhằm chống lại sự thâm nhập của bọn mộ tặc.

Được biết, Cục Di sản Văn hóa quốc gia đã quyết định đưa ngôi mộ kể trên vào diện bảo vệ cấp nhà nước. Tuy bọn mộ tặc đã nhiều lần đột nhập và lấy đi khá nhiều đồ vật, nhưng những di vật được tìm thấy trong ngôi mộ vẫn đủ khẳng định, đây là nơi an táng của Tào Tháo.

Tào Tháo là vị vương đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc đưa ra quan niệm "bạc táng" - chôn cất đơn giản bởi khi còn nhỏ ông từng chơi với bọn mộ tặc và tận mắt thấy chúng cướp hết của cải tùy táng nên không muốn rơi vào thảm cảnh tương tự. Tào Tháo cũng đã sử dụng biện pháp xây mộ giả để bọn đào trộm mộ không biết đâu mà lần. Việc xây mộ giả còn xuất phát từ tính đa nghi của Tào Tháo.

Được biết, khi an táng có tới 72 cỗ quan tài cùng xuất phát từ 4 hướng đông, tây, nam, bắc khiến người dân và lính khiêng không ai biết quan tài nào quàn thi hài Tào Tháo. Có nhiều tài liệu nói rằng, số mộ giả không phải là 72, mà là 134. Tuy nhiên, giả thiết trên không thuyết phục. Cách đây 21 năm (1988), tờ Nhân dân nhật báo từng đăng bài "Bí ẩn 72 ngôi mộ giả của Tào Tháo đã bị khám phá"

Quỳnh Trang - Tuấn Cường (tổng hợp)
.
.