Phát hiện ung thư phổi bằng kiểm tra hơi thở

Thứ Bảy, 24/05/2014, 07:30

Ngày 27/4 vừa qua, trong một hội nghị do Hiệp hội Phẫu thuật lồng ngực Mỹ (AATS) tổ chức tại bang California, Mỹ, các nhà khoa học thuộc Trường đại học Y khoa Louisville đã công bố một phương pháp xét nghiệm ung thư phổi "rẻ tiền và có thể phát hiện chính xác những dấu vết đầu tiên của căn bệnh nguy hiểm này".

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Michael Bousamra II, thuộc đơn vị Tim mạch và phẫu thuật lồng ngực, Đại học Louisville, nhóm nghiên cứu sử dụng một vi mạch silicon đã được lập trình để thu thập mẫu hơi thở từ 88 người khỏe mạnh, 107 bệnh nhân ung thư phổi, 40 bệnh nhân có bệnh phổi lành tính và 7 bệnh nhân ung thư phổi di căn.

Kết quả cho thấy với những người đã bị ung thư phổi, trong hơi thở của họ có 4 chất cụ thể được gọi là các hợp chất cacbonyl (ECMS), còn những người bị bệnh phổi lành tính (viêm phổi, viêm phế quản phổi, lao phổi, tắc nghẽn phế quản phổi…) thì hơi thở của họ không có 4 chất này.

Ung thư phổi là loại bệnh mà nam giới mắc phải nhiều nhất, trong đó 90% là những người có tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 3 nhóm dân tộc lớn ở khu vực châu Á có nguy cơ ung thư phổi cao nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Bệnh thường bắt đầu bằng những cơn ho dai dẳng, không dứt, kể cả khi đã uống thuốc ho.

Tiếp theo, người bệnh thở rất khó khăn, thở gấp, nhất là khi nằm ngửa, giọng nói khàn, sụt cân, thường xuyên bị viêm phổi. Nếu không được chữa trị kịp thời, khối u trong phổi sẽ lớn dần và di căn đến những bộ phận khác, người bệnh sẽ ho ra máu, suy kiệt, đau đớn và tử vong...

Ung thư phổi sẽ được phát hiện dễ dàng, chính xác và rẻ tiền hơn nhờ thiết bị kiểm tra hơi thở.

Hiện tại, các phương pháp tầm soát ung thư phổi vẫn là chụp X-quang, chụp CT cắt lớp hình xoắn ốc, xét nghiệm dịch phổi, nội soi phế quản và làm sinh thiết tế bào phổi.

Tuy nhiên, theo ông Bousamra II thì: "Với thiết bị kiểm tra hơi thở, nếu phát hiện có 3 hoặc 4 ECMS thì chắc chắn 95% là họ đã bị căn bệnh này. Điều đó mở ra một hướng chẩn đoán mới, rẻ tiền hơn và đáng tin cậy hơn". 

Trong một diễn biến khác, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Cambridge của Anh cho biết, họ đã phát minh ra một môđun gắn vào ĐTDĐ để kiểm tra một số bệnh ung thư. Tiến sĩ Owlstone thuộc nhóm nghiên cứu mang tên Billy Boyle nói: "Hãy tưởng tượng rằng bạn chỉ cần thổi vào ĐTDĐ của bạn là bạn sẽ biết ngay mình có bị ung thư hay không".

Nhóm Billy Boyle ra đời cách đây 10 năm bởi 3 sinh viên tốt nghiệp ngành kỹ thuật điện toán. Công trình đầu tiên của họ là sáng chế thiết bị giúp các công ty khai thác dầu mỏ phát hiện ô nhiễm, và thiết bị giúp các cơ quan chống khủng bố nhận ra dấu vết của chất nổ. Cách đây 18 tháng, người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Boyle quyết định chuyển hướng sang lĩnh vực y tế sau khi bạn gái của mình là Kate được chẩn đoán bị ung thư đại tràng giai đoạn 4.

Theo Boyle: "Nếu phát hiện ở giai đoạn 1, cơ hội sống sót là 90%, nhưng ở giai đoạn 4 thì chỉ còn 6%”.

Cũng như máy kiểm tra hơi thở của Đại học Y khoa Louisville, thiết bị của nhóm Billy Boyle bao gồm một vi mạch được lập trình để nhận ra các chất có trong hơi thở ở mức cực kỳ thấp - nồng độ 1/1.000 tỉ.

Boyle nói rằng: "Một trong số những chất này được chúng tôi gọi là dấu vân tay của bệnh ung thư. Nó giúp bác sĩ phân biệt dễ dàng đâu là người bị ung thư đại tràng và đâu là người bị viêm đại tràng, đâu là ung thư phổi và đâu là bệnh tắc nghẽn phế quản mạn tính".

Vẫn theo Boyle, tỉ lệ sai sót của các chẩn đoán hiện nay vẫn ở mức cao. Nhiều người được chỉ định nội soi để kiểm tra khối u trong lúc khối u không tồn tại. Boyle tin rằng thiết bị của nhóm sẽ cung cấp một kết quả có độ chính xác gần như tuyệt đối, tránh cho bệnh nhân phải làm những xét nghiệm không cần thiết.

Sau khi nhóm Billyy Boyle công bố phát minh này, Cơ quan dịch vụ y tế Anh đã quyết định tài trợ kinh phí cho họ để hoàn thiện các chức năng của máy kiểm tra hơi thở. Boyle cho biết dự kiến trong 2 năm nữa, thiết bị kiểm tra hơi thở tầm soát ung thư sẽ được sử dụng rộng rãi trên toàn nước Anh

Hòa Cao (theo The Health)
.
.