Phật không dạy những điều như trong clip ở chùa Ba Vàng…
- Họp báo vụ phát ngôn của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong tại chùa Ba Vàng
- Tạm dừng hoạt động website của chùa Ba Vàng
- Thành phố Uông Bí yêu cầu chùa Ba Vàng chấm dứt các hoạt động sai Luật Tôn giáo
- Nhiều vị tăng ni chùa Ba Vàng từng bỏ đi vì bất bình1
Ngày 21-3, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có công văn gửi tới Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh về sự việc đang gây ra làn sóng bất bình trong dư luận này, trong đó yêu cầu: “Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng, cũng như có hình thức kỉ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng gây mê tín, dị đoan”.
Buổi trụ trì chùa Ba Vàng pháp thoại cùng hàng nghìn phật tử về vấn đề một số thông tin báo chí nêu tối ngày 21-3. |
Mang danh nhà chùa để làm nhục người khác
Sự việc bắt đầu ầm ĩ từ khi bà Phạm Thị Yến (sinh năm 1970), thường được gọi là “cô Yến” được coi là một phật tử của chùa Ba Vàng, bắt đầu được đăng đàn thuyết giảng tại chùa với nhiều chủ đề khác nhau về “luân hồi nghiệp báo”. Đỉnh điểm, trước hàng trăm phật tử, bà này giải thích về vụ án cô gái đưa gà bị giết hại ở Điện Biên vào dịp Tết Kỷ Hợi theo một cách vô cùng tiêu cực.
Chưa hết, người đàn bà này còn mang nỗi đau ấy ra mổ xẻ bằng sự chủ quan, phản khoa học và cái nhìn mang tính phi đạo đức, sặc mùi mê tín dị đoan, khiến cộng đồng tức giận, bất bình. Càng tiếc thương nữ sinh xấu số đã bị những con quỷ đội lốt người giết hại trước đêm giao thừa, thì càng phẫn uất hơn trước người mang danh nghĩa nhà chùa nơi cửa Phật từ tâm lại cố tình xuyên tạc sự việc. Điều đáng nói là “cô Yến” đưa những bài thuyết pháp mang tính chất truyền bá, kích động của mình lên các trang mạng xã hội nơi có hàng chục nghìn người theo dõi.
“Cô Yến” có pháp danh là Tâm Chiếu Hoàn Quán. Năm 2009, được sự đồng ý của trụ trì chùa Ba Vàng, “cô Yến” thành lập và làm chủ đạo tràng Từ Tâm. Tuy không phải là người xuất gia, và cũng không giữ chức vụ cụ thể nào tại chùa Ba Vàng nhưng “cô Yến” lại nghiễm nhiên xuất hiện tại các buổi toạ đàm thuyết pháp trong nhà chùa với vai trò người thuyết giảng. Để quảng bá cho bài giảng của mình, “cô Yến” đã tận dụng các kênh truyền thông qua mạng xã hội và cả một website mang tên mình, có một lượng theo dõi rất lớn.
“Cô Yến” luôn lí giải về việc bị bệnh của các nạn nhân, đưa các clip được công khai đăng trên trang website của mình và nhà chùa và tung lên mạng. Ở một clip khác, ngay giữa chánh điện, trước hàng trăm sinh viên, có một nữ sinh có biểu hiện lạ khi cổ cứ lắc lư mãi, “cô Yến” giải thích rằng nữ sinh này bị vong nhập, do 9 kiếp trước cô nữ sinh này cùng với một bạn gái (nay người bạn gái ấy chính là cái vong đi theo) dùng nhan sắc của mình chòng ghẹo, lôi kéo người xuất gia vào con đường tình ái dục lạc(?)
Bà Phạm Thị Yến đăng đàn thuyết pháp về “luân hồi nghiệp báo" tại chùa Ba Vàng. |
Trong clip, “cô Yến” cũng khuyên các nữ sinh khác không được đánh phấn, bôi son khi vào chùa, nếu không sẽ nhận quả báo. “Cô Yến” còn đưa ra những bình luận ác khẩu về các chiến sĩ cách mạng hy sinh nơi chiến trường, căn bệnh ung thư, bệnh tự kỷ, bệnh down... bằng những lập luận vô căn cứ. Sự việc này cũng dấy lên một làn sóng phẫn nộ với những thân nhân của gia đình bệnh nhân và dư luận.
Điều đáng nói, những bình luận ác ý đó là nhằm để hướng người nghe đến việc “giải nghiệp” bằng tiền cúng dường đưa vào nhà chùa. Trong clip ghi được có đoạn: “Bị ung thư vú do 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này vong về oán phải bị bệnh. Muốn khỏi phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng… Kinh doanh ế ẩm do 36 kiếp trước tạo ác nghiệp nên kiếp này vong phá không cho làm, muốn yên ổn thì phải cúng dường công đức 6,8 triệu đồng… Đau xương khớp do bốn kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng...”.
“Cô Yến” nói nữ sinh này bị vong nhập do 9 kiếp trước chòng ghẹo sư trụ trì (?!) |
Lại có những clip quay thể hiện là vong lên nói sẽ đóng tiền vào công đức cho chùa để giải bệnh, giải nghiệp(!). Có những clip ghi lại hình ảnh nhà chùa thu tiền theo yêu cầu của vong, vong bảo đóng bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu, từ vài triệu cho đến vài chục triệu và tuỳ từng bệnh.
Điều đáng nói là hành động ngông cuồng và lời nói hoang đường của “cô Yến” lại được nhà chùa ủng hộ. Ngày mồng 8 âm lịch hàng tháng, chùa Ba Vàng tổ chức khoá tu “Bát quan trai giới” và còn là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu. Đến hẹn lại lên, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày tại ngôi chùa nức tiếng này diễn ra thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng nghìn người tới tham dự.
Sư trụ trì nói gì?
Chiều tối ngày 21 - 3, sư trụ trì chùa Ba Vàng - Đại đức Thích Trúc Thái Minh có buổi nói chuyện trước hàng trăm phật tử và hàng chục nhà báo xác nhận video phản ánh cúng oan gia trái chủ, sư trụ trì cho rằng không phải do nhà chùa yêu cầu mà do phật tử tự nguyện cúng dường theo nguyện vọng của vong. Buổi nói chuyện được phát trực tiếp trên trang facebook và website của chùa.
Trong buổi nói chuyện, Đại đức đã đưa ra nhận định: “Có kẻ ganh ghét, đố kị nhà chùa”. Theo vị tu hành này, thì “Vong đi theo con người báo thù rất nhiều. Nó khiến chúng ta bị bệnh tật, vợ chồng bất hoà, mâu thuẫn, con cái bệnh tật. Chúng ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra”(!).
Hình ảnh được cho là trong một cuộc “gọi vong” tại chùa Ba Vàng. |
Đây không phải là lần đầu tiên sư trụ trì chùa Ba Vàng đưa ra những lời nói như thế này, trên trang website của nhà chùa trước đó, từ nhiều năm nay đã có những phát ngôn này của sư trụ trì trước sự chứng kiến của rất nhiều các phật tử từng nhiều lần xem bệnh, thỉnh vong. Mang tâm lý có bệnh thì vái tứ phương nên đã không ít người đến chùa Ba Vàng với hi vọng được cứu giúp. Một lượng tiền bạc không hề nhỏ từ khắp nơi đã đổ về đây.
Và người ta đặt ra câu hỏi số tiền ấy đi về đâu?! Nhà sư trụ trì phủ nhận: “Thông tin nhà chùa có trăm tỉ mỗi năm là không chính xác”. Ông giải thích việc số tiền cúng dường Tam Bảo được dùng vào việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông, in ấn sách và băng đĩa, đi làm việc từ thiện.
Giáo lý nhà Phật không có gọi hồn, thỉnh vong
Tuy nhiên, Hoà thượng Thích Gia Quang, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Câu chuyện gọi vong, trừ vong hoàn toàn không có trong giáo lý nhà Phật. Phật giáo quan niệm con người có thể cải được nghiệp bằng hành thiện, tu thân, tích đức, chứ không phải trao đổi bằng tiền”.
Thượng toạ Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải thích: “Làm gì có ai biết được quá khứ của mình như thế nào? Tôi cũng không thể biết được quá khứ của tôi. Biết được quá khứ của chúng ta chỉ có chư Phật và các vị Bồ Tát. Chính vì thế Phật giáo dạy tu hành, thiện căn tốt, duyên tốt thì sẽ chuyển hoá. Giáo lý nhà Phật hoàn toàn không có chuyện thỉnh vong hay giải oan nghiệt gì cả. Phật không hề dạy những điều như chùa Ba Vàng đang thực hiện”.
Thượng toạ Thích Đức Thiện còn cho biết thêm: “Xuyên suốt trong giáo lý nhà Phật là thuyết luân hồi, nghiệp quả. Con người cấu thành bởi năm yếu tố còn được gọi là Ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trong đó, theo quy luật của Phật giáo, khi kết thúc đời sống thì phần vật chất tan ra. Còn thọ, tưởng, hành, thức chịu sự chi phối của nghiệp lực và luân hồi.
Chính vì thế mọi thứ đều do tâm thức tạo ra, ý dẫn đầu các pháp. Nghiệp do chịu sự chi phối của nhân quả. Nghiệp là hành động tạo tác, có nghiệp tốt và nghiệp xấu, nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Nhưng tất cả đều do hành động và ý của mình mà thành. Cho nên con người chúng ta là chủ chuyển hoá nghiệp của mình, không ai có thể giải nghiệp hộ được, kể cả chư Phật, Bồ Tát.”
Đưa ra nhận xét của mình về vấn đề thỉnh vong, gọi hồn ồn ào tại chùa Ba Vàng, Thượng tọa nói: “ Tôi không tham dự nghi lễ trực tiếp tại chùa Ba Vàng, nhưng có xem clip trên báo chí. Qua clip tôi thấy có nhiều vấn đề”.
Thượng toạ vô cùng bức xúc về việc nữ sinh viên bị sát hại ở Điện Biên đầu năm vừa rồi bị đưa ra để giải thích cho hiện tượng oan gia trái chủ là không thể chấp nhận được: “Điều đó không đúng với tôn chỉ và giáo lý nhà Phật, trái với đạo đức xã hội. Tất cả chúng ta đều cảm thấy đau thương với một con người bị giết hại dã man. Lấy cái mơ hồ của kiếp trước để cho là oan của kiếp này là ngụy biện cho hành động tàn bạo trong xã hội”.
Thiết nghĩ, sự việc trên ở chùa Ba Vàng, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có kết luận và xử lý nghiêm minh.
Công văn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh yêu cầu xử lý sai phạm “Ngày 20-3-2019 trên các báo và phương tiện truyền thông có những bài viết phản ánh về sự việc chùa Ba Vàng truyền bá “chuyện vong báo oán” gây xôn xao dư luận, gây ra nhiều ý kiến bàn luận trong xã hội làm ảnh hưởng đến Phật giáo và GHPGVN. Chiều 20-3-2019, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản chỉ đạo UBND TP Uông Bí và các sở, ban ngành chức năng của tỉnh làm rõ sự việc mà báo chí đã nêu.
Văn phòng Hội đồng Trị sự GHPGVN đã nhận được nhiều liên hệ từ phóng viên các báo, đài đề nghị trả lời về việc này. Do đó, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đề nghị Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh để kiểm điểm làm rõ sự việc, có báo cáo bằng văn bản gửi gấp về Văn phòng Trung ương GHPGVN để có cơ sở trả lời các báo đài. Đồng thời, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cần thực hiện chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng, cũng như có hình thức kỉ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng gây mê tín, dị đoan”. |